Chuyện Nước Pháp

Những chiếc mũ lính đặc biệt "made in France"

Tuesday, 25/07/2017 - 12:09:15

Người dân thế giới có thói quen nhìn thấy nó là nghĩ ngay tới dân Tây, mặc dầu ngày nay chiếc nón đặc biệt này được nhiều quân đội trên thế giới đều dùng đến vì tiện lợi.

Bài NGỌC DIỄM

Mỗi lần đến dịp có lễ diễn binh vào ngày Quốc Khánh 14 tháng Bảy, chúng ta thường thấy lính Pháp đội đủ thứ nón khác nhau. Nổi bật và quen thuộc nhất là chiếc nón làm bằng len gọi là bê-rê (béret), mũ nồi. Vị thống tướng 5 sao (Pierre de Villiers vừa bị cho về vườn) với gương mặt khá giống nam tài tử Hoa Kỳ đóng vai chính trong cuốn phim Good Morning Vietnam (Robin Williams) cũng đội nó. Người dân thế giới có thói quen nhìn thấy nó là nghĩ ngay tới dân Tây, mặc dầu ngày nay chiếc nón đặc biệt này được nhiều quân đội trên thế giới đều dùng đến vì tiện lợi.
 

Tướng 5 sao người Pháp đội mũ len màu đen.

Chiếc nón nỉ có hình tròn, mềm mại nhờ lớp len phủ trong ngoài và dẹp. Nó mang viền nón bằng da để bọc chặt lại trên đầu không rơi xuống. Màu thông thường nhất là đen hay màu đỏ, cũng được đội bởi những người chăn cừu vùng núi cao. Tên gốc của danh từ béret bắt nguồn từ vùng đất Gascogne hay Béarn đều thuộc nơi có dãy núi Pyrénées Atlantiques giáp giới Tây Ban Nha ở về phía Tây Nam. Hai biển lớn bao quanh là Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Câu nói truyền thuyết trài trại ngày xưa của người vùng ấy bảo là “Lo berret quei béarnés!” (Le béret quest béarnais). Theo truyền thuyết dân gian, nó có từ thế kỷ thứ XVI do người làm ruộng chế ra đội đầu cho đỡ nắng nóng lúc hè.
Trong lịch sử Pháp ghi rằng chiếc béret xuất hiện năm 1889 đầu tiên do quân lính trách nhiệm miền núi non hiểm trở đội nó. Sau đó là lính chiến xa cũng có thứ nón này. Đến năm 1964, người Pháp thay thế chiếc mũ nhỏ (calot, nhỏ hơn chỉ đội trên đỉnh đầu và xếp gọn lại cất trong túi được) bằng nón béret. Tuy nhiên, mũ calot vẫn còn được dùng nhiều trong ngành lính cảnh sát. Loại mũ đỏ dành cho không quân (lính nhảy dù) bắt nguồn từ năm 1944 khi vua Anh cho phép họ đội đi diễn binh tại thủ đô Paris để thưởng công hạnh kiểm tốt khi đánh trận và là ưu đãi đặc biệt của Hoàng Gia.
 


Mũ len xanh da trời của quân đội quốc tế ONU thường thấy nhất.

Những chiếc mũ len riêng trong quân đội Pháp được phân biệt theo ngành trực thuộc. Tổng quát, có gần tới 15 binh chủng khác nhau dùng mũ len đội đầu. Thứ mũ đỏ không quân binh chủng nhảy dù rất gần gũi với chúng ta qua bài hát đến giờ nhiều người còn nhớ đến là câu “Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương…” (tác giả lính không quân Trần Thiện Thanh tức ca-nhạc sĩ Nhật Trường vang danh của VNCH khi xưa đã quá cố). Thứ mũ len đỏ này còn được dùng bởi những chàng nhảy dù hải quân tiềm thủy đỉnh chiến hạm nặng. Thật giống y như bên nhà ngày xưa, binh chủng không quân được nhiều người chiêm ngưỡng thì bên Pháp cũng vậy. Dân chúng rất dễ nhận biết ra họ nhờ chiếc bê-rê đỏ với logo mang tên là “dextrochère emplumé et armé”.
 


Chiếc nón nỉ không quân Pháp đội nghiêng về bên trái với logo đặc biệt.
Đây là hình dạng cánh tay mặt có bàn tay mang thêm những chiếc lông vũ xoè ra ngoài gần với mũi dao nhọn bên trên mà nó cầm cán bên dưới. Tượng trưng cho ông Thánh Saint-Michel trong những trận chiến đánh nhau tơi bời trên không gian cao vời vợi và sự trung thành với nhiệm vụ này. Chiếc logo này được gắn trên mũ đen, đỏ và xanh lá cây của lính nhảy dù. Từ năm 1957, họ thêm vào chiếc neo hải quân bên dưới hình cầm dao này cho lính nhảy dù chiến hạm.
Tìm xem trên mạng, tôi sưu tầm được logo không quân VNCH ngày xưa với hình chiếc dù giương ra che khuất bởi một chú chim biển đầu trắng mỏ vàng đang vỗ cánh bay. Dù có màu xanh dương, nền trời xanh nhạt hơn, khuôn hình tròn màu vàng bao bọc chim biển và dù lộng trong hình khối vuông màu đỏ cam. Huy hiệu này mang trên ve áo trái của quân phục, còn nón bê rê thì gắn huy hiệu rất giống cái của Pháp với lá cờ đỏ ba sọc vàng dựng đứng. Ý nghĩa cũng giống như ông Thánh Saint Michel.









Huy hiệu trên cánh tay quân phục không quân VNCH, huy hiệu gắn trên ngực áo chiến y, và logo gắn trên mũ đỏ của thiên thần chép theo Tây.

Trong lục quân hay bộ binh, nón bê-rê có hai kích thước và bốn màu khác nhau. Loại standard thông dụng và loại lớn hơn kiểu lính đánh giặc hay trinh sát vùng núi có đường kính 30 cm. Nó có màu xanh lá cây cho lính lê dương, xanh dương đậm vùng biển sâu, đỏ và xanh dương tươi sáng bầu trời. Mũ nồi lính tráng được đan bằng sợi len ấm áp lấy từ lông cừu và theo mẫu hình tròn chứ không phải cắt ra từ mảnh vải nào cả. Bên Việt Nam nói riêng hiện giờ, các cô gái rất thích mốt đội mũ nồi đan tay với các que đan bằng sắt hay gỗ bán rất chạy dù giá đắt. Điểm khác với bên quân đội là đám xi-vin thường dân dùng mũ nồi trơn không huy hiệu gì cả và chúng được đan móc đủ kiểu dây len rất trang nhã.


Bé gái Á Châu tóc dài đội mũ nồi thêm duyên.
 
Chiếc mũ nồi Thủy Quân Lục Chiến có màu xanh lá cây với cái logo hình thanh kiếm vắt ngang cánh buồm tàu chiến lướt sóng. Phía trái là hình chữ thập của lính. Bên dưới có dải băng nhỏ ghi chữ “commandos marine” phía trước và sau là hai chiếc neo. Quân lực này thành hình năm 1946 cho đến hiện nay với khoảng 630 người lính chia thành bảy đơn vị chiến đấu (90 lính/đơn vị). Trách nhiệm của họ là giữ an ninh tổng quát vùng biển, kể cả lặn dưới đáy sâu hay bắn đạn tầm xa. Trong cuộc chiến tranh hiện nay, thủy quân lục chiến Pháp luôn luôn có mặt ở vùng biển quốc ngoại tại Afghanistan, Phi Châu, Trung Đông và Ấn Độ Dương.


Mũ nồi màu xanh lá cây mang hình tượng tiêu biểu của Thủy Quân Lục Chiến.

Trong cuộc diễn binh ngày quốc khánh 14 tháng 7 hàng năm, lính hiến binh Pháp trực thuộc đội tác chiến Âu Châu tham gia đánh trận tại Afghanistan đã đội mũ nồi màu xanh dương đậm. Tên viết tắt của đoàn quân này là FGE, Force de gendarmerie Européenne.

 

Hiến binh Pháp trực thuộc Châu Âu diễn hành ngày Quốc Khánh đội mũ nồi xanh dương đậm.

Về cách đội mũ nồi, thông thường góc kéo dài ở về phía bên phải (trừ thủy quân lục chiến và không quân ở bên trái, quân đội Pháp thường khi) và logo ở về phía tay trái. Tóm lại chỉ có hai cách đội nghiêng nghiêng và cách thứ ba là khi mũ ngắn standard thì nó nằm hầu như ngay chính giữa đầu.
Ngày nay, những chiếc nón bê-rê quân đội vẫn còn được made in France từ những hãng xưởng thương mại trong vùng núi Pyrénées-Atlantiques. (nd)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT