Thế Giới

Pháp: Đến lượt New Caledonia đòi độc lập

Friday, 03/11/2017 - 08:39:58

Người Kanaks chiếm khoảng 45% dân số, trong thập niên 1980 từng xảy ra những cuộc xô xát đẫm máu khi họ tranh đấu đòi độc lập, bắt giữ nhiều cảnh sát Pháp.

Không phải chỉ có người Catalonia ở Tây Ban Nha là làm chuyện này, hôm thứ Sáu có tin là chính quyền của New Caledonia thuộc Pháp sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền độc lập của hòn đảo này, sau khi đạt được một thỏa thuận với Paris. Hôm qua sau 9 giờ đàm phán với các Bộ Trưởng Pháp, các lãnh đạo của New Caledonia cho hay thỏa hiệp mới sẽ dọn đường cho đảo quốc này trở thành một quốc gia độc lập.
New Caledonia nằm về phía đông của Úc, có 275,000 cư dân sinh sống và tháng 11 năm 2018 là thời hạn chót phải có một cuộc trưng cầu dân ý. Người Kanaks chiếm khoảng 45% dân số, trong thập niên 1980 từng xảy ra những cuộc xô xát đẫm máu khi họ tranh đấu đòi độc lập, bắt giữ nhiều cảnh sát Pháp. Lực lượng an ninh Pháp mở cuộc phản công, giết chết 19 người Kanaks và có hai quân nhân Pháp thiệt mạng.

Nhật: Con gái Trump khen thủ tướng
Con gái lớn của ông Trump và cũng là cố vấn của cha mình, đã có mặt ở Nhật trước khi phái đoàn Hoa Kỳ viếng Nhật Bản và đích thân Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đón tiếp cô. Ivanka Trump tối qua đáp phi cơ xuống phi trường quốc tế Narita International Airport, đã được chào đón nồng nhiệt. Sở Cảnh Sát Tokyo cử một đội đặc nhiệm toàn phụ nữ hùng hậu bảo vệ cho cô. Ivanka Trump lên tiếng tại một hội nghị ở Tokyo có tên World Assembly for Women, trước khi cha cô đến Nhật vào chủ nhật tuần này.
Cô ngỏ lời khen ngợi chính sách "womenomics" của Thủ Tướng Shinzo Abe, và nhận xét là đã có tiến bộ rõ ràng cho giới phụ nữ Nhật Bản trong vài thập niên gần đây, đặc biệt trong hai ngành toán và khoa học.
Cô cũng đề cập đến chuyện quấy nhiễu tình dục như sau, "Nền văn hóa ở sở làm của chúng ta đã thất bại khi không dành cho phụ nữ sự kính trọng thích hợp, nhiều hình thức như quấy rối tình dục, là không thể chấp nhận được."

Ấn Độ: Cha mẹ trừng trị kẻ hiếp dâm
Cha mẹ đau khổ của một cô giá trẻ ở Ấn Độ bị cưỡng hiếp đã báo với cảnh sát chuyện này, nhưng sau khi cảnh sát tỏ vẻ không tin, họ bèn tự mình ra tay bắt thủ phạm. Hai bậc sinh thành này cũng làm việc trong ngành cảnh sát, cho báo chí biết một sĩ quan cảnh sát còn nói, "Câu chuyện của con gái ông bà dựng đứng giống như chuyên phim vậy."
Khi cô con gái 19 tuổi của ông bà đi về nhà tối thứ Năm từ một trung tâm học viện thì hai gã đàn ông tấn công cố gái dưới một cây cầu ở trung tâm thành phố Bhopal. Tức mình, họ bèn ra tay tóm cổ hai tên phạm tội và giải về đồn cảnh sát, hai tên nữa cũng bị bắt sau đó và một phiên tòa sắp dược mở ra.
Truyền thông địa phương loan tin có hai cơ quan cảnh sát thoạt đầu từ chối ghi nhận chuyện này và 2 cảnh sát đã bị sa thải do từ chối nhận báo cáo than phiền của bậc cha mẹ trong ngành cảnh sát này.

Thụy Điển có 65,000 hầm tránh bom nguyên tử
Các quốc gia Bắc Âu nằm ở một vị trí địa lý khá xa với bán đảo Triều Tiên và người ta nghĩ vùng này không có lý do gì phải sợ viễn ảnh một cuộc chiến nguyên tử. Nhưng tình hình gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, nhất là lời lẽ hung hăng của cả hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn đã khiến chính phủ Thụy Điển có kế hoạch xây thêm hầm trú bom nguyên tử mới, dù quốc gia này đã có 65,000 hầm tránh bom như thế trên khắp nước, đủ làm nơi ẩn nấp cho trên 7 triệu người, nhưng như thế Thụy Điển vẫn còn khoảng 3 triệu dân "không nơi ẩn trú" nếu chiến tranh nguyên tử nổ ra.
Có một quốc gia khác ở Châu Âu còn làm mạnh tay hơn Thụy Điển nhiều, đó là Thụy Sĩ. Thụy Sĩ có số dân ít hơn Thụy Điển một chút nhưng tổng số hầm chứa loại này đã có mặt cho toàn thê người dân Thụy Sĩ, còn thừa chỗ cho một số "khách khứa", nếu cần.

Ái Nhĩ Lan đề nghị hòa bình cho Châu Á
Một Bộ Trưởng Ái Nhĩ Lan lên tiếng ông sẵn sàng đi Bắc Hàn nhằm mưu tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Ông John Halligan là Bộ Trưởng Bộ Huấn Nghệ, cho phóng viên dài RTE hay theo ông, mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình chính là lời lẽ dùng vũ khí nguyên tử để tấn công trước của lãnh tụ Kim Chính Vân của Bắc Hàn.
Ông hy vọng nếu được Bình Nhưỡng chấp thuận lời yêu cầu sang thăm của ông, ông sẽ có dịp thảo luận với Kim Chính Vân và sẽ gợi ý nhà lãnh đạo độc tài này nên "nghĩ chuyện đưa dân chủ vào nền chính trị của Bắc Hàn."
Nếu được phép, ông Bộ Trưởng Halligan sẽ bay đi Bắc Hàn với hai đồng nghiệp của ông là các Bộ Trưởng Shane Ross và Finian McGrath, cũng theo khuynh hường độc lập như ông. Nhưng ông Halligan cho biết ông không thảo luận chuyện này với Thủ Tướng Ái Nhĩ Lan là ông Leo Varadkar hay với Ngoại Trưởng xứ này.

Úc: Két phá dây cable của truyền thông
Ngành truyền thông trị giá hàng tỉ đô la của Úc đang đối diện với một kẻ thù rất bất ngờ, đó là những con két hoang. Bọn két hoang có "thú vui" gậm nhấm các giây cable, dù thức ăn của chúng thường là trái cây, hạt và vỏ cây. Công ty National Broadband Network (NBN) của Úc cho hay họ đã tốn nhiều chục ngàn đô la nhằm sửa chữa lại các đoạn cable bị bọn két "gậm phá."
Ngành truyền thông của Úc đang bị chỉ trích là qua chậm, tốc độ Internet của nó đứng hàng thứ 50 trên thế giới. NBN cho hay thiệt hại do bọn két gây ra sẽ còn gia tăng vì còn nhiều dây cable bị phá hoại chưa được phát giác. Cứ mỗi lần phát giác NBN lại tốn cả chục ngàn đô la và phí tổn sửa chữa đã lên tới 61,500 đô la rồi. Gisela Kaplan một nhà nghiên cứu hành vi động vật cho hay, "Bọn két hoang dã bị giây cable quyết rũ có thể do màu sắc hay vị trí của các đường dây này."

Syria: IS lại bị thất bại nặng
Quân đội Syria loan báo họ đã chiếm lại được thành phố Deir el-Zour nằm về phía đông của Syria, dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của phi cơ Nga. Ngoài ra quân đội Iraq cũng giành lại quyền kiểm soát một hành lang biên giới sau khi tái chiếm gần hết thành phố Qaim từ tay nhóm IS. Thành phố Deir el-Zour, lớn nhất phía đông của Syria, có một phần do IS chiếm, phần còn lại do quân đội Syria chiếm.
Giờ đây xem như IS bị thất bại nặng nề khi mất phần kiểm soát này. Đây cũng là thành phố lớn nhất của phe IS mà quân đội Syria tái chiếm được. Thành phố này nằm trên một địa điểm chiến lược, nối liền khu phía đông của Syria, phía bắc và vùng trung tâm lại với nhau, ngoài ra tỉnh này cũng là nơi có rất nhiều dầu hỏa và khí đốt. Giờ đây IS chỉ kiểm soát vài điểm ở tỉnh Anbar ở phía tây Iraq và khoảng 1/3 diện tích tỉnh Deir al-Zour mà thôi.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT