Thế Giới

Những thành phố ma được xây lên ở Trung Quốc: Có nhà nhưng vắng bóng người

Wednesday, 04/07/2018 - 12:32:57

Được xây dựng cho một dân số không bao giờ đến đó, khoảng 50 trong số những địa điểm siêu thực đang nằm hoang vắng trên khắp đất nước. Tuy vậy việc xây dựng vẫn cứ tiếp tục.


Khu nhà này được xây dựa theo kiểu mẫu Manhattan ở New York. (Wade Shepard)

THẨM QUYẾN - Những ngôi biệt thự lạ mắt, những khu chung cư cao tầng, những hồ nước và công viên, cũng như hệ thống đường sá trải rộng: Các thành phố ma ở Trung Quốc có tất cả những thứ ấy. Chỉ thiếu mất một yếu tố quan trọng - người ta. Dưới đây là bài viết đăng trên trang tin ABC News tại Úc, về hiện tượng xây nhà trước khi có nhu cầu tại Trung Quốc.

Được xây dựng cho một dân số không bao giờ đến đó, khoảng 50 trong số những địa điểm siêu thực đang nằm hoang vắng trên khắp đất nước. Tuy vậy việc xây dựng vẫn cứ tiếp tục.

Những thành phố mới này thường được xây cất trong những vùng nông thôn ở ngoại ô của các thành phố hiện hữu.
 

Nhiều người mua nhà chỉ để đầu tư chứ không có ý định dọn tới ở, nên các tòa nhà bị bỏ trống. (J Capital Research)

Được thiết kế cho những nhóm dân số đông tới hàng trăm ngàn người, các dự án xây dựng hàng loạt có thể bao gồm những tòa nhà nhiều tầng cao ngất, những khu thương xá lớn, những quảng trường thành phố, đèn đường và những bản sao của nhiều thành phố ở Âu Châu và những nơi khác.
Dinny McMahon, tác giả của cuốn sách China's Great Wall of Debt (Vạn Lý Trường Thành Nợ Nần Của Trung Quốc), giải thích động lực đằng sau những dự án xây dựng mới, dường như được xây lên cho không ai cả.

Ông McMahon nói, “Hiện tượng này được thúc đẩy rất nhiều bởi những khoản hoang phí nợ nần thực sự khởi động sau cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Các cấp chính quyền địa phương trên khắp nước này đã tìm cách thúc đẩy và kích thích nền kinh tế của họ, bằng cách xây dựng thêm hạ tầng kiến trúc, và kích thích thị trường bất động sản.”

Việc xây dựng phung phí này được thực hiện bởi cả các công ty quốc doanh cũng nhu các công ty tư nhân.

Ông nói, “Các hãng phát triển gia cư sẽ xây cất nhà ở tại những nơi rốt cuộc trở nên các thành phố ma, vì họ tin vào khả năng của thị trường bất động sản Trung Quốc chỉ cứ đi lên và đi lên mà thôi.”
Mức tỷ lệ nhà ở để trống tại Trung Quốc luôn bị chính quyền che giấu, giống như nhiều dữ liệu khác bị xem là nhạy cảm, được giấu trong màn bí mật.

Người ta tin rằng số lượng những căn nhà chung cư để trống có thể đạt tới mức 64.5 triệu căn. Đây là số lượng nhà mà Công Ty Lưới Điện Trung Quốc đã xác nhận với báo Beijing Morning Post là đã không dùng điện, suốt sáu tháng liên tiếp trong năm 2010. Tuy nhiên chỉ mấy ngày sau đó, công ty quốc doanh này phản bác con số đó với một cơ quan truyền thông Trung Quốc.

Giá mua một căn chung cư các thành phố chính của Trung Quốc gây tốn kém nhiều hơn so với Sydney hay Melbourne. Đó là tin không tốt cho những người trẻ tuổi muốn mua nhà trước khi họ kết hôn.
Nhưng không phải mọi thành phố ma đều vẫn là thành phố ma.

Wade Shepard, tác giả của cuốn “Ghost Cities of China” (Các Thành Phố Ma Của Trung Quốc) - đã ghi lại sự hiện hữu của các thành phố ma, từ khi lần đầu tiên ông tình cờ gặp một đô thị rộng lớn bị bỏ trống trong năm 2006. Ông coi những thành phố này chỉ là ở trong giai đoạn giữa việc xây dựng và tình trạng không thể ở được.

“Nhiều thành phố đã bắt đầu vào năm 2000, năm 2003, được phát triển khá nhiều, nếu lúc này bạn đến đó, bạn sẽ không biết rằng đó là một thành phố mới.” Ông Shepard nêu một số thí dục kể cả một số thành phố đang phát triển kinh tế mạnh nhất ở Trung Quốc.

Ông Shepard nói rằng cách thức xây dựng này đã được ghi nhận trong lịch sử thế giới, khi các nước phát triển lần đầu tiên được mở rộng, chỉ không ở quy mô quá mức như tại Trung Quốc.
Ông Shepard nói.  “Họ xây dựng nhiều hơn bất cứ ai khác, một cách lớn rộng hơn bất cứ ai khác, và họ có những kế hoạch tổng thể rộng lớn nhiều hơn, so với bất cứ cường quốc nào, đế chế hay vương quốc nào trong lịch sử từng có.”

Ông ca ngợi phong trào xây thành phố mới của Trung Quốc là một thành công lớn, mang lại cho những thành phố nghèo một tiềm năng phát triển và mở rộng.

Không giống như nhiều thành phố trên toàn cầu, nơi dân số liên tục tăng nhanh hơn hạ tầng kiến trúc, khiến các nhà quy hoạch thành phố phải tìm kiếm những cách thức mới, để đối phó với nạn kẹt xe và nhu cầu cần thêm không gian xây dựng, Trung Quốc thường đi trước một bước.
Như một thị trưởng Trung Quốc nói, giống như mua một bộ quần áo quá to cho một cậu bé đang lớn.
Công ty cố vấn J Capital Research tại Úc đã ghi nhận các thành phố ma ở Trung Quốc, mở một trang web để cho thấy bao nhiêu nhà bị bỏ trống trên toàn quốc.

Theo ông quản trị Tim Murray cho biết, nhiều thành phố thịnh vượng nhất của Trung Quốc đã được lập ra theo cách này, trong số đó có Thẩm Quyến, giáp giới với Hồng Kông và hiện nay là thành phố lớn thứ tư của Trung Quốc.

Ông nói, “Đó là một ví dụ về tiến trình đô thị hóa được thiết kế cổ điển đang diễn ra thực sự tốt đẹp.”
Một ví dụ khác là khu vực mới Pudong của Thượng Hải từng là một vùng “đầm lầy” bên kia sông đối diện với thành phố chính.

Tuy nhiên ông Murray nói rằng những ví dụ này là ngoại lệ, chứ không phải là quy tắc.
Ông nói, “Điều này hiện giờ được sao chép lại rất nhiều lần trên khắp đất nước, ở những nơi mà nó không bao giờ đem lại hiệu quả; ở nơi mà đó không phải là một ý tưởng tốt.”

Ông McMahon nói rằng chuyện một thành phố ma có trở thành nơi có người ở hay không là tùy thuộc vào khả năng tạo ra việc làm và tăng trưởng công nghiệp.

Trong trường hợp của Zhengdong ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, ông McMahon nói rằng chính phủ “đã bỏ ra hàng chục triệu Mỹ kim vào các biện pháp khích lệ” cho Foxconn, công ty sản xuất iPhone của Đài Loan, vì vậy công ty đã đồng ý mở một nhà máy ở thị xã này. Nhà máy đó thuê 200,000 người, và “khởi động thành phố ma qua đêm,” ông McMahon, cựu ký giả của báo Wall Street Journal ở Trung Quốc, cho biết.

Ông nói, “Hầu hết các thành phố ma ở Trung Quốc đều không có các nguồn lực – hoặc không có lực kéo – của một thành phố lớn như Trịnh Châu.

“Vì vậy, ý tưởng cho rằng những nơi này sẽ đầy lên chỉ là một ước mơ, vì thường những nơi ấy được xây dựng ở những chỗ mà những người di cư không muốn dời đến, phần lớn là vì ở đó không có công ăn việc làm.”

Nhiều người mua nhà để đầu tư mà không có ý định dọn vào ở, vì vậy nguồn cung cấp lớn hơn khá nhiều với nhu cầu.

Ông McMahon nói ông tin rằng các thành phố ma là một “triệu chứng của vấn đề” cách thức nền kinh tế Trung Quốc hoạt động, nơi mà sức tăng trưởng được thúc đẩy bởi nợ nần.

Ông nói, “Chúng ta hiện đang ở vào một vị trí trong nền kinh tế Trung Quốc, nơi có rất nhiều khoản nợ được tích lũy vì lợi ích của việc xây dựng một lượng lãng phí rất lớn, dù đó là nhà trống, nhà máy bị bỏ trống, hạ tầng kiến trúc ở các thành phố trong đó chính quyền địa phương không bao giờ có thể trả nợ được... loại mô hình tăng trưởng kinh tế đó không thể tiếp tục.

Các quan chức ở Bắc Kinh nói nhiều về việc cần phải tiến lên trên chuỗi giá trị đi vào các ngành kỹ nghệ tân tiến hơn về mặt công nghệ, và sự đổi mới đó là con đường của tương lai cho nền kinh tế Trung Quốc.
“Nhưng hiện thời, Bắc Kinh thực sự nằm giữa một tảng đá và một nơi khó khăn, vì sự tăng trưởng kinh tế tùy thuộc vào sự tích tụ nợ nần được dùng để xây dựng đủ thứ, và nó không còn bền vững nữa, mà có thể không có điều gì đó rất sai lệch.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT