Đạo và Đời

Nước Thiên Chúa

Thursday, 10/06/2021 - 09:27:06

​Một trong những cách giảng dạy rất độc đáo của Chúa Giêsu, đó là dùng dụ ngôn để giúp người nghe và cả chúng ta ngày hôm nay hiểu được những mầu nhiệm bí ẩn về Nước Trời.


Hạt giống nảy mầm và lớn lên nhờ vào sự sống đến từ Thiên Chúa. (Getty Images)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

​Một trong những cách giảng dạy rất độc đáo của Chúa Giêsu, đó là dùng dụ ngôn để giúp người nghe và cả chúng ta ngày hôm nay hiểu được những mầu nhiệm bí ẩn về Nước Trời. Thánh Marcô nhận xét, “Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tùy sức họ có thể hiểu được và người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn.”

Dụ ngôn là phương pháp dùng những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày để giúp cho trí tưởng tượng và khả năng nhận xét hiểu được những khái niệm trừu tượng và xa lạ. Ví dụ điển hình là dụ ngôn “Hạt Giống Âm Thầm Mọc” và dụ ngôn “Hạt Cải” trong bài Tin Mừng ngày hôm nay. Đối với người Do Thái chuyên sống về việc trồng trọt, họ nắm bắt ngay hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra và hiểu được phần nào hình ảnh Nước Trời mà Ngài muốn giảng dạy.

​Dụ ngôn thứ nhất nói về người kia gieo hạt rồi bỏ đó để tự nó mọc lên. Người gieo hạt không vất vả chăm sóc, nhưng hạt giống vẫn nảy mầm, lớn thành cây, và đơm bông kết hạt. Thực ra thì để có được một ruộng lúa hay vườn cây ăn trái tươi tốt đầy hoa quả, việc canh tác không đơn giản như vậy. Những ai đã từng có kinh nghiệm gieo hạt và trồng cây có thể nhận ra rằng người nhà nông cần phải bỏ ra nhiều công lao và thời gian để chăm bón. Dĩ nhiên Chúa Giêsu biết điều đó, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến nguồn sức sống đã làm cho hạt giống nảy mầm. Nguồn sức sống đó không hoàn toàn đến từ công lao khó nhọc của con người, nhưng là do Thiên Chúa phú ban. Có những dụ ngôn Chúa đã nhấn mạnh đến công lao của con người, nhưng dụ ngôn này thì khác. Ngài muốn cho chúng ta hiểu, bàn tay lao động của con người chưa đủ để cho hạt giống nảy mầm và lớn lên, nhưng còn phải nhờ vào sự sống đến từ Thiên Chúa.

​Vì đây là dụ ngôn nói về nước Thiên Chúa, nên một mặt Chúa Giêsu không muốn con người tự mãn, cho rằng “bàn tay ta làm nên tất cả,” và không còn tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Mặt khác, Ngài muốn chúng ta chớ quá lo lắng và lao nhọc. Đọc kỹ lại dụ ngôn, chúng ta thấy trách nhiệm của con người là gieo hạt, và Thiên Chúa sẽ cho nó nảy mầm và lớn lên, và nó sẽ đơm bông kết hạt cho mùa gặt hái. Đây là hình ảnh của nước Thiên Chúa khi mới được thành lập. Hạt giống lời Chúa được gieo vào thế gian, và Thiên Chúa đã cho nó nẩy mầm và lớn lên, không phải tất cả là do công lao của con người, nhưng chính Thiên Chúa đã ban cho hạt giống có được sức sống.

​Trong trường hợp của hạt cải, nó chỉ là một hạt giống nhỏ bé được gieo vào lòng đất. Nhờ vào nước, nhiệt độ ẩm thấp, và phân bón từ đất mà hạt giống đã nẩy mầm. Con người chỉ đóng góp một phần nào đó, còn phần lớn là do Thiên Chúa ban cho vì con người không tạo ra được nước, đất, và nhiệt độ. Chúa đã cho hạt cải lớn lên và trở thành một cây lớn nhất trong vườn. Cây cải của người Do Thái không nhỏ như cải Việt Nam. Nó có thể là lùm cây cao tới 12 feet. (3.6m). Chim trời có thể tới nương náu là vậy.

​Viết đến đây tôi nhớ đến 24 năm trước đây, khi tôi mới thụ phong linh mục, các linh mục Việt Nam trong giáo phận lúc bấy giờ chưa tới 20 cha, nhưng trong tuần cấm phòng hôm nay, số linh mục đã lên tới hơn 50 cha. Không ai dám nhận đây là công lao của mình, nhưng chúng ta có chỉ thể nói mình đã góp phần trong lời cầu nguyện, và Chúa đã chúc phúc cho cách đặc biệt.

​Trong bất cứ lãnh vực nào cũng thế, chúng ta cần phải góp phần công lao của mình. Kết quả sẽ thành công ra sao là do Chúa ban cho. Người Việt chúng ta vẫn thường nói với nhau, “Khởi sự tại nhân, và thành sự tại thiên.” Chúa ban cho chúng ta có đầy đủ khả năng để góp phần xây dựng nước Chúa, và tin rằng Ngài sẽ đưa công lao của chúng ta đến thành quả theo thánh ý của Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT