Sức Khỏe

Những điều cần biết về thuốc chủng ngừa Covid-19

Thursday, 28/01/2021 - 08:21:32

Chúng ta ai cũng muốn đại dịch Covid-19 chấm dứt để trở lại với cuộc sống an vui bình thường như trước đây.


Hy vọng được thoát hiểm
Những người ngồi trong xe lăn đang được hướng dẫn đến khu vực chờ đợi, sau khi họ được chích ngừa Covid-19 tại công viên Lincoln Park ở thành phố Los Angeles sáng thứ Năm, ngày 28 tháng Giêng, 2021. Người được chích ngừa cần đợi khoảng 15 phút để xem cơ thể của họ có bị phản ứng gì hay không trước khi rời địa điểm. Trong cùng ngày, Hạt Los Angeles đã có thêm 213 người chết vì Covid. Mặc dù chiến dịch chích ngừa đang được thực hiện trên khắp California, số tử vong vì coronavirus vẫn lên cao vì các nhà thương đang bị quá tải với quá nhiều bệnh nhân Covid. Tính đến chiều thứ Năm, Hạt Los Angeles đã có tổng cộng 16,107 người qua đời vì Covid (cao nhất toàn tiểu bang); Quận Cam 2,868 người (cao thứ ba sau Riverside); California 39,156 người (cao thứ nhì toàn quốc); New York 43,197 người; Hoa Kỳ 443,176 người (cao nhất thế giới); và toàn cầu gần 2.2 triệu người. (Frederic J. Brown/ AFP via Getty Images)

 

Chúng ta ai cũng muốn đại dịch Covid-19 chấm dứt để trở lại với cuộc sống an vui bình thường như trước đây. Sự an toàn và hiệu quả của thuốc chủng ngừa Covid-19 với mục tiêu chủng ngừa 75% dân số đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch này. Đó là lý do tại sao thuốc chủng ngừa Covid-19 đã ra đời rất nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng với tất cả nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong năm 2020 và sự làm việc tận lực trong 9 tháng của các khoa học gia.

Trong khi trang mạng Othena dành cho việc ghi tên lấy hẹn đi chích ngừa bị quá tải với số người ghi tên ngày càng đông thì cho đến nay vẫn còn nhiều người suy nghĩ có nên chích ngừa Covid-19 hay không. Lý do chính vì họ vẫn nghi ngờ vào khả năng phòng chống lây nhiễm Covid-19 của thuốc chủng ngừa dưới hình thức được chấp thuận sử dụng khẩn cấp (EUA : Emergency Use Authorization) của cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm (FDA: Food Drug Administration) cùng với sự lo ngại các phản ứng phụ có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sự an toàn của cơ thể.

Thuốc chủng ngừa Covid-19 của hãng Pfizer là thuốc đầu tiên được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp dùng cho người từ 16 tuổi trở lên. Tiếp theo sau là thuốc của hãng Moderna được dùng cho người từ 18 tuổi trở lên. Nhờ vào sự giúp đỡ tài chính với rất nhiều tỷ Mỹ kim từ chính phủ Hoa Kỳ qua tổ chức "Operation Warp Speed" và một số các đại công ty đã giúp cho quá trình thực hiện thuốc chủng ngừa Covid-19 được nhanh chóng hơn. Do đó mặc dù được FDA chấp thuận sử dụng khẩn cấp nhưng các thuốc này cũng đã qua đầy đủ các giai đoạn thử nghiệm cần thiết và đã đạt được các tiêu chuẩn cao về mức độ an toàn căn bản theo quy định của FDA.

Cả hai thuốc chủng ngừa Covid-19 này có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại Covid-19 khoảng 94% -95% sau khi chích đủ hai liều thuốc. Liều thứ hai của thuốc chích ngừa Covid-19 từ hãng Pfizer- BioNtech hoặc Moderna có thể được chích 6 tuần sau liều thứ nhất chứ không nhất thiết phải là 21 ngày nếu chích thuốc của Pfizer-BioNtech hoặc 28 ngày nếu chích thuốc của Moderna. Trong thời gian sắp tới khi thuốc chủng ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson được FDA chấp thuận thì chỉ cần chích một liều mà thôi nên sẽ tiện lợi và đỡ tốn thời gian cho việc chủng ngừa hơn.

Các phản ứng phụ của thuốc chủng ngừa Covid-19 thường nghe nói đến sau khi chích gồm có đau nơi chích, nóng sốt hoặc ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức bắp thịt hoặc các khớp xương. Các phản ứng này cũng có thể thấy với các thuốc chủng ngừa khác kể cả thuốc ngừa cúm và thuốc chủng ngừa "giời leo." Cũng có vài trường hợp bị phản ứng thuốc nặng nguy hiểm đến tính mạng nhưng đều được chặn đứng ngay sau khi dùng thuốc Epinephrine. Do đó Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Chống Bệnh Tật (CDC: Centers for Disease Control and Prevention) cũng đề nghị những ai có khả năng bị phản ứng nặng với các thành phần có trong thuốc chủng ngừa Covid-19 không nên nhận các thuốc chích ngừa này.

Rất nhiều người sau khi chích ngừa Covid-19 thì bị đau nơi chích hoặc nóng sốt do đó trước khi đi chích ngừa có nên uống Tylenol hoặc Advil để phòng ngừa nóng sốt hoặc đau nhức hay không cũng là một thắc mắc được đặt ra. Trong trường hợp một người đang uống thường xuyên các thuốc Tylenol, Advil cho các điều kiện bệnh lý nào đó thì tiếp tục uống theo lời chỉ dẫn của bác sĩ nhưng không nên uống các thuốc này để phòng ngừa trước khi chích ngừa Covid-19. Mặc dù hiện nay chưa có kết luận nào cho thấy Tylenol hoặc Advil có thể làm giảm tác dụng của thuốc chủng ngừa nhưng cũng có các thông tin cho rằng các thuốc này có thể làm giảm hoặc chậm lại khả năng tạo ra miễn dịch từ thuốc chủng ngừa Covid-19. Sau khi chích ngừa thì nên uống Tylenol hoặc Advil nếu có những triệu chứng làm khó chịu như đau nhức hoặc nóng sốt.

CDC đã đưa ra hướng dẫn cho những người sức khỏe có những bệnh mãn tính như sau:

- Người bị HIV hoặc có hệ thống miễn dịch thấp có thể chích ngừa Covid-19 nhưng nên lưu ý về các dữ liệu an toàn còn rất hạn chế và khả năng giảm sự miễn dịch với thuốc chủng ngừa Covid-19 có thể xảy ra.

- Người có các bệnh liên quan đến sự tự miễn nhiễm có thể chích ngừa Covid-19 nhưng họ nên biết rằng chưa có nghiên cứu về sự an toàn của thuốc chủng ngừa Covid-19 đối với họ.

- Người đã bị Guillain- Barre có thể chích thuốc chủng ngừa Covid-19. CDC chưa nhận được báo cáo nào về bệnh này xảy ra sau khi chích ngừa Covid-19.

- Người đã bị Bell's palsy có thể chích ngừa Covid-19. Mặc dù có những báo cáo về Bell's palsy được ghi nhận trong quá trình thử nghiệm thuốc nhưng chưa có kết luận nào bệnh này xảy ra từ thuốc chủng ngừa Covid-19.
Các phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú đã không tham gia vào các đợt thử nghiệm do đó cho đến nay CDC cũng cho rằng các phụ nữ này chưa nên chích ngừa Covid-19 cho đến khi có những kết luận chắc chắn hơn về việc chích thuốc chủng ngừa Covid-19 cho các phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

Cho đến nay chưa ai biết cơ thể được bảo vệ bao lâu sau khi nhiễm Covid-19, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy sự miễn dịch tự nhiên từ cơ thể sau khi bị Covid-19 không kéo dài được lâu, do đó CDC khuyên người đã bị Covid-19 nên chích ngừa Covid-19 để cơ thể có được sự bảo vệ bền lâu hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần phải hồi phục sức khỏe hoàn toàn trước khi chích thuốc ngừa Covid-19 hay nói một cách khác là không được chích thuốc ngừa Covid-19 khi đang bị nhiễm Covid-19 để ngăn ngừa các phản ứng phụ xảy ra có thể gây nguy hiểm cho cơ thể.

Chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi người đã chủng ngừa Covid-19 có thể bị nhiễm Covid-19 không cũng như không biết sự miễn dịch kéo dài được bao lâu sau khi chủng ngừa Covid-19. Có nhiều người sau khi chích liều đầu tiên đã vội cho rằng Covid-19 sẽ không thể xâm nhập vào mình nữa thì điều này không đúng vì sau liều thứ nhất cơ thể có thể được bảo vệ chỉ khoảng 40-50% mà thôi và hai tuần sau khi chích liều thứ hai thì tăng lên được 95% khả năng chống lại Covid-19. Do đó sau khi một người đã chích ngừa đủ hai liều vẫn cần phải theo các nguyên tắc căn bản phòng chống lây nhiễm Covid-19 là nên mang khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách 6 feet với người xung quanh.

Trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều điểm chích ngừa hơn cũng như các phòng mạch và tiệm thuốc sẽ là những nơi có thuốc chích ngừa Covid-19 để đáp ứng được nhu cầu cần thuốc chủng ngừa Covid-19 cho mọi người dân với mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT