Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nữ nhạc trưởng Bội Cơ và chiều nhạc Ngàn Khơi HÀNH TRÌNH QUÊ MẸ

Friday, 06/11/2015 - 08:45:14

Tuy nhiên theo nhạc trưởng Bội Cơ: “Người nữ nhạc trưởng có điểm mạnh là linh hoạt, mềm dẻo hơn nam nhạc trưởng. Vì phụ nữ thường tinh tế và nhạy cảm hơn, có những điều người ta không nói vẫn có thể cảm nhận được.”

Bài Băng Huyền

Chương trình Chiều Nhạc Ngàn Khơi với chủ đề HÀNH TRÌNH QUÊ MẸ, sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 15 tháng 11, 2015 sắp tới, tại rạp hát Saigon Performing Arts Center ở thành phố Fountain Valley, là dịp để khán thính giả được thưởng thức những tác phẩm kinh điển của tân nhạc Việt Nam nhưng qua cách phối khí, thể hiện mới mẻ của ban nhạc Hoàng Công Luận. Khán giả sẽ có những giây phút lắng lòng thưởng thức vẻ đẹp của những ca khúc trữ tình, những bài hùng ca của âm nhạc Việt qua những tiếng hát đơn ca QUANG TUẤN, BÍCH VÂN, TERESA MAI, BÍCH LIÊN, PHẠM HÀ, MỘNG THỦY, các nhóm ca Ngàn Khơi và đặc biệt chương trình khác với những buổi diễn thường có trong cộng đồng. Điểm son chính của chương trình sẽ là những bài hợp xướng do ban hợp xướng Ngàn Khơi trình bày dưới tài bắt nhịp của các nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao và nữ nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ.

Ban Hợp Xướng NGÀN KHƠI

 

Vẻ đẹp của hợp xướng và tài hoa của nhạc trưởng
Hợp xướng là một loại hình thanh nhạc đỉnh cao của nghệ thuật hát bè, trong đó mỗi bè do một loại giọng trình diễn: soprano, alto, tenor, bass. Tiêu chuẩn được xem là thành công cho một bài hợp xướng, đòi hỏi yếu tố đồng bộ, sự phối hợp nhịp nhàng của các ca viên. Khi hát lên, các giọng hát phải tạo nên những âm thanh đẹp đẽ, đều đặn, thật tròn vành, rõ chữ. Đặc biệt một hợp âm mỗi khi vang lên cần phải chuẩn xác về cao độ và âm thanh, cân bằng về âm lượng và đồng nhất về âm sắc, các âm thanh và nốt nhạc giữa các giọng phải hòa quyện với nhau. Điều này khán giả sẽ phân biệt được khi nghe hát live. Bởi yếu tố đầu tiên tạo nên âm thanh chuẩn của hợp xướng chính là sự đồng đều và chuẩn xác về cao độ.
Để có thể gửi đến khán giả những tác phẩm hợp xướng thật hoàn hảo, nhiều tháng qua, vào mỗi chiều Chủ Nhật, các ca viên của ban hợp xướng Ngàn Khơi phải cùng nhạc trưởng luyện tập vất vả vô cùng.
Có thể nói vai trò của người nhạc trưởng rất quan trọng, tài năng của nhạc trưởng là yếu tố đầu tiên quyết định mức độ thành công của buổi diễn.

Vì là người dẫn dắt cả tập thể các ca viên mấy chục người, nên đòi hỏi người nhạc trưởng phải truyền được cảm hứng để mọi cá nhân phát huy được hết mọi khả năng của họ. Người nhạc trưởng chính là người vừa cầm nhịp, vừa điều khiển tiết tấu, linh hồn bài nhạc, đoạn nào cần trầm, bổng, đoạn nào cần hát bè hòa quyện. Phối hợp đồng bộ các yếu tố như mạnh nhẹ, lớn nhỏ, nhanh chậm...

Nhạc trưởng luôn là người phải có đôi tai nhạy bén, tinh tế nhất, chỉ cần một người lạc nhịp cũng có thể phát hiện ra. Vì vậy người nhạc trưởng phải tự mình đóng vai thính giả và rồi giữ luôn vai trò biểu diễn, điều khiển nhịp độ, tiết tấu, cường độ, cao trào...

Đó là với một người nhạc trưởng của hợp xướng, còn nhạc trưởng điều khiển một dàn nhạc giao hưởng lại còn nhiều đòi hỏi khắt khe hơn.

Nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng không chỉ có kiến thức âm nhạc tổng hợp, biết đàn ít nhất một nhạc cụ và bắt buộc phải biết chơi piano, đọc tổng phổ hợp xướng, nắm vững tính năng giọng hát, biết hát đúng giọng, phối âm cho hợp xướng, phương pháp sư phạm âm nhạc. Nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng còn phải đọc tổng phổ dàn nhạc, nắm vững tính năng nhạc cụ và phối khí, phải có phản xạ nhanh và có tố chất truyền tải cảm xúc của mình đến các nhạc công. Nếu không có khả năng này người đó sẽ không thể điều khiển và dẫn dắt dàn nhạc, chỉ đơn thuần là người đánh nhịp thay máy.
Qua đó mới thấy rằng nhạc trưởng là một nghề “chông gai” với quy luật đào thải vô cùng khắc nghiệt, rất “kén” người theo học. Những người đã học và thành công trong vai trò nhạc trưởng đều có quyền tự hào, tự hào không chỉ họ là “người hiếm” mà còn vì họ đã trải qua được những đòi hỏi khắt khe của ngành này. Số người tham gia ngành học để trở thành nhạc trưởng là nữ thì lại càng ít ỏi hơn nữa.
Mỗi nghề nghiệp có những thú vị riêng, là một nữ nhạc trưởng chỉ huy dành nhạc giao hưởng lại càng có nhiều điều để nói.

Để hiểu thêm về cuộc sống và con đường trở thành một nữ nhạc trưởng, bài viết này xin giới thiệu đến độc giả những chia sẻ của người trong cuộc, đó là nữ nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ (Cơ Nguyễn). Cô là một trong 3 người sẽ điều khiển Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát trong chương trình HÀNH TRÌNH QUÊ MẸ vào ngày 15 tháng 11 này. Cô sẽ bắt nhịp một vài tác phẩm, gồm một số ca khúc trong chương “Đất Mẹ” của trường ca Mẹ Việt Nam (sáng tác Phạm Duy), ca khúc “America the Beautiful” (cả lời Anh và Việt) và đặc biệt là một phần của ca khúc thể loại “Requiem” của soạn nhạc gia P.Q.Phan (Phan Quang Phục). Tác phẩm này do Teresa Mai hát đơn ca và ca đoàn Ngàn Khơi phụ họa.


Nữ nhạc trưởng NGUYỄN BỘI CƠ

Nhạc trưởng Bội Cơ
Nhạc trưởng Bội Cơ học đàn dương cầm từ lúc 8 tuổi. Cô tốt nghiệp từ trường nhạc danh tiếng tại Hoa Kỳ Juilliard School. Hiện nay là một nhạc trưởng (Assistant Conductor) của dàn nhạc giao hưởng trường đại học Redlands (Redlands Symphony Orchestra) và là phó giáo sư về âm nhạc (Associate Professor of Music) dạy tại đại học Redlands (University of Redlands).

Nói về sự hiếm hoi rất ít người nữ theo học và trở thành nhạc trưởng, nữ nhạc trưởng Bội Cơ cho biết: “Đối với nữ khi học để trở thành nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc là lạ và hiếm. Giống như mình làm tướng chỉ huy ở ngoài mặt trận nên nhiều người nữ không thích là vì thế. Là phụ nữ ai cũng thích hấp dẫn nam giới, muốn vậy thì mình phải yểu điệu thục nữ, không ai thích hống hách, chỉ huy ra lệnh cho người khác. Định kiến đó đã có cả nhiều trăm năm nay rồi, nhưng dần dần cũng sẽ thay đổi. Thế hệ những người trẻ dưới tôi 10 tuổi thì người nữ vào học nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc nhiều hơn lứa tuổi của tôi. Bằng tôi thì ít (Bội Cơ thuộc thế hệ 7 x), còn trên tôi thì còn ít nữa. Những năm tôi học tại trường Juilliard School, ngành học nhạc trưởng dàn nhạc thì chỉ có tôi là người nữ duy nhất. Người thầy dạy tôi cho biết trong 30 năm thầy dạy ở trường thì tôi là người nữ thứ ba theo học tại trường ngành học nhạc trưởng dàn nhạc. Ông bảo không phải ông kỳ thị phái tính đâu, nhưng không có người thi vào. Về sau tôi có thay thầy chấm thi những sinh viên ghi danh vào trường Juilliard School, thì thấy 80 người mời đến thi, chỉ có 4, 5 người là nữ thôi.”

Nhạc trưởng Bội Cơ nói chị thích học để trở thành nhạc trưởng vì chị yêu thích âm nhạc, thích những bài viết cho hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng và những vở opera.

Kể về những khó khăn của những ngày đầu khi theo học ngành này, nhạc trưởng Bội Cơ chia sẻ: “Hồi đầu khi đứng trên bục để điều khiển dàn nhạc tôi rất ngượng ngùng, vì tôi là phụ nữ, khi điều khiển dàn nhạc, tay chân tôi có cảm giác loằng ngoằng, lóng ngóng, vì những mô hình của người nhạc trưởng đều theo người mẫu là đàn ông. Điểm yếu của nữ nhạc trưởng là chưa có mô hình nào trước để theo, mà phải tự sáng tạo ra. Ban đầu tôi thường bắt chước những động tác theo cách nam nhạc trưởng, nhưng trông kỳ cục lắm. Vì động tác của đàn ông nó phù hợp với vóc dáng của người đàn ông. Khi tôi học với thầy giáo chỉ huy dàn nhạc, ông cao 6 feet 8, tôi đứng gần ngang vai ông thôi. Ông có thực hiện một động tác đơn giản thôi, dàn nhạc nhìn theo đánh rất mạnh, khi tôi thực hiện như vậy thì không thể mạnh bằng. Vì tôi nhỏ người hơn, không thể bắt chước như ông được. Vì vậy phải tự nghĩ ra những động tác cho bản thân.”

Tuy nhiên theo nhạc trưởng Bội Cơ: “Người nữ nhạc trưởng có điểm mạnh là linh hoạt, mềm dẻo hơn nam nhạc trưởng. Vì phụ nữ thường tinh tế và nhạy cảm hơn, có những điều người ta không nói vẫn có thể cảm nhận được.”

Khi người viết hỏi dầu sao thì khi nhắc đến những nhạc trưởng nổi tiếng thế giới, người ta vẫn biết đến nam nhạc trưởng hơn là nữ nhạc trưởng. Vậy rõ ràng nam nhạc trưởng vẫn thành công hơn nữ nhạc trưởng đúng không?

Nhạc trưởng Bội Cơ trả lời: “Tôi không nghĩ nhạc trưởng nam giới thành công hơn nữ giới là vì tài năng hơn đâu, mà vì người nam làm nhạc trưởng từ lâu rồi và nhiều hơn người nữ. Trong số nhạc trưởng trên thế giới thì có đến 4 phần 5 là nam giới, nữ giới chỉ có 1 phần, thì nam dĩ nhiên phải thành công hơn. Nếu sau này có nhiều nữ giới tham gia hơn thì sẽ có nhiều nữ giới là nhạc trưởng nổi tiếng. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, nhưng thay đổi rất chậm so với những ngành như Y khoa, Luật... Ngành chỉ huy dàn nhạc sẽ còn lâu hơn nữa. Hơn nữa, là nữ giới với bổn phận làm vợ, làm mẹ cũng phải hy sinh rất nhiều cho việc phát triển sự nghiệp. Những người nữ giới làm nhạc trưởng, nếu muốn chuyên tâm phát triển sự nghiệp thì không có gia đình, chỉ sống độc thân, còn nếu có gia đình thì quyết tâm không có con, vì có con thì không có thời gian chăm sóc, phải đi biểu diễn tối ngày, học tổng phổ nhạc, chuẩn bị bài để hướng dẫn dàn nhạc tập luyện rất mất nhiều thời gian.

“Cá nhân tôi vì không muốn sống cô độc mãi nên có gia đình và đã có 2 con, các con tôi vẫn còn nhỏ, cháu lớn nhất mới 6 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi, thành ra tôi phải hy sinh một phần sự nghiệp của mình, không thể muốn có cả hai, vì rất khó.”

Nhạc trưởng Bội Cơ tâm sự: “Cũng rất khó với gia đình nếu có mẹ là nhạc trưởng. Nếu những gia đình khác, bố mẹ đi làm đến 4- 5 giờ chiều về đến nhà. Còn tôi thì có khoảng thời gian trong năm vào tháng 10, 11, 12 là hầu như suốt tuần phải đi diễn liên tục, bắt đầu 7- 8 giờ tối phải đi biểu diễn. Sáng tôi đưa con đi học, chồng tôi phải đón con về, còn tôi đến tối 11 giờ đêm mới về thì các con đã ngủ rồi.

Ông xã của tôi cũng khổ lắm, nhưng chuyện này tôi đã nói rõ từ trước khi lấy nhau rồi, phải chấp nhận thì mới lấy nhau. Vì nghề nghiệp của tôi là như thế.

“Những lúc tôi không đi biểu diễn, thì tôi gắng làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ, còn khi vào thời gian phải đi biểu diễn thì anh phải chấp nhận thôi. Đó là tôi đã hy sinh rất nhiều những buổi biểu diễn, ít hơn nhiều so với những nhạc trưởng khác rồi. Từ trước giờ tôi chỉ dừng lại việc biểu diễn ở trong thành phố tôi sống thôi, chưa đi diễn bên ngoài. Tôi phải đợi các con lớn hơn. Các con còn bé quá, tôi không thể bỏ chúng đi diễn xa được.

“Không thể tránh khỏi đôi lúc chồng tôi cũng than phiền, nhưng tôi cũng phải tranh đấu thôi, vì đó là sự nghiệp của tôi. Tôi luôn nghĩ muốn làm người mẹ tốt thì mình phải hạnh phúc. Mà muốn làm người hạnh phúc thì phải có sự nghiệp mà mình yêu thích. Khi hoạt động âm nhạc, tôi mới cảm thấy hạnh phúc, khi đó tôi mới là một người vợ tốt, người mẹ tốt. Tôi luôn giải thích thế với chồng.”

Nhạc trưởng Bội Cơ cho biết hiện nay chị đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc trong trường đại học Redlands (Redlands Symphony Orchestra), ngoài ra trong một năm học chị phải dạy 3- 4 lớp trong trường Redlands (University of Redlands) những môn như lý thuyết âm nhạc.

Dù bận bịu là thế nhưng nhạc trưởng Bội Cơ vẫn dành thời gian vào chiều Chủ Nhật để lái xe từ nơi chị sống tại thành phố Diamond Bar đến Little Saigon để giúp ban hợp xướng Ngàn Khơi tập luyện cho chương trình Hướng về đất mẹ. Vì chị rất quý những thành viên của Ngàn Khơi, những người yêu âm nhạc với sự nhiệt tình hiếm có, đã cố gắng duy trì ban hợp xướng Ngàn Khơi hoạt động suốt 26 năm qua, cống hiến cho khán giả những tác phẩm đặc sắc của âm nhạc Việt Nam qua hình thức hợp xướng, vốn ít phổ biến trong cộng đồng người Việt.

Chị nói: “Thật tình thì tôi chưa bao giờ đi xem cũng như chưa bao giờ tham dự chương trình nào của cộng đồng Việt Nam dành cho khán giả Việt Nam cả, nên buổi diễn sắp tới tôi cũng hồi hộp lắm. Thật ra khi tôi điều khiển dàn nhạc giao hưởng của Mỹ thì dễ hơn, vì tôi đã học ở đây 8 năm, chỉ huy dàn nhạc gần 10 năm, nên tôi đã biết khuôn khổ và sự đón nhận của khán giả, lần này thì tôi không biết gì cả. Tôi hoàn toàn “lạ nước lạ cái”, nên rất hồi hộp, tôi rất muốn biết sự đón nhận của khán giả ra sao và sẽ học hỏi những kinh nghiệm cho bản thân.

“Tôi rất mong khán giả hãy đến ủng hộ chiều nhạc “Hành Trình Quê Mẹ”, để thưởng thức một buổi diễn có rất nhiều tiết mục hay, đặc sắc.”

Chương trình nhạc thính phòng và hùng sử ca Chiều Nhạc Ngàn Khơi HÀNH TRÌNH QUÊ MẸ sẽ diễn ra lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 15 tháng 11, 2015 tại Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley.
Vé có các loại 35 mỹ kim, 50 mỹ kim, 75 mỹ kim, vé bảo trợ là 100 và 150 mỹ kim. Vé hiện đã có bán tại Tú Quỳnh (714) 531- 4284, Ngàn Khơi (714) 531- 2773, và báo Viễn Đông (714) 379-2851.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT