Thế Giới

Pháp: 4 người chết trong vụ nổ súng khủng bố

Tuesday, 11/12/2018 - 08:55:05

Ông Castaner cho biết trong những người bị thương có một số người đang trong tình trạng nguy kịch. Người dân được khuyên nên ở trong nhà và tránh các khu vực nơi cảnh sát làm việc.

STRASBOURG – Ít nhất 4 người đã chết và 11 người khác bị thương, trong vụ nổ súng vào tối thứ Ba tại thành phố Strasbourg, cách Paris 300 dặm về phía đông. Nhà chức trách cho biết, một người đàn ông đã nổ súng tại khu chợ Giáng Sinh ở trung tâm thành phố, trên đường Orfevres, lúc khoảng 8 giờ tối, giờ địa phương. Nguyên nhân vụ nổ súng đang được điều tra và sự việc đang được coi là một vụ khủng bố, theo văn phòng công tố viên chống khủng bố Paris. Nghi can đã được xác định và đang bị cảnh sát truy tìm. Kẻ này có tên trong danh sách các đối tượng được coi là nguy cơ cho an ninh quốc gia của Pháp. Ngoài ra, nghi can cũng từng phạm một số tội tiểu hình, theo Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner.
Ông Castaner cho biết trong những người bị thương có một số người đang trong tình trạng nguy kịch. Người dân được khuyên nên ở trong nhà và tránh các khu vực nơi cảnh sát làm việc. Hội chợ Giáng Sinh Strasbourg là một trong các hội chợ nổi tiếng thế giới. Vụ nổ súng xảy ra trong bối cảnh hội chợ Giáng Sinh Strasbourg năm nay đã được bảo vệ an ninh khá chặt để tránh nguy cơ tấn công. Mọi xe cộ không có giấy phép đều bị cấm không được đi vào các con đường bao quanh khu chợ, trong thời gian hội chợ mở cửa. Các trạm kiểm soát cũng được dựng lên ở các lối vào để kiểm tra giỏ xách của khách bộ hành.
Quốc Hội Châu Âu, đặt trụ sở tại Strasbourgh, đã được phong tỏa ngay lập tức. Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã mở cuộc họp khẩn cấp tại phủ tổng thống vào đêm thứ Ba để theo dõi tình hình. Pháp từng xảy ra một số vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng, bao gồm vụ nổ súng ở Paris năm 2015 khiến 130 người chết và hàng trăm người khác bị thương, cùng vụ tấn công bằng xe tải ở Nice năm 2016 khiến hàng chục người thiệt mạng.

Brazil sẽ rút khỏi hiệp ước di dân của LHQ
BRASILIA – Trong ngày thứ Ba, Brazil đã ký hiệp ước Liên Hiệp Quốc về vấn đề di dân. Tuy nhiên, cũng trong ngày này, ngoại trưởng của chính phủ mới sắp nhậm chức của Brazil tuyên bố ông sẽ rút Brazil khỏi hiệp ước khi chính quyền mới bắt đầu làm việc vào tháng 1. Ông Ernesto Araujo viết trên Twitter vào cuối ngày thứ Hai rằng, Brazil sẽ rút khỏi hiệp ước di cư Global Compact for Migration, vì “vấn đề di trú không thể được giải quyết như một vấn đề toàn cầu, mà phải tùy thuộc vào thực tế và chủ quyền của từng quốc gia.”
Thông điệp này thể hiện rõ lập trường thiên hữu của chính phủ mới của Tổng Thống đắc cử Jail Bolsonaro. Chính phủ hiện tại của Brazil vào thứ Hai đã đi gia nhập với 163 chính phủ khác để phê chuẩn hiệp ước Global Compact for Migration, bảo đảm sự an toàn, trật tựm và nhân đạo, cho người di cư. Những người phản đối cho rằng, hiệp ước này sẽ làm nạn nghèo đói và tội phạm tràn vào quốc gia, khiến người dân Brazil bị giảm lương hoặc mất việc làm. Chính phủ Brazil hiện đang trong tình trạng khó khăn, khi phải đối phó với 85,000 người di cư vừa đến từ nước láng giềng Venezuela.

Trung Cộng thề không bỏ qua vụ bắt nạt Meng Wanzhou
BẮC KINH – Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba kêu gọi Hoa Kỳ không nên "gây thêm thù hằn" và khuyến cáo này đừng "bắt nạt" công dân Trung Quốc sau vụ bắt giữ CFO Huawei Meng Mạnh Vãn Châu. “Hoa Kỳ nên từ bỏ tư tưởng hơn thua, có cái nhìn tốt hơn về sự phát triển của Trung Quốc và tiếp tục mở rộng không gian để đôi bên cùng có lợi, ông Vương nói tại Hội nghị thường niên về Phát triển quốc tế và Ngoại giao Trung Quốc. Ông Vương nói những thăng trầm giữa hai nước trong quan hệ 40 năm đã đem lại nhiều bài học. Ông khẳng định sự hợp tác sẽ có lợi cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong khi đối đầu sẽ làm tổn thương cả hai.
Ông Vương cũng thêm rằng, sự an toàn và an ninh của người Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của nước này. "Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên và bỏ qua bất kỳ sự bắt nạt nào vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc,” ông Vương nói. "Chúng tôi sẽ bảo vệ đầy đủ các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc, trả lại sự thật và công bằng cho thế giới. Sau khi chỉ trích Hoa Kỳ, ông Vương quay sang ca ngợi mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow, khẳng định "mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã tồn tại qua thử thách của những biến động quốc tế, thể hiện sự bền chặt và ổn định.”
Tuyên bố của ông Vương được đưa ra sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính của hãng công nghệ Huawei Technologies Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Bà Mạnh bị Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Iran và có thể sẽ bị dẫn độ. Bà Mạnh hiện đang yêu cầu được tại ngoại và sẵn sàng đóng tiền đến $11.3 triệu Mỹ kim.

Cựu nhân viên ngoại giao Canada bị bắt ở Trung Quốc
BRUSSELS – Ông Michael Kovrig, người từng là nhà ngoại giao của Canada, đã bị bắt giữ ở Trung Quốc trong lúc hai nước đang căng thẳng vì vụ Canada bắt giám đốc tài chính của Huawei. Tổ chức Khủng Hoảng Quốc tế (International Crisis Group) cho biết ông Michael Kovrig, cố vấn cấp cao của tổ chức này tại Đông Bắc Á, đã bị giam giữ tại Trung Quốc. "Chúng tôi đang làm mọi điều có thể để có thêm thông tin về nơi giam giữ Michael cũng như để ông ấy được trả tự do một cách nhanh chóng và an toàn,” thông báo của ICG viết.
Chính quyền Trung Quốc chưa công bố lý do giam giữ ông Kovrig. Theo truyền thông, ông Kovrig có thể nói tiếng Quan Thoại, và là chuyên gia toàn thời gian cho tổ chức ICG từ tháng 2, 2017. Từ năm 2003 tới 2016, ông Kovrig là nhân viên ngoại giao của Canada, làm việc tại Trung Quốc và Hong Kong. Việc ông Kovrig bị bắt bị nghi là hành động của Bắc Kinh nhằm trả đũa việc giám đốc hãng Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, bị Canada bắt giữ hôm 1 tháng 12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Trung Quốc trước đó đã đe dọa Canada sẽ phải “chịu hậu quả” nếu không thả bà Mạnh.

Hoa Kỳ - Trung Quốc điện đàm về thương mại
BẮC KINH - Bộ Thương Mại Trung Quốc vừa thông báo, Phó Thủ Tướng Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm vào sáng thứ Ba với Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Đại diện Thương Mại Robert Lighthizer. Đây là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán về thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục, bất chấp căng thẳng ngoại giao liên quan đến việc Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt.
Ông Lưu là người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc. Cuộc điện đàm giữa hai bên cho thấy 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang nỗ lực thực hiện các điều đã đồng ý trước đây để giảm căng thẳng thương mại. Sau tin tức về cuộc điện đàm, giá đồng yuan trên thị trường Hong Kong đã tăng gần 0.1% so với Mỹ kim.
Hoa Kỳ đến nay đã đánh thuế nhập cảng lên $250 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc, nhằm gây áp lực buộc nước này thay đổi các chính sách thương mại không công bằng. Đáp lại, Trung Quốc cũng đánh thuế tương tự lên $110 tỷ Mỹ kim hàng hóa Mỹ. Tại hội nghị G20 ở Argentina hồi đầu tháng, Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình đã đồng ý tạm “đình chiến” trong 90 ngày để đàm phán thêm về thương mại.

Đài Loan tăng lệnh cấm dùng thiết bị của Huawei
ĐÀI BẮC - Chính quyền Đài Loan đang tăng cường lệnh cấm 5 năm đối với các thiết bị viễn thông của hãng công nghệ Huawei và ZTE do lo ngại về bảo mật, theo truyền thông đưa tin hôm thứ Ba. Nhà chức trách khẳng định biện pháp này có hiệu quả và không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực thông tin liên lạc. Các nhà lập pháp Đài Loan đang kêu gọi mở rộng lệnh cấm Huawei đối với ngành tài chính, trong lúc hãng này được cho là đang tìm cách cung cấp dịch vụ tài chính điện tử tại hòn đảo. Chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Wellington Koo cho biết chính quyền sẽ xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm.
Huawei là một trong những hãng bán điện thoại hàng đầu tại Đài Loan. Trong khi hoạt động của Huawei đang bị giới hạn trên toàn cầu, mối đe dọa bảo mật thông tin đối với Đài Loan được cho là lớn hơn bởi theo chính sách "Một Trung Quốc,” Bắc Kinh coi hòn đảo là một phần lãnh thổ và sẵn sàng dùng vũ lực để thu hồi nếu cần. Những sản phẩm của Huawei bị cho là giúp Bắc Kinh tiếp cận được bí mật quân đội và kinh tế của Đài Bắc, thậm chí có khả năng vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột. Đài Loan còn cáo buộc đại lục can thiệp vào cuộc bầu cử địa phương tháng trước bằng cách lan truyền tin tức giả trên mạng.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Huawei khiến nhiều nước lo ngại về bảo mật thông tin, do hãng này có liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Hoa Kỳ kêu gọi các đồng minh không sử dụng công nghệ của Huawei, trong khi Nhật cũng cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị viễn thông từ Huawei và ZTE.

Tìm thấy thi thể hai nhà leo núi mất tích trên Himalaya 30 năm trước
NEPAL - Lần cuối cùng hai nhà leo núi Kristinn Runarsson và Thorsteinn Gudjonsson, người Iceland, được nhìn thấy còn sống là ngày 18 tháng 10, 1988 ở độ cao 6,598 mét trên dãy núi Himalaya, khi họ đang khám phá ngọn núi Pumori, thuộc phần Mahalangur trên dãy Himalaya, nằm giữa Tây Tạng và Nepal. Nhà leo núi người Scotland, Steve Aisthorpe, bạn đồng hành của Runarsson và Gudjonsson, bị bệnh trước đó nên rời đoàn trong khi các bạn ông tiếp tục hành trình. Đó cũng là lần cuối cùng ông Aisthorpe nhìn thấy Runarsson và Gudjonsson. Và phải đến 30 năm sau, những băn khoăn của ông Aisthorpe về số phận 2 người bạn mới có thể kết thúc.
Một nhà thám hiểm Hoa Kỳ vào tháng 11 đã phát hiện thi thể những nhà leo núi người Iceland ở đáy một dòng sông băng, nằm bên dưới con đường mòn thông dụng. Thi thể hai ông Runarsson và Gudjonsson sau đó được đưa về thủ đô Kathmandu. Lễ hỏa táng đã diễn ra ngay tại thủ đô với sự tham gia của người thân hai nhà thám hiểm xấu số. Tro cốt của họ được mang trở về quê nhà Iceland.
Ông Aisthorpe kể lại khoảnh khắc ám ảnh cuộc đời ông khi nhận ra những người bạn có thể đã gặp chuyện không hay. “Chưa bao giờ tôi cảm thấy đơn độc như lúc quay trở về trại ngày hôm đó. Khi leo trở lên điểm cắm trại, tôi hy vọng rằng Kristinn và Thorsteinn đã xuống núi an toàn và đang nằm ngủ trong túp lều đỏ của chúng tôi,” ông Aisthorpe kể. "Ngay khi nhìn thấy trại, tôi đã gọi họ, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì không ổn.” Năm ngày sau khi những nhà leo núi người Iceland được báo mất tích, nhà chức trách đã mở chiến dịch tìm kiếm và huy động cả trực thăng. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm kết thúc sau nhiều tuần không phát hiện thêm dấu vết nào mới.
Ông Aisthorpe đã tưởng sẽ không bao giờ biết điều gì đã xảy ra cho 2 người bạn của ông, cho đến khi ông được một nhà làm phim người Iceland liên lạc để thông báo về phát hiện trên dãy Himalaya. Danh tính các thi thể được xác nhận nhờ vào những chi tiết như quần áo và thiết bị mà ông Runarsson và Gudjonsson mang theo trước khi gặp nạn. Ông Aisthorpe cho biết, hôn thê của ông Runarsson đang có thai tại thời điểm xảy ra tai nạn, và con trai họ nay đã 30 tuổi.

Hóa thạch khủng long trong đá quý ở Úc
NEW SOUTH WALES - Các nhà cổ sinh vật học Úc vừa công bố phát hiện một loài khủng long chưa từng được biết tới, sống cách đây 100 triệu năm ở kỷ Phấn Trắng. Hóa thạch được tìm thấy bên trong một tảng đá opal lấp lánh tại khu mỏ Wee Warra, bang New South Wales. Sinh vật mới được đặt tên là Weewarrasaurus pobeni, có kích thước chỉ tương đương giống chó chăn cừu Kelpie ngày nay. Chúng được xếp vào nhóm khủng long chân chim, một loài khủng long cỡ nhỏ ăn thực vật, di chuyển bằng hai chân, và sống ở các vùng đồng bằng ngập nước thời tiền sử.
Hóa thạch xương hàm của Weewarrasaurus pobeni tình cờ được phát hiện bởi Mike Poben, người đã mua một túi đá opal từ các thợ mỏ ở Wee Warra. "Tôi đang phân loại các viên đá opal thô thì thấy hai đường vân bất thường nhô ra khỏi lớp bụi bẩn. Thật đáng kinh ngạc! Đó là một mảnh xương hàm màu trắng sữa,” ông Poben cho biết. Ông Poben sau đó đã tặng mảnh xương hóa thạch cho nhà cổ sinh vật học Phil Bell thuộc Đại học New England để phân tích.
"Thật tiếc vì bộ xương không còn nguyên vẹn do việc khai thác, nhưng nếu không có việc khai thác này, hóa thạch có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy,” ông Bell nói. Hàm răng quý hiếm của loài Weewarrasaurus pobeni hiện được trưng bày ở Trung tâm Opal Australia, nơi lưu giữ một bộ sưu tập hóa thạch khủng long rất đa dạng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT