Sức Khỏe

Nỗi niềm người chăm sóc bệnh nhân

Friday, 28/12/2018 - 07:39:37

Đó là lý do tại sao bạn cần tận dụng những giúp đỡ và công cụ có sẵn để giúp bạn chăm sóc cho người thân yêu của bạn. Hãy nhớ rằng, nếu không chăm sóc bản thân, bạn sẽ không thể chăm sóc cho bất cứ ai khác.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Số người Hoa Kỳ già lão càng ngày càng tăng cao và một số lớn hiện được chăm sóc bởi những người không phải là chuyên viên chăm sóc sức khỏe. Những người không chuyên môn này đang cung cấp 80 phần trăm các dịch vụ chăm sóc dài hạn tại Hoa Kỳ.

“Người chăm sóc” được định nghĩa là bất cứ ai đang chăm sóc cho những người có nhu cầu, chẳng hạn như một người phối ngẫu bị bệnh nặng hoặc một đứa con khuyết tật, hoặc một thân nhân già nua. Các thành viên gia đình hoạt động như người chăm sóc cho một người lớn tuổi thường không tự nhận mình là một "người chăm sóc". Tuy nhiên, nếu họ nhận thức được vai trò này thì họ có thể giúp những người chăm sóc khác có được sự hỗ trợ cần thiết.

Chăm sóc có thể đem đến nhiều phần thưởng và đối với hầu hết những người chăm sóc, sự có mặt khi người thân yêu cần đến là một giá trị căn bản và là một việc họ muốn làm cho người thân yêu.
Nhưng sự thay đổi vai trò từ một người thân thành một người chăm sóc luôn đưa đến nhiều cảm xúc khác nhau. Các cảm xúc như tức giận, thất vọng, kiệt sức, cô đơn hay buồn bã thường xuất hiện một cách tự nhiên. Sức ép lên người chăm sóc - căng thẳng cảm xúc và thể chất của việc chăm sóc – rất thường thấy.
Những người bị bệnh “căng thẳng của người chăm sóc” có thể bị tổn thương về sức khỏe. Các yếu tố gây nguy cơ căng thẳng gồm có:
- Là phái nữ
- Học ít năm
- Sống với người mà bạn đang chăm sóc
- Cô lập xã hội
- Bị trầm cảm
- Tài chính khó khăn
- Số giờ dành cho việc chăm sóc cao hơn thông thường
- Thiếu kỹ năng đối phó và giải quyết các vấn đề khó khăn
- Không còn lựa chọn nào khác hơn là trở thành một người chăm sóc
Là một người chăm sóc, bạn có thể quá tập trung vào người thân yêu mà không nhận ra rằng sức khỏe và niềm hạnh phúc của chính bạn đang bị sứt mẻ. Đây là những dấu hiệu của sự căng thẳng:
- Cảm thấy bị quá sức hoặc không ngừng lo lắng
- Cảm thấy mệt mỏi đa số thời gian
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
- Lên cân hay xuống cân nhiều
- Trở nên dễ bị bực mình hoặc tức giận
- Không còn thích các hoạt động giải trí
- Cảm thấy buồn
- Thường xuyên nhức đầu, đau toàn thân hoặc các vấn đề cơ thể khác
- Lạm dụng rượu hoặc thuốc, kể cả thuốc theo toa
Quá nhiều căng thẳng, đặc biệt là trong một thời gian dài, có thể gây tổn hại cho sức khỏe. Là một người chăm sóc, bạn dễ bị các triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc lo âu. Ngoài ra, bạn có thể không ngủ đủ hoặc ít hoạt động thể chất, hoặc không ăn uống lành mạnh - làm tăng nguy cơ bị các vấn đề y tế, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường.

Các nhu cầu tình cảm và thể chất liên quan với việc chăm sóc có thể làm căng thẳng ngay cả những người kiên cường nhất. Đó là lý do tại sao bạn cần tận dụng những giúp đỡ và công cụ có sẵn để giúp bạn chăm sóc cho người thân yêu của bạn. Hãy nhớ rằng, nếu không chăm sóc bản thân, bạn sẽ không thể chăm sóc cho bất cứ ai khác.

Để bớt căng thẳng, nên theo những cách dưới đây:

- Chấp nhận sự giúp đỡ. Lập một danh sách những việc người khác có thể giúp bạn, và để cho họ chọn những gì họ muốn làm. Ví dụ, một người có thể nhận cho người bạn đang chăm sóc đi dạo một vài lần một tuần để bạn có được ít giờ rảnh. Một người khác có thể đi chợ hoặc nấu ăn cho bạn một vài lần.
- Tập trung vào những gì bạn có thể làm. Người ta thường cảm thấy tội lỗi khi không thể làm một vài chuyện cho người thân, nhưng bạn nên biết rằng không có ai là người chăm sóc "hoàn hảo" cả. Hãy tin rằng bạn đang làm tốt nhất và có những quyết định tốt nhất ở bất kỳ thời điểm nào.
- Nên có mục tiêu thực tế. Chia các nhiệm vụ lớn thành các bước nhỏ hơn để làm dần dần. Đặt ưu tiên, lập danh sách và thiết lập thói quen hàng ngày. Từ chối những yêu cầu quá khó khăn, chẳng hạn như tổ chức những bữa ăn vào ngày lễ.
- Tìm những kết nối. Tìm hiểu về các nguồn giúp đỡ người chăm sóc tại địa phương. Nhiều cộng đồng có các lớp học đặc biệt về chứng bệnh của người thân yêu của bạn. Có thể có những dịch vụ chăm sóc như giúp đi lại và giao bữa ăn.
- Tham gia một nhóm hỗ trợ. Một nhóm hỗ trợ có thể cung cấp những xác nhận và khuyến khích, cũng như cách giải quyết vấn đề cho các tình huống khó khăn. Những người trong nhóm hỗ trợ hiểu những gì bạn đang trải qua. Một nhóm hỗ trợ cũng có thể là một nơi tốt để tạo ra tình bạn có ý nghĩa.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội. Hãy cố gắng giữ liên lạc, tình thân với gia đình và bạn bè, những người có thể cung cấp hỗ trợ tinh thần mà không phán xét chê bai. Dành thời gian mỗi tuần để kết nối với người khác, dù chỉ là một cuộc đi bộ với một người bạn.
- Đặt mục tiêu sức khỏe cá nhân. Ví dụ, đặt ra mục tiêu thiết lập một thói quen đi ngủ tốt hay tìm thời gian để vận động trong hầu hết các ngày trong tuần. Việc ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm lành mạnh cũng rất quan trọng.
- Đi gặp bác sĩ. Đi khám bệnh định kỳ và chích ngừa những gì cần thiết. Nói với bác sĩ mình là một người chăm sóc. Đừng ngần ngại nói ra bất kỳ những mối quan tâm hoặc các triệu chứng bạn có.
Đôi khi bạn khó tưởng tượng mình có thể để người khác chăm sóc người thân của mình, nhưng nghỉ ngơi có thể là một trong những điều tốt nhất cho chính bản thân bạn - cũng như những người bạn đang chăm sóc. Hầu hết các nơi đều có một số loại “chăm sóc thay thế”, chẳng hạn như:
- Thay thế tại nhà. Các trợ lý chăm sóc sức khỏe sẽ đến nhà bạn để chỉ có mặt hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc hoặc cả hai.
- Các trung tâm và chương trình chăm sóc người lớn. Một số trung tâm chăm sóc cho cả người già và trẻ nhỏ, và hai nhóm này có thể chơi với nhau.
- Nhà điều dưỡng ngắn hạn. Một số nhà trợ giúp sinh hoạt, nhà chăm sóc và nhà dưỡng lão nhận chăm sóc ngắn hạn những người cần được chăm sóc.

Gần 60 phần trăm những người chăm sóc vẫn đi làm. Nếu bạn vừa làm việc bên ngoài vừa là người chăm sóc và cảm thấy quá mức, có thể xem xét chuyện nghỉ việc.
Nhân viên được hưởng quy chế liên bang Family and Medical Leave Act có thể nghỉ không lương đến 12 tuần một năm để chăm sóc người thân. Nên hỏi văn phòng nhân sự nơi làm việc của bạn về lựa chọn nghỉ không lương này.
Đa số những người chăm sóc đều không thích xin được giúp đỡ. Thái độ này có thể đưa đến cảm giác bị cô lập, thất vọng và thậm chí chán nản. Thay vì phải đánh vật một mình với trách nhiệm, hãy tận dụng những sự giúp đỡ cho những người chăm sóc. Hãy liên lạc với Agency on Aging (AAA) tại địa phương của bạn để tìm hiểu về các dịch vụ trong cộng đồng. Bạn có thể tìm địa chỉ web site on line hoặc trong danh bạ điện thoại địa phương của bạn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT