Thế Giới

Nigeria: 92 di dân bị bỏ trong sa mạc

Wednesday, 14/06/2017 - 07:41:22

Bọn buôn người ít khi cung cấp thực phẩm và nước uống đầy đủ cho các nạn nhân khi họ phải băng qua vùng đất khô cằn nóng bỏng như thế. Trong tháng 6 năm 2016, có 34 thi thể cũng được tìm thấy trên sa mạc này giữa biên giới Niger với Algeria, trong số này có xác của 20 trẻ em.

Quân đội Niger đã cứu sống được 92 di dân đang lang thang trên sa mạc Sahara và họ sắp bị lâm nguy về tính mạng. Trong số các nạn nhân đã bị bọn buôn người lừa đem bỏ như thế có cả đàn bà và trẻ con.
Quân đội Niger cho hay có một người đã chết khi các nạn nhân được mang đến một trung tâm của cơ quan IOM của Liên Hiệp Quốc vì kiệt sức. Được biết những người này đi qua sa mạc Sahara đế đến Libya và từ đó tìm đường vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu. Hơn 40 di dân đã chết khoảng nửa tháng trước đây trên sa mạc Sahara khi xe truck chở họ bị chết máy dọc đường.
Bọn buôn người ít khi cung cấp thực phẩm và nước uống đầy đủ cho các nạn nhân khi họ phải băng qua vùng đất khô cằn nóng bỏng như thế. Trong tháng 6 năm 2016, có 34 thi thể cũng được tìm thấy trên sa mạc này giữa biên giới Niger với Algeria, trong số này có xác của 20 trẻ em.

Bỉ: Cha mẹ bỏ con chết đói chỉ bị án treo
Một tòa án ở Bỉ hôm thứ Tư đã kết tội hai vợ chồng đã không săn sóc con cái đúng cách khiến đứa bé qua đời khi mới có 7 tháng tuổi. Nhưng cả hai chỉ bị án treo có 6 tháng mà thôi. Bé Lucas khi qua đời có các cơ quan nội tạng teo nhỏ chỉ bằng phân nửa các đứa bé bình thường khác và không hề có tế bào mỡ bao xung quanh các cơ quan này.
Quan tòa Mieke Butstragaen nói, “Bé Lucas đã được nuôi dưỡng một cách hoàn toàn không thích hợp, khiến khi chết em bé này chỉ cân nặng có 9.5 cân.”
Ông cũng cho hay tòa án “đã hết sức khoan hồng khi đưa ra bản án nhẹ nhất.” Cặp vợ chồng này là chủ nhân của một cửa hàng bán sản phẩm “kiêng ăn tự nhiên.” Họ lại áp dụng chủ thuyết kiêng ăn tự nhiên này cho đứa con mới sinh của họ, không hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa, chỉ nuôi con bằng cơm gạo, hạt quinoa và bột mì.

Bắc Hàn: Ba tù nhân Mỹ có sức khỏe khá
Ông Joseph Yun là viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã âm thầm bay qua Bắc Hàn nhằm thúc hối nhà cầm quyền Bình Nhưỡng nên trả tự do cho ba công dân Mỹ hiện còn bị giam cầm. Mục tiêu của ông là mang về Mỹ anh sinh viên Otto Warmbier, người bị bản án khổ sai 15 năm và bỗng bị bất tỉnh vì một nguyên nhân chưa rõ ràng.
Evans Revere, một cựu viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay chính “tình trạng sức khỏe kỳ lạ của anh Warmbier khiến Washington hối thúc Bình Nhưỡng phải trả tự do cho các tù nhân Mỹ còn lại.”
Ông Revere nói, “Bắc Hàn sẽ bị nhiều hậu quả nặng nề nếu có chuyện gì xảy ra cho các tù nhân Mỹ.”
Ông Yun đã tiếp xúc với cả ba tù nhân còn lại và cho hay cả ba đều có sức khỏe tương đối tốt đẹp, nhưng không có thông tin là họ hiện đang bị giam giữ ở đâu và trong điều kiện ra sao.

Phi Luật Tân: Lính Mỹ không tham chiến
Quân đội Phi Luật Tân hôm thứ tư cho hay quân nhân Mỹ đã có mặt ở thành phố Marawi ở miền nam đang bị phiến quân Hồi giáo có liên kết với IS tấn công. Tướng Restituto Padilla, đại diện quân đội Phi Luật Tân xác nhận tuy có mặt song quân nhân Mỹ không tham gia trực tiếp chiến đấu với phiến quân Hồi giáo.
Ông nói, “Một số cố vấn Mỹ có mặt nhằm cung cấp thông tin cho quân đội Phi Luật Tân mà thôi, họ dược phép mang súng để tự vệ nhưng không được phép tham gia chiến đấu, tôi không rõ con số người Mỹ là bao nhiêu.”
Trước đây Phi Luật Tân và Hoa Kỳ loan báo lực lượng đặc biệt của Mỹ cung cấp sự trợ lực quân sự cho quân đội ở Marawi. Các đơn vị quân đội Mỹ này trú đóng ở căn cứ thuộc thành phố Zamboanga City, đã được giàn ra ở Marawi.
Máy bay trinh sát P-3 của Mỹ cũng được giao cho phía Phi Luật Tân sử dụng, kể cả máy bay drone. Thành phố Marawi đã bị vây hãm hơn ba tuần.

Úc đạt được thỏa thuận về thuyền nhân bị giam
Chính phủ Úc đã đạt được một thỏa thuận về di dân trị giá $53 triệu đô nhằm giải quyết số phận của 1,905 người vượt biển vẫn còn bị giam trên đảo Manus Island của Papua New Guinea. Đây là số tiền thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử kiện tụng của Úc. Trong nhiều năm qua, các nhà tranh đấu nhân quyền chỉ trích điều kiện sống quá tồi tệ của trại giam này, nơi giam cầm nhiều đợt thuyền nhân từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 5 năm 2016.
Những người vượt biển vẫn thưởng bị lực lượng tuần duyên của Úc chận bắt ngoài khơi và đưa về nhà giam này. Chính phủ Papua New Guinea và Úc loan báo vào tháng 8 năm 2016 là trại giam Manus Island Camp sẽ bị đóng cửa, sau khi Tòa Án Tối Cao của Papua New Guinea nhận định “giam giữ người vượt biển như thế là bất hợp pháp và vi phạm hiến pháp.”
Giờ đây nhà giam này sẽ vĩnh viễn đóng cửa vào tháng 10 năm nay. Các tù nhân được Hoa Kỳ nhận với số lượng 1,250 người.

Singapore: Nội chiến trong gia đình thủ tướng
Những mối bất hòa trong gia đình của Thủ Tướng Lý Hiển Long lại bùng lên sau khi hai người em ruột của ông tố cáo anh mình đã chống lại cha của họ là cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu và “lạm dụng quyền lực.”
Vụ tranh cãi phát xuất từ một căn nhà vốn của ông Lý Quang Diệu, giờ đây là tâm điểm của một tranh cãi pháp lý. Tuy đã mất vào năm 2015, ông Lý vẫn là nhà lãnh đạo dựng lên bộ mặt của Singapore ngày nay và được toàn dân đảo quốc này nhớ thương.
Lee Wei Ling, người em gái của ông Lý Hiển Long, năm 2016 đã lên tiếng tố cáo anh mình là “khai thác huyền thoại của người cha quá vãng để kiếm lợi cho mình.”
Cùng với ông Lee Hsien Yang, cả hai ra tuyên bố là họ “mất niềm tin vào vị trí lãnh đạo quốc gia của người anh cả.”
Thủ Tướng Lý Hiển Long cũng ra tuyên bố cho hay “ông rất thất vọng là các em của ông lại công bố chuyện riêng tư gia đình ra chỗ công khai” và bác bỏ mọi cáo trạng nhắm vào ông.

Syria: 300 dân Raqqa bị sát hại
Các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc cho hay là có ít nhất 300 thường dân ở thành phố Raqqa đã bị sát hại từ tháng Ba đến nay do các vụ oanh kích do liên quân thực hiện ở Syria. Thành phố Raqqa từ lâu vẫn được xem là thành lũy hàng đầu của nhóm IS.
Nhóm kháng chiến SDF của người Kurd vốn được Hoa Kỳ hậu thuẫn, từ một tuần nay đã mở cuộc tiến quân nhằm cố chiếm lại Raqqa. Luôn có những phi vụ dữ dội hậu thuẫn cho nhóm này do không quân Hoa Kỳ chỉ huy trong lực lượng liên quân thực hiện.
Hiện nay nhóm SDF đã tái chiếm nhiều nơi của vùng phía tây, phía đông và phía bắc của Raqqa.
Paulo Pinheiro, Chủ tịch của Ủy Ban Điều Tra chiến Tranh của Liên hiệp Quốc, nói với báo chí, “Các phi vụ đã trở nên mãnh liệt xung quanh Raqqa, dân chúng thành phố rất khố sở vì bị kẹt trong binh đao lửa đạn, họ đã bị bọn IS hành hạ, nay lại đối diện với nguy cơ tử vong do oanh kích gây ra.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT