Người Việt Khắp Nơi

Nỗ lực dạy và học tiếng Việt hiện nay của các trung tâm độc lập

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 31/12/2011 - 08:00:09

Đây là sinh hoạt ưu tiên hàng đầu của BĐD, giúp các thầy cô từ khắp các tiểu bang ở Mỹ, trau dồi khả năng chuyên môn, nâng cao kiến thức văn học, văn hóa để truyền dạy cho các em.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 2)

Băng Huyền/Viễn Đông


Lễ khai mạc chào cờ Quốc Gia Việt Nam trong Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Trẻ
năm 2010 ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

“Người Việt bỏ nước ra đi một cách rất bất ngờ khi biến cố tháng Tư 1975, vì quá đột ngột, chúng ta ra đi, không chuẩn bị gì cả. Bỗng nhiên nhìn lại thì thấy mình mất hết tất cả. Nhưng nhìn lại con em mình, thấy nó mất nhiều hơn mình mất. Dù sao mình vẫn còn lại ngôn ngữ, văn hóa mình mang theo. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ văn hóa, ngôn ngữ đến con em mình. Đó là khát vọng của những người ra đi. Nếu ra đi mà chúng ta có chuẩn bị sẽ khác, còn khi ra đi bất ngờ, mà không chuẩn bị trước, thì mơ ước truyền đạt vốn quý văn hóa của mình có, cho thế hệ tiếp nối càng thêm mạnh mẽ hơn. Đó là lý do vì sao hầu hết phụ huynh Việt Nam nào cũng muốn con em mình phải biết tiếng Việt. Vì tiếng Việt là bước đầu để tìm hiểu về văn hóa, cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Và khi các em biết rành về văn hóa, dân tộc mình, thì các em sẽ làm được nhiều việc trong tương lai” - Ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, cũng là một thầy giáo dạy Việt ngữ từ nhiều năm qua, đã chia sẻ về mục đích của sự hình thành việc dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ.
Nhưng những chia sẻ đó chỉ đúng với hoàn cảnh cách nay hơn 30 năm. Ngày nay, sau gần 37 năm hình thành và phát triển cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, thì mục đích dạy và học tiếng Việt tại đây không chỉ dừng lại duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt nữa, mà còn thêm nhiều mục đích khác.
Được biết, đối với một quốc gia có nhiều sắc tộc như Hoa Kỳ, thì việc duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ của người di dân rất quan trọng, không những cho cộng đồng di dân mà còn cho chính quốc gia này. Ngôn ngữ sắc tộc được xem là vốn quý của quốc gia. Về phương diện đối ngoại, ngôn ngữ sắc tộc có thể đóng góp tích cực vào lãnh vực chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, ngoại giao với các nước liên hệ đang xử dụng ngôn ngữ đó trên thế giới.
Về đối nội, ngôn ngữ sắc tộc giúp quốc gia ổn định, nó góp phần củng cố nền tảng gia đình, xã hội, phát triển mối quan hệ với những người cùng sắc tộc, truyền đạt kiến thức về văn hóa cổ truyền của nhóm sắc tộc cho thế hệ tiếp nối. Đối với học sinh di dân, ngôn ngữ sắc tộc còn là nền tảng xây dựng kiến thức và kỹ năng quan trọng trong việc học tập, nghiên cứu.
Theo kết quả của thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010, liên quan đến sắc dân Châu Á hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt hiện nay đang đứng thứ tư về số lượng, với hơn 1 triệu rưỡi người. Cũng theo các con số thống kê của Hoa Kỳ, thì người Mỹ gốc Việt là cộng đồng người gốc Á nói tiếng mẹ đẻ trong gia đình chiếm đến 87,5% tổng số (đứng hàng thứ nhì, sau cộng đồng người Mỹ gốc Hmong ở tỷ lệ 92,1%).
Riêng tại tiểu bang California, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quan trọng thứ tư sau Anh ngữ, Tây Ban Nha và tiếng Hoa.
Để nhận xét về mục đích của việc dạy tiếng Việt hiện nay tại Hoa Kỳ, ông Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Á tại đại học University of California Los Angeles (UCLA) và đại học California State University Long Beach (CSULB) cho rằng: “Hiện nay, tiếng Việt đã được đưa vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, tại một số trường trung học cho đến đại học, nên việc học tiếng Việt trở nên hữu ích hơn cho người Việt tại Mỹ”. [Trong loạt bài phóng sự những kỳ tới, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn đến vấn đề dạy và học tiếng Việt trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ].
Giáo Sư Quyên Di cho biết: “Hiện nay, một số sinh viên đã chọn học tiếng Việt thay vì học một ngoại ngữ khác, để đáp ứng đòi hỏi phải có một số tín chỉ ngoại ngữ mới được ra trường. Đại học UCLA, chẳng hạn, đòi hỏi sinh viên ra trường phải học qua 1 năm ngoại ngữ, tức là 15 tín chỉ nếu học trình độ nhập môn (introductory).
“Riêng với tất cả những học sinh nào muốn tốt nghiệp một trường trung học công lập ở California, cũng phải học một ngoại ngữ trong vòng ít nhất một năm. Còn trường đại học trong hệ thống công lập California State University (CSU) cũng yêu cầu các sinh viên phải theo học một ngoại ngữ trong ít nhất hai năm. Muốn vào học tại trường đại học thuộc hệ thống University of California (UC), các học sinh cũng phải bỏ ra ít nhất hai năm để học một ngoại ngữ.
“Một số bạn trẻ học tiếng Việt còn để phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Bởi nơi đâu có đông người Việt, nơi ấy sẽ hình thành một cộng đồng với những sinh hoạt mang tính chất truyền thống của người Việt. Trước đây chỉ có những người thuộc thế hệ di dân thứ nhất tham gia sinh hoạt cộng đồng. Bây giờ, nhiều người trẻ đã tham gia sinh hoạt này. Nếu muốn được chấp nhận và hoạt động của mình có hiệu quả, các bạn trẻ ấy phải biết nói tiếng Việt tương đối trôi chảy.
“Một số sinh viên còn tìm học tiếng Việt, vì sau khi ra trường sẽ trở về làm ăn buôn bán, mở văn phòng dịch vụ, phòng mạch trong cộng đồng Việt Nam. Biết nói tiếng Việt là một lợi điểm trong việc thương mại.
“Một số ngành an sinh xã hội hay giáo dục đặt ra ưu tiên chọn người để tuyển dụng hoặc tăng lương bổng. Một trong những ưu tiên đó là biết thêm ngoại ngữ và am hiểu văn hóa của một sắc dân bản địa. Tiếng Việt và văn hóa Việt được xếp vào loại ngôn ngữ văn hóa này”.
Bởi vậy, việc học tiếng Việt bây giờ không chỉ đơn thuần là đáp ứng những lợi ích tinh thần, mà còn vì những lý do thực tiễn khác nữa. Những điều này đã góp phần đẩy mạnh hơn phong trào dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ.
Để đạt được những thành quả như trên, thật không dễ dàng. Vì trong thời gian ngắn, người Việt ly hương vừa phải cố gắng vươn lên trong xã hội xứ người, vừa cố gắng bảo tồn truyền thống, để truyền lại tinh hoa văn hóa dân tộc cho những thế hệ tiếp nối. Đó là cả một quá trình phấn đấu gian khổ, với biết bao nỗi vất vả và nhiều sự hy sinh.
Để thành công, phải nhờ đến rất nhiều cá nhân trong cộng đồng, những cựu giáo chức, những nhà hoạt động văn hóa, những sinh viên Việt Nam… chung tay, hợp sức mà thành.
Và họ đã sớm xác định, dạy tiếng Việt cho các em, chỉ là chìa khóa để đưa các em bước vào cánh cửa của kho tàng văn hóa Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, họ đã tổ chức rất nhiều những sinh hoạt văn hóa ngoại khóa trong cộng đồng, để hỗ trợ cho việc học tiếng Việt của tuổi trẻ hải ngoại càng thêm ý nghĩa.

Sinh hoạt cộng đồng để hỗ trợ phát triển tiếng Việt

Là người gắn bó với những hoạt động văn hóa trong cộng đồng từ buổi đầu, ông Nguyễn Minh Lân, đại diện cho ban tu thư của Giải Khuyến Học - Việt Olympiad, thành viên của hội đồng điều hành Viện Việt Học, đã kể lại quãng đường thăng trầm của việc hình thành những sinh hoạt văn hóa hữu ích lúc bấy giờ: “Cuối năm 1981 và đầu năm 1982, sinh viên Việt Nam tại đại học CSULB đã chuẩn bị hai dự án:
“Dự án thứ nhất, mời gọi sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Hoa Kỳ tại miền Nam Californnia thành lập Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (THSV). Tổng Hội đã hình thành qua nhiều cuộc bầu cử tại các trường đại học. Tại CSU Long Beach có 15 trường đại học tham dự. Mùa Xuân 1983, THSV tổ chức Hội Xuân đầu tiên tại một công viên (góc Hoover và Westminster, nay là khu chung cư của người già) thuộc thành phố Westminster.
“Dự án thứ hai, vận động thành lập Giải Khuyến Học về lịch sử - văn học Việt Nam (GKH). Ban Tổ Chức GKH được thành lập, anh Bùi Tú Khanh, khi đó là sinh viên ngành hóa học, nay là khoa học gia sinh hóa đang làm việc tại miền Nam Cali, được mời làm Trưởng ban tổ chức GKH kỳ I vào năm 1984”.
Như vậy, vào tháng 9-1984, Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) trường đại học CSULB đã tổ chức GKH về lịch sử - văn học Việt Nam kỳ thứ nhất. Sau đó mỗi năm liên tục từ 1985 đến 1991, VSA của CSULB tiếp tục tổ chức GKH từ kỳ 2 đến kỳ 8.
Thông báo về việc tổ chức GKH đã được đọc và phổ biến trong Hội Xuân 1984 đã ghi nhận: “Ban tổ chức nhận thấy ngoài nội dung, tài liệu, chương trình, phương pháp tổ chức thi, phụ huynh và thầy cô giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc bồi đắp kiến thức về văn hóa Việt Nam dành cho các em học sinh, do đó Giải Khuyến-Học đã phát động việc thành lập các trung tâm Việt ngữ, đặc biệt là sự ra đời Bản Tin Việt Ngữ để thành lập Ban Đại Diện Lâm Thời Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California và sau đó là Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California (BĐDCTTVNMNC) cũng như các Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm.
Từ năm 1992 đến 1996, sinh hoạt GKH bị gián đoạn. Đến năm 2000, 5 thành viên trước đây của ban tổ chức GKH, gồm Nguyễn Phương Lan, Nguyễn Minh Lân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Chí Thông, và Nguyễn Quang Trung đã vận động thành lập Viện Đại Học Việt Nam Hải Ngoại, sau đổi là Viện Việt-Học, được ra mắt vào tháng 2 tại Garden Grove. Viện Việt-Học đề ra chức năng nghiên cứu, quảng bá và giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Trong khi đó, GKH trở lại từ năm 1997. Tính đến năm 2010 ban tổ chức đã thực hiện được GKH từ kỳ 9 đến kỳ 22.
Cũng trong mùa Hè 1997, ban tổ chức thêm vào Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Trẻ với chủ đề Về Nguồn, dành cho tuổi trẻ từ bậc tiểu học đến đại học. Theo ông Nguyễn Minh Lân cho biết, tư tưởng và danh xưng “Về Nguồn” của Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Trẻ của GKH vào năm 1997 lúc bấy giờ và cho đến nay, độc lập với danh xưng của các phong trào hoạt động hay đoàn thể khác ở những năm sau này.
Rồi đến tháng 9 các năm 1998, 1999, 2002, GHK đã phối hợp với các đoàn thể trẻ tổ chức Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi.
Ông Lân cho hay, năm 1998, GKH được chính quyền liên bang và tiểu bang cấp quy chế bất vụ lợi, danh xưng Giải Khuyến-Học về Lịch Sử Văn Học Việt Nam được đổi thành Giải Khuyến-Học về Lịch Sử - Văn Học Việt Nam và Học Sinh – Sinh Viên Ưu Tú, và danh xưng tiếng Mỹ là Viet Olympiad.
Ông Lân kể tiếp: “Cũng trong năm này, để đánh dấu sự phát triển của GKH, Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) trường đại học CSULB, đã đồng ý chuyển Giải Khuyến Học từ một sinh hoạt của sinh viên trong trường trở thành một nỗ lực chung trong cộng đồng, mà các thành viên gồm nhiều thế hệ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
“Trong quá trình sinh hoạt trên một phần tư thế kỷ qua, đã có trên 7.000 thí sinh từ bậc tiểu học đến đại học tham dự GKH với một ngân khoảng gần 500.000 Mỹ kim, do sự bảo trợ cũng như sự đóng góp tâm sức lớn lao của quý đồng hương, quý vị phụ huynh và quý thầy cô. Những người trong ban tổ chức GKH hoàn toàn làm việc thiện nguyện”.
Ông Nguyễn Minh Lân cho biết thêm: “GKH và BĐDCTTVNMNC phối hợp chặt chẽ và làm việc song hành trong nhiều năm cho đến năm 2000. Khi GKH trở thành một nỗ lực chung trong cộng đồng và có được quy chế pháp lý của một hội thiện nguyện, sự nhịp nhàng giữa hai cơ cấu vẫn còn được duy trì. Vài năm sau, BĐDCTTVNMNC cũng có được quy chế pháp lý, sự điều hành và làm việc của hai cơ quan đã tách rời, nhất là về mặt nhân sự”.
Theo lời thầy Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, chính vì các thầy cô dạy Việt ngữ tại các trung tâm, các trường trong cộng đồng nhận thấy việc dạy tiếng Việt không đơn giản chỉ dạy A, B, C - giáo viên nghĩ đến đâu, dạy đến đó - mà việc giảng dạy phải được hệ thống hóa, chuyên môn hóa. Thầy cô cũng phải chuẩn bị kỹ càng hơn, để đi kịp nhu cầu giảng dạy con em mình. Vì vậy, ban đại diện mới hình thành ra khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm tổ chức hằng năm, vào đầu tháng 8. Đây là sinh hoạt ưu tiên hàng đầu của BĐD, giúp các thầy cô từ khắp các tiểu bang ở Mỹ, trau dồi khả năng chuyên môn, nâng cao kiến thức văn học, văn hóa để truyền dạy cho các em.
Thầy Khoa cho biết: “Cách nay 12 năm, chúng tôi đã hình thành việc biên soạn sách giáo khoa Việt ngữ do các thầy cô trong BĐDCTTVNMNC thực hiện. Cho đến nay, đã có trên 200 trường/trung tâm Việt ngữ khắp nơi tại Hoa Kỳ, và Na Uy, Thụy Điển, Úc, Nhật, Đan Mạch, Pháp, Đức… đang dùng tài liệu giảng dạy này”.
Thầy Khoa nói thêm: “Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California còn hình thành ra những sinh hoạt văn hóa bên cạnh việc học Việt ngữ của các em. Chúng tôi tổ chức cuộc thi Bé Vui Bé Học vào dịp Hè, bắt đầu từ năm 2008. Chương trình được trực tiếp ghi hình và phổ biến trên đài truyền hình VHN (băng tần 2073 DirecTV). Đây là sự hợp tác rất quý báu của Ban Đại Diện với đài truyền hình VHN, với các trung tâm Việt ngữ tại miền Nam California, cùng sự đóng góp của thầy cô, các em, các phụ huynh...
“Những sinh hoạt như thi đua văn nghệ trẻ qua cuộc thi Nhạc Hội Tiếng Việt Mến Yêu [bắt đầu hình thành từ năm 2000, nhưng gián đoạn một thời gian, đến năm 2010 được bắt đầu lại]. Tổ chức thi mặc quốc phục Việt Nam vào dịp Tết Trung Thu… để giữ gìn nét văn hóa Việt Nam. Thi viết chính tả và làm văn vào dịp gần Tết Nguyên Đán.
“Nhằm mục đích khuyến khích những học sinh, sinh viên Việt học giỏi, trau dồi đức hạnh, tham gia các sinh hoạt công ích và phát huy khả năng lãnh đạo, Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California và Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đã thành lập một Ban Điều Hành ‘Quỹ Phần Thưởng Học Sinh, Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu’, để thực hiện giải thưởng Học Sinh, Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu [khởi đi từ năm 2010]”.
Chính những hoạt động văn hóa, kết hợp với việc dạy tiếng Việt tại các trung tâm, các trường độc lập trong cộng đồng, đã hỗ trợ cho việc học Việt ngữ của các thanh thiếu niên Việt Nam tại hải ngoại có nhiều điều kiện để phát triển. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT