Thế Giới

Núi băng trôi thứ hai tách khỏi Nam Cực

Wednesday, 27/09/2017 - 08:21:53

Đây là một sự kiện quan trọng, theo ông Peter Neff, nhà khoa học Trái Đất và Băng hà học ở Đại học Rochester, New York, Hoa Kỳ. "Sự việc tương tự không phải chưa từng xảy ra trước đây, nhưng sông băng này liên quan tới mực nước biển dâng lên trong tương lai,” ông Neff cho biết.


Ảnh vệ tinh cho thấy núi băng trôi tách khỏi sông băng Pine Island. Ảnh: Twitter.

HÒA LAN – Một núi băng có diện tích 267 cây số vuông vừa tách khỏi sông băng Nam Cực, gây lo ngại cho các nhà nghiên cứu. Núi băng trôi có diện tích lớn gấp 4 đến 5 lần khu Manhattan của New York, vỡ khỏi sông băng Pine Island ở phía tây Nam Cực, đánh dấu lần thứ hai sông băng mất đi một khối băng lớn chỉ trong vòng 2 năm.


Ông Stef Lhermitte, chuyên gia quan sát vệ tinh ở Đại học Công nghệ Delft tại Hòa Lan phát hiện hình ảnh vệ tinh cho thấy sông băng đã mất một khối băng khổng lồ hôm 23 tháng 9. "Núi băng có diện tích 267 cây số vuông đã tách rời sông băng Pine Island do một vết nứt ở bên trong", ông Lhermitte viết trên mạng xã hội Twitter.

Đây là một sự kiện quan trọng, theo ông Peter Neff, nhà khoa học Trái Đất và Băng hà học ở Đại học Rochester, New York, Hoa Kỳ. "Sự việc tương tự không phải chưa từng xảy ra trước đây, nhưng sông băng này liên quan tới mực nước biển dâng lên trong tương lai,” ông Neff cho biết.

Trong số những sông băng ở tây Nam Cực, sông băng Pine Island đóng góp lượng băng lớn nhất cho đại dương. Mỗi năm, sông băng mất đi 408 tỷ tấn băng, khiến mực nước biển dâng thêm 1 milimet sau mỗi 8 năm. Nếu toàn bộ sông băng Pine Island tan chảy, mực nước biển có thể dâng cao 0.5 mét.

Sông băng Pine Island trải qua nhiều lần núi băng trôi nứt vỡ, nhưng sự kiện kiểu này đang xảy ra với số lượng cao hơn trong thời gian gần đây. Ông Seongsu Jeong, nhà nghiên cứu ở Đại học Ohio, cho biết "Tốc độ tan băng tăng nhanh tới mức đáng sợ.” Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2016 trên tạp chí Geophysical Research Letters, Jeong và đồng nghiệp phát hiện đại dương dưới mép sông băng đang làm ấm băng và gây ra các vết nứt.

Nhóm của Jeong cũng nhận thấy núi băng trôi rộng 582 cây số vuông, tách ra vào năm 2015, bắt nguồn từ vết nứt ăn sâu gần 32 cây số vào năm 2013. Sự kiện nứt vỡ đầu tuần này dường như cũng khởi nguồn từ vết nứt giữa sông băng. Hiện tượng tan chảy từ trong ra ngoài này có thể xảy ra do biến đổi khí hậu làm ấm đại dương, hoặc do lượng nước biển tiếp xúc với đáy sông băng gia tăng.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sau khi tách khỏi sông băng, núi băng trôi Pine Island vỡ thành nhiều khối nhỏ. Sông băng Pine Island không phải nơi duy nhất bị nứt vỡ trong năm nay. Hồi tháng 7, thềm băng Larsen C ở Nam Cực cũng bị vỡ mất núi băng lớn ngang tiểu bang Delaware của Hoa Kỳ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT