Thế Giới

Pháp: Nghi can chính trong vụ nổ súng bị diệt

Thursday, 13/12/2018 - 09:32:51

Hội chợ Giáng Sinh, vốn là địa điểm thu hút du khách nổi tiếng của thành phố cổ Strasbourg, được mở cửa lại vào thứ Sáu.

STRASBOURG – Tay súng sát hại 3 người tại Hội chợ Giáng Sinh ở thành phố Strasbourg, Pháp, đã bị tiêu diệt hôm thứ Năm trong cuộc đấu súng ngắn với cảnh sát, sau khi đào tẩu suốt 48 giờ. Cherif Chekatt, 29 tuổi, bị bắn chết tại khu vực Neudorf/Meinau của thành phố Strasbourg, không lâu sau khi cảnh sát mở một chiến dịch lớn tại đây lúc khoảng 9 giờ tối thứ Năm, giờ địa phương, cách hội chợ nơi bị Chekatt tấn công khoảng 2 cây số. Chekatt đã bắn vào cảnh sát và thiệt mạng khi bị cảnh sát bắn trả.
Bộ Trưởng Nội Vụ Christophe Castaner nói với phóng viên rằng, 3 cảnh sát đã phát hiện một người đàn ông mà họ tin là Chekatt, nên tiến tới để bắt giữ hắn ta. Tuy nhiên, Chekatt đã bắn vào các cảnh sát, khiến họ phải bắn trả và giết chết nghi can. Trước tin tức về việc Chekatt bị tiêu diệt, Thị Trưởng Strasbourg Roland Ries nói: “Tôi nghĩ điều này sẽ giúp cuộc sống trong thành phố trở lại bình thường. Cái chết của tay khủng bố sẽ khiến các công dân, giống như tôi, nhẹ nhõm.” Các ký giả gần hiện trường đã nghe từ 3 đến 4 tiếng súng, sau khi các đơn vị đặc nhiệm mở chiến dịch truy tìm tại đây.
Số người chết trong vụ nổ súng hôm thứ Ba đã tăng lên 3 người, trong khi 3 người khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Vào thứ Năm, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tuyên bố rằng Chekatt là một trong các chiến binh của chúng, nhưng không đưa ra được bằng chứng cho tuyên bố này. Hội chợ Giáng Sinh, vốn là địa điểm thu hút du khách nổi tiếng của thành phố cổ Strasbourg, được mở cửa lại vào thứ Sáu.

Hòa Lan từ chối trả tượng Phật chứa xác ướp 1,000 năm
AMSTERDAM - Trong phiên điều trần ngày thứ Tư, tòa án ở Hòa Lan đã bác đơn kiện đòi trao trả bức tượng Phật 1,000 năm tuổi của nhóm dân làng Trung Quốc, với lý do họ "không được coi là tổ chức pháp lý, vì vậy tuyên bố của họ không có hiệu lực.”
Trong bức tượng Phật, được dân làng Trung Quốc gọi là "tộc trưởng Chương Công," có chứa xác ướp của một nhà sư sống vào triều Tống (960-1279). Bức tượng này được cho là bị mất tích khỏi ngôi làng từ tháng 12, 1995. Vụ kiện đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới, khi những người đại diện cho làng Dương Xuân, phía đông nam Trung Quốc, bắt đầu đòi trao trả bức tượng vào 3 năm trước, sau khi họ nhìn thấy bức tượng được trưng bày tại Hungary qua truyền hình.
Dân làng nói rằng tượng "tộc trưởng Chương Công" được đặt trong ngôi đền của làng và được thờ cúng 1,000 năm trước khi mất tích. Bức tượng sau đó được nhà sưu tầm người Hòa Lan Oscar van Overeem mua lại. Nhóm dân làng Dương Xuân đã nhờ cảnh sát Trung Quốc và các viên chức ngành văn hóa giúp thu thập bằng chứng chống lại ông Van Overeem, cáo buộc ông đã mua bức tượng ở Hong Kong năm 1996. Tuy nhiên, trong phiên điều trần tại tòa án ở Amsterdam vào tháng 10, ông van Overeem đã bác bỏ các cáo buộc này.
Trước đó, ông van Overeem đã đồng ý trả bức tượng, nhưng không phải cho ngôi đền của làng Dương Xuân mà cho một ngôi chùa Trung Quốc lớn hơn, với điều kiện ông phải được trả $20 triệu Mỹ kim tiền bồi thường. Trong phiên điều trần vào tháng 7, ông van Overeem cho biết ông đã trao đổi với một nhà sưu tầm Trung Quốc để có bức tượng vào năm 2015, tuy nhiên ông không tiết lộ thông tin về người này.

Kim Jong-un không thăm Nam Hàn trong năm nay
SEOUL - Ông Yoon Young-chan, cố vấn cấp cao của Tổng Thống Nam Hàn, hôm thứ Năm cho biết chuyến thăm Seoul của Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un "rất khó" diễn ra trong năm nay. Tại hội nghị lần thứ ba ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và ông Kim đã đồng ý rằng lãnh đạo Bắc Hàn sẽ thăm Seoul "trong tương lai gần.” Tổng Thống Moon sau đó khẳng định ông Kim sẽ tới Nam Hàn "trong năm nay.” Tuy nhiên, chuyến thăm cuối cùng không diễn ra như dự kiến.
Dù vậy, ông Yoon Young-chan tin rằng ông Kim có thể thăm Nam Hàn vào đầu năm sau. Nếu Kim Jong-un đến Seoul, ông sẽ là chủ tịch đầu tiên của Bắc Hàn đến thăm miền nam từ khi Chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Giới chuyên gia nhận xét, Kim Jong-un hoãn chuyến thăm Nam Hàn do các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ bị trì hoãn và những lo ngại về "việc sắp xếp an ninh" ở Nam Hàn. Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều không có bước đột phá nào sau hội nghị đầu tiên giữa Tổng Thống Donald Trump và Kim Jong-un hồi tháng 6.
Ông Kim và Tổng Thống Moon đã thực hiện nhiều hành động giảm căng thẳng quân sự và tăng cường quan hệ trong năm nay. Tuy nhiên, việc khởi động các dự án hợp tác kinh tế giữa hai nước gặp nhiều khó khăn, vì Hoa Kỳ tuyên bố sẽ duy trì các lệnh trừng phạt với Bắc Hàn cho đến khi nước này hoàn toàn giải trừ hạt nhân.

Tàu tốc hành Thổ Nhĩ Kỳ tông cầu đi bộ, 9 người chết
ANKARA - Một đoàn tàu tốc hành Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm đã va chạm với một đầu tàu, khiến đoàn tàu bị lệch hướng và đâm trúng vào cầu đi bộ, làm 9 người thiệt mạng và 46 người bị thương. Truyền thông địa phương đưa tin, sự việc xảy ra lúc 6 giờ 30 sáng giờ địa phương, khi đoàn tàu đang di chuyển từ thủ đô Ankara tới tỉnh Konya. Đoàn tàu đã tông vào một đầu tàu trên đường rầy, sau đó lao thẳng cầu đi bộ ở nhà ga Marsandiz, Ankara, khiến 9 người chết và 46 người bị thương.
Sau vụ tai nạn, cầu đi bộ bị sập hoàn toàn, cách mảnh vỡ nằm la liệt trên mặt đất, còn các toa tàu hư hại nghiêm trọng. Có ít nhất 2 toa tàu đã trật bánh. Các phần của cầu đi bộ kẹt chặt trên đầu đoàn tàu sau vụ va chạm mạnh. Ngoài việc cứu nạn, chính quyền Ankara cũng đã gởi một nhóm điều tra tới hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân tai nạn.
Hiện chưa có thông tin về tốc độ của đoàn tàu khi tai nạn xảy ra. Hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng chứng kiến một vụ tai nạn xe lửa kinh khủng không kém, với 10 người chết và 70 người bị thương, sau khi một đoàn tàu bị trật bánh do mưa lớn lâu ngày khiến đường rầy bị hư.

Mục sư Trung Quốc bị bắt vì bị cấm truyền đạo
THÀNH ĐÔ - Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hàng chục tín đồ và lãnh đạo của giáo hội Hội Thánh Mưa Sớm tại thành phố Thành Đô, trong cuộc bố ráp vào cuối tuần trước. Nhà chức trách đã khám xét các văn phòng, nhà ở trong cùng một chủng viện, một trường mẫu giáo, và một trường tôn giáo có liên quan đến giáo hội này. Giáo hội Tin Lành Hội Thánh Mưa Sớm không ghi danh hoạt động với chính quyền địa phương.
Mục sư trưởng Wang Yi bị tạm giam với cáo buộc "kích động lật đổ chính quyền,” nhưng ông Wang báo bỏ mọi cáo buộc, theo truyền thông đưa tin ngày thứ Năm. Trước khi trở thành mục sư, ông Wang tự nhận là nhà hoạt động nhân quyền và học giả nghiên cứu về hiến pháp. Năm 2006, ông Wang từng có cuộc gặp với Tổng Thống George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc.
Trung Quốc nói rằng nước này bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng tất cả các nơi thờ phụng phải ghi danh và chịu sự giám sát của chính quyền. Tuy nhiên, rất nhiều giáo hội Thiên Chúa giáo không ghi danh hoạt động vì sợ bị chính quyền khống chế. Phần lớn các giáo hội không ghi danh tại Trung Quốc đều hoạt động bí mật. Tuy nhiên, Hội Thánh Mưa Sớm lại hoạt động công khai với các bài giảng được đăng online và các buổi truyền đạo trên đường phố. Giáo hội này có khoảng 500 tín đồ, các cuộc tụ họp hàng tuần diễn ra tại hơn 10 địa điểm ở Thành Đô, thu hút khoảng 800 người tham gia. Vào tháng 9 vừa qua, cảnh sát Bắc Kinh đã đóng cửa nhà thờ Zion, một trong những nhà thờ Tin Lành lớn nhất Trung Quốc với hơn 1,500 tín đồ.

Trung Quốc xác nhận tạm giam công dân Canada thứ hai
LIÊU NINH – Trang web chính thức của chính quyền tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, hôm thứ Năm cho hay, Sở an ninh quốc gia thành phố Đan Đông đã mở cuộc điều tra đối với công dân Canada Michael Spavor từ ngày 10 tháng 12, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Chính phủ Canada trước đó nói rằng ông Spavor đã mất tích và họ không thể liên lạc với ông, kể từ sau khi ông Spavor thông báo với họ về việc bị nhà chức trách Trung Quốc thẩm vấn. Ông Spavor đang quản lý một công ty có trụ sở ở Trung Quốc, chuyên tổ chức các chuyến du lịch, làm việc, và tham gia sự kiện thể thao ở Bắc Hàn.
Vài ngày trước, cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig đã bị bắt trong một chuyến đến Bắc Kinh, với lý do rằng ông bị nghi ngờ vi phạm luật quản lý các tổ chức phi chính phủ. Các viên chức Canada cho biết, họ nhận được thông báo chính thức về vụ bắt giữa ông Kovrig qua fax vào ngày 10 tháng 12. Tuần trước, Canada đã bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Hoa Kỳ, do bà này bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Bà Mạnh được tòa Canada cho tại ngoại sau khi đóng $7.5 triệu Mỹ kim tiền bảo lãnh, trong thời gian chờ quyết định dẫn độ sang Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng, việc Trung Quốc tạm giam 2 công dân Canada là hành động trả đũa chính quyền Ottawa.

Các bên tham chiến tại Yemen đạt thỏa thuận ngừng bắn
THỤY SỸ - Chính phủ Yemen và các lực lượng nổi dậy vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc nội chiến đang khiến đất nước này lâm vào "nạn đói tồi tệ nhất lịch sử nhân loại.” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Năm cho biết, chính phủ Yemen và đại diện các lực lượng nổi dậy đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho thành phố Hodeidah, tâm điểm xung đột quân sự trong thời gian qua tại Yemen.
Ông Guterres nói, thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên bao gồm việc đưa một lực lượng trung lập tới Hodeidah, đồng thời thiết lập một hành lang nhân đạo tới thành phố, trong bối cảnh hàng triệu người đang sống trong cảnh thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men. Dự kiến, các bên sẽ mở vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 1, 2019. Nội dung chi tiết về thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Yemen - do Ả Rập Saudi ủng hộ, và phiến quân Houthi - được Iran hậu thuẫn, vẫn chưa được công bố. Trước đó, một số nguồn tin cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận mở lại phi trường Sana'a sau nhiều tháng bị Ả Rập Saudi phong tỏa, trao đổi tù nhân, và khôi phục việc nhập cảng dầu và khí đốt tới Hodeidah.
Cảng Hodeidah là đầu mối tiếp nhận lương thực và hàng cứu trợ tại Yemen. Đất nước này rơi vào nội chiến từ tháng 3, 2015, khi phiến quân Houthi đối đầu với chính phủ và giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa. Cuộc khủng hoảng nhanh chóng leo thang khi liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu ủng hộ phe chính phủ, trong khi Iran hỗ trợ vũ khí và tài chính cho phe Houthi. Cuộc nội chiến tại Yemen đã khiến khoảng 20,000 người thiệt mạng. Nạn đói cũng cướp đi sinh mạng của khoảng 50,000 người và đe dọa sự sống của khoảng 14 triệu người khác.

Trung Quốc bỏ qua kế hoạch Made in China 2025
BẮC KINH - Chính quyền Trung Quốc có vẻ như đang giảm tốc độ kế hoạch phát triển công nghệ cao Made in China 2025, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đàm phán với Washington để giảm căng thẳng thương mại. Bản hướng dẫn mới do Bắc Kinh gởi tới các chính quyền địa phương đã không nhắc đến kế hoạch Made in China 2025, vốn là kế hoạch được soạn thảo để giúp Trung Quốc đuổi kịp các đối thủ trong ngành công nghệ cao, và đã được quảng bá mạnh mẽ từ năm 2015.
Đây là chiến lược cốt lõi của Trung Quốc trong mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu vào năm 2050, và vượt qua sự áp đảo của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như sản xuất bán dẫn, robot, không gian, xe hơi dùng năng lượng sạch, và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự hỗ trợ công khai của nhà nước Trung Quốc cho các hãng nội địa đã dẫn đến phản ứng gay gắt từ phương Tây và Hoa Kỳ.
Trong bản hướng dẫn 2016, Hội đồng nhà nước Trung Quốc yêu cầu các chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện kế hoạch Made in China 2025. Tuy nhiên, trong bản hướng dẫn mới nhất, được truyền thông Trung Quốc đưa tin hôm thứ Tư, kế hoạch 2025 hoàn toàn bị bỏ qua. Bản hướng dẫn này chỉ kêu gọi thúc đẩy xuất cảng hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo truyền thông Hoa Kỳ dự đoán, Trung Quốc đang định thay Made in China 2025 bằng một kế hoạch mới, giảm bớt mục tiêu thống trị ngành công nghệ, và mở cửa nhiều hơn cho các hãng nước ngoài. Theo Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross, rõ ràng là Trung Quốc đã tránh nhắc tới kế hoạch 2025 do sự phản đối của Washington và các nước khác, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ từ bỏ kế hoạch.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT