Tiêu Thụ

Những món đồ háo hức mua nhưng không bao giờ dùng!

Friday, 10/02/2017 - 06:55:31

Thiết tưởng, một buổi “xét mình” cuối năm cũng là một cách giúp chúng ta sử dụng đồng tiền của mình hiệu quả hơn trong năm mới. Hôm nay, xin mời các bạn đến thăm nhà, và cùng với chúng tôi duyệt qua mấy cái closet, tủ sách, nhà kho sau đây xem có thấy thấp thoáng món hàng nào của bạn trong đó không?

Bài ERIC TRẦN

Là người tiêu thụ, chúng ta thường nói đến mua cái này mua cái khác. Nhưng nếu mỗi năm bỏ ra ít phút ngồi tính sổ, chúng ta sẽ thấy rằng rất nhiều món đồ háo hức mua về rốt cuộc chả bao giờ dùng tới. Những món đồ không dùng đó, không những nó làm mình hao tiền mà nó còn làm chật nhà chật cửa, chiếm mất những khoảng không gian rất quí giá trong nhà chúng ta. Thường thì chúng ta đã quên hẳn lý do tại sao mình mua nó. Thậm chí, có những món mà bây giờ nhìn thấy chúng ta cũng không nghĩ rằng nó là của mình!

Thiết tưởng, một buổi “xét mình” cuối năm cũng là một cách giúp chúng ta sử dụng đồng tiền của mình hiệu quả hơn trong năm mới. Hôm nay, xin mời các bạn đến thăm nhà, và cùng với chúng tôi duyệt qua mấy cái closet, tủ sách, nhà kho sau đây xem có thấy thấp thoáng món hàng nào của bạn trong đó không?

Quạt xách tay, trông cũng dễ thương và được việc đấy chứ

1. Bình chữa lửa: Món này thoạt nghe ai cũng thấy là cần thiết: Có sẵn bình chữa lửa ở nhà, nhỡ ra…. Đây là món hàng mà nếu chưa được dùng tới thì chúng ta phải cám ơn Trời Phật. Nhà bạn có bình chữa lữa không? Nhà chúng tôi thì…. hai bình vẫn nguyên trong hộp kể từ lúc mua cách đây 10 năm, thậm chí còn giấu ở sâu trong kẹt tủ nữa chứ. Khi hữu sự chắc phải nhắc phone gọi 911, chứ lôi được chúng ra từ nơi cất giấu thì có lẽ gia sản ra … tro cả rồi.

2. Quần áo: Chật hết closet này tới closet khác mà tuần nào cũng vẫn thấy mua. Mỗi đợt On- Sale là bà xã lại chở về, không phải chỉ cho minh mà cho cả ông xã, mấy đứa nhỏ và con của “mấy đứa nhỏ”. Bởi vì, mùa đông này lạnh hơn! Bà ấy cứ làm như thể không có đám áo này thì mấy mùa đông trước cả nhà chết rét cả hay sao.

3. Sách vở: Cái kho này là của tôi, không ai khác xí được phần nào ở đây cả. Nhưng tôi là một con mọt sách, đa phần sách báo chỉ biết được nội dung qua … quảng cáo, rồi háo hức order, hồi hộp chờ đợi ngày giao sách. Khi sách đến thì trang trọng cất vào tủ!

Kho tàng hay kho rác?

4. Quạt xách tay: Sau mấy lần đổ mồ hôi hột trong lúc chờ đợi máy bay, tôi rất mừng khi mua được một cái quạt nhỏ, vừa vặn xách tay. Nhưng ngay sau khi mua, tôi chẳng còn cơ hội nào dùng nó. Đúng hơn, không muốn dùng nó, là vì chẳng ai muốn xách thêm ba cái lỉnh kỉnh ấy lên máy bay làm gì.

5. Máy tạo ẩm độ (humidifier): Tôi mua cái này để thay thế cái máy cũ bị hư. Vậy cái máy được việc đấy chứ! Thì cũng dùng được một lần cách đây mấy năm.

6. Cưa máy - Không phải là một cái cưa bình thường, nhưng là một cái cưa bàn với rất nhiều chức năng. Cũng không phải là một mà hai cái, cứ như một ông thợ mộc chuyên sống về nghề đóng bàn ghế. Tôi mua hai bộ cưa máy này, cùng với bộ ghế ngựa, trong một lúc cao hứng đóng dàn cho mấy cây mướp ở vườn sau. Kể từ lúc đó, tôi không còn bao giờ có dịp dùng đến cưa, mà nếu cần thì cũng chỉ một cái cưa thường cò cưa bằng tay, cũng đủ.

7. Chưa kể rất nhiều dụng cụ và sản phẩm khác mua được từ những đợt sales, clearance sales, Black Friday Sales… của Frys, Harbor Freight Tools, Sears… những thứ được báo chí quảng cáo là “Great deals that no one could pass up”.

“Không phải chỉ có một, mà tôi có tới hai cái cưa bàn như thế này, chỉ để đóng dàn cho mấy cây mướp ở vườn sau”

Phần lớn những món đồ kể trên mới chỉ là kho tàng của tôi. Chưa kể đến bà xã tôi! Nhìn vào kho tàng, nay đã trở thành kho rác, tôi tự hỏi: Tại sao mình lại bỏ tiền ra mua những thứ không bao giờ, hoặc rất ít khi dùng đến như vậy? Có thể đây là lý do:

1. Tôi tưởng là mình sẽ cần đến nó.
2. Thực ra tôi chỉ muốn có nó, chứ không cần nó
3. Nó được bán “on sale” với giá hấp dẫn quá, bỏ qua không được.
Sau khi tìm ra những nguyên nhân này, tôi đã cố gắng tìm ra những phương cách mua sắm hợp lý hơn:
1. Tự hứa không bao giờ tái diễn cái trò dại dột này nữa. Nhưng tự hứa như vậy một lần không đủ, cuối năm sau, tôi lại làm bỏ ra một ngày “xét mình.” Nếu vẫn nhận thấy những món hàng không dùng tới, tôi gói lại, cho đi hoặc liệng bỏ. Càng ngày tôi càng thấy kho tàng của mình ít rác hơn.

2. Cũng trong lúc dọn kho mỗi năm, tôi tìm ra những sản phẩm vô ích, và thêm một lần quyết tâm không phóng tay mua liều. Thực ra, trong lúc đi mua hàng, đâu ai nghĩ rằng mình đang “làm liều”. Chúng ta luôn luôn tìm một lý do chính đáng để biện minh. Rút kinh nghiêm, tôi chỉ tự hỏi mình một câu: “đây có phải là sản phẩm CẦN THIẾT không?”

Sau khi mua, tôi dán cái biên nhận ấy ở một nơi dễ thấy mỗi ngày. Nếu sau một tháng (hoặc vài tháng tùy theo luật “return and refund” của nơi bán) mà chưa có dịp dùng tới, tôi sẽ đưa hàng về trả lại cho người bán.
Tôi hy vọng năm sau sẽ thấy ít hơn, ít hơn nữa, cho đến khi không bao giờ nhìn thấy một món hàng không sử dụng. Để kết luận, tôi xin có một câu hỏi: Có phải tôi là người điên khùng duy nhất khi bỏ tiền ra mua nhữg món đồ không bao giờ xài tới? Hay là, trên đời này, cũng còn có nhiều người như tôi?

Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT