Thế Giới

Ở Phi Châu, người bạch tạng bị săn giết như thú vật để lấy bộ phận cơ thể

Sunday, 09/07/2017 - 10:17:01

Khi vợ ông hét lên, những người hàng xóm chạy đến để cứu giúp họ và ngăn chặn những kẻ tấn công. Nhưng ông Daire không còn cảm thấy an toàn ở ngoài đường hay ở trong nhà nữa. Ông lo sợ những kẻ săn lùng sẽ quay trở lại.



Em trai bị bạch tạng ở Malawi (Lawilink/ Amnesty International)


Vào một buổi tối thứ Năm đầu tháng Ba, một ông người Malawi tên là Gilbert Daire bị đánh thức bởi tiếng động phát ra từ những người đang tìm cách khoan thủng bức tường nhà ông. Ông tin chắc rằng bọn săn lùng đã đến để giết ông mà lấy các bộ phận cơ thể của ông.

Khi vợ ông hét lên, những người hàng xóm chạy đến để cứu giúp họ và ngăn chặn những kẻ tấn công. Nhưng ông Daire không còn cảm thấy an toàn ở ngoài đường hay ở trong nhà nữa. Ông lo sợ những kẻ săn lùng sẽ quay trở lại.

Ông Daire bị bạch tạng (albinism), một chứng bệnh làm cho ông trở thành một món hàng quý giá, trong những vùng ở miền đông và miền nam Phi Châu. Giống như voi và tê giác, họ bị săn bắt và bị giết chết vì các bộ phận cơ thể của họ, có thể đem lại hàng ngàn Mỹ kim, và thường bị buôn lậu vượt qua biên giới.


Một người mẹ có con bị bạch tạng ở Malawi, nơi mà người bạch tạng bị săn lùng để giết lấy bộ phận cơ thể. (Lawilink/ Amnesty International)

Việc sát hại những người bị bạch tạng thường xảy ra ở Tanzania, Malawi, và Mozambique. Ở đó các bộ phận thân thể được dùng trong các nghi thức phù thủy, vì những điều mê tín dị đoan làm cho người ta tin rằng những bộ phận ấy có thể mang lại tiền tài, thành công, quyền lực, hoặc khả năng chinh phục tình dục. Đặc biệt các trẻ em thường dễ bị giết nhất.

Theo Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cho biết, có ít nhất 20 người Malawi mắc chứng bạch tạng đã bị giết chết, để lấy các bộ phận cơ thể, tính từ tháng 11 năm 2014. Con số này có thể cao hơn nữa, với nhiều người bạch tạng khác đã biến mất. Ở Tanzania, ít nhất 75 người đã bị giết, tính từ năm 2000.

Mối hiểm họa đã trở nên khá trầm trọng, đến nỗi mới đây tổ chức tị nạn của Liên Hiệp Quốc bắt đầu cho những gia đình có người bạch tạng ở Malawi sang tái định cư ở Canada và các nước khác.

Chứng di truyền từ cha mẹ này làm hạn chế sức sản xuất melanin của cơ thể, dẫn tới tình trạng thiếu các sắc tố ở da, tóc và mắt, thường gây ra ung thư da hoặc tổn thương mắt. Cứ 1,400 người ở Phi Châu, thì có một người bị ảnh hưởng bởi chứng bạch tạng.

Những người bị bạch tạng có thể được nhìn thấy được trong các cộng đồng của họ. Vì thế họ đành phải nấp trong nhà, để tránh bị tấn công, bắt cóc, và giết mổ. Nhưng ngay cả khi trốn trong nhà, họ cũng không được an toàn.

Những vụ tấn công thường trơ tráo: Nhà bị xâm nhập, hoặc người ta bị bắt giữ ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Những đứa trẻ chập chững đi và những em lớn hơn đều bị giựt mất khỏi các bà mẹ độc thân nghèo đói, hoặc trong khi đi bộ đến trường. Những người trong gia đình, như chú bác, cha, hoặc bạn trai, thường dính líu vào những vụ ấy.

Thi thể bị cắt xén của họ thường được tìm thấy sau đó, không có bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, da, mắt hoặc tóc, tùy theo loại phù phép được dùng.

Nạn nhân mới đây nhất là bé trai 9 tuổi người Malawi, tên là Mayeso Isaac. Bé đang trên đường đi thăm thân nhân vào cuối tháng qua, thì bị tấn công và bắt cóc bởi một băng đảng gồm 10 người. Từ đó người ta không thấy bé nữa, sợ rằng bé đã bị giết để lấy các bộ phận cơ thể. Đó là một phần của một da5ngb thức quen thuộc.

Những nạn nhân nhỏ tuổi khác mới đây ở Malawi: Whitney Chilumpha, 2 tuổi, có răng và quần áo được phát hiện bị chôn vùi ở một ngôi làng lân cận; Harry Mokoshini, 9 tuổi, đầu của em đã được cảnh sát thu hồi; và thiếu niên David Fletcher, xác cậu được tìm thấy mà không có bàn tay hoặc bàn chân.

Bà Edna Cedric mất một đứa con trai vào tay bọn săn lùng bộ phận cơ thể. Khi họ quay trở lại để giết người anh em sinh đôi của cậu con trai ấy, bà đã sẵn sàng và đánh đuổi họ.

Deprose Muchena, một phát ngôn viên của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, nói rằng những truyền thống văn hóa thâm căn cố đế vẫn tồn tại. Trong số đó, có một niềm tin vào những sức mạnh huyền thoại của những người bạch tạng, và một niềm tin rằng những bộ phận thân thể của họ có thể làm thay đổi cuộc sống, mang lại sự giàu có, quyền lực, hoặc tài sản kỳ diệu. Một số người tin rằng những kẻ bị bạch tạng không phải con người, và giá trị duy nhất của họ là tiền bạc, và có vàng trong xương của họ.
Muchena nói, “Đó là sự sẵn sàng để tin tưởng vào những kỳ vọng thần thoại về cách thức tạo ra sự giàu có. Đó là những niềm tin sai lạc, ăn sâu trong đầu óc, cần phải được loại bỏ trong xã hội. Những niềm tin này được nuôi dưỡng bằng sự dốt nát, do tình trạng thiếu giáo dục ảnh hưởng tới nhiều người ở Malawi, đặc biệt ở các vùng nông thôn.”

Nhiều người bạch tạng ở Malawi sống ở các cộng đồng nghèo khổ xa xôi. Ở đó trình độ học vấn thấp, mê tín dị đoan là chuyện thông thường, mức thất nghiệp cao, và thông tin về chứng bạch tạng không có sẵn. Những phụ nữ nào sinh ra những đứa con bị bạch tạng đều bị xa lánh.

Những vụ sát hại người bị bạch tạng cũng xảy ra ở Nam Phi, mặc dù những vụ ấy ít thông thường hơn. Trong tháng Hai, một người 67 tuổi chuyên chữa bệnh theo lối truyền thống ở đó đã bị buộc tội giết một phụ nữ 20 tuổi mắc chứng bạch tạng, và bị tuyên án tù chung thân.

Thầy lang Bhekukufa Gumede và bốn người trẻ đồng lõa đã cắt lấy bộ phận sinh dục, chân tay, và da của nạn nhân Thandazile Mpunzi. Họ vứt xác xuống một cái huyệt cạn. Trong số những kẻ đồng lõa, có hai người nói với tòa án rằng ông Gumede đã thuyết phục họ rằng họ sẽ giàu lên, nếu họ uống thuốc cổ truyền với các bộ phận cơ thể.

Bạn trai của nạn nhân, người đã giúp dụ dỗ cô sa vào cái chết, đã bị kết án 18 năm tù. Trong khi đó, ba người khác lãnh 20 năm tù giam.

Muchena nói rằng việc kiểm soát trị an kém cỏi, và một hệ thống tư pháp hình sự bất lực ở Malawi, đã góp phần vào các cuộc tấn công vào những người bị bạch tạng ở đó, và không ai bị kết án trong 20 vụ giết người xảy ra ở đó trong ba năm qua.

Ngay cả những nghi can bị phát hiện đang giữ xương, hoặc những bộ phận cơ thể khác, đều đã được phóng thích vì những sai lầm của các công tố viên, hoặc được tha bổng bới những thẩm phán được đào tạo một cách kém cỏi.

Theo Muchena cho biết, một nhóm đặc nhiệm của chính phủ phụ trách giải quyết vấn đề này cũng đã không thành công.

Sau một loạt tấn công trong năm nay, cảnh sát trưởng Lextern Kachama của Malawi nói với giới truyền thông địa phương rằng tổng thống đã ra lệnh cho cảnh sát phải bảo vệ các trường học khỏi những kẻ săn lùng, và kêu gọi cộng đồng hãy làm nhiều hơn.

Ông nói, “Dân chúng trong các cộng đồng ấy đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ những người bạch tạng, vì họ luôn luôn ở với những người ấy.
(Theo báo L.A. Times)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT