Mẹo Vặt

Phẩm chất tinh dầu

Friday, 22/08/2014 - 01:46:23

Hôm nay mình lại nói chuyện tinh dầu, vì Hằng nhận được khá nhiều câu hỏi về đề tài này. Xin trích dẫn một lá thư - có đánh máy lại và thêm dấu để các bạn cùng theo dõi - như sau: “Tôi rất thích đọc những bài viết của cô trên báo vì nó rất bổ ích cho cuộc sống hằng ngày, vừa lợi ích vừa tiết kiệm

Vũ Hằng



Để ý nhãn hiệu gắn trên chai tinh dầu. Phải là 100% Therapeutic mới là yên tâm

Phẩm chất tinh dầu
Hôm nay mình lại nói chuyện tinh dầu, vì Hằng nhận được khá nhiều câu hỏi về đề tài này. Xin trích dẫn một lá thư - có đánh máy lại và thêm dấu để các bạn cùng theo dõi - như sau: “Tôi rất thích đọc những bài viết của cô trên báo vì nó rất bổ ích cho cuộc sống hằng ngày, vừa lợi ích vừa tiết kiệm. Về loạt bài cô viết về công dụng của tinh dầu, tôi có câu hỏi nhờ cô giúp và nói cho rõ hơn: Tinh dầu thường được bán ở đâu và làm thế nào để biết đó là chai tinh dầu với những loại mùi thơm khác nhau, vì tôi thấy ở cửa hàng có bán rất nhiều loại, như xà bông cũng có mùi chanh, mùi cam, rồi các loại nước chùi rửa…. Vậy làm sao để biết một chai tinh dầu để về pha chế như cô đã hướng dẫn. Cám ơn cô thật nhiều. Những bài báo của cô có được giữ lại ở trên mạng hay không? Có những bài tôi đã đọc nhưng sau này cần dùng đến lại không biết tìm những bài đó ở đâu. Chào cô.”

Cám ơn cô đã đọc bài và có lời khích lệ dành cho người viết. Dưới đây, Hằng xin được phép gọi chung là “bạn” để có sự hòa đồng với mọi người.

Bài trên mạng



Mẹo vặt trên mạng Viễn Đông

Hằng tin là Mẹo Vặt Ích Lớn có được lưu trên mạng Viễn Đông, muốn xem lại bài cũ, bạn vào địa chỉ www.viendongdaily.com, và tìm “Mẹo Vặt” ở danh mục hàng ngang. Có ý kiến, xin liên lạc địa chỉ baoviendong@aol.com, hoặc gọi điện thoại (714) 379-2851 để góp ý kiến với tòa soạn nhé.

Tinh dầu mua ở đâu?

Chúng ta có thể mua tinh dầu (essential oils) ở các tiệm Health Food Stores, hoặc các cửa hàng bách hóa như Walmart, Target.... Nhưng tiện nhất là mua trên mạng Internet. Các tên tuổi lớn trong thế giới kinh doanh thuộc mọi ngành nghề như Walmart, Target, Sears, Macy, Best Buys… đều có cửa hàng trong khu shopping center khổng lồ này. Ngoài ra, bạn còn gặp được nhiều “ngôi chợ” rất có uy tín nhưng chỉ hoạt động trên mạng, như www.amazon.com là nơi mà Hằng thường cùng ông Cả Đẫn la cà gần như mỗi tuần và bất cứ khi nào muốn mua một món gì cần thiết.

Để giúp bạn tìm dễ tìm kiếm, Hằng xin ghi chú tên gọi tiếng Mỹ bên cạnh tên tiếng Việt của sản phẩm. Chẳng hạn, muốn kiếm tinh dầu, mình phải tìm đến quầy Essential Oils, oải hương Lavender, hương thảo Rosemary, bạc hà Peppermint, hoàng lan Ylang Ylang. Đi chợ trên mạng, nếu chưa biết địa chỉ cửa hàng, bạn cứ mở Google, gõ tiếng Mỹ vào khung trống giữa màn hình là sẽ có ngay những hướng dẫn cụ thể đến cửa hàng.

Gõ tiếng Việt dễ hơn, nhưng mua thì khó lắm, bởi vì mình phải về Việt Nam mới được…. Hàng ở đây thứ nào cũng “đảm bảo chất lượng cao” với ngôn ngữ thị trường của người trong nước, nhưng phẩm chất (quality) ra sao? Hằng không biết, mà các sư phụ, sư nương của em cũng không dám có ý kiến gì.
Nhưng ngay trong thị trường Mỹ, dù là chợ ngoài hay chợ mạng, làm sao chúng ta có thể đánh giá phẩm chất của sản phẩm được bầy bán? Như các bạn đã biết, tinh dầu là tinh hoa kết tụ của các loài cỏ hoa trong trời đất, chắt lọc bằng những phương pháp rất công phu. Chẳng hạn, để có 1 pound tinh dầu Bulgarian Rose, chúng ta phải gom được 4000 pounds hoa; Với oải hương (lavender), cũng phải 100 pounds mới chắt được 1 pound tinh dầu. Chính vì sự công phu như thế mà phẩm chất khác nhau rất xa, thậm chí hàng giả, hàng dổm… cũng có thể xuất hiện. Mặc dầu thứ nào cũng ngào ngạt mùi thơm, nhưng ai biết chúng được chắt lọc ra sao? Đại đa số chúng ta chẳng làm cách nào phân biệt được, nhà quê như Hằng lại càng vô phương. Nhưng cô giáo em bảo rằng, ít nhất mình phải hiểu những dấu hiệu nhà sản xuất ghi trên bao bì:

- Therapeutic: Là tinh dầu có thể dùng trong các công tác trị bệnh của khoa “vị hương liệu pháp” (aromatherapy). Nếu không có Therapeutic thì cũng phải là 100% essential oil. Những sản phẩm không dám đề ra như vậy chắc chắn là phẩm chất kém, mặc dầu phải công nhận là người bán có lương tâm.

- Có nguyên ngữ Latin kèm theo. Chẳng hạn, Oải hương -Lavender - Lavandula Officinalis; Bạc hà – Peppermint – Mentha Piperita; Khuynh diệp – Eucaplyptus – Eucalyptus Globulus; Hương thảo – Rosemary – Rosemarinus Officianalis…. Thôi, Hằng không dám khoe nữa, bởi vì nói bấy nhiêu cũng đã trẹo cả lưỡi rồi.

- Tên quốc gia gốc, tức là nơi trồng loài thảo mộc đó, thí dụ: Hương thảo từ Tunisie; Bạc hà từ Mỹ; Oải hương từ Pháp; Tràm trà (tea tree ) từ Úc; Khuynh diệp từ… China… Thí dụ thôi, chứ em không có ý quảng cáo cho quốc gia nào nhé.

Người phàm mũi tịt như đa số chúng ta chắc chẳng có cách nào phân biệt được mùi hương của cây cỏ xứ này khác với xứ kia ra sao, nhưng cái chi tiết đó rất quan trọng đối với những chuyên viên trong ngành vị hương liệu pháp, bởi vì phẩm chất khác nhau tùy theo quốc gia gieo trồng loại cây cỏ đó.

Thực ra, những chi tiết này không phải là không thể làm giả được. Chính vì thế, chúng ta không có cách gì khác hơn là phải tìm sản phẩm từ những công ty có uy tín, đã xây dựng thanh danh của mình xuyên qua thử thách của thời gian, được nhiều người sử dụng và tín nhiệm.

Đọc đến đây, chắc là bạn chặc lưỡi, “Gớm! Mua tinh dầu chứ có phải kén vợ, kén chồng đâu mà nhiều tiêu chuẩn thế?” Không sai! Cứ chạy theo mùi thơm mà không đắn đo kỹ càng là thế nào cũng đổ nợ!
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT