Thế Giới

Obama đến Hiroshima, cảnh cáo thế giới sẽ bị "hủy diệt" bởi vũ khí hạt nhân nếu thiếu đạo đức

Friday, 27/05/2016 - 10:35:21

Cả hai chính phủ đều hy vọng rằng chuyến viếng thăm Hiroshima của Tổng Thống Obama sẽ cho thấy một mức độ mới của sự hòa giải và mối quan hệ được siết chặt hơn giữa hai nước cựu thù. Sau khi đặt một vòng hoa tại một đài tưởng niệm hòa bình, ông Obama nói, “Chúng tôi đến đây để suy nghĩ về sức mạnh khủng khiếp được tung ra trong một quá khứ không quá xa xôi.”

 Lãnh đạo Mỹ đầu tiên tại Hiroshima
Tổng Thống Barack Obama đặt vòng hoa tại Công Viên Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima vào ngày thứ Sáu. Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức thăm Hiroshima, từ ngày thành phố này bị Mỹ thả bom nguyên tử gần 71 năm trước để kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1945. (Hình: Atsushi Tomura/Getty Images)

 

Sau gần 71 năm từ ngày một chiếc phi cơ Hoa Kỳ bay rất cao trên bầu trời của thành phố Nhật vào một buổi sáng tháng Tám trời trong xanh. Phi cơ đã thực hiện một sứ mạng mà từ đó đã mang đến sự thay đổi lịch sử của nhân loại. Vào ngày thứ Sáu, Tổng Thống Barack Obama đã viếng thăm Hiroshima để bày tỏ sự tôn kính đối với những nạn nhân của một trái bom nguyên tử được thả lần đầu tiên trên thế giới.

Tại Công Viên Hòa Bình Hiroshima, ông Obama đã viết trong cuốn sổ lưu niệm:

“Chúng ta đã biết sự khổ đau của chiến tranh. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau can đảm lên để truyền bá hòa bình và theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân.” Trong bài diễn văn sau đó, tổng thống Hoa Kỳ nói rằng những tiến bộ trong khoa học phải đi đôi với sự tiến bộ đạo đức, bằng không nhân loại sẽ bị hủy diệt.
Ông đưa ra lời cảnh cáo thế giới trong lúc đứng cạnh Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, “Tiến bộ về kỹ thuật mà thiếu sự tiến bộ tương đương trong định chế nhân bản có thể hủy diệt chúng ta. Cuộc cách mạng khoa họa đưa đến sự chẻ rời một nguyên tử cũng cần phải có một cuộc cách mạng đạo đức. Đó là lý do tại sao chúng tôi đến nơi đây.”

Ông Obama đã trở thành vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima, đặt vòng hoa tại nơi mà trái bom nguyên tử đầu tiên của thế giới được thả xuống. Tokyo và Washington hy vọng cử chỉ này sẽ cho thấy mối quan hệ đồng minh của họ, và tăng cường nhũng nỗ lực nhằm chấm dứt vũ khí hạt nhân.
Chuyến viếng thăm lịch sử của ông Obama đã được quan tâm trên khắp nước Nhật, nơi mà từ bấy lâu nay người dân mong đợi một vị lãnh đạo Mỹ sẽ công nhận sự đau khổ đã xảy ra cho khoảng 140,000 người bị thiệt mạng sau khi bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng Tám, 1945 và trong thời gian sau đó. Trong số tử vong này có 20,000 người Đại Hàn bị quân đội Nhật bắt làm lao công tại Hiroshima cho guồng máy chiến tranh của đế quốc Nhật.

Ba ngày sau khi Hiroshima bị thả bom, Mỹ thả trái bom nguyên tử thứ nhì xuống Nagasaki, gây thiệt mạng thêm 80,000 người mà trong đó có 30,000 người Đại Hàn. Hầu hết nạn nhân tại hai thành phố đều là thường dân. Một tuần sau hoàng đế Nhật tuyên bố đầu hàng.

Chuyến viếng thăm của ông Obama đã khơi dậy những cuộc tranh cãi, trong đó cả hai bên đều bị chỉ trích là chỉ những điều mà họ muốn nhớ, đồng thời cho thấy sự mâu thuẫn trong chính sách dùng vũ khí hạt nhân để cảnh cáo nước khác, trong khi vẫn kêu gọi chấm dứt việc sử dụng loại vũ khí này.

Cả hai chính phủ đều hy vọng rằng chuyến viếng thăm Hiroshima của Tổng Thống Obama sẽ cho thấy một mức độ mới của sự hòa giải và mối quan hệ được siết chặt hơn giữa hai nước cựu thù. Sau khi đặt một vòng hoa tại một đài tưởng niệm hòa bình, ông Obama nói, “Chúng tôi đến đây để suy nghĩ về sức mạnh khủng khiếp được tung ra trong một quá khứ không quá xa xôi.”

         Ông Obama ôm một nạn nhân sống sót trong vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima ngày thứ Sáu. (Atsushi                                                                  Tomura/ Getty Images)

Trước khi đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm hòa bình, ông Obama đến thăm một bảo tàng viện, nơi trưng bày những hình ảnh gây kinh hoàng cho người xem. Trong số đó, có nhiều bức ảnh chụp những nạn nhân bị phỏng nặng, quần áo rách nát và bẩn thỉu mà họ mặc, và những bức tượng miêu tả họ với thịt tan chảy từ chân tay của họ.

Mục tiêu chính yếu của ông Obama tại Hiroshima là trình bày chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân của ông. Nhờ chương trình này, ông đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 2009. Ông Obama nói, “Chúng tôi nhớ tất cả những người vô tội bị giết trong vòng cung của cuộc chiến tranh khủng khiếp ấy.”

Trong chuyến đến thăm đài tưởng niệm, ông Obama đã ôm chầm ông Shigeaki Mori, một cụ cao niên sống sót trong vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Ông Obama nói, “Chúng ta có một trách nhiệm chung là phải nhìn thẳng vào mắt của lịch sử. Chúng ta phải hỏi chúng ta phải làm những điều gì khác đi để tránh nỗi đau khổ như vậy một lần nữa.”

Trước đó nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông kính trọng tất cả những người đã chết trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng ông sẽ không xin lỗi về vụ thả bom nguyên tử. Đa số người Mỹ xem hai vụ thả bom ấy là cần thiết để chấm dứt chiến tranh và cứu nhiều sinh mạng, mặc dù quan điểm này bị một số sử gia chất vấn. Trong khi đó, hầu hết người Nhật tin rằng sự thả bom ấy là vô lý.

Tòa Bạch Ốc đã tranh cãi về vấn đề đây có phải là thời điểm đúng hay không, đặc biệt là trong một năm bầu cử, để cho ông Obama phá bỏ một điều cấm kỵ kéo dài trong nhiều thập niên. Đó là tổng thống Hoa Kỳ không đến thăm Hiroshima,

Ông Obama đã tìm cách xoa dịu sự phản đối từ các nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ, khi khẳng định rằng ông sẽ không xét lại quyết định thả bom trong quá khứ. Ông Obama nói với báo chí Nhật Bản, “Tôi sẽ không xét lại quyết định dùng vũ khí nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Nhưng tôi sẽ cho thế giới thấy rằng việc Thủ Tướng Shinzo Abe và tôi cùng đi đến Hiroshima cho thấy khả năng hòa giải. Ngay cả các cựu thù cũng có thể trở thành những đồng minh mạnh nhất.”

Những người sống sót sau hai vụ thả bom nguyên tử nói rằng một lời xin lỗi từ ông Obama sẽ được hoan nghênh. Đối với nhiều người Nhật khác, điều ưu tiên là làm cho thế giới tránh được hiểm họa vũ khí hạt nhân.
Ông Eiji Hattori, 73 tuổi, là một em bé mới biết đi lúc xảy ra vụ thả bom, và giờ đây bị ba loại ung thư trong người. Ông nói, “Tôi muốn ông Obama nói câu xin lỗi. Nếu ông xin lỗi, có thể nỗi đau khổ của tôi sẽ vơi đi.”
Ông nói tiếp, “Nếu ông Obama xin lỗi, tôi có thể chết và gặp cha mẹ của tôi ở trên thiên đường trong bình an.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT