Bình Luận

Obama Judge

Saturday, 24/11/2018 - 07:42:42

Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện -Chánh Thẩm John G. Roberts Jr.- được mọi người kính nể vì tính điềm đạm, rộng lượng, không hơn thua trong những chuyện nhỏ nhặt. Ông không trả lời tổng thống mặc dù ông Trump chỉ trích việc làm của hai vị chánh án Goldsmith và Tigar.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Tổng Thống Donald Trump giận dữ gọi thẩm phán Jon S. Tigar là 'Obama Judge' (thẩm phán của ông Obama); hai chữ đó chỉ giản dị có nghĩa là một vị tiến sĩ luật do tổng thống Barack Obama chọn, và đề cử xin thượng viện tấn phong làm thẩm phán liên bang.

Thẩm Phán Tigar phụ trách việc xét xử tại tòa San Francisco; trong chức vụ đó, ông đã ngăn chặn, không cho thi hành những quyết định của tổng thống cấm người di dân không được xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Án lệnh đó tạo bối rối cho tổng thống, vì vài ngàn người Trung Mỹ đang chờ bên kia biên giới Mỹ-Mễ để tràn vào lãnh thổ Hoa Kỳ xin tị nạn.

Đạo luật di dân Immigration and Nationality Act ban hành năm 1965 cho phép bất cứ người ngoại quốc nào đến Mỹ đều có quyền xin tị nạn tại Mỹ. Hôm mùng 9 tháng 11, 2018, tổng thống viết một bản tuyên cáo presidential proclamation hủy bỏ quyền xin tị nạn của người di dân bất hợp pháp.

Luật Di Dân 1965 không tách bạch là người di dân có cần nhập cảnh hợp pháp hay không mới có quyền xin tị nạn; ngoài ra cả bản tuyên cáo presidential proclamation lẫn quyền của tổng thống đều không thay đổi được một đạo luật do quốc hội liên bang thảo luận và thông qua.
Nếu cần hủy bỏ hay thay đổi, chỉ có quốc hội mới có thẩm quyền.


Thẩm Phán Jon S. Tigar

Thẩm Phán Jon S. Tigar ký một 'lệnh tạm cấm' -temporary restraining order- không cho chính phủ thi hành lệnh của tổng thống chối bỏ quyền được che chở của người di dân bất hợp pháp. Lệnh tạm cấm sẽ gây tê liệt cho bản tuyên cáo presidential proclamation cho đến ngày nào có một bản án xử chung cuộc.
Ông Tigar viết trong lệnh tạm cấm, “Quyền tổng thống rất rộng, nhưng không rộng đến mức thay đổi luật pháp, áp đặt một điều kiện mà Quốc Hội -trước kia- đã nghiêm cấm,” điều kiện đó là vào lãnh thổ Hoa Kỳ hợp pháp. Tổng thống nại cớ an ninh quốc gia để bảo vệ biên giới, ông Tigar cho là dù vào lãnh thổ Mỹ không hợp pháp, người hoạn nạn cũng vẫn có quyền xin tị nạn.

Tổng thống than phiền là Mạch 9 Tư Pháp (9th judicial circuit) đố kỵ ông đến mức xét xử không vô tư -mọi việc liên quan đến ông đều xử ông thua, dù ông cố gắng hết sức, dù vụ việc hoàn hảo đến mức nào.
“Lối hành xử đó quả là ô nhục,” tổng thống chỉ trích 'lệnh tạm cấm' của Thẩm Phán Tigar; ông nói thêm, “Nhưng rồi chúng ta vẫn thắng khi vụ án lên Tối Cao Pháp Viện.” Ý tổng thống muốn nhắc đến việc ông vừa đề cử hai vị tân chánh thẩm vào Tối Cao Pháp Viện, và hai vị đó -theo ông nghĩ- sẽ bênh vực quan điểm của ông -không cho người nhập cảnh bất hợp pháp xin tị nạn.

Tuy Nhiên, Tigar không phải là vị thẩm phán duy nhất gây khó khăn cho tổng thống, vị thẩm phán thứ nhì làm phiền ông là Mark A. Goldsmith -ông cũng liệt ông tòa này vào loại Obama Judge, vì Goldsmith cũng do tổng thống Obama tuyển chọn và đề cử lên thượng viện, và ngày 21 tháng Sáu, 2010 ông Goldsmith được tấn phong chánh án liên bang với 89 phiếu thuận, không có phiếu chống.


Thẩm pháp Goldsmith

Hôm thứ Tư vừa rồi, thẩm phán Goldsmith ra lệnh cho chính phủ phải trả tự do cho gần 100 người Iraq cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ, đang bị giam giữ. những người này bị bắt và đang chờ trục xuất trở về nguyên quán, nhưng chính phủ Iraq không nhận.

Họ bị giam giữ trong lúc viên chức Mỹ thương thuyết yêu cầu Iraq nhận cho họ hồi hương. Goldsmith nói viên chức chính phủ nhiều lần khai với ông là cuộc thương thuyết với Iraq sắp có kết quả, nhưng cuối cùng vẫn không thấy kết quả.

Goldsmith viết án lệnh, “gia đình người di dân tị nạn đã bị chia cách từ hai năm nay, mà việc trục xuất vẫn không thực hiện được. Viên chức chính phủ chỉ hứa hẹn ...," ông còn cho là chính phủ giam giữ họ trái phép, khi giam họ trong những khám đường dành cho bọn tội phạm trộm cướp, sát nhân, trong lúc họ không phải là phạm nhân; tội của họ chỉ là Petitioning -tội xin tị nạn.

Thẩm Phán Goldsmith cũng bị tổng thống liệt vào hạng Obama Judges như thẩm phán Tigar; cũng may cho hai ông này là tổng thống không có quyền sa thải họ, như tổng thống từng sa thải nhiều viên chức chính phủ, tổng thống không vừa ý. Nhưng ngài sẽ đem nội vụ lên Tối Cao Pháp Viện -như ngài nói.

Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện -Chánh Thẩm John G. Roberts Jr.- được mọi người kính nể vì tính điềm đạm, rộng lượng, không hơn thua trong những chuyện nhỏ nhặt. Ông không trả lời tổng thống mặc dù ông Trump chỉ trích việc làm của hai vị chánh án Goldsmith và Tigar.

Hôm thứ Tư 21/11, ông chỉ ra một thông cáo, nội dung viết, “Chúng ta không có vị chánh án nào là Obama Judge, cũng không có chánh án nào là Trump Judge; chúng ta chỉ có một nhóm những vị chánh án tuyệt vời tận tụy và tận lực bảo vệ quyền bình đẳng tư pháp của tất cả mọi người đến đứng trước mặt họ. Chế độ tư pháp độc lập là điều mà toàn thể người Mỹ chúng ta phải tri ân và bảo vệ."

Ngay trong ngày thứ Tư đó, tổng thống viết Twitter bảo ông Chánh Thẩm, “Sorry Chief Justice John Roberts, xin lỗi nhà lãnh đạo tư pháp, nhưng sự thật chúng ta vẫn có những 'Obama Judges, và họ có những góc nhìn khác với những người đang gánh vác trọng trách bảo vệ an ninh quốc gia.”

Giáo sư Josh Blackman, dạy luật tại South Texas College of Law tại Houston, nhận định, “Trump sẽ thắng, trong những cuộc tranh luận như thế này, vì Roberts không trả lời. Ông ta chỉ làm cho Trump hung hăng hơn.”

Tôi không đồng ý với giáo sư Blackman: Phụ nữ trí thức Mỹ cũng nhẫn nhịn không chê trách thái độ hung hăng, ngôn ngữ thiếu nhã nhặn của tổng thống, nhưng tiếng nói tối hậu của họ vẫn loại 40 dân biểu gia nô ra khỏi chính trường, và đang gây nhiều khó khăn cho tổng thống.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT