Sức Khỏe

Những điều cần biết về chứng cao huyết áp

Friday, 22/03/2019 - 07:04:52

Trong thời gian nằm trong bệnh viện, tôi được định bệnh là cao huyết áp giai đoạn 1 (đọc phần sau sẽ rõ).


(kỳ 1)

Năm nay, nếu nói theo kiểu người Việt Nam mình thì tôi gặp năm xui tháng hạn. Mới đầu năm, nhà có người bị té gẫy tay, còn tôi thì phải vào bệnh viện nằm một đêm vì sợ bị "heart attack". Trong thời gian nằm trong bệnh viện, tôi được định bệnh là cao huyết áp giai đoạn 1 (đọc phần sau sẽ rõ). Trước giờ tôi vẫn tự hào là huyết áp của mình bình thường hoặc đôi khi còn thấp nữa, thành ra tôi bị bất ngờ khi nhìn thấy con số huyết áp trên cái máy "monitor" cứ bấp bênh trên con số 130, 140 hay hơn. Thế mới biết chẳng có cái gì là đứng vững hoài, mà sẽ có lúc nó thay đổi.

Huyết áp cao là tình trạng quá thông thường, hầu như ai cũng biết. Huyết áp cao là khi sức ép lâu ngày của máu trên thành động mạch tăng cao đến mức gây ra vấn đề, thí dụ như bệnh tim. Huyết áp được xác định bằng lượng máu mà tim bơm ra và sức chống lại lưu lượng máu trong động mạch. Lương máu tim bơm ra càng lớn và động mạch càng hẹp thì huyết áp càng cao.

Người ta có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có triệu chứng. Dù không có triệu chứng, tổn thương mạch máu và tim vẫn xảy ra, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cơn kích tim (heart attack) và đột quị (stroke). Huyết áp cao thường phát triển dần trong nhiều năm và cuối cùng gần như tất cả mọi người đều bị huyết áp cao. Huyết áp cao có thể dễ dàng định bệnh bằng cách đo huyết áp và một khi biết mình bị huyết áp cao, bệnh nhân có thể làm việc với bác sĩ để kiểm soát nó.

Triệu chứng

Hầu hết những người bị huyết áp cao không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi huyết áp lên tới mức cao nguy hiểm. Một số người bị huyết áp cao có thể bị nhức đầu, khó thở hoặc chảy máu cam, nhưng những triệu chứng này không đặc thù và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp cao nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng.

Khi đi khám bệnh tổng quát, nên được đo huyết áp ít nhất hai năm một lần bắt đầu từ tuổi 18. Nếu từ 40 tuổi trở lên, hoặc từ 18 đến 39 tuổi nhưng có có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, cần đo huyết áp hằng năm.
Nên đo huyết áp ở cả hai cánh tay để xem có sự khác biệt hay không. Cần phải dùng máy đo có chiều ngang phù hợp, không quá nhỏ so với cánh tay.

Nên đo huyết áp thường xuyên hơn nếu bạn đã được chẩn đoán là bị huyết áp cao hoặc có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Trẻ em từ 3 tuổi trở lên thường sẽ được đo huyết áp khi đi khám tổng quát hàng năm.
Nếu không thể thường xuyên gặp bác sĩ, bạn có thể được đo huyết áp miễn phí tại các hội chợ y tế hoặc các địa điểm khác trong cộng đồng. Một số cửa hàng có máy đo huyết áp miễn phí nhưng chúng có thể có một số hạn chế. Độ chính xác của các máy này phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như kích thước vòng đo chính xác và sử dụng máy đúng cách. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để biết rõ về việc sử dụng máy đo huyết áp công cộng.

Nguyên nhân

Có hai loại huyết áp cao.

1. Tăng huyết áp nguyên phát.
Nơi hầu hết những người trưởng thành, thường không tìm thấy nguyên nhân gây huyết áp cao. Đây là loại tăng huyết áp nguyên phát, thường phát triển dần dần trong nhiều năm.

2. Tăng huyết áp thứ phát
Một số người bị huyết áp cao gây ra bởi một số nguyên nhân tiềm ẩn. Loại huyết áp cao này, được gọi là tăng huyết áp thứ phát, thường xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với tăng huyết áp nguyên phát.

Các nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thứ phát gồm có:
- Nghẹt thở khi ngủ
- Vấn đề về thận
- Bướu tuyến thượng thận
- Các vấn đề về tuyến giáp trạng
- Một số khiếm khuyết bẩm sinh trong các mạch máu
- Một số thuốc, như thuốc ngừa thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau không cần toa và một số loại thuốc theo toa
- Thuốc bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine và amphetamine

Các yếu tố nguy cơ

Huyết áp cao có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm:
- Tuổi tác. Huyết áp thường tăng lên khi bạn già đi. Cho đến khoảng 64 tuổi, nam giới thường bị huyết áp cao nhiều hơn nữ giới. Phụ nữ lại dễ bị huyết áp cao hơn sau 65 tuổi.

- Dòng giống. Huyết áp cao đặc biệt thường thấy ở những người gốc châu Phi, phát triển ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng. Các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như stroke, heart attack và suy thận, cũng thường thấy hơn.

- Lịch sử gia đình. Huyết áp cao thường thấy ở những người cùng gia đình.

- Dư cân hoặc béo phì. Càng nặng cân thì càng cần nhiều máu để cung cấp oxygen và chất dinh dưỡng cho các mô tế bào. Khi thể tích máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, áp lực lên thành động mạch cũng tăng theo.

- Không hoạt động thể chất. Những người không hoạt động thường có nhịp tim cao hơn. Nhịp tim càng cao, tim càng phải hoạt động mạnh hơn với mỗi lần co bóp và lực tác động lên động mạch càng mạnh. Thiếu hoạt động thể chất cũng làm tăng nguy cơ dư cân.

- Dùng thuốc lá. Hút thuốc hoặc nhai thuốc lá không những làm tăng huyết áp tạm thời, mà các hóa chất trong thuốc lá có thể làm hư lớp lót thành động mạch. Điều này có thể khiến các động mạch bị thu hẹp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Hút thuốc thụ động (hít khói thuốc của người khác) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

- Ăn quá nhiều muối (sodium). Ăn quá nhiều sodium có thể khiến cơ thể giữ nước, làm tăng huyết áp.

- Ăn quá ít potassium. Potassium giúp cân bằng lượng sodium trong các tế bào. Nếu không ăn đủ hoặc giữ lại đủ potassium, bạn có thể tích lũy quá nhiều sodium trong máu.

- Uống quá nhiều rượu. Theo thời gian, uống nhiều rượu có thể làm hư trái tim. Phụ nữ uống nhiều hơn một ly mỗi ngày và nam giới uống hơn hai ly mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Nên uống rượu một cách điều độ. Đối với người lớn khỏe mạnh, tối đa một ly cho phụ nữ và hai ly cho nam giới mỗi ngày. Một ly tương đương với 12 ounce bia, 5 ounce rượu hoặc 1,5 ounce rượu 80 độ.

- Căng thẳng. Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Nếu cố gắng thư giãn bằng cách ăn nhiều hơn, sử dụng thuốc lá hoặc uống rượu, bạn sẽ làm tăng các vấn đề với huyết áp cao.
- Một số tình trạng kinh niên có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, chẳng hạn như bệnh thận, tiểu đường và nghẹt thở khi ngủ.

Đôi khi mang thai cũng góp phần vào huyết áp cao.

Mặc dù huyết áp cao thường thấy nhất ở người lớn, trẻ em cũng có thể có nguy cơ bị chứng này. Đối với một số trẻ em, huyết áp cao là do các vấn đề về thận hoặc tim. Nhưng nơi một số lượng trẻ em ngày càng tăng, những thói quen trong đời sống không tốt, chẳng hạn như ăn uống không lành mạnh, béo phì và thiếu tập thể dục, góp phần gây ra huyết áp cao.

Biến chứng

Sức ép quá mức lên thành động mạch do huyết áp cao gây ra có thể làm hư các mạch máu và các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp càng cao và càng lâu ngày không kiểm soát được, tổn thương càng lớn. Huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng sau:

- Heart attack hay stroke. Huyết áp cao có thể làm các động mạch bị xơ cứng và dày lên, có thể dẫn đến heart attack, stroke hoặc các biến chứng khác.

- Chứng phình động mạch. Huyết áp tăng có thể khiến thành các mạch máu yếu đi và phình ra, gây nên chứng phình động mạch. Nếu một động mạch phình bị vỡ, có thể đe dọa tính mạng.

- Suy tim. Để bơm máu chống lại áp lực cao trong các mạch máu, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm cho thành của buồng bơm của tim dày lên (phì tâm thất trái). Cuối cùng, bắp thịt này có thể khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim.

- Suy yếu và thu hẹp các mạch máu trong thận, có thể ngăn chặn các cơ quan này hoạt động bình thường.
- Các mạch máu trong mắt bị dày lên, hẹp lại hoặc rách, có thể dẫn đến mất thị lực.

- Hội chứng biến dưỡng. Hội chứng này là tổng hợp một nhóm các rối loạn biến dưỡng của cơ thể, bao gồm tăng vòng eo; chất béo trung tính triglycerides cao; cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL, cholesterol "tốt") bị thấp; huyết áp cao và mức insulin cao. Những tình trạng này khiến bạn dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và stroke.

- Trở nên khó nhớ và khó hiểu. Huyết áp cao không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi.

- Bệnh lẩn. Các động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến một loại chứng mất trí nhớ (chứng mất trí nhớ mạch máu). Stroke làm gián đoạn lưu lượng máu đến não cũng có thể gây ra chứng mất trí nhớ mạch máu.

Chẩn đoán

- Đo huyết áp
Ai cũng từng được đo huyết áp, nhưng ít ai để ý đến cách đo cho đúng. Thường một vòng túi bơm hơi sẽ được đặt vòng theo cánh tay và huyết áp được đo bằng máy đo áp suất. Huyết áp, tính bằng milimét thủy ngân (mm Hg), có hai số. Số đầu tiên, hoặc số trên, đo áp lực trong động mạch khi tim đập (huyết áp tâm thu). Số thứ hai, hoặc số dưới, đo áp lực trong các động mạch của bạn giữa các nhịp tim (áp suất tâm trương).

Phân loại số đo huyết áp:
- Huyết áp bình thường. Huyết áp là bình thường nếu dưới 120/80 mm Hg.
- Huyết áp cao. Huyết áp cao là khi huyết áp tâm thu dao động từ 120 đến 129 mm Hg và huyết áp tâm trương dưới 80 mm Hg. Huyết áp sẽ càng ngày càng cao hơn theo thời gian trừ khi bệnh nhân áp dụng những cách để kiểm soát huyết áp.
- Tăng huyết áp giai đoạn 1. Tăng huyết áp giai đoạn 1 là huyết áp tâm thu dao động từ 130 đến 139 mm Hg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89 mm Hg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 2. Tăng huyết áp nặng hơn, huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg trở lên.

Cả hai con số của huyết áp đều quan trọng. Nhưng sau 50 tuổi, con số huyết áp tâm thu được chú ý hơn. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là tình trạng huyết áp tâm trương bình thường (dưới 80 mm Hg) nhưng huyết áp tâm thu cao (lớn hơn hoặc bằng 130 mm Hg). Đây là một loại huyết áp cao phổ biến ở những người trên 65 tuổi. Bác sĩ của bạn có thể sẽ đo huyết áp mỗi lần trong ba cuộc hẹn riêng biệt trở lên trước khi chẩn đoán bạn bị huyết áp cao. Điều này là do huyết áp thường thay đổi trong suốt cả ngày, và nó có thể tăng trong khi đến bác sĩ (tăng huyết áp áo choàng trắng). Huyết áp nên được đo ở cả hai cánh tay để xác định xem có sự khác biệt hay không. Điều quan trọng là sử dụng vòng bơm hơi có kích thước phù hợp. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại huyết áp tại nhà để theo dõi và xác nhận nếu bạn bị huyết áp cao hay không. Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra theo dõi huyết áp 24 giờ được gọi là theo dõi "huyết áp khi đi đứng" để xác nhận xem bạn có bị huyết áp cao không. Thiết bị được sử dụng cho xét nghiệm này đo huyết áp theo định kỳ trong khoảng thời gian 24 giờ và cung cấp một bức tranh chính xác hơn về sự thay đổi huyết áp trong một ngày và đêm. Tuy nhiên, những thiết bị này không có sẵn ở tất cả các trung tâm y tế và chi phí của chúng có thể không được bảo hiểm trả.

Nếu bạn có bất kỳ loại huyết áp cao nào, bác sĩ sẽ coi lịch sử y tế của bạn và khám bệnh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị làm các xét nghiệm thông thường, như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm cholesterol và điện tâm đồ - một xét nghiệm đo hoạt động điện của tim. Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm khác như siêu âm tim, để tìm thêm các dấu hiệu của bệnh tim.

Đo huyết áp tại nhà

Một cách quan trọng để kiểm tra xem liệu điều trị huyết áp của bạn có hiệu nghiệm không, để xác nhận xem bạn có bị huyết áp cao hay chẩn đoán huyết áp cao đang nặng hơn không, là theo dõi huyết áp tại nhà.
Máy đo huyết áp tại nhà rất dễ mua, có bán khắp mọi nơi và rẻ tiền, và bạn không cần toa thuốc để mua. Tuy nhiên, theo dõi huyết áp tại nhà không thể thay thế cho việc đi khám bệnh và máy đo huyết áp tại nhà có thể có một số hạn chế. Nên chắc chắn rằng mình đang sử dụng một thiết bị được xác nhận là chính xác và kiểm tra xem vòng bơm hơi có vừa không. Mang theo máy monitor đến văn phòng bác sĩ để kiểm tra độ chính xác mỗi năm một lần. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách bắt đầu với việc kiểm tra huyết áp tại nhà. Các thiết bị đo huyết áp ở cổ tay hoặc ngón tay không được Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyên dùng.
(còn 1 kỳ)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT