Thế Giới

Obama muốn xác định vai trò lãnh đạo toàn cầu trong bài diễn văn cuối cùng tại Liên Hiệp Quốc

Sunday, 18/09/2016 - 09:50:02


Hôm thứ Ba, Tổng Thống Obama sẽ đọc bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, dự một bữa ăn trưa với Tổng Tư Ký Ban Ki-moon, gặp các giám đốc điều hành, và tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh về những người tị nạn.

Ông Obama trở về Tòa Bạch Ốc sau một chuyến công du trong tuần qua. (Win McNamee/ Getty Images)

 

HOA THỊNH ĐỐN - Trong một lần xuất hiện quan trọng cuối cùng của ông trên sân khấu thế giới, Tổng Thống Barack Obama sẽ xác định cách thức mà vai trò lãnh đạo của ông đã làm cho hành tinh này được an toàn hơn và thịnh vượng hơn, khi ông đọc bài diễn văn từ giã của ông trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Ba tuần này.

Thử thách lớn nhất của ông Obama tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới là cho thấy rằng tám năm qua là những năm đạt được tiến bộ nói chung, mà không lờ đi những vấn đề sâu sắc mà chính sách ngoại giao của ông không nắm bắt được. Những bước thành công của ông trong việc thúc đẩy hành động đối phó với tình trạng khí hậu biến đổi, và khuyến khích những việc thay đổi dân chủ ở Cuba và Myanmar, đều bị giảm thiểu bởi các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn cứ gia tăng.

Bà Samantha Power, đại sứ của Tổng Thống Obama tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng khi ông Obama lên nhậm chức vào đầu năm 2009, Hoa Kỳ bị cô lập. Bà nói rằng ông Obama đã nói với các nhà lãnh đạo khác rằng ông dự định mở “một kỷ nguyên mới của việc dấn thân,” công nhận các quốc gia phải cùng nhau giải quyết những mối đe dọa chung.

Sau khi gây quỹ cho các đảng viên Dân Chủ vào ngày Chủ Nhật tại New York, ông Obama dự định mở tuần lễ ngoại giao của ông, bằng cách gặp Thủ Tướng Haider al-Abadi của Iraq vào ngày thứ Hai. Ông Obama đang cậy nhờ chính phủ Baghdad hàn gắn những sự chia rẽ giữa các giáo phái và giúp chống lại nhóm Hồi Giáo Quốc.

Hôm thứ Ba, Tổng Thống Obama sẽ đọc bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, dự một bữa ăn trưa với Tổng Tư Ký Ban Ki-moon, gặp các giám đốc điều hành, và tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh về những người tị nạn. Hoa Kỳ kêu gọi các nước khác tiếp nhận thêm nhiều người di cư, và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng dân tị nạn từ trước đến nay chưa từng thấy, bắt nguồn từ cuộc nội chiến Syria.

Theo dự trù, đến ngày thứ Ba ông Obama sẽ gặp Tổng Thống Muhammadu Buhari của Nigeria, một nước Phi Châu đang phải vất vả với một mối đe dọa ngay trong nước, từ nhóm cực đoan Boko Haram có quan hệ với Hồi Giáo Quốc IS. Đến ngày thứ Tư, ông Obama sẽ tham một diễn đàn Hoa Kỳ- Phi Châu, và gặp Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia trước khi trở về Washington.

Không có trên thời biểu của ông Obama là một cuộc hội kiến chính thức với tổng thống mới của Phi Luật Tân là ông Rodrigo Duterte. Giọng điệu đối kháng của ông Duterte đối với Hoa Kỳ đã được chứng minh rõ ràng nhất trong tháng này, khi ông gọi Tổng Thống Obama là “đồ chó đẻ,” khiến cho ông Obama hủy bỏ một cuộc gặp gỡ đầu tiên theo dự trù diễn ra tại Lào.

Hồi năm 2009, khi Tổng Thống Obama lần đầu tiên đứng trong Hội Trường Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông là nhà lãnh đạo trẻ trung mà cương vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ đã gây cảm hứng cho những niềm hy vọng về một thế giới hậu kỳ thị chủng tộc. Từ bục diễn đàn, Tổng Thống Obama nói rằng ông hoàn toàn ý thức “về những niềm kỳ vọng đi kèm theo chức vụ tổng thống của tôi” trên toàn cầu.
Ông Obama nói, “Những điều mong đợi này không phải là về tôi. Thay vì vậy, tôi tin rằng những điều ấy bắt nguồn từ một thái độ bất mãn với hiện trạng. Hiện trạng này làm cho chúng ta được càng ngày ngày càng được xác định bởi những điểm khác biệt của chúng ta, và bị vượt qua bởi những vấn đề của chúng ta. Nhưng những niềm kỳ vọng ấy cũng bắt nguồn từ niềm hy vọng: mong rằng việc thay đổi thực sự là điều có thể, và hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ là một nước cầm đầu trong việc đem lại sự thay đổi như vậy. “
Ông đã nói về việc làm giảm bớt các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, việc chống lại tình trạng khí hậu biến đổi, và theo đuổi “mục tiêu của ông là một thế giới không có vũ khí hạt nhân.” Trong những năm sau đó, ông Obama đã làm trung gian cho một thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu, đem đại đa số quân Mỹ trở về nước từ những vùng chiến tranh, và đạt được một thỏa thuận lịch sử với Iran, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân nước này để đổi lấy việc giảm bớt những biện pháp trừng phạt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT