Đạo và Đời

Niệm Phật Đường PGHH: Vu Lan báo hiếu Tứ Ân

Friday, 26/08/2022 - 03:26:09

Kế tiếp Mai Chân thay mặt Ban tổ chức chia sẻ: Nói đến Vu Lan là nói về Chữ Hiếu trong tinh thần Tứ Ân, nhớ ơn...

Bài LÊ YẾN DUNG

Sáng Chủ Nhật, ngày 21 tháng 8, 2022 vừa qua, Niệm Phật Đường Phật Giáo Hòa Hảo, tọa lạc tại địa chỉ 634S. Maxine St. Santa Ana, CA 92704 đã long trọng tổ chức buổi lễ Vu Lan của nhà Phật trong tinh thần tri ân cha mẹ tổ tiên trong ý nghĩa: “Uống nước phải nhớ nguồn” hay là “Ơn Cha nghĩa mẹ phải đền, Một ngày hiệp mặt lập nền từ bi” mà Đức Thầy đã dạy trong Giáo lý của Ngài.

Sau lễ chào quốc kỳ truyền thống, bài hát Hành Khúc Phật Giáo Hòa Hảo, một sáng tác của đồng đạo Lê Yến Ngọc Dung, rất vui tươi hùng mạnh thể hiện tinh thần Tứ Ân yêu quê hương, vì Đạo pháp và dân tộc của đoàn thể PGHH.



Ca sĩ Niệm Phật Đường trong Hành Khúc PGHH.

Kế tiếp Mai Chân thay mặt Ban tổ chức chia sẻ: Nói đến Vu Lan là nói về Chữ Hiếu trong tinh thần Tứ Ân, nhớ ơn sanh thành trong ý nghĩa “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng, nghĩa sinh thành muôn kiếp khó đáp đền.” Hiếu là gốc là bước đầu căn bản để hành xử đạo nhân, và lòng yêu thương kính trọng ông bà cha mẹ lẫn đồng bào dân tộc. Ai mà không làm được những điều căn bản nầy thì sẽ không phải là người tốt trong xã hội được. Chúng ta đã thấm nhuần căn bản giáo lý của nhà Phật, nên chúng ta phải thông hiểu cái đạo lý nầy: “Tột cùng thiện là hiếu, tột cùng ác là bất hiếu.”

Nhân kỷ niệm buổi lễ thiêng liêng nầy; tất cả chúng ta hãy cùng nhau thông qua lễ hội Vu Lan, một mùa báo hiếu trong năm, để yêu thương nhau, để luôn biết ơn cha mẹ ông bà và luôn hướng về gia đình, để rán tu tập với một mục đích giải thoát cho bản thân và nhứt là giải thoát được cha mẹ, Cửu Huyền mà Ngài đã dạy cho chúng ta trong bài thi “Giải Thoát Cửu Huyền”:

“Ráng tu đắc Đạo cứu Cửu Huyền,
Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.
Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo,
Cho ta hình vóc học cơ huyền.”

Kế tiếp là giới thiệu thành phần tham dự gồm: Nhà báo Vi Anh (cựu Dân biểu VNCH cũng là cựu cố vấn của Ban Trị Sự PGHH 11 tỉnh Miền Nam). Ông Chánh Trị Sự Trần Quang Linh (Cao Đài). Ông Trần Chánh, Ông Vưu Văn Tài, Ông Nguyễn Ngọc Đại Hải, Cô Kim Chung (nhóm Đức Tin). Ông Trần Văn Vui (Cố vấn Ban Trị Sự Trung Ương hải ngoại). Ông Nguyễn Tấn Lạc (Cựu Chủ tịch Cộng đồng Nam Cali). Bác Sĩ Nguyễn Thạnh Thời. Kỹ Sư Phạm Ngọc Lân Hội Trưởng tây Ninh Đồng Hương Hội... Ngoài ra còn có sự tham dự của nhiều đồng đạo, phật tử vùng lân cận đến tham dự thật đông.



Ông Trần Cao(Trụ Trì NPĐ) Điều hành nghi thức tôn giáo.

Phần Nghi Thức Tôn Giáo do Ông Trần Cao phụ trách; rất là trang nghiêm theo nghi thức của PGHH. Luôn tiện, trong tinh thần tri ân những vị Cao đồ Chức sắc của PGHH, ông cũng hướng dẫn cầu nguyện đặc biệt cho Thiếu tá Đại đội trưởng Đại đội 117 của quân đội PGHH Nguyễn Chánh Đáng, nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 10 của ông (25/7/2012); là người đã lập nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc chống Pháp. Đáng ghi nhớ là trận đốt phá tàu Pháp tại Vàm Bồ Húc Trà Nóc vào cuối năm 1946, giết đi 100 lính Pháp và lấy rất nhiều súng đạn.

Về ý nghĩa sâu rộng của Vu Lan Ông Trần Cao (Trụ trì NPĐ) đã nhắc lại cội nguồn của Lễ Vu Lan do sự tích Đức Phật dạy Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi cảnh Ngạ quỷ, Phật cũng dạy chúng sanh, nếu muốn cứu cha mẹ thì phải dùng cách nầy. Ông cũng nhắc nhở rất nhiều về chữ Hiếu mà Đức Giáo Chủ đã dạy cho tin đồ của Ngài:

Mình làm chữ hiếu mới hay,
Chớ mướn người ngoài cầu nguyện khó siêu.
Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,
Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.

Nói về tuổi trẻ PGHH hải ngoại, chúng ta cũng nhận được cảm nghĩ thực sâu xa của em Trần Nhựt như sau: Tháng bảy lại về, mùa Vu lan báo hiếu lại đến trong không khí trầm mặc giữa những ngày vào thu. Nhất là trong buổi lễ hôm nay mang ý nghĩa nhân dân đậm nét về chữ hiếu truyền thống của nhà Phật... Con cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về cuộc đời, nghĩ về Tổ tiên, Ông bà đã khuất, nghĩ về mẹ cha đã một đời khó khăn cho ta hình vóc, bởi chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau; mẹ phải chịu bao nhọc nhằn vất vả từ khi con chào đời cho đến khôn lớn là cả một thời gian dài lao khổ của mẹ cha. Ôi!“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”…

Chúng ta cũng được đồng đạo Mai Huyền, Bích Thuận diễn ngâm “Mười Điều Ơn”nhắc lại lời vàng ngọc của Đức Phật, Đức Thầy. Cả hội trường đã không giấu được cảm xúc ngậm ngùi, thương tưởng đến công lao biển trời của hai đấng sinh thành.


Mười Điều Ơn, Mai Huyền, Bích Thuận diễn ngâm


Cảm nghĩ của bạn trẻ Trần Nhựt về Vu Lan

Và bài vọng cổ “Vu Lan Nhớ Mẹ” của cư sĩ Thanh Phong được thể hiện qua tiếng hát Thiên Thanh (Trưởng Ban Văn Nghệ của Niệm Phật Đường PGHH), giọng hát sâu lắng buồn, đã làm cả hội trường sụt sùi vì thương tưởng đến song thân, tâm sự chung của những người con trên cõi đời nầy, mà riêng ai cũng khóc.



Trưởng Ban Văn Nghệ NPĐ hải ngoại Thiên Thanh

Phần cảm tưởng của quan khách cũng được ông CTS Trần Quang Linh (Cao Đài) chia sẻ: Lễ Vu Lan là ngày lễ trọng đầy ý nghĩa, đầy màu sắc của văn hóa dân tộc và tín ngưỡng. Người Việt Nam rất quí trọng Đạo Trung Hiếu.

Ngài Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân Miền Nam đề cao:

“Trai thì trung hiếu làm đầu.”

Còn đối với tín đồ PGHH, điển hình là Niệm Phật Đường, quí huynh tỷ nơi đây, mỗi ngày hai lần đều hành lễ kính bái Cửu Huyền Thất Tổ, trung thành với đạo, hiếu kính Tổ Tiên cha mẹ đã biểu lộ được đặc tính hài hòa “Học Phật Tu Nhân.”

Tinh thần nầy ai cũng phải kính trọng. Chúc lành chư vị Phật Giáo Hòa Hảo. Mừng thay! Quí thay, trong lớp trẻ Phật Giáo Hòa Hảo Niệm Phật Đường, có một em thanh niên, trong phần phát biểu cảm tưởng đã bày tỏ tâm trung theo Đạo, năng già Đạo Hiếu đã làm cho tôi là khách dự lễ rất cảm động nhìn em thật dễ thương, thật là:

Vui thay khi đến Niệm Phật Đường,
Tình cảm hài hòa thật dễ thương.
Đạo đức xiển dương nền đạo trọng.
Hoằng thông chánh pháp hạnh lưu phương.


Ông Trần Vui trong phần phát biểu của khách tham dự.


CTS Trần Quang Linh trong phần phát biểu của khách tham dự.

Ông Trần Văn Vui, Cố Vấn cho Trung Ương Giáo Hội PGHH phát biểu: Phật Giáo Hòa Hảo cũng xem ngày Vu lan là ngày nhắc lại công ơn sâu dày của cha mẹ, nhắc lại lời dạy của Đức Thầy: Đồng đạo phải đọc lại Mười Điều Ơn mà Đức Thầy đã giảng dạy rành mạch:

Vẹn mười ơn mới đạo làm con,
Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc.

Ngài cũng đưa ơn Tổ Tiên cha mẹ lên hàng đầu trong Tứ Ân:

Nào là luân lý Tứ Ân,
Phải lo đền đáp xác thân mới còn.

Ngài còn cho chúng ta biết, nếu ai trả xong nợ tứ ân thi sẽ không còn tội căn nữa và sẽ tiến tới Hội Long Hoa chầu Phật. Còn chữ hiếu thì Ngài nói rất nhiều, Ngài cũng nhắc đến sự tích thầy Tử Lộ như câu:
Mạnh Tông xưa cũng khóc măng,
Đất khô nẩy mụt rõ lòng hiếu nhi.

Hay là,

Mẹ cha là kẻ trọng ân,
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.

Ngoài ra chúng ta còn lắng nghe được cảm tưởng của tín đồ thuần thành của PGHH là nhà báo Vi Anh (cựu Dân Biểu VNCH, cựu cố vấn của Ban Trị Sự 11 tỉnh Miền Nam Việt Nam) nói: “Dân tộc Việt Nam có lễ Vu Lan Báo Hiếu, tại Hoa Kỳ cũng có những lễ Mothers Day và Fathers Day.” Tất cả đều mang một ý nghĩa hiếu kính nhớ ơn sinh dưỡng của cha mẹ ông bà, “ Uống nước phải nhớ nguồn” dù nền văn minh Mỹ Á có khác biệt, nhưng đều coi phong tục tri ân, báo ân những bậc sinh thành cũng như nhau.


Nhà báo Vi Anh

Kế đến là nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo và Tâm Sự người cài Hoa Trắng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và tác giả Thích Trường Khánh do Ca Sĩ Quỳnh Thúy và Thúy Anh hát, cùng lúc các ca sĩ cài hoa hồng cho từng quan khách; đã để lại dấu ấn sâu lắng, xúc động, thể hiện lòng tri ân cha mẹ nhân ngày vu lan do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đề xướng, tạo thành nét đẹp văn hóa của dân tộc thực sâu sắc.


Ca sĩ Quỳnh Thúy hát Bông Hồng Cài Áo


Ca sĩ Thúy Anh với ca khúc Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng

Giáo Sư Ca Sĩ Huyền Vi trong nhạc phẩm Tình Cha của Nhạc Sĩ Ca Sĩ Ngọc Sơn, qua ca từ mượt mà, moi người ai cũng ngâm ngùi cho bản thân mình về người cha yêu quí của lòng mình.

Liên tục là sáng tác của Võ Hoàng Lâm “Vu Lan Nhớ Mẹ ”, đã được Diệu Liên trình bày đã dành được sự chú ý rất đặc biệt của toàn thể khách tham dự.

Chương trình Văn nghệ hôm nay rất dài trong chủ đề “HIẾU” với những nhạc phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ tài ba, chúng ta còn thưởng thức những sáng tác rất là giá trị của các Nhà Sư Phật Giáo trong ý nghĩa tri ân đến cha mẹ ông bà Tổ Tiên, mà chúng sanh cần phải thực hiện trong quá trinh tu tập của con người, một còn đường tu tập ngắn nhứt để chúng ta lần bước vào cõi Phật.

Cũng nhân mùa Vu Lan Niệm Phật Đường PGHH có gửi tặng cho tất cả đồng đạo , phật tử và quý quan khách cuốn sách nhỏ với chủ đề Tri Ân Đấng Mẹ Thiêng. Những câu chuyện cứu độ mầu nhiệm của Phật Bà cho gia đình và bản thân của chúng tôi, hoàn toàn chân thật, để dâng lên Phật Bà và cũng để giúp mọi người được vững tin hơn

Buổi lễ đã chấm dứt vào lúc 12 trưa, mọi người vào bàn ăn với món ngon quốc hồn quốc túy hôm nay, mà chắc ai trong chúng ta đều đã từng được bàn tay mẹ chăm sóc nấu cho dùng trong qua khứ là “Bún Mắm chay” do Chị Thủy phụ trách cùng với rau tươi ngon, có thêm món gỏi “Sầu Đâu” mà đồng đạo Trúc Mai đã đặc biệt thết đãi. Còn có thêm chả giò, xôi đậu xanh, bánh lá và nước giải khát sâm đường hột é. Rất bổ dưỡng mát mẻ.

Một ngày lễ vừa vui mừng vừa cảm động. Một ngày lễ tri ân cha mẹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT