Người Việt Khắp Nơi

Những câu chuyện của các phụ huynh có con theo học lớp tiếng Việt trung học

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 03/06/2012 - 08:20:17

Với sự thông minh, nhạy bén, và chăm chỉ học tập, học sinh Việt Nam đã vượt qua những khó khăn của lớp người di dân, tị nạn mới định cư tại Mỹ, để đạt được những thành tựu xuất sắc trong trường học.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 22)

Băng Huyền/Viễn Đông


Trong nhiều năm qua, tại Quận Cam và một số thành phố, tiểu bang có người Việt sinh sống ở Mỹ, các phương tiện truyền thông thường loan tin về các buổi lễ ra trường trung học, năm nào có những học sinh tốt nghiệp thủ khoa, á khoa mang họ Lê, Đỗ, Nguyễn, Trần... là những học sinh gốc Việt. Thành tích học tập của những học sinh này đã đem lại niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt tại Mỹ nói chung và cá nhân gia đình của những bạn trẻ đó nói riêng. Đây là một xu hướng đáng mừng, chứng tỏ sự hội nhập nhanh chóng, kèm theo sức mạnh về tri thức của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Điều này cho thấy rằng người Việt đã mang theo truyền văn hóa của dân tộc như sự hiếu học, tôn trọng sự học vấn, niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc của mình. Những người làm cha mẹ đã hy sinh tất cả cho con cái được ăn học, và ngược lại con cái biết vâng lời, kính trọng và sống xứng đáng với tình thương của cha mẹ khi còn đi học cũng như khi đã ra đời. Nhờ nền giáo dục gia đình tốt, hầu hết các học sinh gốc Việt vào trường đều biết vâng lời, kính trọng thầy cô giáo và người lớn tuổi, có tinh thần trách nhiệm, nên phần đông được thầy cô giáo và nhân viên nhà trường quý mến, tận tâm giúp đỡ. Với sự thông minh, nhạy bén, và chăm chỉ học tập, học sinh Việt Nam đã vượt qua những khó khăn của lớp người di dân, tị nạn mới định cư tại Mỹ, để đạt được những thành tựu xuất sắc trong trường học.


“Cám ơn ba má” là một trong những biểu ngữ trong một dịp diễn hành, bày tỏ lòng tri ân đối với các đấng sinh thành đã giúp các em học sinh duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt trong gia đình - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Trong số những học sinh gốc Việt thành công này, có rất nhiều em đã được phụ huynh dạy dỗ để gìn giữ truyền thống văn hóa Việt bằng cách dạy ở nhà hoặc cho các em đi học tiếng Việt cuối tuần, ghi danh học tiếng Việt trong trường trung học (nếu trường có dạy)… Đối với họ, các con còn giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ là còn hồn cốt dân tộc. Các con còn thiết tha muốn nghe, muốn nói ngôn ngữ mẹ đẻ là còn niềm tự hào dòng máu con cháu Lạc Hồng.
Như chị Lan, một phụ huynh có con theo học lớp tiếng Việt cuối tuần, cho biết: “Tất cả những nền văn hóa đều thông qua chiếc cầu ngôn ngữ, thì không có lý do gì chúng ta đi xây cầu cho thiên hạ mà lại đánh sập cây cầu của mình”.
Qua những câu chuyện tâm tình với một vài phụ huynh đang có con theo học tại một số trường trung học có lớp tiếng Việt tại học khu Garden Grove và học khu Hungtinton Beach mà phóng viên Viễn Đông đã ghi nhận được trong bài viết này, dẫu chưa phải là đầy đủ, nhưng cũng phần nào nói lên những thành công trong việc giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt, tinh thần Việt cho những trẻ em sanh ra hoặc lớn lên tại Mỹ. Nếu từ thế hệ các em đã có ý thức gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc thì mới hy vọng con, cháu của các em sau này còn tiếp tục lưu giữ tiếng nói, vẻ đẹp văn hóa Việt Nam nơi quê người.

Phụ huynh là nguồn khởi hứng cho các em học tiếng Việt
Phụ huynh Thiên Hoàng, có con trai lớn tên là Dial Hoàng đang học tiếng Việt lớp cấp 4 danh dự tại trường trung học La Quinta, cho biết, khi có 4 người con đều sanh tại Mỹ, ông không muốn con mình mất gốc, nên cho con học tiếng Việt từ nhỏ. Theo ông, văn hóa Mỹ vốn trọng về tự do cá nhân, còn văn hóa Việt trọng về gia đình. Ông kể rằng ông có vài người bạn Mỹ, khi đến chơi nhà của họ, nhìn thấy con của họ khác với các con của ông và những đứa trẻ Việt Nam tuổi choai choai khác. Thường những em người Mỹ khi thấy bố mẹ có khách, các em thường vào phòng riêng của mình rồi khóa cửa lại, nhiều khi bố mẹ cần giúp gì, phải gõ cửa nhờ các em, đôi khi các em không chịu ra, bố mẹ cũng đành chịu. Riêng trẻ em Việt Nam, được gia đình dạy dỗ từ nhỏ, ông chưa thấy có trường hợp nào như thế. Các em luôn luôn vâng lời và dù ở trong phòng của mình, khi bố mẹ gọi, vẫn ra và cũng không có tình trạng khóa cửa phòng mình để bố mẹ không được vào.
Theo ông, nhiều bạn trẻ có lối sống tự do của Mỹ, đến 18 tuổi, sẵn sàng rời khỏi nhà để mướn nhà ở với bạn bè của mình, hoặc có những bố mẹ người Mỹ sẽ không tiếp tục chăm lo cho con cái của họ nữa khi chúng đã 18 tuổi… Ông nói rằng nếu phụ huynh không dạy dỗ con tiếng Việt và văn hóa Việt ngay lúc còn nhỏ, các con sẽ bị Mỹ hóa, khi đó dẫu có ân hận, thì cũng muộn rồi.
Ông cho biết gia đình ông vẫn duy trì nếp sinh hoạt vào ngày Tết Nguyên Đán từ khi các con còn nhỏ đến nay, luôn luôn cúng giao thừa đúng 12 giờ đêm, sửa soạn bàn thờ gia tiên, cho các con mừng tuổi ba mẹ rồi nhận bao lì xì, sau đó đi thăm bà con, họ hàng sống gần đó vào ngày hôm sau… Nếu Tết Nguyên Đán nhằm ngày thường, các con phải đi học, thì vợ chồng ông đón giao thừa sớm hơn.
Ông cho biết những năm trước, vào dịp Hè, ông đưa các con về thăm bà nội tại Việt Nam. Mẹ ông và những người thân của vợ chồng ông rất ngạc nhiên khi thấy các con ông thông thạo tiếng Việt. Ông bảo rằng nhìn các con hòa đồng với bà và gia đình họ hàng, chuyện trò vui vẻ không mấy lạc lõng với không khí Việt Nam, ông thấy hạnh phúc vô cùng.
Bà Hoàng, phụ huynh của Monique Nguyễn đang học lớp 11 và lớp Việt 3 tại trường trung học Garden Grove, cho biết khi bà mới qua Mỹ, nói chuyện với mấy em Việt Nam sanh ra hoặc lớn lên bên này từ nhỏ, nhiều em không dạ thưa với người lớn, mà nói chuyện thì cứ à há, à há, mắt nhìn đâu đâu, bà rất “shock”. Vì vậy, với cô con gái lớn khi đến Mỹ mới được 8 tháng, cùng Monique và em trai được sanh ra tại Mỹ, bà đã dạy dỗ tiếng Việt, lễ nghi, lễ phép của người Việt rất kỹ ngay từ thưở bé. Vì là cô giáo dạy tiểu học khi còn ở Việt Nam, nên bà đã dạy cho các con học tiếng Việt tại nhà khi các em bắt đầu học đọc, học viết. Chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn cho con nguồn cội văn hóa, bà kể rằng bà luôn luôn cho con sinh hoạt trong không gian văn hóa Việt ở gia đình và trong cộng đồng. Gia đình bà luôn có bữa cơm tối với những món ăn thuần Việt, tạo sự thích thú và thói quen cho con với ẩm thực Việt Nam. Trong bữa cơm, các con kể chuyện trên trường, về thầy cô, bạn bè cho ba mẹ nghe, tiếng cười tràn ngập trong những lần ăn tối này, và những câu chuyện thân mật của gia đình đều dễ dàng thẩm thấu vào tâm hồn trẻ hơn là dạy tiếng Việt theo những giáo trình khô khan.
Bà và chồng còn thường xuyên kể cho các con nghe đời sống khổ cực của mình trước đây khi còn ở Việt Nam, để các con biết trân quý những gì đang có. Hiện nay, ông bà là thành viên của hội từ thiện Bác Ái Francisco giúp trẻ em khuyết tật bên Việt Nam, thường xuyên đưa các con tham gia những chương trình gây quỹ từ thiện cho hội, và các con bà tham gia rất tích cực.
Bà Hoàng kể: “Những lần cha linh hướng Trịnh Tuấn Hoàng của hội đưa các em khiếm thị qua bên này để gây quỹ giúp các em, tôi luôn luôn mời những em này ở lại nhà mình. Các con tôi tiếp xúc với những bạn nhỏ bất hạnh, nên càng thấy bản thân mình may mắn, càng chăm chỉ học hành hơn. Monique và em trai đã nhường phòng mình cho các em khiếm thị đó ở.
“Hằng năm, tôi đưa các cháu về thăm ông bà ngoại bên Việt Nam. Tôi thường đưa các cháu đến những trại mồ côi, những nơi trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật… để các cháu thăm và tặng quà, đây là một cách tôi giáo dục cho các con lòng nhân ái và đạo đức…”.
Riêng phụ huynh Ngô Văn Đức, ba của em Tina Ngô, học sinh lớp 11 và lớp Việt 3 tại trường trung học Bolsa Grande, cho biết: “Vợ chồng tôi luôn luôn dạy các con nhớ mình là người Việt Nam, phải nhớ cội nguồn, vì có tổ tiên thì mới có ông bà, mới có cha mẹ và có các con. Công việc này kiên trì nhiều năm tháng, chứ không phải có được một sớm một chiều. Cuối tuần vợ chồng tôi thường xuyên đưa các con về thăm ông bà, cho các cháu biết tình thân họ hàng, anh chị em cô bác, cậu dì…”.
Ông Đức nói: “Chúng tôi còn đưa các con đi dự lễ tiếng Việt ở nhà thờ vào cuối tuần, để các con đọc giáo lý bằng tiếng Việt, nghe những bài giảng linh mục giảng bằng tiếng Việt, các con có cơ hội luyện nghe tiếng Việt nhiều hơn”.
Theo ông Đức thì người em trai của Tina Ngô ảnh hưởng văn hóa Mỹ nhiều hơn con gái, nhưng cũng may nhờ gia đình cho em học tiếng Việt từ nhỏ, nên em vẫn quý những giây phút gần gũi với gia đình vào dịp cuối tuần. Ông đã đọc được bài viết văn nộp trong lớp tiếng Việt của con trai và cảm động vô cùng khi thấy con kể lại ngày sinh hoạt cuối tuần bên gia đình, cùng đi lễ nhà thờ, sau đó cả nhà cùng đi ăn với nhau, em cho biết em rất hạnh phúc, thay vì đi chơi với bạn bè vào những ngày này, em thấy chỉ có gia đình là trên hết. Em tin tưởng hết mọi sự vào ba mẹ…
Còn trường hợp của phụ huynh Hòa Lê, có con gái là Quyên Lê đang học lớp tiếng Việt cấp 4 danh dự tại trường La Quinta. Ông cho biết, dẫu gia đình chỉ mới đến Mỹ định cư tháng 11 năm 2006, con gái đang học lớp 7 tại Việt Nam, nhưng khi lên lớp 9 tại La Quinta, ông khuyên con chọn học tiếng Việt thay vì học tiếng Tây Ban Nha. Ông nói: “Nếu con tôi không chịu học tiếp tiếng Việt thì cháu sẽ quên. Tôi luôn luôn khuyên con học những điều hay của xứ Mỹ, nhưng những cốt lõi của lễ nghĩa, lễ phép, văn hóa Việt thì đừng bao giờ quên. Nhờ lúc nào cũng theo sát con mình, và cho con học lớp tiếng Việt để thầy Bạch dạy dỗ những vẻ đẹp của văn hóa Việt, nên dù cháu bước vào tuổi teen, nhưng rất ngoan và vâng lời bố mẹ”.
Với bà Hương Nguyễn có con trai sinh tại Mỹ là Brandon Triệu, hiện đang học lớp tiếng Việt 3 tại trường trung học La Quinta, con trai bà lúc nhỏ ở nhà chỉ nói và nghe tiếng Việt, nhưng khi con lên học mẫu giáo và vào lớp 1, em đã không biết tiếng Anh, nên học rất vất vả. Lúc đó gia đình bà phải cố gắng nói tiếng Anh với em ở nhà, và bà ngưng dạy tiếng Việt cho em.
Nhưng khi em lên lớp 5 trở đi, tiếng Anh của em giỏi rồi, bà sợ em quên tiếng Việt, đã bắt đầu dạy chút chút tiếng Việt cho em. Bà nói: “Khi qua Mỹ định cư, tôi đã lớn tuổi, nên tiếng Anh chỉ biết sơ sơ thôi. Tôi thường nói với Brandon, mẹ già rồi học tiếng Anh khó khăn lắm, con ráng học tiếng Việt để nói chuyện với mẹ, còn không thì sau này hai mẹ con sẽ không hiểu nhau.
“Cháu thương mẹ, nên chịu khó học tiếng Việt, vì muốn nói chuyện với mẹ nhiều hơn”.
Bà kể: “Ba của cháu là người miền Nam, tôi là người Huế, thầy giáo dạy trong lớp là thầy Dzũng Bạch người miền Bắc. Vì vậy khi cháu nói tiếng Việt, nhiều khi cháu không bỏ dấu được, cháu phát âm giọng lơ lớ 3 miền. Nhưng cháu rất thích nói tiếng Việt, khi qua thăm bà nội, cháu hay trò chuyện với bà, bà vui lắm”.
Bà cho biết con trai bà học rất giỏi các môn học như Toán, tiếng Anh… và đang chọn lớp AP để học, học những môn học khác rất dễ dàng, riêng tiếng Việt với em phải tốn nhiều thời gian hơn. Nhưng em rất cố gắng. Bà thường xuyên giúp con học, giúp em làm bài tập ở nhà, dạy lại chỗ nào em không hiểu… Dần dần em vượt qua những trở ngại nói trên. Người em gái của Brandon Triệu do nói tiếng Việt giỏi hơn anh, nên khi vào học lớp 9 trường La Quinta, đã chọn học tiếng Tây Ban Nha, nay thấy anh học tiếng Việt giỏi hơn mình, quyết định sang năm vào lớp 10, em sẽ chọn học tiếng Việt, vì em thấy có nhiều chữ tiếng Việt em vẫn chưa thông thạo.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (Trudy Phạm) là phụ huynh của em Aileen Phạm đang học lớp 10 và lớp Việt 3 trường trung học Westminster, em cũng là thành viên nhỏ tuổi trong đội thi của trường tham dự cuộc thi Academic Decathlon tại thủ phủ Sacramento vừa qua. Bà cho biết, nhờ bà cho em theo học tiếng Việt vào cuối tuần khi mới em 4 tuổi rưỡi cho đến khi em học xong lớp 7 tiếng Việt tại nhà thờ Westminster, nên em rất giỏi tiếng Việt. Khi vào học lớp 9 trong trường trung học, em chọn học tiếng Việt, cô giáo Mộng Lan đã cho em học lớp Việt 2 thay vì phải học Việt 1. Không chỉ giỏi tiếng Việt, em còn tham gia dạy lớp tiếng Việt mẫu giáo tại nhà thờ Westminster vào ngày cuối tuần, để truyền tình yêu tiếng Việt cho các em nhỏ và để tạ ơn dạy dỗ của thầy cô nơi trung tâm này đã từng dạy em trước đây.
Bà Bích Thủy nói rằng khi em còn nhỏ, bà cho em đi học tiếng Việt, đã bị chồng bà phản đối kịch liệt, nhưng bà vẫn kiên quyết đưa con đi học, giờ nhìn lại thấy điều bà quyết tâm là đúng. Vì Aileen và em trai của Aileen nhờ học tiếng Việt cuối tuần đã đạt nhiều giải thưởng Việt ngữ tại các giải thi khuyến học, hay giải bé vui bé học… Còn học trong trường Mỹ thì tiếng Anh và những môn học khác của Aillen rất giỏi. Cũng nhờ tập cho các con siêng năng học Việt ngữ, nên các môn học khác các con cũng rất siêng học. Nhờ vậy mà Aileen đã vượt qua áp lực cao của cuộc thi Academic Decathlon, em còn chọn học lớp AP trong trường. Không chỉ học giỏi, chăm chỉ, các con bà còn ngoan ngoãn, tham gia các việc thiện nguyện tại nhà thờ Westminster nơi mẹ con sinh hoạt cuối tuần. Bà nói: “Tôi một mình nuôi 2 con từ khi các cháu còn nhỏ, lúc đó tôi rất lo lắng vì là người mẹ đã ly dị, nhiều người cho rằng tôi sẽ rất khó dạy con nên người. Cũng nhờ có lớp Việt ngữ và những buổi đi lễ nhà thờ vào ngày cuối tuần, đưa con đi học đàn, tham gia chơi thể thao… đã giúp các con tôi ngoan ngãn, chăm học và rất giỏi”.
Câu chuyện với các phụ huynh cho thấy, tất cả đều tri ân các thầy cô dạy Việt ngữ các trung tâm cuối tuần, các thầy cô dạy tiếng Việt tại trường trung học mà con họ đang học, đã giúp họ giáo dục con cái nên người. Trong câu chuyện của họ, những thầy cô này tựa như người bố người mẹ thứ hai của con cái họ. Nhưng rõ ràng, bên cạnh công lao của thầy cô, chính bậc làm cha mẹ và người thân luôn là những người thầy đầu đời dạy dỗ không ngừng về phong cách sống, là nguồn cung cấp khối lượng kiến thức khổng lồ về mọi mặt trong đời sống cho các em. Chính các phụ huynh, người thân, ông bà của các em đã đảm nhận vai trò thầy cô giáo trong buổi bình minh làm người của các em, cùng sự kết hợp chặt chẽ với thầy cô và nhà trường thì mới có thể tạo nên những thành công cho các em trên con đường “thành nhân và thành danh” sau này. Khi các em còn non nớt thì rất cần những tấm gương để bắt chước. Như ông Thiên Hoàng khẳng định: “Một cây có thể phát triển khỏe mạnh, thì ngay từ lúc còn là hạt giống, chúng phải được chăm bón kỹ lưỡng. Con em chúng ta cũng thế, đó là những mầm non cần được dạy dỗ từ nhỏ ngay trong gia đình. Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con của mình ở hải ngoại này cũng như trồng và chăm sóc một cái cây vậy”. Những phụ huynh khác nghĩ sao về những điều đã trình bày? - (BH)

Phóng sự nhiều kỳ "Tiếng Việt tại Hoa Kỳ" đã đăng trên nhật báo Viễn Đông:

Kỳ 21: Thiếu lớp tiếng Việt trong các trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 20: Nội dung lớp tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/noi-dung-lop-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-CbG0XKwW.html

Kỳ 19 : Sách giáo khoa tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 18: Môn tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/mon-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-HIUAomFX.html

Kỳ 17: Từ việc thành công đưa Việt ngữ vào trung học đến ước mơ chương trình hai ngôn ngữ
http://www.viendongdaily.com/phone/tu-viec-thanh-cong-dua-viet-ngu-vao-trung-hoc-den-uoc-mo-chuong-trinh-VTsNQ97f.html

Kỳ 16: Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống trung học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-trung-hoc-j0EBMM6Y.html

Kỳ 15: Học tiếng Việt tại đại học Mỹ khác ở Việt Nam
http://www.viendongdaily.com/hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-my-khac-o-viet-nam-StzuW9nj.html

Kỳ 14: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-tiep-theo-qnwZnSyU.html

kỳ 13: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-bprirQyt.html

kỳ 12: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học (tiếp theo) (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-tiep-theo-RW9JWyRs.html

Kỳ 11: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-MfhhYjNF.html

Kỳ 10: Học viên lớp tiếng Việt ở đại học, họ là ai?
http://www.viendongdaily.com/hoc-vien-lop-tieng-viet-o-dai-hoc-ho-la-ai-6eQfqz9D.html

Kỳ 9 : Những lớp học tiếng Việt đầu tiên tại đại học
http://www.viendongdaily.com/nhung-lop-hoc-tieng-viet-dau-tien-tai-dai-hoc-G0poKsIz.html

Kỳ 8 : Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống đại học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-dai-hoc-VnhAjKUg.html

Kỳ 7: Cộng đồng nói tiếng Việt và các cộng đồng di dân khác
http://www.viendongdaily.com/phone/cong-dong-noi-tieng-viet-va-cac-cong-dong-di-dan-khac-NDd8fqUo.html

Kỳ 6: Những khó khăn trong việc giữ gìn tiếng Việt
http://www.viendongdaily.com/phone/nhung-kho-khan-trong-viec-giu-gin-tieng-viet-MqixHNNv.html

Kỳ 5: Học sinh cố gắng, cha mẹ dìu dắt
http://www.viendongdaily.com/hoc-sinh-co-gang-cha-me-diu-dat-TRYowDv5.html

Kỳ 4: Tài liệu giảng dạy tiếng Việt tại những trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/tai-lieu-giang-day-tieng-viet-tai-nhung-trung-tam-doc-lap-9wgSXntH.html

Kỳ 3: Dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-cac-trung-tam-doc-lap-XgVv5jyT.html

Kỳ 2: Nỗ lực dạy và học tiếng Việt hiện nay của các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/no-luc-day-va-hoc-tieng-viet-hien-nay-cua-cac-trung-tam-doc-lap-npqoMLK8.html

Kỳ 1: Dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ cách nay 30 năm
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-hoa-ky-cach-nay-30-nam-0NM4ux73.html

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT