Đời Sống Việt

Những nẻo đường Việt Nam

Wednesday, 20/04/2016 - 08:25:49

Quyết Chiến! đáp lại câu hỏi: Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? của người lãnh đạo đất nước.

Viết để tặng những tâm hồn yêu đất nước, yêu du ca

Phượng Vũ

Có lẽ để chuẩn bị cho tâm tình kỷ niệm 30/4 sắp tới, Viện Việt Học đã tổ chức một đêm nhạc đầy ý nghĩa, giúp những người Việt Nam tha hương có dịp cùng ngồi lại với nhau để nhớ về quê hương, nhớ về “Những nẻo đường Việt Nam”. Ngay từ lời giới thiệu đầu chương trình đã làm cho người nghe cảm thấy bâng khuâng xao xuyến: "Những nẻo đường Việt Nam là hành trình đầy yêu thương, bao dung và ý chí vươn tới... Nó luôn ôm ấp vỗ về chở che những người dân Việt trong hành trình làm người, dù cho hành trình ấy đã có bao nhiêu là xương máu và nước mắt thì người dân Việt cũng không bao giờ quên nó...”
Bản trường ca "Con Đường Cái Quan" của Phạm Duy mở đầu chương trình đã dẫn người nghe đi qua những nẻo đường của đất nước từ Ải Nam Quan, lên miền thượng du, xuôi về miền Trung, tới thăm xứ Huế, rồi vào miền Nam, lưu luyến với dòng sông Cửu Long mà tác giả đã trìu mến kể: Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang" để từ đó miền Nam trù phú với những "cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông...". Nhưng than ôi! Những hình ảnh đẹp đó ngày nay không còn nữa vì hằng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn của Trung Quốc đã ngăn chặn không cho nước Cửu Long trôi về phương Nam, khiến ngày nay cả đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn nặng nề do nước biển tràn vào, có nơi nước biển vào sâu đến 60 km và những cánh đồng lúa chín vàng trước đây bây giờ trở thành khô héo vì không có nước tưới. Có phải vì đời sống quá nhiều cam khổ đã khiến cho “Bà Mẹ Phù Sa” (P.D.) “Mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi”. Nghe Kim Thoa hát tha thiết giống như kể chuyện dân gian với điệu hò miền Nam xưa khiến lòng mọi người thấy nao nao:

"Ù là ù ù ơ, ù ụ ơ !
Không ai chê Việt Nam
Dân tộc ta thiếu sức hùng
Mà người thì quanh năm
Phải ôm lấy hãi hùng..."

Một buổi hát du ca ở Hà Nội.



Màn mây đau khổ sao cứ luôn chập chùng phủ lên đời dân Việt, đến nỗi “Năm mươi năm làm dân. Chưa được mấy lúc mừng". Cho tới tận bây giờ nỗi khổ đó dân Việt vẫn còn đeo mang. Vì ai?, vì đâu nên nỗi? Việt Nam có bờ biển dài đến 2200km nên 2 nghề chính của dân Việt là nghề nông và nghề đánh bắt cá. Hãy nghe bài hát "Tiếng Dân Chài" của Phạm Đình Chương để thấy đời sống ngư dân dù vất vả "Đây tay chài tay lưới. Ấy đời nhọc nhằn mà vui” Nhưng hôm nay niềm vui đó đã thay bằng nỗi lo lắng hoang mang vì ngư dân đi đánh cá lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị Tàu Trung Quốc đánh phá, bắn chìm...Đó là nỗi lo lắng ngoài biển Đông, còn trong đất liền thì những cánh đồng lúa phì nhiêu bị ngập mặn.. vì dòng nước ngọt đầy phù sa đã bị những đập thủy điện Tàu chặn từ trên, làm mất tính điều hòa thiên nhiên của dòng sông Mekong quốc tế. Nhưng nhà cầm quyền Hà nội thì cứ im lặng cúi đầu! Ôi có còn con đường sống nào của dân ta mà không bị bàn tay tàn ác của Trung Quốc xen vào quấy phá?
Liên khúc "Những nẻo đường Việt Nam" được mở đầu:

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam...
như đưa tôi về tuổi thơ đi sinh hoạt, với khúc hát dễ nhớ nhất và hát "chế" ra sao cũng được: yêu, ăn, đi, chơi, leo... chỉ cần thay chữ yêu bằng chữ khác là xong

" Yêu là yêu là yêu chúng mình yêu nhiều
Yêu là yêu là yêu chúng mình quá yêu. "

Tuy hát thuộc nằm lòng từ lúc nhỏ nhưng không nhớ ai là tác giả và xuất xứ từ đâu. Có lẽ chẳng riêng tôi, khúc hát này hẳn cũng đã "nằm lòng" trong bao nhiêu người con Việt Nam khắp nơi, vì điệu nhạc đơn giản, dễ thương.
Liên khúc cũng đã được minh họa bằng hình ảnh qua các cô gái trong các tà áo và điệu hò riêng của cả 3 miền Từ Lý cây đa “trèo lên quán giốc, ngồi gốc ối a cây đa...” tới Lý ngựa ô Huế " Ngựa ô, í a, ngựa ô. Anh thắng kiệu vàng, anh tra khớp bạc" qua điệu Lý chim quyên " Chim ơi chim xa rừng thì chim thương núi nhớ non. Người cách xa cội nguồn... Ôi đâu còn có gì buồn hơn." Những hình ảnh, tiếng hò thân quen đó có lẽ luôm thầm "nhắc ai đi chớ quên quê nhà" nhưng làm sao mà quên được, phải không những con dân Việt còn nặng tình với quê hương?

Người trẻ hát du ca

Hình như mỗi bài hát trong chương trình từ dân ca tới tân nhạc cũng đều gợi nhớ một chút gì đó của quê hương ngày xưa hay một góc phố thân quen nào đó: "Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè. Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do” Nỗi nhớ cứ như dai dẳng triền miên, nhưng bỗng nó biến thành hào khí hừng hực khi ca nhạc cảnh “Hội nghị Diên Hồng” (L.H.P.) xuất hiện: Hình ảnh người dân đang vui sống cuộc sống thanh bình ấm êm, bỗng tất cả bị phá tan khi tiếng loa vang rền:

"Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển"
Trên sân khấu những người dân cùng đồng lòng hướng về vị tướng quân chung sức quyết tâm cứu quê hương. Cả khán phòng bỗng như bừng lên khí thế, để cùng hét to trả lời: Quyết Chiến! đáp lại câu hỏi: Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? của người lãnh đạo đất nước.Dù khán giả không hề được báo trước, cũng không có một lời yêu cầu nhắc nhở nào từ ban tổ chức, nhưng mọi người vẫn dõng dạc hô to từ lồng ngực căng tràn lòng yêu nước của mình:
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) Hy Sinh!
Hình như lúc đó mọi người tự dưng đều cảm thấy "Tên tôi là trái tim Việt Nam". Bài hát đã chấm dứt với quyết tâm cao: "Thề liều thân cho sông núi Muôn Năm Lừng Uy!" Tướng Trần Hưng Đạo oai phong lẫm liệt trong bộ chiến bào và các nhân vật trên sân khấu đã cúi đầu chào, nhưng trong lòng khán giả cảm xúc hào hùng của dân tộc trong huyết quản như vẫn còn đang tiếp tục trào dâng, vẫn còn muốn hát tiếp... hát nữa , hát mãi những ca khúc thể hiện tinh thần bất khuất, oai hùng của tổ tiên người Việt Nam.
Sau đó không khí như chùng xuống với điệu hò miền Nam "Xề u xế u liu phạm " buồn da diết đến chạnh lòng qua "Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang"

"Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng.
Như dải tơ vàng xuôi về biển Đông.
Gành Hào ơi nửa đêm ai hát lên câu hoài lang.
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm"

Nghe những điệu nhạc buồn phương Nam, mới thấy người phương Nam hiền hòa, vui vẻ xởi lởi bên ngoài, nhưng bên trong lại chất chứa những điệu buồn ray rức tận tâm can, làm người nghe thấy lòng rưng rưng theo. Nghe nhạc buồn thì dĩ nhiên ai cũng thấy buồn, tôi ít khi nghe vọng cổ nhưng một lần về qua phố Saigon, tình cờ tôi nghe được một đoạn vọng cổ buồn, kể lể tâm sự đau lòng đầy nước mắt của người đàn bà trong tuồng “Nửa đời hương phấn”. Nghe sao mà não nề, nỗi buồn như đi sâu vào tận cõi lòng và bỗng dưng tôi thấy muốn khóc. Như vậy mới biết sức thẩm thấu lòng người của những điệu nhạc buồn phương Nam mạnh mẽ biết chừng nào!

Ca khúc “Xa quê hương” của Đan Thọ - Xuân Tiên đã sáng tác từ thế kỷ trước nhưng sao bây giờ hát lên nghe như tâm tình vẫn còn “hôi hổi”, nỗi đau như vẫn còn tươi rói:

"Hận sầu ly hương xa xôi đất nước
Chia cách đôi nơi sông núi chia phôi
Viễn du sầu lắng mang theo tình quê
Xót xa mến thương làng cũ"

Mỗi lần nhắc đến Huế là tôi liên tưởng đến những nỗi buồn vời vợi, những hình ảnh đền đài cổ xưa với nét trầm mặc u uẩn muôn đời, như giấu trong mình nỗi buồn thiên thu vạn đại của xứ thần kinh u hoài. Nhưng hôm nay với đôi song ca hát bài "Trở Về Huế" của Văn Phụng, đã cho tôi một cảm nhận mới. Hình như cũng diễn tả nổi nhớ quê, nhưng sao trong đó nghe thấy có nét rộn ràng, pha chút tưng bừng, nhộn nhịp:

"Bao năm sống xa quê nhà
Cuộc đời phiêu lưu với nắng mưa
Nhìn về quê xưa, biết bao tình thương chan chứa
Đây nơi chốn xưa bao tình
Thần kinh bên nước non Hương Bình..."

Không biết là do tài của tác giả hay tài hát bè hòa hợp của đôi song ca? Nhưng sao tôi vẫn thích cảm nhận mới hơn, chứ cứ ủ ê than thở hoài thì cũng chán lắm.

Nhóm du ca Nam Cali được mời đóng góp cho chương trình đầy ý nghĩa này 2 bài “Đường đi không khó” và “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”. Hai bài này được xếp vào cuối chương trình, không biết là do muốn giữ chân nhóm du ca tới cuối giờ hay vì bài hát kết mang ý nghĩa một niềm lạc quan cho tương lai đất nước. Chúng tôi đã đến sớm để tổng dợt lần cuối rồi vào xem văn nghệ. Khi còn 2 bài nữa là tới phiên hát của nhóm du ca, chúng tôi được lệnh ra ngoài hành lang để chuẩn bị lên sân khấu. Bài "Đường đi khó..." là do phái nam ca, nên nhóm nữ chúng tôi phải chờ tới màn sau cùng. Đứng đợi lâu, không biết làm gì tôi bèn trở lại khán phòng, lén mở của nhìn xem trên sân khấu đang hát bài gì? Lỡ đúng bài mình thích mà bỏ qua thì rất uổng, vì tôi vốn là dân mê văn nghệ mà! Ai dè nghi vậy mà linh thiệt, trên sân khấu hình ảnh chị Kim Ngân trong tà áo dài Việt Nam ngồi vừa đàn guitar vừa hát một bản du ca mới.: “Bằng tay ta, bằng tim ta” (LQD). Một hình ảnh đơn sơ nhưng thật đẹp, giọng chị nhẹ nhàng thu hút:

"Đừng mong ai cho mình hòa bình.
Đừng mong ai cho mình tấm áo.
Đừng mong ai cho mình hạt gạo.
Vì người nào thương ta hơn là ta đâu.?"

Ôi lời bài hát như đi thẳng vào tim, khiến tôi đứng ngẩn người nghe mà cảm thấy thấm thía nhất là với điệp khúc lập đi lập lại như nhắc nhở mọi người dân Việt hãy nhớ:
"Đừng mong ai, đừng xin ai
Anh chị này đừng mong chờ nữa
Bằng tay ta bằng tim ta
Ta xây lại căn nhà của ta"

Thật là vui khi biết thời gian gần đây phong trào du ca đã bừng sống lại tại Việt Nam, nhất là ở Saigon. Nhóm Du Ca Saigon có đồng phục riêng, gặp nhau sinh hoạt hằng tuần. Phong trào Du Ca đã mở ra những đợt thi sáng tác mới để có thêm nhiều bài hát du ca hay. Những đợt thi sáng tác mới này đã thu hút nhiều tâm hồn du ca từ khắp nước gửi bài hát về tham dự. Kết quả có nhiều bài Du Ca mới rất hay, để làm nóng lên sinh hoạt phong trào Du Ca khắp nơi. Nhạc sĩ du ca là những người có tâm hồn gắn bó với quê hương với dân tộc. Họ sáng tác bằng cảm nghiệm từ trái tim mình, nên dễ đi vào lòng người. Bài nào của họ cũng tuyệt vời, đi thẳng vào trái tim người nghe bằng những điều hết sức bình dị và đơn giản như bài “Cho Nhau” (TTThu) mà nhóm du ca Nam Cali mới tập hôm tuần rồi ở nhà chị Thu Hà để chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 30/4 sắp tới:

"Đừng có nói mình đơn độc, quanh ta có nhiều tha nhân
Và hãy sống bằng chân thật, luôn thương mến nhau là cần"
Lời bài hát quá dễ thương đã lôi cuốn một số người đang phụ bếp cho bữa ăn tối chung, phải bỏ việc để chạy lên cùng tham gia hát:
"Lời này dành cho anh, cho em, lời này dành cho tôi
"Đồng hành dìu nhau qua truân chuyên, đừng ngại ngần ai oi!"
Sau đó tụi tôi phải lo trở về vị trí “làm bếp” kẻo trễ giờ ăn của nhóm, nhưng dư âm bài du ca hay quá nên tụi tôi vừa làm bếp, vừa nhìn nhau “cười hiền”, vừa cùng hát, rồi còn lắc lư theo nhịp điệu nữa chứ:
"Nụ cười hiền ta trao cho nhau làm dịu phần thương đau.

Lời ngọt ngào ta trao cho nhau đậm đà tình thương yêu"
Thật là một không khí vui tươi thân tình và đáng quý trong một xã hội mà mọi người lúc nào cũng tất bật chạy theo kim đồng hồ, nên tình người không có chỗ nẩy mầm. Xin rất cám ơn những nhạc sĩ Du Ca đã cung cấp cho chúng tôi những món ăn tinh thần thật tuyệt vời.Tôi yêu những nhạc sĩ du ca vì họ không sáng tác để kiếm tiền bản quyền, để đưa cho những ca sĩ nổi tiếng hát hầu họ được nổi danh. Họ chỉ muốn những cảm nghiệm từ trái tim mình được nhiều người lắng nghe và phổ biến rộng rãi để mọi người cùng hát, cùng sống tốt hơn, yêu thương chia sẻ với nhau nhiều hơn là họ vui rồi.

Tiếng vỗ tay rào rào tràn ngập khán phòng cho tiết mục hát Du Ca của chị Kim Ngân đã lôi tôi về thực tế, tôi vội chạy ra gặp các bạn Du Ca để chuẩn bị. Trên sân khấu nhóm nam du ca đang hùng hồn cất lên lời ca vang vang:

"Đường đi khó, Không khó, vì ngăn sông cách núi, Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.
Anh em ta ơi! Đường dài đường dài, còn nhiều trở ngại, còn nhiều gian khó, Kiên gan kiên gan, anh em ta ơi! cố tâm vượt qua."

Sau đó là bài "Việt Nam Minh Châu Trời Đông" kết thúc chương trình văn nghệ, cả nhóm Du ca cùng mạnh mẽ cất cao lời hát ngợi ca quê hương
Việt Nam minh châu trời đông.
Việt Nam nước thiêng tiên rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.
Từ trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy cả khán phòng như hòa điệu với nhóm Du Ca để cùng khẳng định quyết tâm:

"Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam !".

BTC Viện Việt Học lên sân khấu nói lời cám ơn tất cả mọi người đã đến đây để cùng hòa theo nhịp đập chung của con tim yêu nước Việt Nam. Mọi người cùng cất tiếng hát để khơi lại mạch sống ngầm âm ỉ của người xưa, gầm lên, gột bỏ, chuyển hóa thành người Việt Nam mới, với tư duy thời đại, cùng nhân loại sống, ngợi ca và xây đắp tình thương hòa bình.
BTC đề nghị nhóm Du Ca hát thêm bài “ Việt Nam Quê Hương Ngạo nghễ” của Nguyễn Đức Quang, bài này nằm ngoài chương trình nên không có chuẩn bị, nhưng không sao tinh thần Du Ca là luôn sẵn sàng:
"Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !

Hát với nhau những lời của người Việt Nam."( P.D.)
Vậy là theo tinh thần Du Ca "mọi người cùng hát", nên từ sân khấu tới khán giả phía dưới đồng thanh hát vang:

"Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng"
Ra về, trời đã thật khuya, nhưng lời cuối bài hát như vẫn còn theo chân tôi, và có lẽ sẽ theo chân bao người vẫn còn nhận mình là người Việt Nam:
"Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam..."
4/2016
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT