Thế Giới

Obama đến Ethiopia tìm hòa bình, an ninh cho Đông Phi Châu

Monday, 27/07/2015 - 11:41:12

Hiện thời không có giải pháp nào trước mắt cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Nam Sudan. Tổng Thống Obama đã quy tụ các giới chức hàng đầu từ Ethiopia, Uganda, Kenya, Sudan và A.U., để vạch ra một chiến lược, đề phòng trường hợp vòng hòa đàm mới nhất bị thất bại.

Tổng Thống Barack Obama (thứ nhì từ bên phải) sờ tay vào xương của 'Lucy', một người mà các nhà khảo cổ nói là từng sống ở Phi Châu khoảng 3.2 triệu năm trước đây. Bên phải là Tổng Thống Hailemariam Desalegn của Ethiopia. Thứ nhì từ bên trái là ông Zeresenay Alemseged, trưởng Viện Khoa Học California. Các ông đã nói về xương lâu đời nhất của loài người từng được tìm thấy trước khi dự tiệc tại Dinh Quốc Gia ở thủ đô Addis Ababa, đêm thứ Hai. (Saul Loeb/Getty Images)


ADDIS ABABA, Ethiopia - Tổng Thống Obama triệu tập một cuộc họp với các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Đông Phi và Liên Hiệp Phi Châu (A.U.), trong một nỗ lực tìm cách giải quyết tình hình đang trở nên tệ hại hơn ở Nam Sudan. Ông Obama mở cuộc họp ấy, mặc dù ông đã gặp thủ tướng của Ethiopia để thảo luận về cách thức củng cố nhân quyền và các thể chế dân chủ ở đây. Ông Obama là tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên đến thăm Ethiopia.
Hiện thời không có giải pháp nào trước mắt cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Nam Sudan. Tổng Thống Obama đã quy tụ các giới chức hàng đầu từ Ethiopia, Uganda, Kenya, Sudan và A.U., để vạch ra một chiến lược, đề phòng trường hợp vòng hòa đàm mới nhất bị thất bại.
Các quốc gia Phi Châu, do Ethiopia cầm đầu, lâu nay tìm cách giữ vai trò làm trung gian cho một nền hòa bình ở Nam Sudan, thông qua Cơ Quan Liên Chính Phủ Đặc Trách Phát Triển (IGAD), một tổ chức khu vực. Các nước này gần như sẵn sàng đưa ra một thỏa hiệp có thể có cho các bên tham chiến. Hai phía sẽ có thời hạn từ đây cho đến ngày 17 tháng Tám, để hồi đáp cho đề nghị này. Nhưng các giới chức chính phủ có ít kỳ vọng rằng họ sẽ chấp nhận đề nghị này.
Hôm thứ Hai, ông Obama lên tiếng ca ngợi các nhà lãnh đạo khu vực, vì họ chứng tỏ “tài lãnh đạo phi thường trong việc cố gắng giải quyết tình hình đang tiếp diễn ở Nam Sudan.” Nhóm này bao gồm Thủ Tướng Hailemariam Desalegn của Ethiopia, Tổng Thống Yoweri Museveni của Uganda, Tổng Thống Uhuru Kenyatta của Kenya, Chủ tịch Liên Hiệp Phi Châu Dlamini Zuma, và Ngoại Trưởng Ibrahim Ghandour của Sudan.
Ông Obama nói, “Điều này mang lại cho tôi và phái đoàn Hoa Kỳ một cơ hội để nhờ họ mà biết tiến bộ nào đã đạt được, nơi nào dường như có những rào chắn tiếp tục, và bằng cách nào chúng tôi có thể hợp tác với họ để đạt được tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi thực sự có thể mang lại thứ hòa bình mà dân chúng Nam Sudan rất cần.”
Nam Sudan là một quốc gia mà Hoa Kỳ đã giúp cho ra đời vào năm 2011, sau nhiều năm nỗ lực của cả hai chính phủ George W. Bush và Obama. Vấn đề Nam Sudan đã làm phiền các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong nhiều năm qua.
Trong tháng 12 năm 2013, Tổng Thống Salva Kiir của Nam Sudan cáo buộc rằng Riek Machar, người từng là phó tổng thống của ông, đã tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính. Cả hai người là các đối thủ chính trị lâu năm, xuất thân từ các nhóm sắc tộc khác nhau. Kiir là người Dinka, Machar là người Nuer. Hai nhân vậy này đã đến với nhau để thành lập chính phủ, khi nước Nam Sudan lần đầu tiên được thành lập.
Mặc dù những sự dị biệt bộ tộc đã góp phần thúc đẩy cuộc xung đột, nhưng cuộc chiến tranh tập trung phần lớn vào việc kiểm soát các mỏ dầu của Nam Sudan, nguồn thu nhập chính yếu của quốc gia này.
Hiện thời có hơn 2.5 triệu người đang phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực. Trong khi đó, có khoảng 1.5 triệu người phải bỏ nhà mà đi lánh nạn chiến tranh ở nơi khác. Có thêm 520,000 người Nam Sudan đã bỏ chạy băng qua biên giới, để vào trong các nước láng giềng, trong số đó có Ethiopia.
Cuộc xung đột cũng đặt ra một vấn đề lớn về kinh tế cho Kenya. Nước này có những khoản đầu tư lớn ở Nam Sudan, trước khi chiến sự nổ ra. Dự án Hành Lang LAPSSET là nhằm mục đích vận chuyển dầu hỏa từ Nam Sudan tới hải cảng Lamu của Kenya.
Ông Obama đã dành một phần của trưa thứ Hai để giải quyết một cuộc xung đột khu vực ở Phi châu. Ông dành phần còn lại trong ngày để tăng cường quan hệ với Ethiopia, nước đồng minh với Hoa Kỳ từ hơn một trăm năm nay. Nhưng chính phủ đương quyền đã bị chỉ trích về việc đối xử thiếu nhân quyền đối với các chính trị gia đối lập và các nhà báo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT