Mẹo Vặt

Nói tiếp về cách chế ngự cơn giận dữ

Thursday, 01/02/2018 - 08:30:01

Nói tắt một lời, bí quyết của việc quan sát là hướng vào chính mình, và ghi nhận cơn nóng giận của mình. Đừng nhìn vào người khác, đừng nhìn vào hoàn cảnh chung quanh, cũng đừng phê phán, đừng trấn áp, đè nén gì cả.

Bài VŨ HẰNG

Sau khi chúng ta bàn về cách chế ngự giận dữ bằng cách nhủ thầm và quan sát trong bài lần trước, thì ông Cả Đẫn nhà em có ý kiến: Không được nói là chế ngự, mà phải nói rằng “Làm thế nào để RA KHỎI cơn giận dữ.”

Không vận công

Lý do cần phải đổi chữ là thế này, ông xã em giải thích: Nói “chế ngự” là có hàm ý dùng sức để trấn áp, đè nén… cơn nóng giận. Nhưng thực tế không phải như vậy, vì “khổ chủ” chỉ cần quan sát những gì đang xảy ra với mình, rồi thể hiện sự quan sát ấy bằng một lời nhủ thầm ở trong óc, chứ không cần phải phê phán, không cần khen chê, và dĩ nhiên, không cần phải dụng sức để trấn áp, đè nén cái gì cả.


Cơn giận dữ giống như ngọn lửa thiêu đốt sự ràng buộc của lý trí

Điều tuyệt diệu của cái mẹo này là ở chỗ đó: Không cần vận công, dụng sức, không cần chế ngự, cũng như không phê phán, không khen chê, không phân tích đúng sai, không biện giải hơn thiệt, vậy mà cơn giận dữ đang cháy bừng bừng bỗng lụi tàn gần như ngay lập tức, và khổ chủ có thể tà tà bước “ra khỏi” đám lửa ấy, bình yên vô sự.

Chẳng hạn, khi thấy thằng con ngỗ nghịch làm vỡ cái bình cổ trong phòng khách, bạn nổi giận, đang định tháo dây lưng ra quất cho mấy cái như mọi khi (để rồi sau đó luôn luôn ân hận vì quá tay) thì chợt nhớ tới cái mẹo này, bạn lập tức nhủ thầm rằng: “À, mình đang nổi giận! Đang nổi giận đây!”

Trong cái tích tắc ngắn ngủi giữa lúc dây lưng đã rút ra khỏi eo quần sắp sửa giáng xuống, bạn chỉ có thể quan sát, chứ không thể phê phán (rằng làm như vậy là quá nặng tay), càng không thể lý luận (rằng như vậy mới xứng với tội của nó, hoặc “biết đâu nó không phải là thủ phạm).


Người ta có nhiều cách xả giận, nhưng làm sao cắt ngay được sự bùng nổ của cơn giận….?

Ngay khi có đủ thời giờ, bạn cũng không có thể nhận thức được đúng sai, vì lửa giận đang bốc lên phừng phừng, đốt sạch mọi ràng buộc của lý trí rồi…. Đó là lý do cần phải nhấn mạnh chữ “quan sát”, chứ không phải “chế ngự”, bạn nhé!

Quan sát ai?

Điều thứ hai, ông Cả Đẫn nêu lên, là sự quan sát phải hướng vào bên trong “khổ chủ.” Đây rõ ràng là một nhận xét rất tinh tế. Nói lòng ngay, hôm hai vợ chồng đi nghe thầy giảng, Hằng chỉ nhớ được chữ “quan sát.” Khi về nhà ngồi nói chuyện lại với nhau, ông xã đặt câu hỏi:
- Quan sát? Bà quan sát ai?
- Còn ai vào đó! Quan sát mình chứ quan sát ai?
- Thế thằng nhỏ, thủ phạm làm vỡ cái bình quí của bà, sao bà không quan sát nó?
- Cái ông cả quỷnh! Nhìn nó lại càng giận ứa mật, sôi gan chứ có ích gì.
Hằng cãi lại như thế, ông Cả Đẫn chỉ cười, không nói gì thêm. Bây giờ gẫm lại mới thấy ổng nhắc mình là đúng. Trong bất cứ tình huống nào cũng có hai người: Phải có người chọc giận mới có người nổi giận, phải không bạn? Nếu chỉ nói quan sát, những ai không kịp nghe đầy đủ câu chuyện sẽ nghĩ rằng phải quan sát thằng bé con để tìm hiểu tại sao nó lại ngỗ nghịch đến mức ấy, hoặc phải nhìn xuống cái bình vỡ để xem có thể gom lại, mang đi sửa chữa được không.


Nó cũng là liều thuốc độc, có thể gây ra sự tan nát không bao giờ hàn gắn được

Nhưng làm như vậy là hỏng to: Đang nổi cơn thịnh nộ mà lại chú mục vào cái bản mặt khó thương của thằng nhỏ, hoặc nhìn vào đám mảnh sành vỡ vụn, tung tóe trên nền nhà thì khác nào... lửa cháy đổ dầu thêm. Đến nước ấy thì to chuyện, thế nào cũng phải bấm 911, gọi cứu hỏa đến chữa cháy, hoặc đưa người đi cấp cứu thôi.

Nói tắt một lời, bí quyết của việc quan sát là hướng vào chính mình, và ghi nhận cơn nóng giận của mình. Đừng nhìn vào người khác, đừng nhìn vào hoàn cảnh chung quanh, cũng đừng phê phán, đừng trấn áp, đè nén gì cả.

Cứ như lời thầy giảng thì thực hành bí quyết đó, chúng ta sẽ dứt mình ra khỏi cơn mê, mà cụ thể là cơn bão lốc của sân hận ngay, nếu không cắt được ngay thì lửa giận cũng giảm cường độ, không đẩy khổ chủ đến những phản ứng cực đoan. Rồi sau đó, chúng ta mới có thể thực hành thêm một vài biện pháp khác, như uống ly nước lạnh, nhắm mắt và thở sâu, rời khỏi hiện trường, hoặc đi rửa mặt để hoàn toàn dập tắt tàn dư ngọn lửa còn âm ỉ trong lòng! Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải làm sao cắt ngay được sự bùng nổ của cơn giận dữ ngay tại hiện trường.
Đối với những kẻ phàm phu tục tử như chúng ta, dù không thành công ngay thì... miễn là mỗi lúc tiến bộ thêm một chút cũng tốt lắm rồi. Điều quan trọng là đời sống chúng ta sẽ không bị dằn vặt trong ray rứt khôn nguôi vì những hậu quả đáng tiếc không bao giờ hàn gắn được.
vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT