Người Việt Khắp Nơi

Phan Trí làm việc suốt ba thập niên để giúp người tị nạn, nay ông về hưu và muốn thăm quê hương của họ

Sunday, 31/12/2017 - 05:58:15

Năm 2004, ông Trí giúp ông Abdiwali Sharif-Abdinasir từ Somalia tới North Dakota, chỉ vài năm sau khi Abdiwali nộp hồ sơ xin tị nạn. Khi Abdiwali đi sang Kenya để cưới vợ, ông Trí cũng là người giúp vợ Abdiwali có được visa chỉ sau 14 tháng.



Ông Phan Trí dự tiệc tiễn ông về hưu ngày 15 tháng 12, 2017 tại Fargo. (Dave Kolpack /AP)

Trong một tin đăng ngày 27 tháng 12, 2017, hãng thông tấn AP đã viết về ông Phan Trí, một người Việt tị nạn đã làm việc lâu năm ở tiểu bang lạnh giá North Dakota. Việc làm mỗi ngày của ông là giúp những người tị nạn đến tiểu bang thành phố Fargo được hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ, như giúp làm hồ sơ đi học, tìm nhà ở, thi bằng quốc tịch, v.v.. Giờ đây thì ông đã về hưu và mong được dịp đến thăm quê hương của những người tị nạn mà ông đã giúp. Dưới đây là bản của AP viết từ FARGO, North Dakota.

Ông Phan Trí là người trung gian trong chương trình tái định cư cho người tị nạn ở North Dakota trong gần ba thập niên qua, giúp hàng ngàn người tị nạn và di dân khác trên con đường đi tới lấy quốc tịch Mỹ. Giờ đây, ông Trí muốn tận mắt nhìn thấy đất nước của những người tị nạn, chẳng hạn như Nepal, Bhutan ở Á Châu và Sierra Leone ở Phi Châu.

Bản thân ông Trí cũng là một người tị nạn. Ông trải qua ba năm trong trại giam ở Bắc Việt sau khi Sài Gòn bị cộng sản cưỡng chiếm. Ông bị đi học tập cải tạo vì là chỉ huy đơn vị thiết giáp của quân đội miền Nam Việt Nam. Ông từng là cố vấn lâu năm cho những người mới đến Hoa Kỳ từ hàng chục quốc gia khác nhau. Vào cuối tháng 12 này, ông về hưu sau những năm làm việc tại Cơ Quan Xã Hội Lutheran ở Fargo, là cơ quan tái định cư duy nhất của tiểu bang North Dakota.


Ông Phan Trí, 66 tuổi, chụp hình chung với anh Abdiwali Sharif-Abdinasir và cô Mariam Bassoma, người được ông giúp làm hồ sơ để ở lại Mỹ và nay họ cũng là nhân viên của hội Lutheran Social Services. Hình chụp trong ngày hội tổ chức tiệc về hưu dành cho ông Trí ngày 15 tháng 12, 2017 tại Fargo, North Dakota. (Dave Kolpack /AP)

Ông Trí nói với AP, "Tôi rất thích đi du lịch. Sẽ rất thú vị nếu tôi có cơ hội đến thăm những nơi được nghe nói rất nhiều, nhưng chưa một lần nhìn ngắm tận mắt." Nhưng trước hết ông sẽ đến nơi nắng ấm quanh năm. Ông cho biết sẽ cùng vợ dọn nhà tới California để được ở gần ba đứa con lớn và các cháu nội ngoại.
Theo sự phân bổ dựa trên dân số, thành phố Fargo nhận nhiều người tị nạn hơn hầu hết các thành phố khác ở Hoa Kỳ. Ông Trí đến North Dakota vào đầu thập niên 1990, khi tiểu bang này buộc phải nhận người tị nạn từ các nước Đông Nam Á. Ông bắt đầu làm công việc của nhân viên quản lý biết hai ngôn ngữ, tại Cơ Quan Xã Hội Lutheran trước khi được đề bạt lên chức giám sát viên của các cơ quan di trú.

Bà Mariam Bassoma là một người tị nạn, cũng là một đồng nghiệp của ông Trí, xác nhận rằng ông Trí từng đến đây như một người tị nạn. Bà Mariam nói, "Ông Trí làm hai công việc trong một thời gian rất dài, nhưng chưa ai nghe ông than phiền bao giờ. Ông làm việc không biết mệt. Khi nhìn thấy ông làm việc, mọi người đều có cảm giác rằng họ cũng có thể làm được điều đó."

Còn bà Shirley Dykshoorn là Phó Giám Đốc Cơ Quan Xã hội Lutheran, ước tính ông Phan Trí giải quyết  trung bình từ 500 đến 600 hồ sơ tị nạn một năm. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ khoảng 14,000 người khác trong việc tiếp cận, hỗ trợ kỹ thuật, cố vấn và thi thử lấy quốc tịch Mỹ.


Ông Phan Trí (bên trái) chụp hình lưu niệm với các nhân viên của hội Lutheran Social Services ngày 15 tháng 12, 2017 tại Fargo. (Dave Kolpack /AP)

Năm 2004, ông Trí giúp ông Abdiwali Sharif-Abdinasir từ Somalia tới North Dakota, chỉ vài năm sau khi Abdiwali nộp hồ sơ xin tị nạn. Khi Abdiwali đi sang Kenya để cưới vợ, ông Trí cũng là người giúp vợ Abdiwali có được visa chỉ sau 14 tháng.

Abdiwali nhớ lại rằng ông Trí rất cực nhọc khi giúp đỡ mình. Lúc đó mỗi khi gặp ông Trí là Abdiwali lại hỏi, "Khi nào vợ tôi tới đây?" Abdiwali nói, "Ông Trí rất kiên nhẫn với tôi. Tôi nghĩ thành phố Fargo nên tặng thưởng cho ông Trí, vì ông giúp đỡ rất nhiều người tị nạn."

Bà Shirley cho biết ban quản lý tìm mọi cách để ông Trí nghỉ ngơi ở nhà trong những ngày cuối tuần, nhưng vô ích. Bà nói ông Trí tiếp khách ngay cả khi họ không có hẹn trước. Ông trả lời tất cả mọi tin nhắn qua email, điện thoại văn phòng hoặc điện thoại nhà. Chỉ có một cách duy nhất không thể gặp được ông là liên lạc bằng điện thoại di động, vì ông không có điện thoại di động.

Sinh nhật lần thứ 66 của ông Trí diễn ra ngay đúng ngày Giáng Sinh. Ông để lại một danh sách "việc cần làm" cho văn phòng của ông cho tới cuối năm 2018. Bà Shirley nói, "Ông dạy mọi người câu cá theo một câu chuyện ngụ ngôn. Biết rằng không ai có thể ở lại một nơi hoặc một chỗ mãi mãi, vì vậy ông Trí huấn luyện, hướng dẫn và giúp đỡ rất nhiều người trước khi ông về hưu."

Ông Trí đi học tập cải tạo trong ba năm, ông được trả tự do năm 1978, và hơn một thập niên sau, ông định cư ở Hoa Kỳ để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình ông. Ông nhớ lại sau năm 1975, những người làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều bị đối xử phân biệt. Có nhiều công việc hoặc nhiều cơ hội việc làm nhưng bản thân ông cũng như con cái ông sẽ bị cấm nếu vẫn còn ở trong nước.

Ông Phan Trí nói những năm tháng sống trong tù dạy ông biết quí cuộc sống, và biết tận dụng tối đa khi cơ hội đến tay mình. Trong ba năm tù, mỗi ngày ông chỉ được phát một chén cơm. Lúc mới vào tù, ông nặng 140 pound. Khi ra tù, ông chỉ còn 100 pound, tới nỗi mẹ ông cũng không nhận ra ông.

Ông nói, "Tôi đã từng suýt chết. Nhưng tôi được sống lại. Bất kể những gì xảy ra trong cuộc sống, người ta phải mạnh mẽ và chấp nhận. Đối mặt với nó. Cơ hội là ở ngay tại đây."

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT