Đạo và Đời

Ni học võ, dạy võ, giúp phụ nữ đối phó nạn tấn công tình dục ở Ấn Độ

Wednesday, 27/09/2017 - 08:14:05

Khóa học này bao gồm các kỹ thuật ứng phó khi bị tấn công từ phía sau, những thế võ như đánh hạ và tấn công, và những cuộc thảo luận về cách thức phản ứng trong những tình huống có thể xảy ra tấn công tình dục.

 


Tại tu viện, các ni vừa ngồi thiền vừa luyện võ mỗi ngày. (AFP)

LADAKH, Ấn Độ - Khi bình minh ló dạng, mặt trời mọc trên những ngọn núi lởm chởm bao la ở Ladakh, trước đây từng là một vương quốc Phật Giáo xa xôi trong vùng núi Hy Mã Lạp Sơn Ấn Độ tiếp giáp với Tây Tạng, xuất hiện một thế giới nơi mà dường như thời gian vẫn đứng yên.



Lớp võ bắt đầu từ sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. (AFP)

Người có thể nghe từ xa vọng lại tiếng tụng kinh các nhà sư trong một tu viện có từ mấy trăm năm trước. Dân làng chậm rãi bước ra từ những căn nhà bằng đá quét vôi trắng, để đi chăm nom ruộng lúa mì và lúa mạch, và chuẩn bị sẵn sàng cho những bầy dê đi tìm đồng cỏ.

Hoàn chỉnh với những ngôi chùa xinh xắn nằm cheo leo trên những mỏm núi đá, những ngôi đền khổng lồ và những bức tường được khắc mạn đà la, lối sống của Phật Giáo Tây Tạng lâu đời ở Ladakh có vẻ hầu như không bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại.


Ni dạy các phụ nữ học võ để tự vệ trong một xã hội mà phụ nữ dễ bị cưỡng hiếp. (AFP)

Cho đến khi người ta nghe những tiếng thét mạnh mẽ của nhiều phụ nữ trẻ mặc đồ thể thao và đi giày thể thao. Dàn ra ở phía trước một ngôi màu trắng uy nghi, họ duỗi người, nhào lộn, nhảy nhót, đấm đá, theo mệnh lệnh của các ni cô.

Đây là nơi dạy võ của các nữ tu võ sĩ. Họ là những ni từ một tông phái Phật Giáo lâu đời. Họ đang dùng trình độ võ nghệ để mang thay đổi đến vai trò phái tính trong nền văn hóa bảo thủ này, và dạy cho các phụ nữ cách thức tự vệ, trong lúc những tin tức về nạn cưỡng hiếp đang gia tăng ở Ấn Độ.


Dạy các phụ nữ biết cách tự vệ cũng là một cách hoằng pháp, mang lại sự bình an cho họ. (AFP)

Không giống như các ni cô khác, sau những thời tụng kinh là chương trình tập võ với những cú đấm và đá tung đòn ở sân chùa. Giữa những buổi tọa thiền, các ni tham dự những khóa học về bình đẳng giới tính. Ngay cả những chiếc áo cà sa truyền thống màu đỏ thẫm của họ cũng được thay thế theo định kỳ bằng những bộ đồ võ, với những chiếc đai đen.

“Hầu hết người ta đều tưởng rằng các ni cô chỉ ngồi tụng kinh và cầu nguyện, nhưng chúng tôi làm nhiều hơn thế nữa,” ni Jigme Wangchuk Lhamo, một huấn luyện viên võ thuật, cho biết trong giờ nghỉ sau một buổi tập kéo dài hai tiếng trong làng Hemis, cách thành phố Leh 40 cây số ở miền bắc. “Chúng tôi nói sao là làm vậy. Nếu chúng tôi hành động, thì các phụ nữ khác sẽ nghĩ rằng Nếu các ni cô có thể hành động, thì tại sao chúng ta không thể làm được?”

Ni Wangchuk nói với phóng viên của Reuters, “Võ thuật sẽ làm cho họ mạnh mẽ hơn và tự tin hơn.” Ni nói thêm rằng những nhà tu đã quyết định dạy dân làng cách tự vệ, sau khi họ nghe nói về những vụ hãm hiếp và sách nhiễu tình dục đang lan tràn trong xã hội.

Wangchuk là một trong khoảng 700 ni cô trên toàn thế giới thuộc về dòng Drukpa. Trong hệ thống tu viện Phật Giáo nam trị, Drukpa là nhánh nữ duy nhất trong đó các ni cô có địa vị bình đẳng với các tăng sĩ.
Theo truyền thống, các ni cô được trông đợi làm những việc như nấu ăn và dọn dẹp sạch sẽ, chứ không được tập thể dục. Nhưng điều này đã thay đổi cách đây gần mười năm, khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, vị lãnh đạo của giáo phái có từ một ngàn năm nay, khuyến khích các nữ tu nên học võ.

Lấy cảm hứng từ mẹ của ngài để bênh vực cho bình đẳng giới tính, ngài cũng đã trao cho các ni cô những vai trò lãnh đạo, và giúp họ học vượt ra bên ngoài giáo lý của Phật giáo, để trở thành thợ điện và thợ ống nước.

Các ni cô đều hoạt động tích cực trong những cộng đồng nơi họ sinh sống, hầu hết là ở Nepal và Ấn Độ, chữa trị cho những con vật bị bệnh, và tổ chức những trại chăm sóc mắt cho dân làng.

Họ đi bộ và đạp xe hàng ngàn cây số băng qua những ngọn đèo vùng núi Hi Mã Lạp Sơn, đến những ngôi làng hẻo lánh để nâng cao ý thức người dân về nhiều vấn đề khác nhau, từ ô nhiễm cho tới nạn buôn người.
Sau một trận động đất rất lớn trong tháng Tư năm 2015 ở Nepal, họ đã từ chối rời khỏi nơi đổ nát đó, và rồi đi bộ đến các thôn làng để giúp dọn dẹp những đống đổ nát, thông những lối đi, và phân phối thực phẩm cho những người sống sót.

Bà Carrie Lee, chủ tịch của hội quốc tế Live to Love International, một tổ chức từ thiện làm việc với các ni cô Drukpa để hỗ trợ cho những cộng đồng ở vùng Hi Mã Lạp Sơn bị gạt ra bên lề, nói rằng các ni cô là những tấm gương rất đặc biệt.

Bà Lee nói, “Các ni cô giỏi võ là những anh hùng của Hi Mã Lạp Sơn. Họ có lòng từ bi và dũng cảm mạnh mẽ. Ngay cả động đất, tuyết lở, gió mùa, và mưa giông, cũng đều không thể cản đường họ được.”
Hiện nay các ni cô đang giáp mặt trước một mối đe dọa lớn nhất mà ngày nay phụ nữ và trẻ em gái gặp phải ở Ấn Độ: nạn hiếp dâm.

Những câu chuyện được đăng hàng ngày trên những tờ nhật báo Ấn Độ và các đài truyền hình, nói về những cô gái bị hãm hiếp trên đường đi học, các học sinh bị quấy rối tình dục trong xe taxi, và những phụ nữ bị rình rập trên đường về nhà từ nơi làm việc.

Theo Cơ Quan Báo Cáo Tội Phạm Quốc gia cho biết, có 34,651 vụ cưỡng hiếp được báo cáo trong năm 2015, tức là mỗi giờ xảy ra bốn vụ hiếp dâm, tăng 43% từ năm 2011.

Có 82,422 vụ tấn công tình dục, một mức tăng 67 phần trăm so với cùng thời kỳ.
Các nhà hoạt động nói rằng những con số này chỉ là chóp của tảng băng trôi, vì nhiều nạn nhân không khai báo những vụ cưỡng hiếp, sợ rằng họ sẽ bị đổ lỗi và bị sỉ nhục bởi gia đình và cộng đồng của họ.
Một làn sóng phản đối công khai, sau khi vụ tập thể cưỡng hiếp làm chết một phụ nữ trên xe bus ở Delhi trong năm 2012, đã gây chấn động làm cho nhiều người ở quốc gia đông dân vào hạng thứ nhì trên thế giới này ra khỏi tình trạng vô cảm, và buộc chính phủ phải thi hành những hình phạt nghiêm khắc hơn đối đối với những tội phạm về giới tính.

Từ đó, một đợt gia tăng trong những bản tin của giới truyền thông, những chiến dịch của chính phủ, và những chương trình xã hội dân sự, đã làm tăng mức nhận thức của công chúng về các quyền của phụ nữ, và khuyến khích các nạn nhân báo cáo những vụ lạm dụng ngược đãi.

Nhưng với những bản báo cáo tiếp tục mỗi ngày, và nhiều phụ nữ càng lúc càng quan tâm đến sự an toàn của họ, Drukpa đã nhìn thấy một cơ hội để giúp đỡ theo cách thức riêng của họ.

Trong một cuộc hội thảo kéo dài năm ngày tại Naro Photang, một tòa nhà Phật giáo hùng vĩ trông giống như cung điện, thuộc về tu viện Hemis đã có từ nhiều thế kỷ ở gần đó, ni cô Jigme Yeshe Lhamo, 28 tuổi, nói, “Chúng tôi nghĩ chúng ta phải chia sẻ những điều chúng tôi biết với những người khác.” Đó là võ nghệ.
Gần 100 phụ nữ tuổi từ 13 đến 28 đã tuân theo một thời khóa biểu nghiêm ngặt, từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong khóa học vào tháng Tám.

Khóa học này bao gồm các kỹ thuật ứng phó khi bị tấn công từ phía sau, những thế võ như đánh hạ và tấn công, và những cuộc thảo luận về cách thức phản ứng trong những tình huống có thể xảy ra tấn công tình dục.

Cô Tsering Yangchen, một người tham dự khóa học và là một sinh viên 23 tuổi, nói, “Thật là cam go, cả người tôi đau nhức, nhưng các nữ tu tạo cảm hứng rất nhiều. Mọi cô gái nên đi học võ.”
“Tôi thường cảm thấy không thoải mái khi đi chợ, vì có những anh chàng cứ đứng mà nhìn, huýt sáo và trêu ghẹo. Tôi luôn do dự khi nói bất cứ điều gì, nhưng lúc này tôi cảm thấy tự tin hơn khi nói ra, và thậm chí tự vệ nếu tôi phải làm vậy.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT