Phóng Sự

Những quyền lợi của người khuyết tật sống tại Mỹ (kỳ 3)

Sunday, 04/06/2017 - 10:10:00

Chị Mai kể, “Hồi đó, lúc tôi đang học tại trường OCC (Orange Coast College), đi học vẫn phải nhờ ba đưa đi, đón về, đôi khi đi nhờ bạn bè về nhà.

Bài BĂNG HUYỀN

Xe được thiết kế dành cho người tí hon lái

Với những người bị chứng loạn sản sụn, khiến tầm vóc thấp bé như những người tí hon, luôn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Họ thường không thể tự mình điều khiển những chiếc ô tô dành cho người có sức vóc bình thường, vì không thể với tới chân ga, chân thắng. Để hòa nhập hơn trong cuộc sống, để họ có thể tự đi lại một cách chủ động, có thể sẽ phải dùng đến xe dành cho người khuyết tật chân, loại xe được thiết kế cả ga và thắng ở ngay góc trái của vô lăng, dùng tay điều khiển.
Còn với dược sĩ Mai. T. Nguyễn, chị đang làm việc tại bệnh viện Fountain Valley, và là người sáng lập và hội trưởng của Hội Trái Tim Bác Ái, là một hội từ thiện bất vụ lợi giúp các trẻ em nghèo và khuyết tật ở Việt Nam, và thường xuyên tổ chức hội chợ y tế tại Quận Cam và những buổi hội thảo giúp cho các gia đình trong cộng đồng người Việt hiểu biết thêm về bệnh tự kỷ. Chị Mai đã bị chứng loạn sản sụn, khiến tầm vóc bé nhỏ từ khi sinh ra, chị vẫn lái chiếc xe hơi như người bình thường, vẫn đạp ga và thắng bằng chân, tay điều khiển vô lăng, tuy nhiên chân ga và thắng của xe đã được thiết kế lại, kéo dài ra thêm để đôi chân của chị có thể thoải mái đạp tới khi lái xe.


Chiếc xe của chị Mai đã được thiết kế lại chân thắng và chân ga, giúp chị dễ dàng lái đi như người bình thường. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chị Mai kể, “Hồi đó, lúc tôi đang học tại trường OCC (Orange Coast College), đi học vẫn phải nhờ ba đưa đi, đón về, đôi khi đi nhờ bạn bè về nhà. Một lần tôi gặp một người nói với tôi là ở dưới Los Angeles gần Hollywood, có một nhóm người nhỏ giống như tôi họ sinh hoạt cùng với nhau, có đề nghị tôi nên tham gia với nhóm người đó để làm bạn với những người đó, rồi cho tôi địa chỉ. Khi tôi đến sinh hoạt với nhóm người này, tôi rất bỡ ngỡ, vì chưa từng bao giờ thấy có rất đông người nhỏ như mình, đủ loại sắc dân khác nhau. Bởi từ khi đến Mỹ định cư (lúc chị được 6 tuổi, đi vượt biên cùng gia đình) cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ gặp ai cũng nhỏ bé như mình.”

Chị Mai nói chị được ba đưa đến nhóm này sinh hoạt vào cuối tuần, đây là một nhóm với những người tham gia đều có cùng hoàn cảnh như nhau, gặp nhau hằng tuần, để mọi người cùng nhau đi chơi đây đó, sinh nhật ai trong nhóm thì cùng tổ chức mừng sinh nhật với nhau… nhưng chị cảm thấy những sinh hoạt với nhóm không hợp với mình lắm, nên đi vài lần chị quyết định không tham gia nữa.

Nhưng cũng nhờ những lần đi sinh hoạt đó, ba chị thấy có người trong nhóm cũng nhỏ người như chị nhưng anh ta (là người Mỹ) có thể lái chiếc xe lớn của người lái bình thường, ba chị hỏi thăm và được anh ta chỉ cho ba chị tìm đến nơi chuyên về hàn sắt thép để họ gắn thêm cây kéo dài ra để chân ga và thắng dài hơn so với ga và thắng nguyên gốc của chiếc xe, giúp cho người nhỏ bé vẫn lái được chiếc xe như người bình thường, vẫn có thể dùng chân để đạp thắng và ga, chứ không phải dùng tay như xe của người bị khuyết tật chân.


Chị Mai lái xe (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chị Mai cho biết, “Sau lần đó mấy anh chị trong nhà đã hùn lại tiền để dành của các anh chị, mua tặng cho cho tôi chiếc xe cũ nhưng vẫn còn khá tốt, ba đưa xe đến chỗ hàn để chế lại bộ thắng và ga, sau đó ba tập lái cho tôi chiếc xe đó. Hồi đầu mới ngồi tập lái tôi rất sợ, nhưng rất thích, vì mong biết lái xe để tự lái đi học, đi đây đi đó. Ba đích thân tập lái cho tôi, vì nhà tôi lúc đó còn nghèo lắm, đâu có tiền để đóng học phí học lái xe, hơn nữa ba tôi cũng không yên tâm để người ta dạy cho tôi. Ba tôi vốn là cựu quân nhân VNCH, nên ông rất kỹ luật khi dạy tôi học lái xe, ông cho tôi bài bản lắm. Khi vô thi, tôi thi lần đầu là đậu ngay, vì nhờ ba chỉ dẫn cho tôi rất kỹ.”

Chị nói từ khi đậu bằng lái là chị được ba cho phép tự lái xe đi học không phải phụ thuộc vào ba hay phải nhờ vả bạn bè nữa, chị thích lắm. Với chị, đây là món quà to lớn và ý nghĩa vô cùng, vì chị vốn rất thích tự lập.


Chị Mai bên chiếc xe của mình (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ý chí vươn lên của cô dược sĩ tí hon

Nếu ai có dịp tiếp xúc với dược sĩ Mai. T. Nguyễn, sẽ dễ dàng cảm mến chị ngay từ đầu bởi gương mặt dễ thương, nụ cười hiền lành, ở chị luôn toát lên vẻ tự tin, không mặc cảm với bề ngoài của mình. Chị tâm sự, “Tôi có được tính tự tin là vì từ khi sinh ra đến nay tôi luôn nhận được rất nhiều tình yêu thương của ba má và các anh chị. Người thân luôn nâng đỡ tôi về tinh thần, đây là điều rất quan trọng. Vì khi mình nhận được quá nhiều tình yêu thương, nên mình luôn cảm thấy tự tin, làm gì cũng không sợ hết. Tôi không xấu hổ với tật nguyền của mình, tự thấy số phận mình đã như vậy rồi, thì mình phải chấp nhận thôi, phải vươn lên phấn đấu để sống độc lập, chứ không sống ỷ lại người khác.”

Nhắc lại cơ duyên theo học ngành Dược để trở thành Dược Sĩ, chị Mai kể, “Tôi theo học ngành Dược là theo ý nguyện của ba. Ba tôi lúc nào cũng gieo vào trong đầu tôi là con giỏi, con có thể làm được cái này nếu con muốn. Không phải ông nói vậy để tôi tự kiêu mà là khích lệ cho tôi cố gắng lên. Má tôi thì sợ ba tôi đặt hy vọng cao quá vào tôi, sợ tôi đạt không được rồi bị vấp ngã.

“Má không muốn tôi lên học đại học, vì sợ tôi học không nổi, do trường đại học rất lớn, tôi lại quá bé nhỏ, sức khỏe yếu hơn người bình thường, vào trường học, cần phải di chuyển qua lớp này đến lớp kia để học, mà trường thì rộng lớn, làm sao tôi đủ sức chạy kịp qua các lớp học, sách vở nặng nề làm sao tôi ôm hết sáu, bảy quyển sách để đi từ lớp này qua lớp kia. Sau khi tôi học xong college, má tôi khuyên tôi đừng theo tiếp lên đại học, nói tôi học không lên được cao đâu, vừa mất thời gian, tốn công sức...
“Còn ba thì khuyến khích tôi nên học, ba nói bản tính của tôi là thích giúp người khác, ba nhìn ra được điều đó và khuyên là chỉ có ngành Dược là thích hợp với tôi, vì tôi có thể giúp được bệnh nhân trong bệnh viện, tôi nghe thấy cũng đúng.”

Dù vậy, chị nói với bản tính của chị vốn mơ mộng, rất mê văn chương, nên ban đầu chị xin ba cho học ngành văn (English), vì chị muốn làm cô giáo, ba chị nói chị cứ thử học song song hai ngành xem sao. “Vì vậy tôi có lấy những lớp để sau này theo ngành Văn, cùng vài lớp để theo ngành Dược khi còn học tại trường OCC. Dù rất thích dạy học, nhưng khổ nỗi người tôi quá thấp bé, tôi đứng đâu có với tới được cái bảng, nên đâu thể viết được trên bảng. Trong thời gian này, mỗi khi ông thầy bà cô kêu tôi lên viết trên bảng, tôi ngại lắm, không phải tôi không biết câu trả lời, mà vì không thể với tới được cái bảng để viết câu trả lời lên trên bảng.”

Cuối cùng chị đã dẹp bỏ giấc mơ trở thành cô giáo. Khi chuyển tiếp để lấy bằng cử nhân tại UC Santa Barbara, chị bắt đầu tập trung lấy những lớp để học chuyên ngành Dược. Khi đó chị gặp được nhiều bạn bè người Mỹ, Tây phương, họ rất tốt với chị, thấy chị chịu khó học, họ rất thương, tận tình giúp đỡ chị rất nhiều, các thầy cô giáo cũng bỏ thêm thời giờ để giảng bài cho chị. Nhiều hôm sau giờ học, chị luôn ở lại lớp để hỏi thêm thầy cô bài vở. “Thầy cô thấy vậy luôn muốn giúp thêm tôi, và bạn bè nâng đỡ tôi, kèm thêm cho tôi những môn tôi còn yếu.”

Chị Mai tâm sự, “Tôi nghĩ mình chậm hơn người khác nhiều lắm, chứ không phải có tật là có tài đâu. Nhưng để được như ngày nay thì tôi phải cố gắng nhiều hơn người khác. Nhờ có niềm tin vào Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria, và phó thác tất cả sức mạnh của mình để Thiên Chúa giúp, chứ tôi nghĩ tự tôi chưa chắc sẽ làm được gì hết nếu không được Chúa ban phước.”

Chị kể, “Thật ra tôi học không giỏi đâu, tôi chỉ có sự cố gắng mà thôi. Qua Mỹ từ lúc tôi 6 tuổi, hồi cấp 1, tôi học rất giỏi, nhưng khi bắt đầu bước vào tuổi teen, khoảng 13, 14, tôi bắt đầu mê chơi hơn mê học. Bắt đầu đua đòi, tụ tập bạn bè xấu, đi phá làng phá xóm, học hành sa sút, ba má tôi đã khuyên răn, khóc lóc, đánh đòn và cầu nguyện cho tôi rất nhiều. Cuối cùng thì đến năm tôi học lớp 11, tôi bắt đầu chăm chú chuyện học hành và quyết tâm học lên đại học. Nhưng do mất căn bản một thời gian, vì vậy lúc lên đại học, tôi học cực hơn bạn bè khác, cũng may nhờ tôi chịu khó và được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, tôi cũng hoàn thành xong việc học cử nhân và chuyên ngành Dược tại Western University ở Pomona.”
Tuy nhiên có lúc chị rất buồn và thất vọng khi phải chịu sự kỳ thị của nhiều người bởi bề ngoài bé nhỏ của chị. Dẫu rằng sự kỳ thị đó lộ ra rất khéo, nhưng trái tim nhạy cảm của chị rất dễ cảm nhận được điều đó.

Chị tâm sự, “Khi tôi sắp ra trường ngành Dược, tôi xin đi làm không lấy tiền, chỉ để học kinh nghiệm, nhưng có nhiều nơi cũng không nhận tôi vào làm. Khi đó tôi có xin làm tại nhà thuốc tây của người Việt làm chủ. Tôi nghĩ cùng là người Việt, chắc sẽ nhận được thông cảm, hơn nữa tôi làm công không chứ đâu có nhận lương, nhưng vẫn bị từ chối, với lý do nhà thuốc họ nhỏ quá, không cần tôi phụ. Lúc đó tôi buồn lắm, vì nghĩ mình vào làm cho họ không lương, chứ đâu có làm phiền họ đâu, nhưng họ vẫn không cần công của mình.”

Khi đi xin việc, chị cũng rất vất vả để tìm việc làm. Hồi đầu mới ra trường, chị đi xin việc nhiều nơi không được, cuối cùng xin được việc phải đi làm rất xa, có chỗ khi làm, một ngày phải lái xe rất nhiều dặm, phải đi đến nhiều nơi để làm việc, phải khiêng theo một vali rất to như một văn phòng di động vậy, gồm có máy laptop, máy in, hai cái phone để làm việc, đến nơi để xem các toa thuốc của bệnh nhân do bác sĩ ghi toa. Chị ví von nhìn chị lúc đó giống như con kiến mà tha củ khoai vậy. Khoảng hơn 10 năm nay chị may mắn được nhận vào làm tại bệnh viện Fountain Valley, gần nơi chị sống, nên chị cũng đỡ vất vả hơn chút. Ban đầu chị phải làm ca đêm từ 7 giờ tối đến 8 giờ sáng. Mấy năm nay chị được chuyển lên ca ngày.

Tuy vậy, chị nói giờ chị cũng không biết là tương lai sẽ tiếp tục làm tại đây đến tuổi nghỉ hưu không, hay là sắp bị lay off, vì hiện tại chị đang gặp nhiều khó khăn trong công việc, khiến chị rất nản lòng.
“Có thể ngày nào đó họ tìm được người trẻ hơn, ít lương hơn, thì cũng sẽ cho mình nghỉ việc thôi. Hiện tại tôi vẫn tạ ơn Thiên Chúa, vẫn tiếp tục làm ở đó. Tôi không ngần ngại phải làm thêm, tốn sức nhiều hơn người bình thường, Tôi tự biết mình chậm hơn so với người bình thường, biết mình không bằng ai, nên khi làm, tôi luôn gắng làm gấp đôi, nhiều khi mình làm quá sức như vậy thì có những đồng nghiệp họ không thích. Tôi rất buồn điều đó. Nhưng bù lại những bệnh nhân mà tôi tiếp xúc, họ đều quý mến tôi. Đó là an ủi của tôi khi đi làm.”

Theo Đạo luật dành cho người khuyết tật ở Hoa Kỳ, những người bị chứng loạn sản sụn như chị Mai được liệt vào danh sách “người khuyết tật,” sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ dành cho người khuyết tật của chính phủ. Nhưng chị nhất quyết không nhận danh phận “người khuyết tật.” Chị không cho phép chính mình xem bản thân mình là khiếm khuyết hay bất bình thường. Chính ba má chị cũng đã dạy chị từ nhỏ con tự lập và làm chủ cuộc sống của chính mình, không nên ỷ lại vào người khác.
Chị chia sẻ, “Tôi vẫn có thể ở nhà, hưởng trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật. Nhưng đối với tôi, trời ban cho mình sức khỏe, thì tại sao mình không đi làm để đóng góp cho xã hội. Chỉ đến khi mình làm hết sức mình, không làm được nữa thì lúc đó mới nhờ vô sự giúp đỡ, chứ nếu mình vẫn còn đủ tay, chân, trí thông minh, còn bất cứ gì mà xã hội vẫn còn dùng được thì mình phải tận dụng cho đến hơi thở cuối cùng, tôi luôn tâm niệm như vậy. Nếu chân tay không còn dùng được, nhưng đầu óc vẫn còn hoạt động tốt thì vẫn sẽ đi làm, trừ khi người ta không dùng gì đến mình thì mới phải nhờ vả đến nước Mỹ trợ giúp.”
Nhiều lúc bị stress trong công việc, bị chèn ép, nản lòng, chị muốn bỏ việc, nhưng rồi nghĩ có nhiều người còn khổ hơn mình, mà người ta vẫn vươn lên trong cuộc sống. Nhất là khi nghĩ đến hoàn cảnh của những người khuyết tật hiện đang sống trong nước, nên chị tự an ủi bản thân. Vì dù sao chị sống tại xứ Mỹ tự do này, chị vẫn có nhiều cơ hội tốt hơn, vẫn có những luật lệ để bảo vệ cho người khuyết tật, thì không nên buông xuôi khi gặp khó khăn, hoặc bị kỳ thị.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT