Chân Dung Việt Nam

Nông dân khóc méo vì thất thu cả cau và lúa

Wednesday, 02/11/2022 - 09:11:05

"Nhà buôn Việt cũng ép nông dân dữ lắm, họ chơi thân với nhà buôn Trung Quốc và chẳng ngại gì ép giá nông dân đâu, miễn có tiền là họ làm à!"


Khi mọi nông sản, thực phẩm trong nước trở nên đắt giá, hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

Bài NGUYÊN QUANG

 

“Được mùa lúa úa mùa cau, được mùa cau đau mùa lúa.” Đó là câu cửa miệng của người nông dân trước đây, thường thì năm nào lúa được mùa thì cau mất mùa, năm nào cau được mùa thì nhà nông lo sốt vó, sợ lúa mất mùa. Hình như chuyện này chưa bao giờ thay đổi từ ngàn xưa. Bởi cau được mùa là nhờ tháng Giêng có nhiều sương muối giúp cho hoa cau đậu trái. Mà sương muối càng nhiều thì lúa càng lép hạt, thậm chí lúa đã đóng hạt rồi, đã ngậm đòng, làm sữa rồi mà gặp nhiều sương muối cũng đen, thâm, hư, và nguy cơ mất mùa vẫn vậy. Thế nhưng câu này hình như bây giờ chẳng phù hợp nữa!

 

Được mùa lúa úa mùa cau, năm nay cả cau và lúa đều úa màu. (Nguyên Quang/ Viễn Đông) 

 

Được mùa mất giá

 

Có vẻ như đây là bài ca muôn thuở của nhà nông Việt Nam, mà không riêng gì một tỉnh thành nào, cũng không riêng gì loại nông sản nào, mà hầu hết các loại nông sản, một khi bà con nông dân chưa kịp mừng vui vì được mùa thì liền sau đó là khóc mếu vì mất giá, thậm chí tổng thu hoạch còn tệ hơn cả khi mất mùa. Như lời của anh Thời, một nông dân ở Quảng Nam chia sẻ, “Năm nào cũng vậy, hễ thấy nông sản được mùa thì lo nhiều hơn mừng, vì cách gì cũng sẽ rớt giá.”

 

“Năm nay cau rớt giá thê thảm, anh thấy cau có được mùa so với mọi năm không?”

 

“Thì tôi đã nói là năm nào cũng vậy, được mùa thì mất giá, không riêng gì cau đâu, từ dưa hấu cho đến thanh long, rồi bưởi, mận, xoài, lúa, gừng, nghệ… Như năm nay, cau được mùa, lúa được mùa nhưng giá rớt thê thảm, chẳng ai mua. Nói chung thứ gì có xuất khẩu sang Trung Quốc thì thứ đó chắc chắn được mùa phải rớt giá.”

 

“Theo anh, có mối liên hệ nào giữa việc nhà buôn Trung Quốc thường chơi chiêu khi mua bán với việc rớt giá mỗi khi được mùa?”

 

“Tôi nghĩ là có, bởi từ xưa tới giờ, có khi nào chơi với Trung Quốc mà mình yên ổn, ăn ngon, ngủ yên đâu! Chơi với anh Tàu, ở qui mô gia đình thì có thể mất vợ, qui mô lớn hơn một chút thì mất an ninh xã hội, mất nhân tính, qui mô quốc gia thì mất nước. Nhưng mình là nông dân, trồng trái cau, hột lúa nên mình chỉ dám bàn tới nông sản, thì chắc chắn nó có chơi chiêu với mình, nó chơi nặng đòn lắm, mà mình cũng có một số bằng chứng đây chứ, nhưng cái bằng chứng của nhà nông nó chỉ là cảm nhận, cảm tính, không có cơ sở pháp luật để kiện tụng, nên biết là biết cho vui, cho đỡ buồn vậy thôi!”

 

Mặc dù giá gạo xuất khẩu hai ngày qua có tăng nhưng nông dân vẫn không được hưởng lợi. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

“Anh có thể nói thêm một chút cái mà anh gọi là ‘cảm tính’ đó không?”

 

“Hiện tại, giá một trái cau xanh bên Trung Quốc là 80 ngàn đồng (tương đương $3.3 USD), trong khi đó, giá lúc cao điểm, ở Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai giá cau cao nhất cũng là 80 ngàn đồng mỗi ký, mà mỗi ký cau chừng năm chục trái loại trung bình. Nghĩa là giá một ăn năm mươi. Ở các tỉnh đồng bằng nhiều cau như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế thì giá cau thấp hơn, chừng 50 ngàn đồng mỗi ký, thường thì dao động từ 30 đến 50 ngàn đồng mỗi ký. Đó là giá của hai năm nay. Thế rồi người ta đầu tư, chăm chuốt cho cây cau, cau lại được mùa, năm nay cau trĩu quả nhưng giá rớt đến mức thê thảm. Sau bão thì giá xuống còn năm ngàn đồng mỗi ký lô, hiện tại giá chỉ còn hai ngàn đồng mỗi ký lô!”

 

Dù muốn hay không, nông dân vẫn phải bám vào lúa là chính. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

“Anh có biết giá cau bên đó bao nhiêu không? Và giá cau khi nhà buôn Trung Quốc thanh toán cho nhà buôn Việt Nam là bao nhiêu?”

 

“Giá cau bên kia vẫn dao động từ sáu chục ngàn đồng đến chín chục ngàn đồng mỗi trái cau. Như vậy, giá một trái của bên Trung Quốc có thể bằng bốn chục ký cau tại Việt Nam lúc này. Trong khi đó, nhà nước họ cũng chẳng cấm nhập khẩu, nhà buôn tự dừng nhập khẩu thôi. Điều đó rõ ràng là bất minh, mà cũng có thể là chiêu trò kinh tế. Nghĩa là cau năm nay được mùa, nếu không bán thì cũng dư thừa, cũng đổ đi chứ chẳng để làm gì, biết vậy, người ta tuyên bố ngừng nhập cau, như vậy là nhà buôn Việt Nam đứng hàng, người nông dân không thể bán cau được, lúc này, nhà buôn Trung Quốc mua rỉ rả với giá thấp lè tè, nhà buôn Việt Nam cứ như vậy mà đi thu mua của nông dân, mà nhà buôn Việt Nam cũng chẳng có hiền đâu!”

 

Cau rớt giá thê thảm, vườn cau trước bán 3 triệu ($120) giờ chỉ còn 120 ngàn đồng ($5). (Nguyên Quang/ Viễn Đông) 

 

“Nghĩa là sao anh?”

 

“Nghĩa là mua một ký cau, họ lời kha khá trong đó, thậm chí có khi lời gấp đôi, một ký mua năm chục ngàn đồng thì bán thành một trăm ngàn đồng. Thì anh thấy đó, cùng thời điểm mà tại Tây Nguyên giá người ta mua tới tám chục ngàn đồng đôi khi lên tới một trăm ngàn đồng, tại Quảng Nam mua có bốn chục. Như vậy rõ ràng mức lời phải khác nhau. Nhà buôn Việt cũng ép nông dân dữ lắm, họ chơi thân với nhà buôn Trung Quốc và chẳng ngại gì ép giá nông dân đâu, miễn có tiền là họ làm à! Cũng do vậy mà nhà buôn Trung Quốc mới có nội ứng, mới dễ dàng ra tay ép giá nông dân Việt Nam, chứ không thì dễ gì!”

 

Nông dân muôn đời vẫn khổ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông) 

 

Được giá thì mất mùa

 

Chị Lành, một nông dân khác ở Đại Lộc, Quảng Nam, buồn bã chia sẻ, “Nói về nghề nông, có vẻ như nông dân xứ Quảng còn đỡ, chứ nông dân các nơi như Đà Lạt, miền Tây Nam Bộ trước đây vốn trù phú, phồn thịnh lắm lắm, giờ cũng méo khóc, mà khóc to hơn nông dân xứ Quảng bởi họ làm chuyên nghiệp hơn, có công nghệ hẳn hoi chứ không như nông dân xứ mình còn làm theo kiểu thủ công, lấy công làm lời. Thì anh để ý xem, tới mùa thanh long ruột đỏ, rồi mùa dừa xiêm, mùa mãng cầu, mùa sầu riêng, mùa vú sữa, mùa ổi xá lị… Đủ mùa, hễ cứ được mùa thì mất giá thê thảm, có được giá là mất mùa, mà cái được giá mất mùa này cũng là đòn thâm độc!”

 

Nông sản hay thực phẩm, khó có thứ gì không có bàn tay Trung Quốc. (Nguyên Quang/ Viễn Đông) 

 

“Chị có thể cho biết thêm về chuyện được giá mất mùa và sự thâm độc của nhà buôn Trung Quốc không?”

 

“Khi mất mùa, tôi là nông dân, tôi dễ nhìn thấy nhất chuyện này, tức là nông sản thiếu hoặc chỉ vừa đủ để cung cấp cho thị trường Việt Nam, chẳng bao giờ đủ cho bất kì thị trường nào khác. Thế nhưng nhà buôn Trung Quốc sang thu mua với giá cao ngất, họ mua như vậy có thể mang về bán lỗ tại thị trường Trung Quốc, nhưng họ vẫn mua, bởi người nhà nông hay nhà buôn gì thì suy cho cùng, cũng cầu cạnh vào số tiền kiếm được, nên không thể trách tại sao nhà nông ham giá cao, khổ lâu rồi mà!”

 

“Nhưng theo chị thì họ chấp nhận mua lỗ như vậy có lợi gì cho họ? Hơn nữa, nhà buôn Trung Quốc thường chẳng bao giờ chấp nhận thua ai?”

 

“Anh nói đúng, nhà buôn Trung Quốc họ không bao giờ chấp nhận thua thiệt, cho dù có gặp sự cố gì họ vẫn nắm đằng chuôi, còn đằng lưỡi ai nắm thì kệ. Việc họ bỏ ra số tiền cao ngất để thu mua, gom hết nông sản Việt là một thủ đoạn kinh tế, họ cũng không rảnh để mà chơi nhà buôn Việt Nam đâu, mà họ đang xóa trắng thị trường, chiêu này rất cũ nhưng họ dùng chưa bao giờ thất bại.”

 


Cau được mùa mất giá, nông dân méo mặt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông) 

 

“Xóa trắng thị trường nghĩa là sao hả chị?”

 

“Nói về xóa trắng thị trường, cha tôi từng sống và nuôi cút ở miền Nam, từng làm ăn với người Tàu, từng bị một vố thật đau là trứng cút được họ thu mua liên tục, tăng giá liên tục, giá cao ngất ngưởng đến độ dân nuôi cút cũng đi lùng trứng cút để kiếm lời. Và mua bán một hồi, đến khi tích trữ đầy trứng cút với giá trên trời thì nhà buôn không thu mua nữa, chỉ có ăn và mang đi đổ, bao nhiêu vốn liếng đổ hết. Vì họ mua của mình hai xu chẳng hạn, sau đó thổi giá lên hai hào, thậm chí hai đồng, tức giá vụt lên đến gấp trăm lần, sẵn sàng mua với số lượng không giới hạn, giá cao ngất. Dân Việt mình non đòn, cứ thấy có lời thì mua về bán, cho đến khi mua mỗi trứng một đồng, tức giá gấp năm mươi lần giá bán lúc trước và tin rằng bán giá hai đồng, vẫn lời một đồng. Ai dè đó là cú bán xả hàng, hốt lời của người ta, có chiêu thức hẳn hoi. Đó cũng là cách xóa thị trường, làm cho hàng hóa khan hiếm và người ta tranh mua, cá cắn câu.”

 

Người nông dân chưa bao giờ làm chủ được giá nông sản mình trồng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông) 

 

“Còn với nông sản hiện tại?”

 

“Hiện tại, khi nông sản mất mùa, người nông dân sẽ đưa hàng ra chợ, lúc này thương gia Trung Quốc mua với giá thật cao, điều này kéo theo giá hàng ngoài chợ cũng rất cao, cao hơn giá thương lái mua một chút. Và với giá cao ngất như vậy, người chi tiêu sẽ thắt lưng buộc bụng, thị trường bị xóa trắng. Đây cũng là cơ hội để nông sản Trung Quốc tràn qua cửa khẩu, lấp vào khoảng trống thị trường. Lúc này, giá nông sản Trung Quốc chỉ bằng một phần mười giá nông sản Việt, như vậy thì người ta sẽ chọn nông sản Trung Quốc, bởi lương của người lao động Việt Nam thấp, họ quan tâm đến cái gì rẻ chứ không phải sạch. Nhìn chung, xóa trắng thị trường và đưa hàng Trung Quốc qua vẫn là chiêu rất cũ!”

 


Từ dưa hấu, bơ, bắp, thanh long... vòng lặp được mùa mất giá được giá mất mùa chưa bao giờ thôi ám ảnh người trồng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

“Xin lỗi chị trước, cho tôi hỏi hơi riêng tư, trước đây chị có học ngành kinh tế hay ngành khoa học nào không?”

 

“(Cười) Trước đây tôi học trường kinh tế, hồi đó học cũng giỏi lắm, nhưng rồi đường tiến thân nó dở ẹc, mình ra trường làm đi làm ruộng, chăn nuôi từ đó tới nay. Nhưng mình luôn theo dõi thế sự. Mà dân học xong đại học, cao học ra nuôi heo, phụ hồ, đi xe ôm có mà đầy, đâu riêng chi mình! Còn mấy đứa không biết chi lại ngồi ghế lãnh đạo xã, rồi lên lãnh đạo huyện, nên đất nước này muốn phát triển, còn lâu lắm!”

 

Mấy chữ “còn lâu lắm” của chị Lành nghe sao chất nặng cả chiều dài lịch sử đất nước với hàng trăm nỗi đau từ mua quan bán chức, bằng giả, tranh đoạt quyền lực và tiếng nói trí thức rẻ như cám heo!

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT