Hoa Kỳ

Nông gia Mỹ, nhất là tại California, lo lắng về một cuộc chiến thương mại sắp xảy ra

Thursday, 09/02/2017 - 10:05:02

Những lời ông nói đã gây phản ứng nhanh chóng từ các viên chức California, ngay cả trong lúc họ còn gãi đầu bối rối vì không hiểu những điều ông Trump thực sự muốn thực hiện.

Hai nông gia đang nói tại Firebaugh, California. (Justin Sullivan/ Getty Images)

 

Tổng Thống Donald Trump đã mất 71 ngày để dàn xếp trong nội bộ trước khi chọn một bộ trưởng nông nghiệp sau khi ông đắc cử tổng thống. Thế nhưng sau đó ông chỉ mất 72 giờ để gây xáo trộn trong phần lớn của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ.

Trước tiên, tổng thống vừa mới lên nhậm chức này rút Mỹ ra khỏi hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp ước gồm 12 quốc gia được dự đoán sẽ giúp tăng khối lượng xuất cảng nông sản của Mỹ hơn $7 tỷ Mỹ kim mỗi năm, trong những thập niên sắp tới, theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ cho biết.

Sau đó, phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốcnói rằng Tổng Thống Trump đang suy nghĩ về việc tài trợ cho bức tường biên giới ở phía nam, mà từ lâu ông đã hứa xây, bằng một mức thuế 20% đánh trên “hàng hóa nhập cảng từ các nước gây thâm thủng mậu dịch cho Mỹ, chẳng hạn như Mễ Tây Cơ.”
Lời loan báo ấy được nối tiếp bằng một loạt giải thích, và dường như là một phần của một kế hoạch thực hiện một cuộc cải tổ khổng lồ về thuế. Mục đích là làm thay đổi cán cân thương mại với từng quốc gia một. Giới nông gia Mỹ nhận được khoảng 20% trong số tiền hàng năm họ thu được từ xuất cảng. Họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề, nếu các quốc gia kia quyết định trả đũa. Giới tiêu thụ cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu một loại thuế biên giới làm tăng giá thực phẩm nhập cảng vào Mỹ.

Các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm liên hệ của Mỹ, trong số đó có sữa, thịt, cá, và các sản phẩm lâm nghiệp, tích lũy mức thặng dư thương mại $5 tỷ Mỹ kim với thế giới, theo Bộ Nông nghiệp cho biết. Trong số những mặt hàng bán ra nhiều nhất, có đậu nành, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, thịt, các loại hạt nut, cỏ khô, rượu vang, trái cây, và rau củ.

Các nông dân và các chủ nhân trang trại, từ Florida cho tới Washington, đã trải qua mức tăng trưởng hàng chục phần trăm, trong nhiều mặt hàng nói trên, từ giữa thập niên 1990. Khối lượng bắp xuất cảng, từ Iowa sang các nước tham gia thỏa thuận thương mại, đã tăng hơn gấp đôi trong mười năm qua. Hơn ba phần tư trong số các lô hàng của tiểu bang này được xuất cảng sang Mễ Tây Cơ, một đối tác trong Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ Châu. Khối lượng đậu nành của Louisiana, được xuất cảng sang các nước đối tác tham gia thỏa thuận thương mại, đã tăng 15% trong cùng thời kỳ. Mức tăng ấy được thúc đẩy phần lớn bởi hoạt động thương mại với các quốc gia Mỹ Châu La Tinh trong hiệp định thương mại.
Nhưng không có một tiểu bang nào có nhiều nguy cơ bị hại hơn so với California. Tiểu bang này dẫn đầu nước Mỹ trong doanh thu nông nghiệp. Giới nông dân và chủ nhân trang trại của California phụ thuộc gấp đôi vào thương mại ngoại quốc so với cả nước Mỹ. Vào năm ngoái, những người trồng trọt trong tiểu bang này thu được $21 tỷ từ thương mại, tức là chừng 44% trong tổng doanh thu của họ, theo Cơ Quan Thực Phẩm Và Nông Nghiệp California cho biết.

Nếu không có California, Hoa Kỳ sẽ không xuất cảng được hạt nut, nho, nho khô, dầu ô liu, tỏi, a-ti-sô, trái sung, trái chà là, kiwi, hoặc mận khô.

Trong năm qua, California cũng xuất cảng hơn 90% trong khối lượng rượu, cà chua, trái bơ, cà rốt, bông cải xanh, và cần tây, tại Hoa Kỳ. Đào, xuân đào, mơ, dưa hấu, cam, chanh, quýt, rau bó xôi, rau diếp, rau củ theo mùa, và lúa của California chiếm hơn một nửa trong khối lượng nước Mỹ xuất cảng những mặt hàng ấy.

Một số quốc gia chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc gây ra mức thâm thủng thương mại của Hoa Kỳ là hai khách hàng tốt nhất của ngành nông nghiệp California: Trung Quốc và Mễ Tây Cơ.

Vào ngày 28 tháng Giêng, ông Trump tố cáo Trung Quốc bảo vệ hàng hóa xuất cảng của họ bằng cách ghìm giá trị của đồng tiền, tức là đồng nhân dân tệ. Ông gọi Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ Châu (NAFTA), nối kết Mỹ với Canada và Mễ Tây Cơ, là “thỏa thuận thương mại tệ nhất”, và đe dọa xé bỏ hiệp định ấy.

Những lời ông nói đã gây phản ứng nhanh chóng từ các viên chức California, ngay cả trong lúc họ còn gãi đầu bối rối vì không hiểu những điều ông Trump thực sự muốn thực hiện.

Việc sửa đổi NAFTA “bắt đầu tạo ra một số cảnh rối loạn thị trường, lan rộng ra thông qua chuỗi cung ứng, không những cho nông dân, mà còn cho những người vận chuyển, chế biến, khuân vác ở bến tàu. Tình trạng hỗn độn ảnh hưởng đến nhiều việc làm. Ông Josh Rolph, quản đốc chính sách liên bang tại California Farm Bureau Federation nói như vậy.

Ken Barbic, giám đốc cao cấp đặc trách sự vụ chính phủ liên bang, của Hiệp Hội Những Người Trồng Trọt Miền Tây, một tổ chức nông nghiệp, nói, “Mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ là rất quan trọng. Chúng ta sẽ lo ngại khi nhìn thấy mối quan hệ ấy bị tác động một cách tiêu cực.”

Trong năm ngoái, Mễ Tây Cơ cung cấp cho Mỹ rau củ tươi trị giá hơn $5 tỷ, trái cây và rau củ được chế biến trị giá $1.4 tỷ, trái cây trị giá $4.5 tỷ, bia và rượu vang trị giá $2.8 tỷ, theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ cho biết. Tất cả những thứ ấy đều có thể là mục tiêu của một loại thuế.

Những mặt hàng xuất cảng hàng đầu của California sang Mễ Tây Cơ, sữa, lâm sản, thực phẩm nấu sẵn, và trái cây tươi, có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị.

Cũng vậy, những thứ thuế có thể bị áp đặt áp trên hàng hóa nhập cảng, như các sản phẩm gỗ, thực phẩm được chế biến, và cá của Canada. Nước này có thể trả đũa bằng cách đánh thuế trên trái cây và rau củ, rượu và bia, các loại hạt nut và thực phẩm được chế biến, mà California xuất cảng lên phía bắc.
Ngay cả một sự thay đổi nhỏ trong thương mại, như một cuộc đình công, suy thoái, hoặc phản đối khác ở Mễ Tây Cơ, đều có thể ảnh hưởng đến giới tiêu thụ. Họ mong đợi quanh năm các loại trái cây và rau củ trong các cửa hàng, bất kể các mùa trồng trọt.
Lần cuối cùng mối quan hệ Mỹ-Mễ gặp phải khó khăn, gây thiệt hại gần $1 tỷ cho những người trồng trọt ở Mỹ, trong những thương vụ bị mất từ năm 2009 đến năm 2011. Đó là khi Mễ Tây Cơ đưa ra những mức thuế trả đũa chống lại hàng tá sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, vì Hoa Kỳ ngần ngại về việc tuân thủ các quy định của NAFTA cho phép xe truck của Mễ Tây Cơ chạy vào Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT