Thế Giới

Pháp hoãn tăng thuế xăng sau bạo loạn

Tuesday, 04/12/2018 - 08:40:19

Theo giới phân tích, chính sách tăng thuế của ông Macron chỉ là "giọt nước tràn ly," làm bùng phát sự tức giận lâu năm của người dân Pháp đối với các vấn đề kinh tế, xã hội khác

PARIS - Sau cuộc bạo loạn dữ dội tại thủ đô, Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe hôm thứ Ba tuyên bố chính phủ sẽ hoãn kế hoạch tăng thuế xăng trong vòng 6 tháng, đồng thời tạm ngưng việc tăng giá khí đốt và điện trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, 2019. Việc thắt chặt các tiêu chuẩn đánh giá xe hơi để xử phạt những chiếc xe cũ gây ô nhiễm nặng cũng bị hoãn lại 6 tháng.
"Chỉ có người điếc hoặc mù mới không nhận ra sự phẫn nộ này. Người dân Pháp muốn giảm thuế để bớt gánh nặng trong cuộc sống. Đó cũng là điều chúng tôi muốn. Nếu tôi không giải thích được vấn đề và chính phủ không thể thuyết phục được người Pháp, điều gì đó phải thay đổi,” Thủ Tướng Philippe nói.
Sự nhượng bộ của chính phủ Pháp được đưa ra sau khi hàng chục ngàn người của phong trào biểu tình “Áo vàng” tụ tập ở thủ đô Paris và nhiều thành phố khác, nhằm kêu gọi Tổng Thống Emmanuel Macron giảm thuế xăng dầu và điều chỉnh chính sách kinh tế. Cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 17 tháng 11, khiến 3 người chết, 260 người bị thương và hơn 400 người bị bắt, gây thiệt hại khoảng $3.4 đến $4.5 triệu Mỹ kim.
Thủ Tướng Philippe nói thêm rằng bất cứ cuộc biểu tình nào trong tương lai cũng nên được báo trước và mọi người cần "giữ bình tĩnh.” Phong trào "áo vàng" khiến mức tín nhiệm của ông Philippe giảm 10 điểm so với tháng trước, xuống 26%, trong khi mức tín nhiệm của Tổng Thống Emmanuel Macron chỉ còn 23%.
Tổng Thống Macron ban đầu tỏ ra cứng rắn với người biểu tình. Vào ngày Chủ Nhật, ông Macron đã nói rằng “không một lý do nào có thể biện hộ cho việc các cửa hàng bị cướp bóc, người qua đường hay các nhà báo bị đe dọa, còn Khải Hoàn Môn thì bị phá hoại.” Khi đó, tổng thống Pháp khẳng định việc tăng giá xăng dầu là điều cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu. Theo giới phân tích, chính sách tăng thuế của ông Macron chỉ là "giọt nước tràn ly," làm bùng phát sự tức giận lâu năm của người dân Pháp đối với các vấn đề kinh tế, xã hội khác

Bồ Đào Nha muốn tăng hợp tác với Trung Cộng
LISBON - Vào thứ Ba, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm cấp quốc gia tại Bồ Đào Nha, và được đón tiếp bằng nghi thức cao nhất của quân đội. Trong chuyến thăm 24 giờ của ông Tập tại thủ đô Lisbon, chính phủ Bồ Đào Nha hy vọng Bắc Kinh sẽ đồng ý đầu tư vào cảng biển lớn nhất Atlantic của nước này, và giúp mở rộng hãng năng lượng quốc gia Energias de Portugal ở nước ngoài.
Bồ Đào Nha đã gần như bị phá sản vào năm 2011, và được giải cứu bởi các đối tác trong nhóm 19 nước sử dụng đồng euro. Do đó, nước này đang rất các khoản đầu tư của Trung Quốc để ổn định về tài chính.
Tuy nhiên, các quốc gia khác tại châu Âu đang rất khó chịu về khả năng chính phủ Lisbon có thể ký kết hiệp ước với Trung Cộng về Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn có tham vọng nối liền châu Á với châu Âu và xa hơn. Các nước châu Âu cho rằng, chiến lược của Bắc Kinh có thể gây chia rẽ trong tổ chức EU.
Ngoại Trưởng Bồ Đào Nha Augusto Silva vào đầu năm nay từng nói rằng, nước này rất quan tâm tới các dự án hạ tầng nhiều tỷ Mỹ kim của Trung Quốc, và muốn tham gia vào việc “thiết lập một Con đường tơ lụa mới trên biển.” Ngoài ra, Thủ Tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng cho biết, chính phủ của ông sẽ không ngăn cản việc Trung Quốc muốn nắm lượng cổ phiếu đa số tại hãng năng lượng quốc gia Bồ Đào Nha, nơi Bắc Kinh đã có 23.27% cổ phần.
Bồ Đào Nha cũng đang muốn thuyết phục Trung Quốc đầu tư vào cảng nước sâu ở Sines, một trung tâm vận chuyển quan trọng ở biển Atlantic. Trong chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc và Bồ Đào Nha dự kiến sẽ ký 19 thỏa thuận hợp tác, trong các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng, khoa học kỹ thuật, văn hóa, và giáo dục.

Nga bỏ phong tỏa một phần hải cảng Ukraine tại Azov
KIEV - Căng thẳng trên Biển Azov dường như giảm bớt, khi hoạt động của các tàu tại một số cảng của Ukraine được khôi phục một phần. "Các cảng Berdyansk và Mariupol phần nào đã được bỏ phong tỏa. Việc di chuyển của các tàu được khôi phục một phần,” theo Bộ Trưởng Cơ Sở Hạ Tầng Ukraine Volodymyr Omelyan hôm thứ Ba cho biết. Tuy nhiên, ông Omelyan nói thêm rằng 17 tàu vẫn đang đợi để vào Biển Azov và 1 chiếc đang chờ để rời đi. Sau khi Nga nổ súng bắt 3 chiến hạm và 24 thủy thủ Ukraine hôm 25 tháng 11 với cáo buộc xâm phạm lãnh hải, Kiev cho biết Moscow đã chận đường các tàu đến và đi từ cảng của Ukraine trên Biển Azov.
Berdyansk và Mariupol là những điểm xuất cảng ngũ cốc và thép quan trọng của Ukraine. Các tàu rời đi từ những cảng này muốn ra được Biển Đen đều phải đi qua eo biển Kerch do Nga kiểm soát. Bộ Trưởng Omelyan bày tỏ hy vọng các cảng này sẽ được bỏ phong tỏa hoàn toàn trong những ngày tới và các thủy thủ bị bắt sẽ được thả. Tổng Thống Ukraine Petro Poroshenko hôm thứ Hai thông báo lực lượng quân sự trù bị sẽ được huấn luyện, nhằm nâng cao khả năng phòng thủ, chống lại "mối đe dọa xâm lược" từ Nga. Đây là một phần trong thiết quân luật mà Ukraine đưa ra sau vụ bắt tàu chiến trên Biển Đen.
Ukraine khẳng định tàu của họ hoạt động đúng theo luật pháp quốc tế, và yêu cầu Nga trả người và phương tiện ngay lập tức. Tuy nhiên, Tổng Thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẽ không đáp ứng yêu cầu này, và cho rằng Kiev đang thể hiện "thái độ khiêu khích.” Quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine từ năm 2014.

Israel phá hủy các đường hầm ẩn trú của Hezbollah
JERUSALEM - Quân đội Israel hôm thứ Ba cho biết họ đã phát hiện các đường hầm dùng làm khởi điểm tấn công của phiến quân Hezbollah, được đào xuyên biên giới từ Lebanon sang Israel, và đã mở chiến dịch để phá hủy hệ thống địa đạo này. Theo phát ngôn viên quân đội Israel, ông Jonathan Conricus, các đường hầm xâm nhập phía bắc Israel hiện chưa hoạt động. Ông Conricus không cho biết có bao nhiêu đường hầm được phát hiện, và cũng không tiết lộ chúng bị phá hủy bằng cách nào, nhưng nói rằng chiến dịch tấn công sẽ diễn ra bên trong Israel, không lan sang lãnh thổ Lebanon.
Dù vậy, chiến dịch này có nguy cơ làm tăng căng thẳng giữa chính phủ Israel và Hezbollah, nhóm phiến quân Hồi giáo Shiite có căn cứ tại Lebanon, được Iran hậu thuẫn. Nhóm này và quân đội Israel từng giao tranh ác liệt vào năm 2006. "Chúng tôi đã mở chiến dịch Tấm khiên phương Bắc để hủy các đường hầm tấn công xuyên biên giới của tổ chức khủng bố Hezbollah từ Lebanon vào Israel,” ông Conricus nói trong cuộc họp báo.
Israel đã công bố các đoạn video cho thấy máy xúc và đóng cọc đất đang hoạt động tại các địa điểm chưa xác định, gọi đây là "sự chuẩn bị chiến thuật" cho chiến dịch. Trọng tâm hiện tại của chiến dịch là thị trấn biên giới Metulla. Trong một thông cáo, quân đội Israel nói hệ thống đường hầm là "mối đe dọa ngay trước mắt" đối với người dân Israel, "xâm phạm chủ quyền Israel một cách trắng trợn và nghiêm trọng.” Thông cáo cũng cho hay quân đội đã "tăng cường sự hiện diện và sẵn sàng chiến đấu,” chuẩn bị cho "nhiều trường hợp khác nhau.”

Viên chức tuyên bố hiến pháp Trung Quốc áp dụng cho cả Hong Kong
BẮC KINH – Một viên chức hàng đầu của Bắc Kinh mới đây nói với người dân Hong Kong, rằng hiến pháp và chủ quyền của Trung Quốc phải được bảo vệ và mọi hành động thách thức chính quyền sẽ bị trừng phạt. Ông Thẩm Xuân Diệu, chủ tịch Ủy Ban Các Vấn Đề Lập Pháp của Quốc Hội Trung Quốc, đưa ra tuyên bố này trong bài nói chuyện trước 300 học sinh Hong Kong trong một sự kiện đánh dấu Ngày Hiến Pháp quốc gia. Ông Thẩm nói, hiến pháp Trung Quốc là văn bản luật pháp nền tảng và cao nhất của đất nước, và hiệu lực của văn bản này áp dụng cho cả Hong Kong.
Viên chức này so sánh mối quan hệ giữa hiến pháp của Trung Quốc và hiến pháp Hong Kong là mối quan hệ giữa "mẹ và con" và "có trên có dưới,” ông Thẩm cũng cho rằng sẽ không hợp lý nếu tách rời 2 văn bản này, khi tìm hiểu vị trí hiến pháp của Hong Kong. "Mọi hành động gây nguy hiểm cho chủ quyền an ninh và quốc gia, thách thức quyền hạn của chính quyền trung ương và hiến pháp, sẽ bị coi là vượt quá giới hạn và tuyệt đối sẽ không được dung thứ,” ông Thẩm nói.
Tuyên bố của ông Thẩm được đưa ra vào lúc sự trung thành với đại lục trở thành vấn đề gây tranh cãi ở Hong Kong. Vào Chủ Nhật vừa qua, ông Eddie Chu đã trở thành chính trị gia thứ 10 tại Hong Kong bị loại khỏi quá trình tranh cử, tính từ năm 2016, vì có vấn đề về lòng trung thành với Bắc Kinh. Ông Chu bị cấm ra tranh cử đại diện cho một khu vực ngoại ô, sau khi chính quyền cho rằng ông này "ngầm" ủng hộ khả năng Hong Kong tách ra khỏi Trung Quốc.

Thái Lan giam cựu cầu thủ Bahrain bị Interpol truy nã
BANGKOK – Anh Hakeem Alaraibi, cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia Bahrain, hôm 27 tháng 11 đã bị chặn tại Thái Lan sau khi bay từ Úc tới đây để du lịch cùng vợ. Ông Surachate Hakparn, giám đốc cơ quan di trú Thái Lan, hôm thứ Ba cho biết thanh niên 25 tuổi này sẽ bị tạm giam trong vòng 12 ngày, tính từ 3 tháng 12, để chính quyền có thời gian kiểm tra các tài liệu do Bahrain gởi tới. Alaraibi bị Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol ra lệnh truy nã đỏ, với tội phá hoại một đồn cảnh sát trong cuộc biểu tình "Mùa xuân Ả Rập" ở Bahrain năm 2012. Tuy nhiên, cầu thủ này nói rằng anh đang dự một trận túc cầu ở nước ngoài vào thời điểm bị cáo buộc. Cựu cầu thủ quốc gia này sau đó tới Úc và được cấp quyền tị nạn tại đây vào năm 2017.
Ông Surachate cho biết Úc muốn Thái Lan trao trả anh Alaraibi. "Nếu có bằng chứng cho thấy lệnh bắt giữ không hợp lệ, cơ quan di trú sẽ cho anh ta trở lại Úc,” ông Surachate nói. Bahrain, quốc gia do người Hồi giáo dòng Sunni nắm quyền, đã ngăn chặn các cuộc biểu tình "Mùa xuân Ả Rập” của những người Hồi giáo dòng Shiite. Alaraibi tin rằng anh bị Bahrain truy lùng là vì anh là người Hồi giáo Shiite, và có anh trai là nhà hoạt động chính trị. Cầu thủ lo ngại có thể bị sát hại nếu trở về quê hương.
Tổ chức Nhân quyền và Dân chủ Bahrain (BIRD) hôm thứ Ba đã gởi thư lên chủ tịch Liên đoàn túc cầu thế giới (FIFA) Gianni Infantino, bày tỏ lo ngại về trường hợp của Alaraibi, đề nghị ông Infantino lên án vụ bắt giữ và kêu gọi Thái Lan thả người. Thái Lan lâu nay được biết đến là quốc gia không công nhận người tị nạn, và từng đối mặt với chỉ trích của dư luận quốc tế vì trả những người này về quê hương, nơi họ có thể gặp nguy hiểm.

Nguy cơ OPEC tan rã từ sự rút lui của Qatar
DOHA - Hôm thứ Hai, Qatar thông báo sẽ rời khỏi tổ chức các nước xuất cảng dầu OPEC từ đầu năm sau, để tập trung sản xuất khí đốt. Giới chuyên gia cho rằng, việc Qatar rời OPEC "tương đương với gây ra vết nứt ở xương sống" và "tổ chức này có thể khó tồn tại lâu.” "Thông điệp mà họ gởi đến các thành viên khác là Qatar sẽ tốt hơn nếu không có OPEC. Nhiều nước khác có thể sẽ làm theo Qatar,” một chuyên gia nói.
Giá dầu thô thế giới đã giảm gần 30% hồi tháng 10, làm lung lay niềm tin vào khả năng ổn định thị trường của OPEC. Thông báo của Qatar được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp rất được trông đợi của OPEC và các đồng minh trong tuần này. OPEC được dự báo sẽ giảm sản lượng, nhằm ngăn tình trạng dư thừa tái xuất hiện trên toàn cầu.
Quyết định của Qatar sẽ không ảnh hưởng nhiều lên sản lượng dầu thô, do họ thuộc nhóm sản xuất ít nhất trong OPEC. Bộ Trưởng Năng Lượng Qatar - Saad Sherida al-Kaabi - khẳng định hành động này chỉ là nhằm chuyển hướng sang sản xuất khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, giới phân tích nghi ngờ nó có liên quan đến mối bất hòa của Qatar với Ả Rập Saudi – nước sản xuất lớn nhất OPEC. Từ giữa năm ngoái, Ả Rập Saudi cùng UAE, Bahrain và Ai Cập đã cô lập Qatar do cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố. Theo giới phân tích, "OPEC có khả năng tan rã,” đặc biệt là khi Thái Tử Ả Rập Saudi - Mohammed bin Salman muốn giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Thế giới "đang tìm đến các nguồn năng lượng thay thế và OPEC không có nhiều lý do để tồn tại.”


Nhà khoa học Trung Quốc mất tích sau tuyên bố chỉnh sửa gene người
THẨM QUYẾN – Ông Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học Trung Quốc, đã biến mất kể từ sau khi ông đưa ra tuyên bố chấn động giới khoa học, về việc đã giúp sinh ra 2 bé gái được điều chỉnh gene đầu tiên. Ông Hạ trở thành tâm điểm chú ý của giới khoa học thế giới, sau khi tuyên bố hồi tuần trước rằng ông đã thành công trong việc "chỉnh sửa gene" cho 2 bé gái sinh đôi để giúp các em không bị nhiễm HIV. Theo lời nhà khoa học này, việc chỉnh sửa gene được ông thực hiện đối với một đôi vợ chồng có người chồng nhiễm HIV.
Tuy nhiên, sau khi đưa ra tuyên bố chấn động này tại hội nghị khoa học hôm 28 tháng 11, nhà khoa học Hạ Kiến Khuê dường như cũng "biến mất" bí ẩn. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng, ông Hạ có thể đã bị quản thúc sau khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh điều tra các thí nghiệm của ông. Trước các thông tin này, phát ngôn viên Đại học Khoa học và Công nghệ Thẩm Quyến, nơi ông Hạ làm việc, cho biết tin đồn ông bị quản thúc là không đúng. “Hiện giờ không có thông tin nào chính xác ngoại trừ tin tức từ các nguồn chính thống,” người phát ngôn viên nói và cho biết thêm rằng trường đại học sẽ không bình luận thêm về tung tích của ông Hạ.
Trong khi đó, tuyên bố chỉnh sửa gene thành công của nhà khoa học Trung Quốc tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của giới khoa học. Họ cho rằng, những thí nghiệm như vậy có thể vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức và cuộc thí nghiệm được thực hiện không minh bạch. Các nhà khoa học cho rằng, việc chỉnh sửa gene có thể làm giảm sức đề kháng của đứa trẻ đối với một số căn bệnh thậm chí là bệnh thông thường.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT