Bình Luận

Ơn Trời

Wednesday, 09/03/2016 - 10:04:28

Hoa Kỳ thiệt hại nặng trong đêm thứ ba của chiến dịch Linebacker II, đêm họ trở lại tấn công Hà Nội và những mục tiêu lân cận, như kho chứa sản phẩm khai thác nhiên liệu, khu chuyển hàng Bắc Giang, và nhà ga Kinh Nở.

Bài Nguyễn Đạt Thịnh

Mỗi năm một lần, vài trăm chiến sĩ Không Quân Hoa Kỳ gặp nhau để tham dự lễ kỷ niệm chiến dịch Linebacker II -chiến dịch tấn công Bắc Việt bằng không quân, kéo dài 11 ngày (từ 18 đến 29 tháng Chạp 1972); Hoa Kỳ sử dụng đến 689 phi vụ B52, hàng ngàn phi vụ khu trục trong vai trò bảo vệ oanh tạc cơ B52, và vài chục chiếc trực thăng trong phi vụ cấp cứu phi hành đoàn bị bắn rơi.
Năm nay, họ rủ nhau đến căn cứ không quân Joint Base San Antonio-Randolph, tại San Antonio. Trong số những người tham dự lễ kỷ niệm có cựu đại uý Thomas J. Klomann, sĩ quan không lưu, và cựu đại uý Paul L. Granger một trong những phi công phụ lái B-52 bay vào oanh tạc Hà Nội năm đó. Ông Klomann bảo anh phóng viên Sig Christenson của tờ San Antonio Express News là 64 năm sau ngày bị bắn rơi trên không phận Hà Nội, ông vẫn treo trong nhà một tấm bảng, trên bảng ghi một hàng chữ "Every day is a gift," (mỗi ngày là một ơn trời).

Ông tham dự cuộc oanh tạc khiếp đảm đó và chiếc B52 ông có trọng trách giữ chính xác đường bay, là 1 trong 17 chiếc bị bắn rơi. Ông bị Việt Cộng bắt.

Đại uý Paul L. Granger, người mặc áo bay, và đại uý Thomas J. Klomann sĩ quan không lưu
Mục tiêu chính trị của chiến dịch Linebacker II là bắt Bắc Việt nghiêm chỉnh hoà đàm tại Paris, vì mặc dù đã ngồi vào bàn hội nghị, nhưng Bắc Việt vẫn giữ mửng cũ -đánh đánh, đàm đàm; và mục tiêu chiến lược của chiến dịch là tấn công những phương tiện chiến tranh của Bắc Việt như hệ thống đường rầy, hệ thống phát thanh, các phi trường, các nhà máy điện.

Sử dụng không lực chiến lược B52, với sự trợ chiến của không quân chiến thuật, Hoa Kỳ mở cuộc tấn công được gọi là around-the-clock bombardment (oanh tạc liên tục 24 giờ mỗi ngày); B52 đánh đêm để tránh hoả lực phòng không loại thô sơ, không được điều khiển bằng radar, trong lúc các loại khu trục chiến thuật như A7, F4, EB66, EA 6s luân phiên đánh suốt ngày, suốt đêm.
Đêm Oanh Tạc Đầu Tiên

Trận oanh tạc đặt dưới quyền chỉ huy của SAC (Strategic Air Command - Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Lược); và trong đêm đầu tiên -18 tháng Chạp 1972- SAC đã sử dụng đến 129 oanh tạc cơ B52, 87 chiếc cất cánh từ Guam, Không Lực 7 tham dự với 39 phi cơ trợ chiến, Hải Lực 77 và Lực Lượng Thuỷ Quân Lục chiến cung cấp khu trục F4 làm hoả lực hộ vệ, Không Quân cung cấp loại EB 66 phá rối hệ thống radar và loại máy bay bồn KC 135 tiếp tế nhiên liệu trên không.

Mỗi chiếc B52 cần đến 1 phút dài để cất cánh, nên chỉ riêng phi trường Guam đã phải dành ra đến 2 tiếng đồng hồ để 87 chiếc B52 rời đường bay.

Đại uý  Paul L. Granger, người mặc áo bay, và đại  uý Thomas J. Klomann sĩ quan không lưu



Mục tiêu tấn công đầu tiên là 3 phi trường Kép, Phúc Yên, Hoà Lạc và hệ thống nhà kho tại Yên Viên; đoàn oanh tạc cơ thứ nhì được chỉ định những mục tiêu gần Hà Nội; Bắc Việt phản ứng dữ dội: họ bắn lên 68 hoả tiễn SAM, bắn rơi 3 chiếc B52, hai chiếc khác trúng đạn, hư hại nặng nhưng vẫn còn bay được về phi trường U-Tapao để sửa chữa. Trong tổng số 3 phi hành đoàn bị bắn rơi, trực thăng cấp cứu chỉ cứu được 1 đoàn.

Cũng trong đêm đầu tiên, một chiếc khu trục, oanh tạc cơ F111 bị bắn rơi trong lúc tấn công đài phát thanh Hà Nội.


Đêm Thứ Nhì
Chỉ còn 93 chiếc B52 tham dự đêm oanh tạc thứ nhì; lần này mục tiêu oanh tạc của Hoa Kỳ là hệ thống đường rầy Kinh Nở, nhà máy điện Thái Nguyên và hệ thống kho đụn Yên Viên; Bắc Việt chỉ bắn lên có 20 hoả tiễn, nên không bắn hạ được chiếc phi cơ nào của Mỹ. Đa số hoả lực phòng không của họ tập trung quanh Hà Nội.

Đêm Thứ Ba
Hoa Kỳ thiệt hại nặng trong đêm thứ ba của chiến dịch Linebacker II, đêm họ trở lại tấn công Hà Nội và những mục tiêu lân cận, như kho chứa sản phẩm khai thác nhiên liệu, khu chuyển hàng Bắc Giang, và nhà ga Kinh Nở.

Tổng cộng 8 chiếc B52 bị bắn rơi, 7 chiếc rơi trên không phận Hà Nội, chiếc thứ 8 ráng quay về Thái Lan, nhưng vẫn rơi trên lãnh thổ Lào.

Sau những tổn thất quá đáng đó, bộ tư lệnh SAC bị khiển trách nặng nề; nhà viết quân sử Earl Tilford nhận định, "Sau nhiều năm oanh tạc những khu rừng Nam Việt không phòng thủ, viên chức SAC có thái độ khinh địch, do đó lực lượng oanh tạc chiến lược thờ ơ bay vào lưới đạn phòng không của địch. Lỗi lầm xẩy ra trên bình diện chiến thuật."
Tổn Thất của Hoa Kỳ trong chiến dịch Linebacker II





Nói tóm lại, chiến dịch Linebacker II thất bại hoàn toàn, không đạt được mục tiêu chính trị của nó là bắt Bắc Việt thương thuyết nghiêm chỉnh. Ngày 12/22/1972, Hoa Thịnh Đốn yêu cầu Hà Nội trở lại bàn thương nghị trong lúc cuộc oanh tạc vẫn tiếp diễn.
Bốn hôm sau -ngày 26 tháng Chạp 1972, Hà Nội đủng đỉnh trả lời là họ sẽ trở lại hoà đàm, nhưng không đặt điều kiện tiên quyết là Hoa Kỳ phải ngưng oanh tạc Bắc Việt. Ý Hà Nội muốn Hoa Kỳ và thế giới nghĩ là vì thiện chí hoà bình nên họ trở lại hoà đàm chứ không vì sợ oanh tạc mà xin hoà đàm.
Thế thượng phong đó có thể giả tạo, nhưng cũng đủ để cộng sản Bắc Việt lấn lướt Hoa Kỳ vào những nhượng bộ tử huyệt cho Nam Việt sau này.

Trở lại với 2 đại uý Thomas J. Klomann, sĩ quan không lưu, và Paul L. Granger, phi công phụ của 1 trong 17 chiếc B52 bị bắn rơi trên không phận Bắc Việt; sau 4 tháng bị Bắc Việt cầm tù, hai ông được trả về Mỹ, trong đợt trao đổi tù binh đầu tiên năm 1973. Ông Klomann cảm ơn vợ ông, bà Norma Klomann, vì bà vẫn còn đó không thay đổi, sau quá nhiều biến đổi quanh ông. Ông Granger được vợ, bà Leslie Granger ra đón tận đường bay, bằng xâm banh.

Bà Leslie Granger đón chồng trở về

Vợ chồng ông Klomann sống với nhau được thêm 4 năm nữa thì bà qua đời; ông thích nhắc đến vợ và đến chiến dịch Linebacker II.
"Cuộc đời tôi thay đổi hẳn sau đó; đừng tưởng tôi oán hận; tôi không oán hận ai cả. Trong phi hành đoàn 6 người, thì 4 người tử trận. Tôi may mắn hơn họ. Tôi lại còn góp sức chấm dứt chiến tranh, đem toàn bộ tù binh trở về với gia đình họ. Tôi rất hãnh diện."
Giờ này Klomann cảm ơn trời. "Mỗi ngày tôi còn sống là một ơn trời."

Hai triệu người Việt tị nạn sau chiến tranh không cảm xúc đơn giản được như đại uý Klomann, mặc dù chúng ta cũng tri ân trời, và cũng sống sót sau những vụng về chiến lược của các cấp lãnh đạo quân đội, lãnh đạo quốc gia, như những cấp chỉ huy của SAC đã sai lầm trong chiến dịch Linebacker II.
*
Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị đánh giá bài báo này là "đọc được", tác giả trân trọng mời quý vị đọc thêm 73 bài nữa được tuyển chọn và in trên 540 trang giấy vàng lợt, khổ 6x9, trình bầy trang nhã, đầy đủ hình ảnh, sách đóng chỉ, bìa cứng, giá $30. Độc giả ngoài Hoa Kỳ xin giúp thêm $10 cước phí (trong tổng số trên $22)
Mua sách xin quý vị gửi chi phiếu về địa chỉ:
Nguyễn Đạt Thịnh
515 Crestwater Ct.
Houston, TX 77082

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT