Phóng Sự

Nỗi đau của người mẹ mất con vì ung thư và thông điệp về tình thương (kỳ 1)

Monday, 16/11/2015 - 12:29:02

Cuối cùng có người khuyên sao không thử đưa con sang Mỹ, với phương tiện y học tiên tiến chắn chắn sẽ cứu sống được con. Vậy là bà tìm mọi cách để đưa con qua Mỹ, dù lúc bấy giờ bà chẳng hề quen biết ai và cũng chẳng có thân nhân nào bên Mỹ.

Bài BĂNG HUYỀN

Đã hơn mười năm nay, bà V (vì nhân vật chính của câu chuyện này không muốn tiết lộ danh tính thật) là thiện nguyện viên năng nổ của hội SAP-VN (Social Assistance Program For Vietnam), đây là một cơ quan bất vụ lợi và phi chính phủ được thành lập vào năm 1992 bởi một nhóm thanh niên trẻ. Mục đích của hội nhằm phục vụ và giúp đỡ các nhu cầu xã hội và y tế dành cho người nghèo tại Việt Nam.



Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè, bà cũng như bao thiện nguyện viên của hội, tự túc mua vé máy bay về Việt Nam để đem hiện kim, thuốc men… do các mạnh thường quân bên Mỹ ủng hộ, để về trao tận tay cho những người cần giúp. Không chỉ dừng lại đó, mà suốt mười mấy năm qua bà còn âm thầm tìm gặp những em học sinh nghèo, hiếu học tại Việt Nam em để bảo trợ tiền ăn học cho các em được tiếp tục cắp sách đến trường, học hết trung học, rồi lên tiếp đại học.

Bà nói bà làm điều này là theo di nguyện của người con trai duy nhất của mình đã mất vì ung thư khi em chỉ mới 19 tuổi. Em đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng trọn vẹn và ý nghĩa. Em đã từng rất đau khi ung thư đã di căn vào xương, rồi những đợt truyền thuốc nối tiếp nhau. Nhưng cái cách em đối diện với bệnh tật cứ nhẹ như tơ, cùng với một thái độ sống không thể lạc quan hơn nữa trước khi từ giã cuộc đời.
Dù hiện nay em đã không còn nhưng em vẫn tiếp tục truyền cảm hứng sống đến bà, luôn nhắc nhở bà phải giữ tình yêu thương như ngọn lửa vĩnh cửu trong trái tim bà lan tỏa sang nhiều người khác.
Trong câu chuyện thấm đẫm nước mắt của người mẹ, dù con bà đã ra đi 15 năm rồi, nhưng nỗi đau mà bà buột phải chấp nhận, tựa như vẫn còn mới hôm qua.

Nỗi đau khi con mang án tử ung thư

Người mẹ sẽ làm gì khi đứa con trai duy nhất, đứa con thông minh, hiếu thảo, ngoan ngoãn, tử tế, luôn là niềm tự hào của mình, đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời (đang học lớp 12 chuẩn bị vào học đại học), với biết bao nhiệt huyết và đường đời đang rộng mở, phải mang “án tử” vì mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối?

Cuộc đời của người mẹ ấy đã gặp giông bão ngay từ khi biến cố lớn xảy ra với đứa con độc nhất mà bà rất mực yêu thương. Bà đã cùng đồng hành bên con khi con phải đối diện với những đoạn trường gian khó, phải làm bạn với những đau đớn bất tận về thể xác, kiệt quệ tinh thần khi điều trị ung thư. Bà đã cùng con bước vào cuộc hành trình tìm mọi cách để giành giật sự sống cho con bắt đầu. Bà đã đưa con đi không biết bao nhiêu bệnh viện, đau đớn nhìn con chịu đựng nỗi đau thấu xương tủy của những đợt xạ trị, tốn kém tiền bạc... để chữa bệnh. Cứ nghe ai chỉ có ông thầy này hay, bà thầy này giỏi giúp người ung thư hết bệnh, là bà đều lặn lội tìm đến để mong con được duyên lành mà chữa hết bệnh.

Cuối cùng có người khuyên sao không thử đưa con sang Mỹ, với phương tiện y học tiên tiến chắn chắn sẽ cứu sống được con. Vậy là bà tìm mọi cách để đưa con qua Mỹ, dù lúc bấy giờ bà chẳng hề quen biết ai và cũng chẳng có thân nhân nào bên Mỹ.

Chuyến đi định mệnh

Bà kể vào thời điểm khi đó là năm 1997, bà quyết định làm hồ sơ cho con trai qua du học tại Mỹ, nhưng mục đích chính chỉ là để trị bệnh. “Ai cũng ngạc nhiên khi mẹ con tôi qua mặt được sứ quán Mỹ để đưa con qua đây khi đậu được phỏng vấn qua đây du học. Vì lúc đó con tôi đã rụng hết tóc sau thời gian làm hóa trị, trong lúc đang chờ tóc mọc ra phải đội tóc giả. Con tôi qua tháng 10 năm 1997, khi qua đến nơi là vô nhập viện liền. Lúc đó đi vào tòa lãnh sự Mỹ phỏng vấn để xin du học mà được. Còn tôi thì qua đây bằng diện du lịch vào tháng 12 năm 1997.”

Bà cho biết lúc bấy giờ qua cô thư ký tại công ty do bà làm chủ, có quen một ông Việt kiều bên này, sau một vụ li dị thì người đó trắng tay, nên đã nhận tiền của tôi và đồng ý đưa con trai bà qua bên này để thuê nhà cho cháu ở và đưa cháu vào nhà thương chữa trị.

“Khi đó ông đưa con trai tôi qua Mỹ, dù lúc đó cháu hoàn toàn độc lập với ông, vì trên giấy tờ cháu đã 18 tuổi, nhưng tuổi thật thì chỉ mới 17 thôi. Khi đó ông ta đang ở share nhà của vợ chồng người bạn của ông ta, ông ta mang con tôi đến nhà người bạn để thuê ở cùng và nói con tôi là con rơi của ông tại Việt Nam, bây giờ nó bệnh. Hoàn cảnh đó, ai cũng thông cảm thôi. Sau đó, tôi qua tôi có thưa thiệt với vợ chồng anh chị chủ nhà là mẹ con tôi chỉ mới quen ông ta.

“May mắn cho mẹ con tôi là hai anh chị rất tốt bụng, đã giúp đỡ mẹ con tôi tận tình từ những ngày đầu cho đến khi con tôi mất, đến nay tôi vẫn tiếp tục làm bạn tốt với cả hai anh chị.”

Bài học về tình thương yêu

Bà kể, “Qua Mỹ tôi có hai lần đã khóc vì nước Mỹ. Lần thứ nhất là khi con tôi đã bị tháo khớp, ở bệnh viện Woodruff Community Hospital (Long Beach). Lúc đó biết rằng thời gian sống của cháu không còn bao lâu nữa, các bác sĩ, y tá, nhân viên đã đóng góp tiền lại và mua vé cho hai mẹ con tôi đi chơi Disneyland, có hai vợ chồng đưa mẹ con tôi đi. Tôi đã khóc vì xúc động trước tình cảm và nghĩa cử thật ấm áp của những người xa lạ dành cho con trai tôi.

“Cách nay bốn năm, tôi lên Washington DC, đến bức tường đá đen khắc tên 57 ngàn người lính Mỹ chết vì chiến tranh Việt Nam, tôi lại khóc lần nữa vì khi tôi chưa qua Mỹ, tôi nghe chuyện đó bình thường. Nhưng khi tôi sống ở Mỹ rồi, một đất nước rất tử tế, rất giàu mạnh, những người sống ở Mỹ quá sung sướng, nhất là những người thanh niên mới lớn lên phơi phới như thế, tại sao họ phải chết vì một chế độ Cộng Sản, ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu… Cảm thấy đau lòng vô cùng.”

Bà nói con trai bà rất thương mến những bác sĩ, y tá, nhân viên tại bệnh viện Woodruff. Chính vì vậy mà khi con bà được chuyển qua chương trình hospice (chương trình dành cho những người bệnh nặng ở giai đoạn cuối đời), bà kể trong nước mắt, “Trước khi con tôi mất ba ngày, con nói con muốn quay lại bệnh viện Woodruff, tôi mới giải thích là không được đâu con ơi, thực tế là không còn chữa được nữa giờ chỉ chờ chết thôi. Con tôi giải thích là con biết rồi, nhưng giờ con gần chết thật rồi, con muốn quay lại đó để chết tại đó. Tôi cứ loay hoay giải thích, cháu đã bấm 911 và người ta đưa cháu qua bệnh viện Woodruff để cháu ra đi tại đó, vì cháu muốn được gặp lại những bác sĩ, y tá đã tận tình săn sóc cháu.

“Từ đó đến nay tôi có tìm bác sĩ tên Quý Nguyễn mà vẫn chưa tìm ra, có lẽ bác sĩ chỉ vào đó thực tập. Hồi tôi mới qua Mỹ, tôi đâu có biết tiếng Anh, người bác sĩ đó đã viết ra cho tôi từ tiếng Anh về các từ thông dụng về bệnh tật tiêu chảy, táo bón… còn mang một số sách Việt cho tôi đọc. Tôi rất tha thiết tìm người bác sĩ này mà đến nay vẫn chưa tìm ra.”

Bà kể mặc dù con bà bị bạo bệnh nhưng tinh thần của con rất mạnh mẽ, khi con phải đối mặt với căn bệnh, cứ mỗi giai đoạn là mức độ nghiêm trọng của căn bệnh càng tăng thêm. Bà luôn bị ám ảnh với thông báo của bác sĩ con chỉ còn sống được vài tháng, vài tuần, vài ngày. Nhưng con trai bà đã chiến đấu dũng cảm tới phút cuối cùng giành giật sự sống với tất cả sự lạc quan và còn truyền tinh thần lạc quan ấy lên mẹ mình.

Bà kể tiếp, “Những ngày con gần đi, tôi bối rối, đi ra đi vô không làm gì nên hồn. Lấy nước cho con, thì tôi lại lấy khăn giấy. Lúc đó con bảo tôi về nhà bác Thục (là vợ chồng anh chị chủ nhà tôi ở từ khi mới qua) lấy bộ cờ tướng vào bệnh viện. Tôi mới bảo con đâu có ngồi được đâu mà chơi cái gì.
Cháu bảo con không ngồi được cũng ráng ngồi để chơi cờ tướng với má, để luyện lại tinh thần cho má. Chứ má dạy con phải có bản lĩnh thế này thế kia. Vậy mà con thấy má bối rối như thế này con sẽ không yên tâm khi chết đi. Khi biết mình không qua khỏi, con đã đề nghị tôi hãy đem giấy bút vào cho con viết di chúc để lại.”
Di chúc cháu viết, cháu ghi tên Nguyễn Xuân Thanh. Ngày sinh bên này, ngày mất chừa ra.

“Một khi tôi không còn nữa, tôi muốn xác được hỏa thiêu cùng với quyển sách Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống, cuốn thơ...
“Mẹ tôi giữ một phần tro, một phần còn lại thì hãy rãi xuống cánh đồng khi gió lên.
“Khi nào mẹ tôi mất đi, xin nhờ một người bất kỳ rãi phần tro còn lại, xin cám ơn!.
“Con muốn má hãy tiếp tục giúp đỡ những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học hành, má hãy thương yêu những bạn ấy như thương con bấy lâu nay.”
“Câu cuối cùng của lá thư là con xin cầu nguyện cho những người đau khổ trên thế gian.
“Con cám ơn đến tất cả mọi người, cả những người biết con mà chưa bao giờ gặp con.
“Ký tên”

Bà V kể, “Còn một lá thư thì cháu viết gửi ông bà, cha mẹ, bạn bè yêu quý.
“Vào những ngày cuối cùng trước khi cháu mất, cháu nói tôi hãy mang máy vào để thu băng catxet, vì cháu mệt quá, không viết nỗi nữa. Tôi chỉ nghe đúng 1 lần. Sau này đến giờ tôi không bao giờ dám nghe nữa. Trong đó cháu có nói kiếp sau nếu được làm người, dù có ngắn ngủi, thì vẫn muốn được tiếp tục làm con của má.”

Nói đến đây, đôi mắt bà ngấn nước, giọng bà run run nghẹn lại!
“Cháu viết di chúc ngày 5 tháng 1 năm 2000, thì đến ngày 1 tháng 2 năm 2000 cháu mất.”
Bà nói khi con mất, bà quyết định ở luôn tại Mỹ, để dứt khoát đoạn tuyệt với chồng, để chồng lập gia đình mới, sinh những đứa con khác.

“Vợ chồng tôi chỉ có mình cháu, tôi đã gần 40 tuổi, và từng u xơ, u nang nên tôi đã cắt bỏ buồng trứng, thành ra không còn khả năng sinh đẻ nữa. Lúc đó bố mẹ chồng tôi còn sống. Ông bà thương tôi vô cùng. Ngay từ khi phát hiện con bị bệnh, tôi đã xin phép bố mẹ chồng hãy cho chồng tôi lấy vợ khác để sinh cháu cho ông bà.

“Nhưng lúc đó ông bà vẫn còn quá thương cháu và thương tôi, nên nói ba má chỉ có một mình con là con dâu thôi. Chỉ có mình Thanh là cháu. Nhưng mà nói thế thôi chứ tôi nghĩ thời gian sẽ xoa dịu được nỗi đau, vì vậy khi con mất, tôi quyết định ở lại Mỹ, để chồng dễ dàng tìm người vợ mới, có những đứa con. Sau này anh đã kết hôn và có một đứa con trai. Hằng năm tôi có về thăm vợ chồng anh.”

Nhờ thời gian nuôi con bệnh, ở trong nhà của vợ chồng chủ nhà tốt bụng, nên cơ duyên bà quen được người chồng hiện tại, là bạn thân của vợ chồng người chủ nhà. Ông cũng có vợ mất vì ung thư.

Bà bảo khi con mất bà đã từng muốn tự tử để chết theo con, nhưng những di nguyện của con để lại đã giúp bà vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống và làm tròn cho con.

“Tôi thấy rằng có những việc mình muốn nhưng cũng chẳng bao giờ được. Mình cũng đừng mất công mơ ước điều gì hão huyền. Giống như điều mong ước lớn nhất của tôi là con tôi sống. Nhưng điều ấy không thể nào được, mình phải biết chấp nhận những giới hạn của con người trong cuộc đời này. Tôi thấy nếu mình không thay đổi được mọi chuyện, thì mình cứ thay đổi một chuyện của mình trước đã. Đó là cách nhìn của mình, thái độ sống của mình.

“Tôi rất biết ơn con tôi, tôi thấy giống như con vẫn dạy dỗ tôi mỗi ngày mà tôi vẫn chưa học hết những bài học của con. Một câu, một chữ con tôi thu âm lại, viết ra giấy nó đã thấm vào tôi theo thời gian. Đầu tiên tôi đọc, tôi chỉ thấy trời ơi sao con mình tốt thế này, dễ thương thế này mà sao phải chết sớm thế này. Sao mà cháu khôn ngoan quá. Sau này tôi đọc lại những gì cháu viết đã tác động tốt lên tôi, ảnh hưởng lên tôi, làm tôi thay đổi. Nghĩa là tôi nhìn thấy ý nghĩa những lời đó trong suy nghĩ, cách xử sự, nhìn nhận đánh giá của mình.

“Cũng một sự việc, cũng một con người, nếu ngày xưa tôi thấy họ không tử tế, không tốt, bây giờ tôi nhìn lại cách khác. Cũng như tôi nghĩ dù có thương yêu con tôi đến bao nhiêu thì con tôi cũng mất rồi. Nếu cứ ôm hoài đau khổ này thì không thể nào sống được, cho nên tôi chuyển qua yêu thương những đứa trẻ khác như yêu thương con mình, thấy như con vẫn hiện diện, vẫn còn và hướng dẫn tốt cho tôi, mang lại cho tôi một tương lai có định hướng rõ ràng trong việc gửi đi những thông điệp về tình thương yêu đến mọi người và giúp đỡ những người có hoạn cảnh khó khăn, kém may mắn.”
Nếu trước đây bà nghĩ tài sản là tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, đất đai, con cái... Kể từ khi con trai duy nhất của bà ra đi mãi, bà không nghĩ tài sản lại chỉ bó hẹp trong những gì có thể sờ mó, đo đếm được như thế nữa. Tài sản bà luôn mang theo và luôn sở hữu đó là tình yêu từ trái tim và tâm hồn giành cho người khác, là thái độ sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh trớ trêu.
(còn tiếp một kỳ)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT