Tiêu Thụ

Những nguy hại tiềm tàng của thuốc lá giả

Friday, 09/05/2014 - 11:54:06

Lần trước chúng ta đã nghe giới sản xuất và những người thích dùng thuốc lá giả, gọi là e-cigarette, nói về những lợi điểm của nó. Là người tiêu thụ chúng ta cần biết đến mặt trái của sản phẩm, phản ánh qua những đánh giá của giới y tế, những người có trách nhiệm về sức khỏe công cộng

Eric Trần


Nếu tính bỏ thuốc lá mà lại hút e-cigarette thì có thể là lợi bất cập hại



Lần trước chúng ta đã nghe giới sản xuất và những người thích dùng thuốc lá giả, gọi là e-cigarette, nói về những lợi điểm của nó. Là người tiêu thụ chúng ta cần biết đến mặt trái của sản phẩm, phản ánh qua những đánh giá của giới y tế, những người có trách nhiệm về sức khỏe công cộng, cũng như một số nhận xét khách quan trong dư luận về thứ sản phẩm mới này.

Về phương diện khoa học, người ta chưa có thể kết luận điều gì đối với e-cigarette, vì sản phẩm này tương đối còn mới: Là một sáng chế của một khoa học gia Trung Quốc từ năm 2004, e-cigarette mới được nhập vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2007. Tuy nhiên trên thực tế, Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC (US Centers for Disease Control and Prevention) trong một báo cáo phổ biến hôm 3 tháng Tư, 2014 cho biết, số người gọi tới để phản ảnh mối lo âu về e-cigarette càng lúc càng gia tăng, từ một người gọi mỗi tháng vào năm 2010 tới gần 200 người gọi mỗi tháng vào đầu năm 2014. Riêng trong tháng Hai, 2014, đã có tới 215 cuộc điện đàm phản ảnh về e-cigarette. Và 51% cuộc gọi trong số đó liên quan tới trẻ em.



                                       Nicotine và hộp chứa trong lòng điếu thuốc giả


Bác Sĩ Kevin Chatham-Stephen, chuyên ngành nhi khoa kiêm dịch tễ học tại CDC cho biết, “Mặc dầu e-cigarette hiện chỉ chiếm chưa tới 2% so với các sản phẩm thuốc lá, nhưng đã chiếm tới 40% trong số các cuộc điện đàm với cơ quan chúng tôi. Từ những cuộc nói chuyện này, chúng tôi nhìn thấy e-cigarette có thể đang đặt ra những mối âu lo về sức khỏe công chúng.”

Bác sĩ Tim MacAfee, chủ sự phòng Sức Khỏe và Hút Thuốc tại CDC, cũng là một trong những tác giả báo cáo nói trên của CDC, phát biểu, “Thuốc lá là sản phẩm độc hại nhất đối với sức khỏe người tiêu thụ, vì thế đối với e-cigarette cần có thái độ cực kỳ cẩn trọng để theo dõi và xem xét các hậu quả liên quan.”

Mức độ nicotine

Nói một cách cụ thể, sự quan ngại đối với e-cigarette chủ yếu là do thành phẩm chính của nó, tuy không phải là chế từ cây thuốc lá tobacco, nhưng cũng là nicotine, một chất gây nghiện. Người hút e-cigarette hít nó vào phổi, còn hơi nước thì thổi ra ngoài. Chất nicotine này vào phổi không phải là vô hại.

Bác sĩ Richard Clark, giám đốc y tế thuộc Hệ Thống Chống Độc California, cũng là giáo sư về độc chất học, phát biểu, “Nicotine có lẽ là một hóa chất độc hại nhất khoa học từng biết đến. Mà nicotine lại là thành phần chính của e-cigarette.” Mức độ Nicotine có trong điếu thuốc e-cigarette có thể bằng mức độ trong một điếu thuốc thật – thậm chí có thể hơn nữa. Bởi vì nó tùy thuộc dung tích của hộp chứa nicotine ở trong lòng điếu thuốc giả, và khách hàng có thể chọn lựa cường độ cao thấp theo ý thích.

Cơ quan thẩm quyền cao nhất về an toàn thực phẩm trong chính phủ Hoa Kỳ, là FDA (Kiểm Định Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ, The Food and Drug Administration) và nhiều chuyên gia y tế khác rất lấy làm lo ngại vì chưa có đủ nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của việc hít riêng Nicotine. Bên cạnh đó, FDA cũng lo ngại rằng, vì chưa có luật lệ quản lý e-cigarettes, nên giới sản xuất có thể tùy tiện chế biến, mà không buộc phải công bố một cách đầy đủ các thành phần có mặt trong hộp chứa dung dịch nằm trong bụng một điếu e-cigarettes.

Ảnh hưởng nơi công cộng

Cũng vì chưa có luật lệ quản lý, nên e-cigarettes giờ đây vẫn được sử dụng nơi công cộng. Và mặc dầu nhà sản xuất nói rằng e-cigarette không nhả khói, mà chỉ nhả hơi nước, đối với người chung quanh, hít thở hơi nước từ e-cigarette, chính là hơi nước xuất phát từ dung dịch Nicotine, nó cũng có thể trở thành độc chất cho da, mắt, và cả phổi của họ. Một số người, nhất là những người có một bệnh trạng nào đó, đã cho biết họ bị hơi nước nicotine làm cay mắt, ngứa mũi, ngứa cổ, làm khó thở và buồn nôn. Vì thế đã manh nha một làn sóng chống đối e-cigarette, và yêu cầu chính phủ sớm có luật cấm hút e-cigarette nơi công cộng nếu giới sản xuất chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hơi Nicotine thứ cấp (secondhand vapor, thứ hơi mà người chung quanh hít phải) là vô hại.

Đối với trẻ em

Trái hẳn với những gì giới sản xuất e-cigarettes nói, rằng e-cigarettes an toàn cho trẻ em, giới chuyên gia về độc chất Hoa Kỳ, tuy không là tác giả của báo cáo CDC nói trên, bày tỏ một mối quan ngại sâu xa về ảnh hưởng của e-cigarette đối với trẻ em.

Bác sĩ Richard Clarke thuộc trung tâm chống độc California cho hay, trung tâm của ông nhận được càng lúc càng nhiều người gọi điện thoại đến nói về e-cigarette. Theo ông, e-cigarette nguy hiểm có thể còn hơn cả thuốc lá thật đối với trẻ em, vì trong khi thuốc lá thật thường đắng nghét, hút chưa quen có thể bị sặc, bị ho, và minh thị cấm bán cho trẻ em dưới 18 tuổi, thì e-cigarette lại rất hấp dẫn với các mùi như súc cù là, mùi mật, mùi dâu tây hoặc mùi kẹo cao su mà các em vẫn nhai. Đó là một sức hấp dẫn dường như khó có em nào tránh khỏi. Bên cạnh đó, e-cigarette lại có thể được mua một cách dễ dàng qua mạng Internet.

Bác sĩ Clarke cho biết, ngoài những độc hại có thể chất nicotine đưa lại cho người hít nó vào phổi, và cho những người chung quanh phải hít Nicotine qua hơi nước, mà nếu dung dịch nicotine bị đổ ra trên người các em, chất nicotine dễ dàng thấm qua da, gây ảnh hưởng không khác gì như thuốc lá thật.

Đứng trước những mối lo ngại kể trên, nhà chức trách có phản ứng gì? Lần sau chúng ta sẽ thảo luận thêm chi tiết về những phản ứng mới nhất của FDA đối với e-cigarette.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT