Thế Giới

Ô nhiễm giết nhiều người hơn so với chiến tranh, thiên tai, nạn đói; Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu

Thursday, 07/12/2017 - 10:19:56

Bản phúc trình cho biết mức tốn kém tài chánh từ tử vong, bệnh tật và phúc lợi có liên quan đến tình trạng ô nhiễm, đều lớn như nhau, gây thiệt hại khoảng $5.9 ngàn tỷ Mỹ kim hàng năm, tức chừng 6.2 phần trăm, cho nền kinh tế toàn cầu.


Một du khách phải đeo khẩu trang vì khói mù tại Thiên An Môn, Bắc Kinh. (Getty Images)

Ô nhiễm môi sinh, từ không khí bẩn thỉu cho tới nước bị ô nhiễm, đang giết nhiều người mỗi năm, nhiều hơn so với tất cả chiến tranh và bạo động trên thế giới. Nhiều hơn so với hút thuốc, nạn đói, hay thiên tai. Nhiều hơn so với ba loại bệnh AIDS, lao và sốt rét công chung lại.


Cứ sáu vụ chết sớm trên thế giới trong năm 2015, tức khoảng 9 triệu người, thì có một vụ có thể là do bệnh gây ra bởi việc tiếp xúc với chất độc. Một cuộc nghiên cứu quan trọng, được công bố vào ngày thứ Năm, 19 tháng 10, trong tạp chí y khoa The Lancet, cho biết như vậy.

Bản phúc trình cho biết mức tốn kém tài chánh từ tử vong, bệnh tật và phúc lợi có liên quan đến tình trạng ô nhiễm, đều lớn như nhau, gây thiệt hại khoảng $5.9 ngàn tỷ Mỹ kim hàng năm, tức chừng 6.2 phần trăm, cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Philip Landrigan nói, “Có nhiều cuộc nghiên cứu về ô nhiễm, nhưng ô nhiễm không bao giờ nhận được những nguồn lực hoặc mức độ chú ý như bệnh AIDS hoặc tình trạng khí hậu thay đổi.”

Ông Landrigan là khoa trưởng phân khoa y tế toàn cầu tại trường đại học y khoa Icahn School of Medicine, ở Mount Sinai, New York, và là tác giả đứng đầu của bản phúc trình.

Bản báo cáo này đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm thu thập dữ liệu về bệnh tật và tử vong do mọi hình thức ô nhiễm cộng chung lại gây ra.

Theo các chuyên gia cho biết, 9 triệu trường hợp chết sớm mà cuộc nghiên cứu tìm thấy chỉ là một bản ước tính một phần mà thôi. Số lượng người chết vì ô nhiễm chắc chắn là cao hơn, và sẽ được định lượng hóa, một khi có thêm những nghiên cứu khác được thực hiện, và những phương pháp mới đánh giá những tác động tai hại được phát triển.

Những khu vực như Phi Châu vùng Hạ Sahara thậm chí còn phải thiết lập những hệ thống theo dõi ô nhiễm không khí. Ô nhiễm đất đã nhận được sự chú ý rất ít. Và có nhiều độc tố vẫn còn bị phớt lờ. Trong số 5,000 hóa chất mới, được phân tán khắp nơi trong môi trường từ năm 1950, có chưa tới một phân nửa đã được xét nghiệm về an toàn hoặc độc tính.

Theo cuộc nghiên cứu tìm thấy, Á Châu và Phi Châu là những khu vực đặt nhiều người nhất vào nguy cơ, trong khi đó Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia bị ô nhiễm. Cứ bốn vụ chết sớm ở Ấn Độ trong năm 2015, tức khoảng 2.5 triệu người, thì có một vụ là do ô nhiễm gây ra, theo cuộc nghiên cứu cho biết.
Môi trường của Trung Quốc đã gây chết người đứng hàng thứ nhì, với hơn 1.8 triệu trường hợp chết sớm, tức là một phần năm, gây ra bởi những bệnh liên quan đến ô nhiễm.

Một số nước khác như Bangladesh, Pakistan, Bắc Hàn, Nam Sudan và Haiti, cũng đã ghi nhận gần một phần năm trong tổng số những vụ chết sớm là do ô nhiễm gây ra.

Để đạt được những con số này, các tác giả của cuộc nghiên cứu đã dùng những phương pháp được phác thảo bởi Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ, để đánh giá dữ liệu hiện trường từ những cuộc xét nghiệm đất, cũng như với những số liệu về ô nhiễm không khí và nước từ Global Burden of Disease (GBD - Gánh Nặng Bệnh Tật Toàn Cầu), một chương trình nghiên cứu đang được thực hiện bởi nhiều tổ chức, trong số đó có Tổ chức Y Tế Thế Giới và Viện Chỉ Số Và Đánh Giá Y Tế ợ tại đại học University of Washington.

Ngay cả bản ước tính bảo thủ về 9 triệu trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm là cao gấp một lần rưỡi so với số người chết vì hút thuốc, cáo gấp ba lần so với số người chết vì ba chứng bệnh AIDS, lao và sốt rét cộng chung lại, cáo hơn sáu lần so với số người chết vì tai nạn xe cộ, và cao gấp 15 lần so với số người bị giết trong chiến tranh, hoặc những hình thức bạo động khác, theo số liệu của GBD.

Thường thấy nhất là những người nghèo nhất thế giới phải gánh chịu nhiều nhất. Theo cuộc nghiên cứu cho thấy, đại đa số trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm, tức 92 phần trăm, đều xảy ra trong các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Ở đó những người hoạch định chính sách quan tâm nhiều nhất đến việc phát triển nền kinh tế, kéo dân chúng ra khỏi cảnh nghèo, và xây dựng hạ tầng kiến trúc căn bản.

Bản phúc trình trích dẫn các cuộc nghiên cứu của EPA, cho thấy Hoa Kỳ đã thu được khoảng $38 trong những khoản lợi ích cho mỗi đồng Mỹ kim được chi cho việc kiểm soát ô nhiễm không khí từ năm 1970, khi Quốc Hội ban hành đạo Luật Không Khí Sạch, một trong những luật về môi trường đầy ước vọng nhất thế giới.

Việc loại bỏ chì ra khỏi xăng đã làm cho Hoa Kỳ kiếm được thêm $7.6 ngàn tỷ từ năm 1980. Các cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Hoa Kỳ Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh cho biết như thế.
Mặc dù chưa bao giờ có một bản tuyên bố quốc tế về ô nhiễm, nhưng đề tài này đang có thêm sức kéo.
Trong tháng Tư, Ngân Hàng Thế Giới nói rằng việc làm giảm bớt ô nhiễm, dưới mọi hình thức, hiện giờ sẽ là một mục ưu tiên toàn cầu. Và trong tháng 12, Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức hội nghị đầu tiên về chủ đề ô nhiễm.

Ernesto Sanchez-Triana, chuyên gia hàng đầu về môi trường tại Ngân Hàng Thế Giới, nói, “Mối quan hệ giữa ô nhiễm và nghèo đói là rất rõ ràng. Và việc kiểm soát ô nhiễm sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề khác, từ khí hậu biến đổi cho tới suy dinh dưỡng. Những mối liên kết này không thể bị làm ngơ.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT