Phóng Sự

Những quyền lợi của người khuyết tật sống tại Mỹ (kỳ 4)

Sunday, 11/06/2017 - 08:03:29

Anh cho biết riêng với khu vực Bolsa đôi khi vẫn có những quán bày bàn ghế ra ngoài lối đi, vì vậy mỗi khi có dịp đi ra khu Bolsa thì anh thường không dám đi một mình, mà luôn có người sáng mắt đưa đi cùng.

Bài BĂNG HUYỀN

Cây gậy trắng của người khiếm thị

Bạn đường không thể thiếu của những người khiếm thị trên toàn thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng chính là Cây Gậy Trắng. Cây Gậy Trắng vừa là công cụ hỗ trợ đi lại cho người khiếm thị, để dò những chướng ngại trên đường đi, vừa là biểu tượng của người khiếm thị, như một dấu hiệu để báo cho người khác biết sự có mặt của một người khiếm thị.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cầm gậy trắng di chuyển trước tòa soạn nhật báo Viễn Đông. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Theo một tài liệu được phổ biến trên mạng, “vào năm 1930, một thành viên của Hiệp Hội Lion đã quan sát một người đàn ông khiếm thị sử dụng cây gậy màu đen đang cố băng qua một con đường nhiều xe cộ. Nhận thấy gậy màu đen rất khó để người lái xe thấy được, Hiệp Hội Lion đã quyết định sơn gậy màu trắng để các tài xế đang lái xe tới có thể nhìn thấy nó rõ hơn. Năm 1931, Hiệp Hội Quốc Tế Lion khởi xướng một chương trình quốc gia nhằm cổ vũ người khiếm thị sử dụng cây gậy trắng. Suốt hai thập niên 1920 và 1930, người khiếm thị đã đi với cây gậy được cầm chéo đúng tư thế.

“Tại Bắc Mỹ, sắc lệnh Cây Gậy Trắng đầu tiên được thông qua vào tháng Mười Hai, 1930 tại Peoria, Illinois. Nhờ đó người khiếm thị nào sử dụng cây gậy trắng để đi lại đều nhận được sự bảo vệ và nhường đường. Năm 1935, Michigan bắt đầu nâng cây gậy trắng lên làm biểu tượng của người khiếm thị. Ngày 25 tháng Hai, 1936, một sắc lệnh được thông qua để thành phố Detroit thừa nhận cây gậy trắng. Để ủng hộ sắc lệnh mới này, một cuộc biểu tình được tổ chức ở Toà Thị Chính nơi người khiếm thị được trao tặng gậy trắng. Năm sau, Donald Schuur đã soạn một dự luật và đệ trình lên Cơ quan Lập pháp của tiểu Bang. Đề nghị đó đã đem lại cho người mang Gậy Trắng sự che chở trong khi đi lại trên các đường phố ở Michigan. Thống đốc Frank Murphy đã ký thông qua luật này vào tháng Ba, 1937.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cầm gậy trắng di chuyển. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Trong những năm đầu thập niên 1960, một số tổ chức và cơ quan phục hồi chức năng của các tiểu bang chuyên phục vụ những công dân Mỹ khiếm thị đã hối thúc Quốc Hội công bố ngày 15 tháng Mười hàng năm là Ngày An Toàn của Cây Gậy Trắng ở tất cả năm mươi tiểu bang. Sự kiện này đánh dấu giây phút đỉnh điểm trong chiến dịch lâu dài của phong trào người khiếm thị có tổ chức để giành được sự nhìn nhận của các tiểu bang cũng như của cả nước đối với cây gậy trắng. Ngày 6 tháng Mười, 1964, một nghị quyết chung của Quốc Hội số HR 753 được ký kết thành luật uỷ quyền cho Tổng thống Mỹ để công bố ngày 15 tháng Mười hàng năm là “Ngày An Toàn của Cây Gậy Trắng”. Nghị quyết qui định:“Theo quyết định của Thượng viện và Hạ viện, mỗi năm Tổng Thống được trao quyền để công bố ngày 15 tháng Mười là Ngày An Toàn của Cây Gậy Trắng, và kêu gọi dân chúng Mỹ cử hành ngày này bằng những nghi lễ và hoạt động phù hợp.”

“Vài tiếng đồng hồ sau khi quốc hội thông qua nghị quyết này, Tổng Thống Lyndon B. Johnson được ghi danh trong sử sách là người đầu tiên công bố ngày 15 tháng Mười là Ngày An Toàn của Cây Gậy Trắng. Trong bài công bố đầu tiên về Cây Gậy Trắng, tổng thống Johnson đã ca ngợi người khiếm thị về tinh thần tự chủ và lòng quyết tâm ngày càng sống tự lập và xứng đáng với nhân phẩm. Ông nói: “Cây gậy trắng trong xã hội chúng ta đã trở thành một trong những biểu tượng nói lên khả năng tự đi lại của người khiếm thị. Việc sử dụng cây gậy làm tăng phong thái nhã nhặn cũng như cơ hội cho người khiếm thị di chuyển trên các đường phố của chúng ta.”


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cầm gậy trắng di chuyển. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt nói ngoài Cây Gậy Trắng giúp người khiếm thị đi đường, còn có loại gậy cho người khiếm thị dùng để đi dự tiệc, cây gậy để đi tiệc thì nhìn đẹp mắt hơn cây gậy đi ngoài đường, nó được thiết kế nhỏ hơn về bề ngang và ngắn hơn. Nhìn thấy nó, những người trong buổi tiệc biết người cầm gậy là người khiếm thị.

Phải học 3 năm mới được mua gậy

Về những ích lợi của Cây Gậy Trắng, bạn đường không thể thiếu của mình, nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt chia sẻ, “Không phải ai muốn mua cây gậy này cũng được đâu. Muốn có cây gậy này, phải là người khiếm thị, phải tìm đến đúng nơi bán cho người khiếm thị mới có để mua và phải học ba năm trời và đậu bài thi thì mới có thể mua Cây Gậy Trắng được.”

Nhiều người không biết cứ tưởng Cây Gậy Trắng chỉ để người khiếm thị cầm chống đi, giúp người khiếm thị khỏi đụng, khỏi té thôi. Nhạc sĩ cho biết, “Đó chỉ là phần nhỏ trong bài học. Mà học cầm gậy còn là học cách đi từ nhà ra đường, ra tới đúng chỗ như trạm xe bus, biết lên xe bus, xuống xe bus, biết đi bộ với nhiều loại đường khác nhau, đường thẳng, đường phẳng, đường gồ ghề, biết đi trong Indoor và đi ngoài Outdoor. Biết đi gậy khi có người đi kế bên phải đi bằng cách nào. Biết đi gậy trong đám đông đi bằng cách nào… chứ không phải muốn đi sao thì đi đâu. Bởi vậy mới phải học đến ba năm.”

Nguyễn Đức Đạt cho rằng Cây Gậy Trắng còn có nhiệm vụ lớn hơn, đó là người khiếm thị được học sử dụng cây gậy như cánh tay nối dài của mình hơn chỉ là vật dò đường. Khi gậy chạm vào một vật, người khiếm thị có thể (thông qua cảm giác truyền qua tay) biết được tính chất vật dụng là gỗ, kim loại, nhựa, gạch, ghế, thùng rác, cột đèn, v.v.. Bài học này được gọi tên chung là Định Hướng và Di Chuyển (Orientation and Mobility hay O&M) là môn học chuyên biệt và rất quan trọng cho người khiếm thị.
Nó vừa là giáo dục vừa là phục hồi chức năng và cũng là một trong những ngành học và nghiên cứu trong bộ môn Giáo Dục Đặc Biệt cho người khiếm thị. Do không nhìn thấy, người khiếm thị thiếu sự kiểm soát đối với môi trường nên cần sự hỗ trợ để phát triển kỹ năng biết được vị trí của mình trong không gian và khả năng vận động chính xác với đồ vật (lấy, ném, tung, lăn ...); xác định phương hướng không gian (trái - phải, trên - dưới, trước - sau). Bài học Định Hướng và Di Chuyển giúp người khiếm thị biết mình từ đâu đến, đang ở đâu trong không gian, sắp đi đến đâu. giúp trong các động tác sinh hoạt hằng ngày như xác định vị trí một đồ vật, các khác niệm không gian cơ bản như định hướng trái phải, sau trước để mang giầy dép, mắc quần áo, phân biệt vật chất cứng, mềm, kim lọai, gỗ. Sau đó là di chuyển đến và cầm nắm chúng. Xa hơn là giúp người khiếm thị di chuyển độc lập, an toàn và có hiệu quả trong môi trường trong nhà (nơi quen thuộc nhà cửa, indoor…) và ngoài đường outdoor để phục vụ cho sinh hoạt, học tập và làm việc…

Những kỹ năng này hết sức quan trọng đối với sự độc lập và tự tin của người khiếm thị và tăng thêm sự hiểu biết về môi trường, giúp người khiếm thị có thể chất khoẻ mạnh và tinh thần thoải mái để sống độc lập, không lệ thuộc vào người khác. Tiến sĩ Hoover, là một người Mỹ phục vụ trong một bệnh viện dành cho thương binh sau Đệ Nhị Thế Chiến là người đã hoàn chỉnh phương pháp đi gậy cho người khiếm thị và nay được biết trên thế giới như phương pháp Hoover.

Mỗi người được chọn chiều dài cây gậy hợp với chiều cao bản thân mình, giúp sử dụng gậy linh động thậm chí có thể thu ngắn lại khi di chuyển trên đường nhiều chướng ngại vật và vươn dài ra khi cần phải dành không gian khi băng qua đường. Nói cách khác bài học sử dụng Cây Gậy Trắng sẽ giúp người khiếm thị sử dụng gậy một cách linh hoạt khôn ngoan và sáng tạo.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt dí dỏm nói, “Học cách di chuyển sao đừng bị té mương, vấp té khi đi trên đường. Nhưng té thì vẫn té như thường, không có cái nào là 100 phần trăm hết. Vì mình đâu có sáng mắt để nhìn thấy.”

Anh kể, “Khi Đạt mới qua Mỹ, Đạt được vào trường trung học từ lớp 9 đến lớp 12, ngay từ năm lớp 9 Đạt đã có người dạy riêng cho cách sử dụng Cây Gậy Trắng, người giáo viên đó làm việc trong trường trung học, và chuyên dạy về cách định hướng và di chuyển cho người khiếm thị. Giáo viên đó dạy cách đi trên đường phẳng, đường gồ ghề, cách đi trong chợ... Học mỗi ngày một tiếng, dắt đi thực hành luôn. Tập đi cầu thang máy, cầu thang cuốn, học kỹ thuật đi lên cầu thang cuốn, kỹ thuật đi xuống cầu thang cuốn.
“Các cách di chuyển này đều có kỹ thuật hết, không biết là té ráng chịu. Phải học cách lắng nghe, đi ở giữa building là âm thanh khác, đi ở bên này có khoảng trống thì âm thanh khác, khi có chướng ngại vật ở phía trước, lắng nghe sẽ có âm thanh khác, có chướng ngại vật ở bên hông, nghe tiếng khác. Học cách di chuyển định hướng không gian dựa vào âm thanh, mùi. Tự di chuyển dễ dàng trong khu vực lớp, trường. Giữ được phương hướng khi di chuyển…. Học ba năm trời như vậy, đến năm học lớp 11, Đạt phải thi giống như người ta đi thi bằng lái xe ở DMV vậy. Tuy nhiên Đạt không ra DMV thi mà thi trong trường trung học nơi Đạt đang học lúc đó. Sau khi thi đậu rồi thì mình có quyền đi mua gậy để cầm đi, tên mình được để vào nơi buôn bán đồ vật của người khiếm thị.”

Anh cho biết bài thi là phải băng qua đường một mình 30 lần (30/30 đều đạt hết) mà không bị vi phạm lỗi nào thì mới đậu. Vì chỉ cần vi phạm một lỗi là nguy hiểm tính mạng rồi. Vì vậy cần phải có kỹ thuật cao khi băng qua đường.

Anh nói, “Giao thông ở bên này có luật lệ rõ ràng, dòng xe chạy đúng luật lệ, ít ẩu tả. Tùy theo dòng xe chạy, biết lắng nghe dòng xe chạy sẽ giúp người khiếm thị băng qua đường không bị nguy hiểm. Đường bộ đi bên này người khiếm thị rất dễ đi, không sợ bị mấy người buôn bán lề đường ngồi bán như bên Việt Nam. Ở Việt Nam nhiều khi phải đi xuống lòng đường để đi, mà xe cộ chạy không theo luật lệ, sẽ đụng người khiếm thị như chơi, bên đó họ xem mạng người rẻ vô cùng. Đạt từng sinh ra và lớn lên ở bên đó, đã biết khổ sở như thế nào rồi.”

Anh cho biết riêng với khu vực Bolsa đôi khi vẫn có những quán bày bàn ghế ra ngoài lối đi, vì vậy mỗi khi có dịp đi ra khu Bolsa thì anh thường không dám đi một mình, mà luôn có người sáng mắt đưa đi cùng.

Từ kinh nghiệm của bản thân, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt chia sẻ, “Đối với một người khiếm thị khi mới qua đây định cư, điều đầu tiên cần phải học để biết cách đi lại, thứ hai là phải học tiếng Anh thì cơ hội hội nhập đời sống bên này mới lẹ được. Nhờ Đạt đã học chữ nổi Braille khi còn tại Việt Nam nên Đạt bớt được một phần thời gian khi qua bên này, nếu phải học từ đầu hết thì cực lắm. Qua đây Đạt chỉ học thêm tiếng Anh. Sau đó nhờ có Anh ngữ mới học đuộc hết những môn học khác. Gốc căn bản vẫn là ngôn ngữ và biết cách di chuyển đi lại khắp nơi.”

Anh Đạt cho biết tại Quận Cam có 2 loại phương tiện giao thông công cộng, một loại là xe bus là cho tất cả mọi người không cần biết là người bình thường hay người khuyết tật, riêng ở phía Bắc California ngoài xe bus còn có xe lửa. “Ngoài ra còn có phương tiện xe Access dành cho người khiếm thị, người khuyết tật, người già đi lại khó khăn, nhà không ở gần trạm xe bus, tinh thần không tỉnh táo để đi một mình ngoài đường… Số điện thoại là 1-877-628-2232 dành cho tuyến đường trong Quận Cam. Bây giờ thì Đạt không biết nó đã có dịch vụ tiếng Việt chưa. Xe Access giá rẻ, và rất tiện lợi vì đến tận nhà để đón mình đi, nhưng số điện thoại Đạt cho chỉ phục vụ cư dân ở và di chuyển trong vùng Quận Cam thôi. Còn những nơi khác sẽ có số điện thoại khác.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT