Đạo và Đời

Ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo

Wednesday, 16/10/2019 - 05:58:36

Hai nhân vật trong dụ ngôn này là ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo. Hai người này có nhiều tương phản lúc còn sống cũng như sau khi chết:


Gặp người ăn xin hay người nghiện ngập, hãy để ý đến họ như một con người và tỏ ra kính trọng họ. Bạn có thể trả lời "không" với họ nhưng nói một cách dịu dàng. (Getty Images)


Bài PHÓ TẾ CHU BÌNH

Hai nhân vật trong dụ ngôn này là ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo. Hai người này có nhiều tương phản lúc còn sống cũng như sau khi chết: ông nhà giàu không được nêu tên, còn anh nhà nghèo được nêu tên Lazarô. Ông nhà giàu ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, trái lại Lazarô mụn nhọt đầy mình. Ông nhà giàu ngày ngày yến tiệc linh đình, trái lại Lazarô thèm những đồ thừa từ bàn ăn của ông nhà giàu. Thời Chúa Giê-su, trên bàn ăn không có dao nĩa và khăn lau, bởi vì người ta ăn bằng tay. Và trong những gia đình giàu có, họ thường dùng bánh mì để chùi tay sau khi ăn rồi vất chúng vào thùng rác. Chính đó là những mảnh bánh mì mà Lazarô đang mong đợi để nuôi sống mình.

Do đó, anh Lazarô là hình ảnh của sự nghèo nàn khốn khổ, còn ông nhà giàu là hình ảnh của sự bê tha ăn uống. Nên để ý điểm này là ở đây người ta nhắc đến tên người đàn ông nghèo khó nhưng người giàu sang thì lại không có tên. Trong nền văn hoá ngày nay, người giàu sang cũng như người nổi tiếng thì đều có danh xưng, còn người nghèo hèn thì vô danh tiểu tốt.
Điều đó cho thấy Chúa Giêsu chú trọng đến những người mà xã hội ruồng bỏ. Ngài đã dành nhiều thời giờ cho những kẻ bị bỏ rơi, những người vô danh tiểu tốt, chứ không phải với những người nổi tiếng.
Rồi cả hai người đều chết. Số phận hai người đảo ngược: người giàu có rơi xuống hỏa ngục, còn anh Lazarô lên thiên đàng, ở trong lòng tổ phụ Ápraham.

Xét theo nhiều khía cạnh, ông nhà giàu không phải là một người xấu. Ông không chống đối việc anh Lazarô ngồi ăn xin trước cổng nhà, hoặc chìa tay ra xin thức ăn thừa và cũng không chỉ thị cho đầy tớ ném bánh mì dơ ở nơi khác. Vấn đề là mỗi lần đi ra hay đi vào nhà thì ông nhà giầu đều phải đi qua nơi anh Lazarô nằm trước cổng. Ông không bao giờ nhận ra anh Lazarô. Ông không để ý tới anh Lazarô trong những năm tháng đó, khi anh ngồi ăn xin trước cổng nhà ông.
Tội lỗi của người giàu có đối với anh Lazarô là tội lơ là chểnh mảng – thứ tội quên làm! Đó là những tội thiếu sót mà chúng ta không bao giờ xưng ra.

Xét lại mình, trong cuộc sống hôn nhân, chúng ta có thể là ông nhà giàu đối với người phối ngẫu, khi chúng ta thiếu sót trong bổn phận làm chồng hay làm vợ, hoặc thiếu sót trong bổn phận làm cha mẹ đối với con cái. Nơi sở làm, chúng ta thiếu sót khi không quan tâm đến những bạn đồng nghiệp.
Và rồi từ đây mỗi khi tôi gặp gỡ một người ăn xin hay người nghiện ngập, tôi sẽ để ý đến họ. Tôi sẽ nhận ra họ như một con người và tỏ ra kính trọng họ. Đồng thời, một việc thật chính đáng, có thể làm được là tôi sẽ hỏi tên họ. Tôi có thể trả lời "không" khi họ xin tiền, nếu tôi nói một cách dịu dàng, bởi vì tôi biết rằng tiếng "không" cũng là một từ ngữ của yêu thương!
Qua dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo chúng ta học được bài học này: chỗ đứng của chúng ta để được cứu rỗi tùy thuộc nơi chỗ đứng của lòng trắc ẩn chúng ta đối với anh chị em chúng ta.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT