Người Việt Khắp Nơi

Những tấm lòng của Ấm Từ Thiện dành cho người già vô gia cư tại Hà Nội

Sunday, 19/03/2017 - 09:04:01

Cho đến nay, một vài công ty đã liên lạc với Ấm, và cung cấp “một số chỗ ở” cho những người vô gia cư, theo anh Anh cho biết. Chẳng hạn như một trang trại hữu cơ cung cấp đồ ăn và chỗ ở.


Nhóm trẻ Ấm Từ Thiện trong một đêm “xuống đường” để tìm giúp những người vô gia cư tại Hà Nội. (Ấm Từ Thiện Facebook)

Mới đây, hãng thông tấn Channel News Asia (CNA) đã đăng một bài phóng sự về những người trẻ ở tuổi sinh viên. Những người này đã dành thời giờ để đi tìm và trợ giúp những người lớn tuổi sống lay lắt ở những vỉa hè khắp Hà Nội. Nhóm trẻ đã lập một hội từ thiện mang tên Ấm, nói lên tấm lòng ấm áp giữa đêm lạnh mà họ muốn mang đến cho những người vô gia cư. Dưới đây là bản chuyển ngữ của bài phóng sự của hãng CNA.


Nhóm trẻ Ấm Từ Thiện được thành lập vào năm 2011. (Ấm Từ Thiện Facebook)

Đã 1 giờ sáng, cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang, 22 tuổi, vẫn còn ngồi xổm trên vỉa hè giá lạnh, chăm chú lắng nghe cụ họ Nguyễn, một người đàn ông 70 tuổi vô gia cư với nụ cười tươi đầy răng trên khuôn mặt.

Con đường mà họ ngồi được chiếu sáng một cách le lói và bẩn thỉu. Nhưng đó là nơi ẩn náu duy nhất của ông, và là nhà của ông trong vào một số đêm.


Cô Chu Thương Minh Trang của hội Ấm đang nói về vấn đề sức khỏe với ông họ Nguyễn, một người vô gia cư ở Hà Nội. (CNA)

Co ro trong cơn gió lạnh, ông Nguyễn đắp ba lớp quần áo, càu nhàu về hai bàn tay của ông bị nhức, và lưng ông đau vì việc sửa chữa xe đạp. Không một chút do dự, cô Trang với tới và nhẹ nhàng xoa bóp những ngón tay sần sùi của ông.

Cùng với các tình nguyện viên khác của Ấm Volunteering Club (tên của nhóm trên Facebook là “ẤM - Từ Thiện Vì Người Vô Gia Cư Và Có Hoàn Cảnh Khó Khăn”), người phụ nữ trẻ này đã khám sức khỏe miễn phí hàng tuần và cung cấp thuốc men cho các cao niên vô gia cư.


Một bà cụ vô gia cư đã áy náy khi thấy các bạn trẻ dành quá nhiều thời giờ cho họ. Bà khuyên các em hãy ráng học hành. (CNA)

Cô thường khệ nệ mang theo một máy theo dõi huyết áp và một chiếc túi y tế chứa đầy thuốc viên, xi rô và dầu thoa, trên những chuyến rảo quanh vào những ngày thứ Bảy hàng tuần, kéo dài từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng. Trong dịp này, cô Trang trao ba gói thuốc dán Salonpas cho ông Nguyễn dán cho đỡ đau nhức, và ông biết ơn cô. Ông đáp lại bằng cách ôm cô.

Ông nói với CNA, “Cuộc sống của tôi gặp khó khăn. Nhưng tôi cảm động khi những tình nguyện viên trẻ tuổi này đến thăm tôi. Tôi đã trải qua rất nhiều gian khổ, nhưng lúc này tôi không cảm thấy quá buồn, vì tôi biết có những người tốt ở xung quanh giúp đỡ tôi.”

Nhóm Ấm Từ Thiện bắt đầu trong năm 2011 và đã cung cấp quần áo ấm, chăn mền cho những người vô gia cư trong những tháng mùa đông lạnh lẽo.

Trưởng nhóm Vũ Trung Anh nói với CNA về những người sống ngoài đường, “Họ không có đủ quần áo. Họ phải trùm áo mưa xung quanh thân thể để giữ ấm.”

Anh Anh cho biết đến khi có một số người vô gia cư chết trên đường phố vì thiếu sự chăm sóc y tế, các tình nguyện viên nghĩ rằng họ cần phải làm nhiều hơn, chứ không thể chỉ cung cấp mền và áo ấm.
“Có một ông lão trên phố Hàng Đồng chết vì bệnh cúm, trên đường này. Không ai biết rằng ông đã chết. Và có một bác ở gần công viên Tây Sơn, đã chết vì bệnh tật trong thời tiết khắc nghiệt. Chúng tôi hỏi ông ước muốn gì cho dịp Tết. Điều mong ước duy nhất của ông là nước sạch. Chúng tôi đã không có đủ thời gian để làm cho ước mơ của ông trở thành sự thực,” anh Anh kể

Anh cho biết nói thêm, “Mặc dù chúng tôi đã phát quà hàng tuần, nhưng chúng tôi không biết về tình trạng sức khỏe của họ. Chúng tôi có thể cung cấp thuốc men cho họ.”

Và vì vậy trong năm ngoái, các tình nguyện viên đã mở rộng công việc của họ, để bao gồm những cuộc kiểm tra sức khỏe hàng tuần cho những người vô gia cư.

Hiện nay nhóm ấy có khoảng 22 thành viên thường xuyên. Trong số đó, có những người trẻ chuyên nghiệp đang làm việc và các sinh viên đại học.

Vào mỗi tối thứ Bảy, các tình nguyện viên đóng gói và phân phối những túi quà bánh, với những món thức ăn như mì ăn liền và xôi. Họ cũng dành hàng giờ đồng hồ để nói chuyện với những người vô gia cư, ghi chép những thỉnh cầu về những thứ cần thiết, như quần áo, bàn chải đánh răng, khăn tắm, và thuốc men.

Cô Trang đã được một người bạn rủ đi làm tình nguyện viên. Cô nói rằng một số chứng bệnh thông thường nhất nơi những người vô gia cư là bệnh phổi, huyết áp cao và tiểu đường.

Những người nào có các vấn đề y tế khẩn cấp được chuyển đến bệnh viện để điều trị. Nhóm này bao trả các khoản chi tiêu của họ, từ một ngân quỹ được hỗ trợ bởi những người hiến tặng trên mạng internet, những người bảo trợ, và bạn bè.

Cô Trang là sinh viên của Học Viện Y Học Cổ Truyền Việt Nam. Cô nói, “Chúng tôi chỉ có thể khám sức khỏe tổng quát và cố vấn cho họ. Chẳng hạn, nếu họ mắc bệnh tiểu đường, chúng tôi sẽ cố vấn cho họ về những thức ăn nào nên ăn và nên tránh.”

Đối với bà cụ họ Trần, 69 tuổi, những tình nguyện viên này là một món quà bất ngời, trong một cuộc sống đau đớn và khó khăn. Bà dành cả đêm để lượm chai thủy tinh, giấy rác, và lon kim loại từ đường phố để đem bán.

Hai đầu gối của bà gây ra nhiều đau nhức, sau một vụ tai nạn xe gắn máy. Nhưng bà vẫn lê chân đi bới rác, vì đó là nguồn thu nhập duy nhất của bà. Bà thường phải ngủ trên đường phố, vì bà gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê hàng tháng là 600,000 đồng VN ($37 Mỹ kim) cho một căn phòng nhỏ.

Sự cứu giúp duy nhất của bà là khi các sinh viên y khoa như cô Trang xuất hiện mỗi tuần một lần, phát thuốc miễn phí để giảm bớt cơn đau nhức của bà. Bà nói, “Họ cũng khuyến khích chúng tôi, rất quý hóa. Chúng tôi biết ơn, nhưng chúng tôi cũng nói với các tình nguyện viên rằng họ mất quá nhiều thời gian để chăm sóc cho chúng tôi. Họ nên tập trung nhiều hơn vào việc học hành.”

Anh Vũ Trung Anh đã hãnh diện về những thành tựu của hội Ấm Từ Thiện, và về việc nhóm của anh nâng cao nhận thức về những người vô gia cư ở Hà Nội.

Anh nói, “Cách đây năm năm, không có một nhóm tình nguyện nào chú ý tới những người vô gia cư. Giờ đây có thêm nhiều nhóm đã được hình thành, để giúp đỡ họ hoặc tặng quà cho họ. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho thấy cộng đồng đang suy nghĩ một cách khác về người nghèo và người vô gia cư.”

Nhưng việc cho họ những món quà vật chất chỉ là bước khởi đầu. Anh nói, “Bước kế tiếp là nghiên cứu những nhu cầu thực tế của họ là gì, và cuối cùng tìm một số công việc phù hợp cho họ.”

Cho đến nay, một vài công ty đã liên lạc với Ấm, và cung cấp “một số chỗ ở” cho những người vô gia cư, theo anh Anh cho biết. Chẳng hạn như một trang trại hữu cơ cung cấp đồ ăn và chỗ ở.

Vũ Trung Anh cho biết những người vô gia cư thường có xu hướng chia thành ba nhóm: Những người dân nông thôn đến thành phố để kiếm sống và không có tiền thuê phòng; Những người lớn tuổi có xung khắc với gia đình; Hoặc những người chẳng qua không muốn lệ thuộc vào con cháu của họ.

Số lượng người cao niên nghèo túng được dự đoán sẽ tăng lên, trong lúc Việt Nam trở thành một nước có dân số già đi nhanh nhất thế giới.

Ngoài Ấm, nhiều tổ chức phi chính phủ khác và các doanh nghiệp xã hội đã bắt đầu xuất hiện, để giúp đỡ cho số lượng gia tăng của những người cao niên nghèo ở Việt Nam. Có những mạng lưới an toàn rất hạn chế dành cho họ.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT