Tiêu Thụ

Nợ đèn sách có trốn được không?

Friday, 22/07/2016 - 10:51:23

Trong bài trước, người viết có nói rằng một trong những bất lợi của student loans là không bao giờ được xóa bỏ ngay cả khi con nợ khai phá sản. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy số tiền vay của chính phủ (federal loans) để đi học có thể được miễn trừ nếu hội đủ một số điều kiện nào đó. Vào đầu năm 2016, có hơn 7,500 sinh viên đã làm đơn xin được tha tổng cộng $164 triệu. Và cuối tháng Sáu vừa qua, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã quyết định miễn xá $171 triệu đô tiền nợ cho các sinh viên của hệ thống Corithian Colleges.

Bài ERIC TRẦN                                 Đằng sau những gương mặt tuổi trẻ rạng rỡ tươi cười ngày ra trường...

Người Việt Nam thường hiểu rằng nợ đèn sách là trách nhiệm trau dồi kiến thức để trở thành người khoa bảng, là điều mà các bậc cha mẹ luôn luôn muốn con cái mình chu toàn để sau này nở mặt nở mày với cuộc đời. Vì thế, nợ đèn sách là điều không thể tránh được. Người Mỹ thì cụ thể hơn: Nợ đèn sách là tiền vay mượn để đi học (student loans), tiền này phải trả lại, cả vốn lẫn lời, và cũng không thể trốn tránh được. Với những sinh viên ra trường mang gánh nợ nần trên vai mà không tìm được việc làm như ý, tình cảnh này thật là … cười ra mắt. Thế nên, mặc dầu trên nguyên tắc “nợ đèn sách” không thể trốn được, người ta vẫn phải cố tìm một lối ra.

Trong bài trước, người viết có nói rằng một trong những bất lợi của student loans là không bao giờ được xóa bỏ ngay cả khi con nợ khai phá sản. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy số tiền vay của chính phủ (federal loans) để đi học có thể được miễn trừ nếu hội đủ một số điều kiện nào đó. Vào đầu năm 2016, có hơn 7,500 sinh viên đã làm đơn xin được tha tổng cộng $164 triệu. Và cuối tháng Sáu vừa qua, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã quyết định miễn xá $171 triệu đô tiền nợ cho các sinh viên của hệ thống Corithian Colleges.

                                 ... Là gánh nặng student loan xiềng vào chân người sinh viên.

Điều kiện miễn giảm

Trên nguyên tắc, student loans có thể được xóa bỏ nếu con nợ rơi vào một trong hai trường hợp: Đã có đủ số thời gian phục vụ công ích (public service), hoặc, đã giữ đúng nghĩa vụ trả nợ được một khoảng thời gian qui định. Mỗi trường hợp lại có những điều kiện, đòi hỏi, và hạn chế riêng, mà chắc chắn là không dễ dàng đáp ứng.

- Phục vụ công ích (public service)

Để được cứu xét miễn giảm nợ nần, trước hết, người sinh viên phải trả tiền đều đặn và đúng giờ ít nhất 120 tháng (10 năm) trong lúc đang phục vụ công ích – tức là làm nhân viên của một tổ chức chính phủ, hoặc một tổ chức từ thiện có qui chế hoạt động vô vụ lợi và được miễn thuế. Chỉ những số tiền trả sau tháng 10 năm 2017 mới được tính vào thời hạn 120 tháng mà thôi. Như vậy, con nợ đạt đủ tiêu chuẩn tha nợ sớm nhất là vào tháng Mười, 2017.

- Trả nợ đúng qui định

Nếu không hội đủ điều kiện tham gia công ích trên đây, con nợ có thể được tha nợ theo một chương trình khác: Phải trả nợ đúng hạn kỳ trong một thời gian ít nhất 20 năm. Dĩ nhiên, đương đơn phải đáp ứng điều kiện về giới hạn Income. Vượt trên giới hạn đó, bạn không đủ điều kiện nộp đơn, hoặc đơn xin rốt cục sẽ bị từ chối.

Mặc dầu điều kiện khó khăn, người ta cũng vẫn ào ạt nạp đơn xin miễn nợ. Theo số liệu do bộ Giáo Dục Hoa Kỳ cung cấp tháng Tám, 2015, có gần 4 triệu sinh viên Mỹ đã làm đơn xin được cứu xét miễn giảm trong chương trình Income - Driven Repayment Plan. Nên biết rằng, đây hoàn toàn không phải là chương trình xóa nợ, giống như khai phá sản. Khi nộp đơn, con nợ chỉ ước mong rằng, tiền trả góp hàng tháng sẽ nhẹ đi, và sau một thời gian ngoan ngoãn giữ đúng bổn phận trả nợ, sẽ được cứu xét tha bổng số tiền còn thiếu lại.

Đối với nhiều người, viễn cảnh được xóa nợ đúng là ước mơ thành hiện thực. Trong thực tế, số người được tha nợ không có bao nhiêu, mà nhà hữu trách lại đang cố đặt thêm điều kiện để thắt chặt tiêu chuẩn tha nợ, khiến cho viễn tượng “thiên đàng tìm lại” có thể sẽ càng khó khăn.

 Tổng số tiền chính phủ Mỹ cho sinh viên vay để đi học hiện nay là trên 1 ngàn tỷ đô la, chưa kể tiền vay của                                                                           ngân hàng tư nhân.

Hiệu quả ngược?

Theo giới quan sát thì chương trình miễn giảm nợ nần, mặc dầu đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khó khăn mà ít người đáp ứng được, có thể lại đang tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Thứ nhất, nó dẫn đến sự “yên chí” sai lầm trong giới sinh viên, khi họ cho rằng: Cứ thả giàn vay mượn đi, rồi ra thế nào cũng sẽ được miễn giảm. Não trạng này dẫn đến sự vay mượn bừa bãi, khiến cho tổng số nợ cứ càng ngày càng phình ra. Thứ hai, người ta cũng sợ rằng các trường đại học sẽ mượn gió bẻ măng, khai thác cái ý nghĩ “vay tiền dễ dàng” của sinh viên để lấy học phí cao hơn, hoặc quảng cáo các chương trình tha nợ này để thúc giục sinh viên mượn nợ mạnh tay hơn. Rốt cuộc, chương trình tha nợ có thể mang lại tác dụng ngược, thay vì làm cho áp lực nợ nần nhẹ hơn thì lại làm trở nên khó khăn và nặng nề hơn.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT