Gỡ Rối Tơ Lòng

Nữa hay Thôi

Saturday, 08/03/2014 - 09:21:09

Chào Chị Ba Phải. Tuổi tôi năm nay cũng lóp lép tuổi chị, có lẽ chỉ kém chị vài tuổi thôi. Hồi nghe tin ông Xã chị được Chúa gọi về, lúc đó tôi đang ở Việt Nam, nên không thể chia buồn cùng chị, bây giờ chia buồn thì coi như quá trễ. Tôi rất thông cảm với chị vì tôi ở trong cùng hoàn cảnh với chị bây giờ.

Đăng lại thư của độc giả Nữa hay Thôi.

Chào Chị Ba Phải. Tuổi tôi năm nay cũng lóp lép tuổi chị, có lẽ chỉ kém chị vài tuổi thôi. Hồi nghe tin ông Xã chị được Chúa gọi về, lúc đó tôi đang ở Việt Nam, nên không thể chia buồn cùng chị, bây giờ chia buồn thì coi như quá trễ. Tôi rất thông cảm với chị vì tôi ở trong cùng hoàn cảnh với chị bây giờ. Tôi góa chồng chừng 2 năm nay, nhưng tôi không may mắn như chị, có con hiếu thảo lại ở gần, và hai nữa tôi không giỏi giang như chị, biết nhiều điều và có thể giúp ích cho mọi người. Tôi không quen chị nhưng cảm thấy như biết chị rất nhiều qua những bài viết và những thư trả lời gỡ rối tơ lòng của chị, tôi đâm ra ganh tị với chị và thèm số phận của chị. Tôi thấy rằng cuộc sống tinh thần và thể xác của chị rất là thoải mái. Chị có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, cuộc sống hiện tại của chị rất an nhiên tự tại, vui hưởng tuổi già. Còn tôi thì lấy chồng gần 50 năm, nhưng vợ chồng lúc sống cũng không được hòa thuận cho lắm, vì tôi không có con cho nên nhà chồng tôi không ai tử tế với tôi, cho rằng vì tôi mà ông ấy không có con. Cuối cùng thì chúng tôi đồng ý nuôi một đứa cháu chồng làm con nuôi, nhưng bố mẹ nó còn sờ sờ ra đấy, nó có coi mình ra gì đâu. Nó chỉ coi mình như cái túi tiền, lúc nó nhỏ thì chiều chuộng lo cho nó ăn uống, áo quần, lúc nó lớn lên thì trả tiền đại học cho nó, lúc có chồng con thì nó cho mình ra rìa, mặc dầu nó cũng thăm hỏi nhưng tôi cảm thấy nó làm vì bổn phận, vì không muốn mang tiếng là vô ơn, chứ về già mong gì nó chăm nom săn sóc, nó còn bố mẹ nó đấy chắc gì nó đã lo, huống chi mình. Chị cũng dư biết truyền thống Việt Nam thì cậu chết mợ là người dưng, tôi chẳng trông mong gì vào nó.

Tôi có chuyện này muốn bàn với chị. Nói ra đôi khi cũng ngại lời, nhưng thật sự nhìn quanh nhìn quẩn, chẳng có ai có thể cho tôi tâm sự và vấn kế cho nên tôi nghĩ đến chị. Hồi tôi về Việt nam, tôi có gặp lại một người bạn học cũ. Hồi xưa chúng tôi chỉ coi nhau là bạn học. Anh ta lấy vợ, tôi đi lấy chồng. Thế rồi bẵng đi cả nửa thế kỷ ai sống đời người ấy. Hôm về Việt Nam tình cờ tôi gặp lại anh ấy, anh ấy góa vợ đã cả chục năm nay, con cái tây riêng hết cả, anh ấy hiện ở một mình trong một ngôi nhà rất khang trang ở Sài Gòn. Tụi tôi gặp lại thì lại nhớ tới thời đi học và có cảm tình với nhau. Trước khi tôi về Mỹ anh ấy có đề nghị, tôi chắp nối với anh ấy, về Việt Nam sinh sống với nhau cho hết đời. Anh ấy năm nay đã ngoài 80 - hình như 83 thì phải - nhưng hãy còn khỏe mạnh. Tôi nghe anh ấy nói cũng thấy bùi tai, nhưng tôi hẹn anh cho tôi suy nghĩ ít ngày. Tôi về Mỹ suy nghĩ rồi sẽ trả lời anh sau. Sở dĩ tôi đắn đo là vì nhà tôi đau ốm lâu lắm mới thoát. Anh ấy bị ung thư, tôi hầu hạ bốn, năm năm trời, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ. Tôi năm nay 78, đâu còn nhiều sức, mà anh ấy đã 83 bệnh hoạn đau ốm biết nổ ra lúc nào. Giờ này lại rước một ông về hầu hạ thì có nên không? Hôm trước xem bài chị nhắc lại câu nói của cô học trò: “Đổ bô cho một anh là đủ rồi” tôi thấy có lý quá nên tôi khựng lại. Nhưng cuộc sống của tôi bên này buồn lắm chị ạ. Chị nghĩ sao? Có nên đi nữa hay thôi? Nhất là ở vào tuổi này, có sợ thiên hạ dị nghị, đàm tiếu hay không? Chờ thư hồi âm của chị. Chúc chị thân tâm thường an lạc. Phải chi tôi được như chị nhỉ!

Bà Ba Phải trả lời:

Cám ơn bức thư đầy tin tưởng của chị, nhưng mà xin lỗi chị, có nhiều điểm tôi không đồng ý với chị. Chị cho phép tôi thành thật nói chuyện với chị như tình chị em nhé. Chị ạ, chị đừng bao giờ quên cái câu ngạn ngữ phương tây: Cỏ nhà hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn cỏ nhà mình. Tôi đồng ý là nhìn bề ngoài, hoàn cảnh của chị có vẻ nghiệt ngã hơn tôi, vì tôi có con. Chỉ có mỗi một điều đó là đúng, còn tất cả nhận xét của chị về cuộc sống của tôi đều không đúng. Chị chỉ nhìn thấy bề ngoài, chị chỉ trông thấy những cái tôi có. Chị làm sao nhìn được những cái tôi không có? Mấy người bạn học của tôi từ lúc còn trẻ, cho đến giờ này vẫn thân nhau, chúng tôi thường nhắn nhủ nhau rằng ở trên cõi đời này không có cái gì là hoàn hảo, không làm gì có ai hoàn toàn sung sướng, hạnh phúc đâu. Người có cái này, người có cái khác. Cái khác biệt là, có người biết chấp nhận số phận của mình, biết thích nghi với cuộc sống, và bằng lòng với những cái mình có mà không so sánh với ai, có người không biết cho nên cảm thấy khổ hơn người khác. Cuộc hôn nhân của tôi mà chị cho là tốt đẹp, nhưng nếu chị nhìn kỹ lại thì chị thấy sự chênh lệnh tuổi tác rất lớn giữa chồng tôi và tôi, thì chị sẽ thấy cái bất toàn của nó.

Bây giờ chúng ta bàn đến cái câu hỏi của chị: nữa hay thôi. Câu hỏi này không thể có một mẫu số chung cho câu trả lời. Nó tùy hoàn cảnh của từng người. Chị đừng nghĩ đến cái câu cô học trò tôi nói trong lúc đùa giỡn. Vấn đề ai phải hầu ai có hai chiều. Biết ai sẽ đổ bô cho ai? Đâu có phải rằng người nào lớn tuổi hơn sẽ chết trước. Chị nhìn chung quanh, thiếu gì người chưa 50 tuổi đã ra đi, có người mới ngoài 20 đã bị tai nạn chết. Cho nên chị đừng nghĩ rằng chị chắp nối với anh bạn ở Việt Nam, chị sẽ lại phải hầu hạ anh ấy một lần nữa. Sao chị không nghĩ, rất có thể, khi chị lập gia đình với anh bạn, về già, chị sẽ có người chăm sóc? Sống chết là một điều huyền bí ở trong tay ông Trời, con người không thể lo và cũng không thể tính trước được. Nhưng, nếu chị đi bước nữa, sẽ có nhiều vấn đề thực tế đặt ra cho chị hơn là chuyện ai đi trước, ai đi sau.

Trong một thời gian dài xa cách chị và anh bạn gặp lại nhau. Ai cũng đã có một nếp sống riêng biệt, nhưng thói quen riêng biệt và những trách nhiệm và bổn phận riêng biệt. Ở tuổi cuối đời, rất khó thích nghi và hòa hợp hai đời sống lại làm một. Gặp nhau như bạn, tiếp nhau như khách thì vui, nhưng chung sống như vợ chồng lại khác chị ạ. Đó là chưa kể đến vấn đề của cải, di chuyển chỗ ở, thay đổi nếp sống. Tôi nghĩ rằng chị cần phải suy nghĩ kỹ, cần phải có thời gian trước khi quyết định chấp nhận lời cầu hôn của anh bạn.

Tôi đề nghị thế này, mong chị đừng buộc tội tôi là một người có những tư tưởng táo bạo hoặc cấp tiến. Không ai cấm anh chị làm bạn với nhau. Những lúc chị buồn, chị có thể qua Việt Nam sống với anh ít tháng, để thử xem hai nếp sống có thể nhập một hay không? Ở tuổi cuối đời rồi, chị cũng không cần câu nệ về những truyền thống, dư luận hay lề luật. Khi chị cảm thấy sự hiện diện của nhau không còn vui nữa thì chị lại về Mỹ. Tôi thấy rằng sự chung sống như hai người bạn sẽ đem lại cho chị nhiều tự do và thoải mái hơn là lại ép mình vào một bổn phận mà chị đã làm trong nửa thế kỷ rồi, lại tiếp tục làm vợ, cơm nước, hầu hạ, vâng lời một người đàn ông mới, không phải là nếp sống cho người lớn tuổi. Ngược lại anh ấy cũng vậy, anh ấy có thể sang Mỹ với visa du lịch, khi hết hạn lại trở về. Hay là hai người có thể đi du lịch với nhau. Hãy thử sống với nhau theo cách ấy một thời gian khi hai người còn khỏe mạnh. Chị đừng quên rằng anh ấy còn con, còn cháu của anh ấy. Chúng sẽ chấp nhận chị như thế nào? Chúng có coi chị là một người bạn của bố chúng, một người vợ của bố chúng, hay chúng lại coi chị như một con bò sữa ngoài ngàn dậm? Bài toán này cần phải có thời gian mới biết được đáp số. Cứ sống tự do như vậy cho tới khi nào gối mỏi chân chồn, lúc đó sẽ tính sau. Chuyện gì đến sẽ đến, bây giờ còn quá sớm để chị thay đổi hẳn cuộc sống, xóa bỏ hẳn một quá khứ, thay đổi hẳn lý lịch, và bắt đầu xây dựng lại từ đầu, một cuộc sống hoàn toàn mới.

Rất có thể chị không đồng ý với tôi, và cũng rất có thể chị còn bị những truyền thống, lễ nghi, luân lý cổ xưa, ràng buộc nên không thể chấp nhận. Tôi không trách chị. Nhưng tới một tuổi nào đấy, mình có quyền sống cho mình, những ngày cuối cùng còn lại là của mình. Đừng làm nô lệ cho dư luận, đừng để những người ngoài ra lệnh cho mình, miễn là mình không làm gì trái với lương tâm, đạo đức, và cũng không làm thiệt hại đến ai.

Chúc chị tìm được lối sống, đường đi, cho những ngày còn lại của chị được thoải mái.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT