Đạo và Đời

Núi Thiết Vi ở Bolsa

Wednesday, 07/02/2018 - 07:24:55

Hiện thời thì chưa đến nỗi vậy. Sáng nay, ngày 22 Tết, tôi ra sân cắt cỏ, làm nhiệm vụ của một ông chồng... già ngoan ngoãn.

Bài PHÚC QUỲNH

Dạo này một bên tai của tôi bị nghe tiếng lạ. Tiếng người nói ở chung quanh nghe bên tai này thì bình thường, bên tai kia chỉ nghe phần âm độ cao, như có tiếng radio rầm rì mở ở đâu đó. Bác sĩ mách, “Chú bị dị ứng, uống thuốc này coi sao.” Uống rồi không hết, nhưng không dám nói cho vợ biết, sợ bị nàng bắt đi khám bác sĩ lần nữa. Như hầu hết các ông... dốt và lười, “chàng” này rất ngại đi bác sĩ.


Nhà Đại Hồng Chung tại Tu Viện Liễu Quán, Warner Springs vào mùa xuân năm 2014. (Phúc Quỳnh)

Tôi cho là tới tuổi già, không bị suy suyển cái này thì cũng bị cái khác, thôi đành vậy. Có cái thân thì phải chịu cái bất toàn, xem nó như một phần của một cuộc đời trôi theo một chu kỳ muôn thuở. Mỗi lần đi thăm các cụ ở viện dưỡng lão, tôi không khỏi ngậm ngùi thương các cụ phải chịu cảnh bệnh tật, đau đớn của cơ thể, nằm rên rỉ và cô đơn, và tôi cũng chuẩn bị tinh thần để có lẽ một ngày kia sẽ đến phiên mình phải nằm liệt giường như các cụ, mà ráng không... rên rỉ.

Hiện thời thì chưa đến nỗi vậy. Sáng nay, ngày 22 Tết, tôi ra sân cắt cỏ, làm nhiệm vụ của một ông chồng... già ngoan ngoãn. Một ngày nắng đẹp trời, nhà lại ở sát phố Bolsa, nên cũng nghe tiếng bà con mình lái xe ồn ào hướng về Little Saigon để sắm Tết mừng Xuân Mậu Tuất 2018. Khỏi nói, vừa cắt cỏ tôi vừa nghe tiếng “lạ” rì rào ở một bên tai như mọi lần. Nhưng rồi có chuyện lạ.

Lúc ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây trước nhà, tôi chợt nghe tiếng chuông chùa bên tai... hỏng. Trong vòng bán kính từ Bolsa đến xa chừng mười dặm, dân Việt mình có cả mấy chục ngôi chùa. Nhưng làm gì có chùa thỉnh chuông vào lúc 10 giờ sáng thứ Tư? Chùa Việt nào mà thỉnh chuông vào giờ đó thì thế nào cũng bị người hàng xóm mách với police.

Đang phân vân chưa biết có phải tiếng ngân trong không gian vừa rồi là tiếng chuông chùa, hay mình tưởng tượng, tôi lại nghe tiếng chuông một lần nữa, lần này thì đúng là tiếng đại hồng chung, không ngân lớn để át hết mọi tiếng ồn ở chung quanh, nhưng rõ ràng như một cánh bướm vàng đang bay lượn bên cây quít xanh tươi ở cuối sân. Tôi nhận ra đó là tiếng chuông từ chùa Liễu Quán ở trên vùng núi Warner Springs, cách phố Bolsa chừng 100 dặm về hướng đông nam.

Mấy mùa xuân trước, trong những ngày tìm đến các chùa để học đạo, một ngày kia tôi được Sư Ông Nguyên Đạt rủ lên tu viện Liễu Quán. Thầy đã lớn tuổi, không còn sức để lái xe từ chùa Bảo Tịnh ở Gardena lèo lách trên xa lộ, vòng vèo giữa đường núi cao, nên sáng hôm ấy mình tôi đưa thầy lên Liễu Quán. Chiều đến, sau mấy giờ quét dọn, lúc hai thầy trò ngồi trên xích đu bên hông chùa, Thầy Nguyên Đạt bỗng cao hứng, cất tiếng tụng một bài kệ mà về nhà tìm hiểu tôi mới biết là bài thỉnh Đại Hồng Chung, chứ lúc ấy thầy không nói. Tụng xong thầy bảo tôi đến tháp chuông cách xa cả trăm thước và thỉnh ba hồi chuông. Đây là bài thỉnh Đại Hồng Chung mà thầy đã ngân nga chiều hôm ấy:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn,
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác.
Văn chung thinh, phiền não khinh,
Trí huệ trưởng, Bồ đề sanh,
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh,
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.
(Án, già ra đế dạ ta bà ha)

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc dịch sang tiếng Việt:

Nguyện tiếng chuông này vượt ngoài pháp giới
Núi Thiết Vi u ám thảy đều nghe,
Nghe chuông lòng thanh tịnh chứng viên thông
Hết thảy chúng sanh đạt thành chánh giác.
Nghe chuông ngân lòng nhẹ lâng
Trí huệ phát Bồ đề tâm
Lìa địa ngục, thoát lửa hầm
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

Trong những lần lên Liễu Quán sau này, cho dù không có Sư Ông Nguyên Đạt, tôi vẫn thỉnh chuông và mời vợ làm theo. Tiếng chuông ngân vang vào sáng sớm, lan tỏa khắp vùng thung lũng cô tịch, nơi mà chúng tôi có thể sống cả ngày ở đó mà không gặp một ai, chỉ có những chúng sanh vô hình.
Thế nên sáng hôm 22 Tết vừa rồi, nghe tiếng chuông mơ hồ từ xa vọng về chốn Bolsa, tôi chợt nhớ đến tâm phát nguyện học đạo và hành đạo của mình, không thể bỏ uổng một cuộc đời đang đến lúc xế chiều. Việc kiếm sống ở Bolsa chỉ là vậy, chỉ là kiếm ăn để nuôi cái thân như bao chúng sanh ở thế gian này. Đạo mới là sự nghiệp, mới là làm đúng bổn phận của một người con Phật, một người kính Phật, và thương Phật.
Biết vậy, và vui với tiếng chuông trong lòng, nhưng tôi không dám kể lại với vợ trưa hôm ấy, sợ nàng sẽ lo lắng thêm cho cái tai hỏng của tôi, lại bắt chồng phải đi khám bác sĩ, mà không chừng lần này phải đi gặp bác sĩ... tâm thần. Mô Phật.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT