Người Việt Khắp Nơi

Ở tuổi trên 80, 90 dễ có mấy ai được như hai vị này

Thursday, 22/10/2020 - 07:10:46

Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán hay mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ.


Ảnh cụ Trịnh Lê Kim trên trang bìa sau tập thơ Mảnh Đời. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Ba tác phẩm của cụ Trịnh Lê Kim. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán hay mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ; con cháu thường chúc ông bà, bố mẹ mình sống lâu trăm tuổi (bách niên giai lão), có người còn dùng văn chương chữ nghĩa chúc cho người thân “Phước như Đông Hải, Thọ tựa Nam Sơn.” Thế nên sống trường thọ là điều mong ước của nhiều người, nhưng cũng có nhiều người, nhất là những người không may mang các chứng bệnh nan y, bị tai biến trở thành người thực vật thì chắc hẳn không ai muốn sống lâu, vừa khổ cho mình vừa khổ cho người thân trong gia đình. Sống trường thọ mà được như hai vị sau đây thật là diễm phúc vì hiếm có trên cõi đời này:
Cụ Trịnh Lê Kim cư dân Santa Ana, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1932, tính đến nay cụ sắp bước vào tuổi 89 và chỉ còn 12 năm nữa cụ sẽ hưởng đại thọ 100. Cụ Kim sinh tại Phúc Nhạc, Ninh Bình, một xứ đạo nổi tiếng của giáo phận Phát Diệm, cụ là con thứ hai của cụ ông Trịnh Viết Điều và bà Lê Thị Lan. Sau năm 1954 cụ Trịnh Viết Điều bị Việt Cộng đem ra đấu tố trước tòa án nhân dân với tội danh “Phản động, tay sai bán nước, cường hào ác bá.” Ông Kim lúc đó còn nhỏ tuổi nên đã lén trà trộn vào đoàn người bị bắt đến tham dự, ông là nhân chứng sống của cái gọi là “đấu tố” tận mắt chứng kiến cảnh bố mình bị đấu tố như thế nào và kể lại đầy đủ chi tiết.

Ở vào tuổi 80, cụ Trịnh Lê Kim vẫn khỏe mạnh và đặc biệt trí nhớ của cụ thuộc hạng “siêu việt.” Cụ đã viết cuốn Hồi Ức “Mảnh Đời Ghi Lại,” và cụ ghi rất chi tiết từng mẫu chuyện lúc còn là cậu giúp lễ ở nhà thờ đến tuổi trưởng thành, đi đánh dậm kiếm tôm cá nuôi gia đình, kể chuyện người dân bị bắt đi họp, đi nhảy Hòa Bình, chuyện đi thăm nuôi bố trong trại Lý Bá Sơ và rất nhiều chuyện khác cho đến những trang cuối cùng của cuốn Hồi Ức là chuyện di cư vào Nam.

Với lối văn tả chân, cụ Trịnh Lê Kim làm người đọc say mê từ trang đầu đến trang 440. Nhưng gần 500 trang giấy chưa đủ cho cụ ghi lại những mảnh đời của cụ nên vào ngày 30 tháng Tư năm 2020, khi đã 88 tuổi cụ lại ấn hành cuốn Hồi Ức thứ 2 với tên “Chuồng Cải Tạo,” cuốn Hồi Ức thứ hai dầy 200 trang, ghi lại những biến chuyển lịch sử tại quê nhà, đặc biệt từ sau ngày 30.4.1975 cụ đã kể lại những mẫu chuyện bị bắt làm tù binh (cựu quân nhân QL VNCH nhập ngũ tổng động viên vào tháng 8/1968), chuyện trốn trại đêm mùng Một Tết Bính Thìn (1976) và bị bắt lại giam ở trại B5, Tân Hiệp Biên Hòa 5 năm (biệt giam, cải hối) qua những “Chuồng Cải Tạo” lớn, nhỏ, chuyện 40 lần vượt biên mới thành công và đến định cư tại Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 2 năm 1985. Ngoài hai cuốn Hồi Ức, cụ Trịnh Lê Kim cũng ấn hành tập thơ Mảnh Đời dầy 108 trang với nhiều bài thơ thương cha, nhớ mẹ thật cảm động và nhiều bài thơ dí dỏm phản ánh chế độ cộng sản bạo tàn đang cai trị trên quê hương mình.

Cụ Trịnh Lê Kim có nhiều điểm rất đặc biệt, là một tín hữu Công giáo thuần thành và ngoan đạo thuộc giáo xứ Saint Barbara. Mỗi ngày ở nhà thờ có bao nhiêu thánh lễ là cụ có mặt tham dự đầy đủ mặc dù không giữ bất cứ chức vụ gì trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, cụ sống rất hòa đồng với mọi người, và luôn nở nụ cười trên môi, có lẽ nhờ tinh thần này mà cụ sống lâu, sống khỏe và tinh thần minh mẫn, viết sách, làm thơ. Cụ đã tậu được căn nhà ở Santa Ana cách đây khá lâu và chỉ hai anh em cụ cư ngụ, người em trai mới mất cách nay vài tháng. Một mình cụ ở căn nhà bốn, năm phòng ngủ. Ngoài giờ tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, cụ chăm sóc vườn cây sau nhà và viết sách, làm thơ.

Chúng tôi hỏi đùa cụ, “Sao cụ không kiếm một bà về để cụ đọc Kính Mừng, cụ bà thưa Thánh Maria có phải vui không?”

Cụ Kim cười rất tươi trả lời, “Có chứ, tôi không chỉ có một bà như các ông mà tôi có tới ba bà cơ đấy.” Thế ba bà bây giờ đang ở đâu? Cụ cười và nói, “Thì đang ở nhà tôi chứ ở đâu.” Hóa ra ba bà là gạo Ba Cô Gái mà cụ ăn hàng ngày. Sau trận cười, cụ ghé vào tai tôi tâm sự, “Nói thật với ông, từ bé tới lớn tôi chưa biết mùi đàn bà là gì. Chúa cho tôi đến giờ này không bị ba cao một thấp (cao đường, cao huyết áp, cao mỡ và thấp khớp) nên hàng ngày tôi phó thác cho sự quan phòng của Chúa và luôn tham dự các thánh lễ để dâng lời cảm tạ Ngài và cầu nguyện cho linh hồn ông bà, cha mẹ tôi và những người thân của tôi đã quá vãng.” Mặc dù chưa biết mùi đàn bà nhưng cụ cũng có bài thơ ca ngợi đàn bà (quý bà vợ tù binh sau 1975) đăng trong tập thơ Mảnh Đời trang 101:


Trời ban cho kiếp đàn bà,
Công Dung Ngôn Hạnh thật thà dễ yêu
Xưa kia duyên dáng mỹ miều
Bây giờ… duyên vẫn diễm kiều như xưa
Dù cho lặn lội nắng mưa
Giữa đường đứt gánh..vẫn chưa héo mòn
Ngày đêm săn sóc nuôi con
Muôn bề êm đẹp vo tròn cho xong
Thân người lặn lội long đong
Kiếp sầu ôm nặng trong lòng làm vui
Đắng cay nhận lấy ngọt bùi
Tuổi xuân còn đó..ngậm ngùi xót xa!”


Với sức khỏe và tinh thần minh mẫn như vậy, cụ luôn tin tưởng là do Chúa ban thì 12 năm hay hơn nữa đối với cụ cũng không có gì phải bận tâm.





Ảnh Thiếu tá Hồ Đắc Huân in trên bìa sau cuốn sách Tôi Đi Khóa 2 Sĩ Quan Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Tác phẩm, đứa con tinh thần của tác giả Hồ Đắc Huân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Thiếu Tá Hồ Đắc Huân

Niên trưởng Hồ Đắc Huân sinh ngày 5.5.1937 tại làng Lỗ Giáng, Hòa Đa, Hòa Vang, Quảng Nam, chỉ còn hai tháng phù du nữa ông sẽ bước qua tuổi đời 84 và cũng không còn bao lâu ông sẽ đạt danh hiệu “bách niên giai lão.”

Thiếu Tá Hồ Đắc Huân tốt nghiệp Khóa 2 Sĩ Quan Hiện Dịch Nha Trang, đã phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Sông Mao, Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp và Tiểu Khu Ninh Thuận. Ông được ân thưởng nhiều huy chương như Huấn Vụ Bội Tinh Hạng Nhất, Danh Dự Bội Tinh Hạng Nhất, Lục Quân Huân Chương Đệ Nhất Hạng, Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng và nhiều huy chương quân sự khác. Sau biến cố 1975, ông bị tù khổ sai 7 năm tại các trại tù Việt Cộng Hiếu Đức, Kỳ Sơn và Tiên Lãnh (Quảng Nam, Đà Nẵng). Định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.9 vào ngày 22.10.1991. Thiếu Tá Hồ Đắc Huân là một Phật tử, bản tính vui vẻ, dễ dàng hội nhập với mọi người mà ông tiếp xúc, đặc biệt ông có bản tính khiêm nhường, sẵn sàng đón nhận những ý kiến xây dựng của mọi người dù người đó đáng bậc đàn em của ông.

Thiếu Tá Hồ Đắc Huân được nhiều người biết đến, nhất là trong giới quân nhân QL/VNCH từ binh sĩ đến cấp Tá, cấp Tướng từ sau khi ông và hai tác giả khác là cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống và cựu Trung Úy Trương Đình Thụy biên soạn cuốn Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; một cuốn sách vô cùng giá trị với những trang hình ảnh và bài vở đầy đủ chi tiết như một cuốn Quân Sử mà từ trước tới nay chưa ai làm được, vì những chi tiết và hình ảnh không phải ai cũng có thể kiếm tìm được. Cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống và Thiếu Tá Hồ Đắc Huân đã bỏ rất nhiều thời gian tìm tòi, liên lạc với các vị tướng lãnh, Chỉ Huy Trưởng các quân trường và đơn vị hiện đang định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã lục lọi tìm kiếm trong các Thư Viện Hoa Kỳ, các tờ Công Báo thời VNCH để có được những tài liệu vô cùng quý giá khiến ai chưa từng biết gì về Quân Lực VNCH sau khi đọc xong sẽ rất phấn khích và ngưỡng mộ một Quân Lực oai hùng, một Quân Lực có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ và tinh thần chiến đấu anh dũng.

Ngoài cuốn Lược Sử Quân Lực VNCH, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân cũng có nhiều bài viết đăng trên nhật báo Viễn Đông, ông chú trọng đến khía cạnh tổ chức tại các quân trường và binh chủng. Mới đây, vào Tháng 9/2020 Thiếu Tá Hồ Đắc Huân cho ra mắt cuốn “Tôi Đi Khóa 2 Sĩ Quan Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang.” Trong cuốn sách trên, tác giả ghi lại chi tiết về các quân trường như Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp, Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Thiếu Sinh Quân, Trường Nữ Quân Nhân, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt… nhưng có lẽ đặc biệt nhất là bài giới thiệu về trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang với Khóa 2 Hiện Dịch Đặc Biệt và Khóa 3 Ấp Chiến Lược. Nhiều người chưa am tường về việc tại sao một sĩ quan lại tốt nghiệp ở một trường đào tạo Hạ Sĩ Quan, đâm ra nghi ngờ người sĩ quan đó mạo danh.

Chính vì có sự hiểu lẩm nên do sự thôi thúc của các bạn đồng khóa, Thiếu Tá Hổ Đắc Huân đã dành ra khoảng 60 trang sách để nói về quân trường này, giải thích lý do tại sao Trường Hạ Sĩ Quan lại đào tạo sĩ quan với những chi tiết mà một người trên 80 tuổi nếu đầu óc không còn minh mẫn không thể viết được đầy đủ và chính xác như vậy. Thiếu Tá Hồ Đắc Huân đặc biệt có tấm lòng kính trọng, yêu mến các Thầy và bạn cũ của mình nên trong sách, ông đã viết những bài Tưởng Nhớ đến giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, cụ Cao Xuân Vỹ, Thiếu Tá Trần Ngọc Bích, các Trung Tá Vũ Quang Ninh, Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phùng Ngọc Bang, quý Đại Tá Trần Văn Thăng, Lê Minh Quý, Trần Cửu Thiên, Hồ Ngọc Tâm, Trần Ngọc Thống, anh Thái Hà Chung và một bài viết khi thăm viếng chị Hồ Ngọc Cẩn, chứng tỏ ông là con người sống có tình có nghĩa với những người đã từng đi qua đời ông và cả những người mà hiện nay ông đang gần gũi.

Tác giả có tâm sự với người viết khi trao tặng chúng tôi cuốn “Tôi Đi Khóa 2 Sĩ Quan Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang.”

Ông nói, “Đây là đứa con tinh thần của tôi, từ trước đến nay tôi chỉ cộng tác với cố Đại Tá Trần Ngọc Thống và cố Trung Úy Trương Đình Thụy thực hiện cuốn Lược Sử QL/VNCH còn toàn viết bài lẻ tẻ đăng báo, nay anh em Khóa 2 họ đốc thúc quá nên tôi viết cuốn này và coi nó là đứa con đầu lòng.

“Nếu còn sức khỏe và tài chánh cho phép, tôi sẽ viết và in hai tập sách khác là Sách Có Hồn và Chuyện Bên Lề vào năm 2021 với nhiều tài liệu lịch sử có giá trị. Nếu quý bạn nào có lòng ủng hộ ấn phí, xin gửi chi phiếu về Hồ Thị Thanh Thúy, 13292 Bersuch St, Westminster, CA 92683 với ghi chú ủng hộ sách. Tôi xin hết lòng cám ơn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT