Văn Nghệ

Những cảm xúc từ chiều nhạc ‘60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế’

Wednesday, 10/08/2022 - 07:50:16

Tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm của Khánh Ly giúp những người trẻ hôm nay hiểu hơn về một thời đã qua.


Bài BĂNG HUYỀN

 

Gặp lại khán giả Quận Cam trong chiều nhạc “60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế” diễn ra tại hý viện Rose Center, Westminster, vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 7 tháng 8, 2022, ca sĩ Khánh Ly xúc động tâm sự trên sân khấu, “Tôi hy vọng tôi còn được hát, được gặp lại các anh chị thêm hai năm nữa, khi nào tôi 80 tuổi, tôi xin ngưng cho con được an nghỉ. Bây giờ mới có 78, nếu bắt tôi nghỉ bây giờ lòng tôi không cam. Tôi còn yêu hát, tôi còn yêu cuộc đời này. Bởi vì với tôi, cuộc đời này vốn là nơi để sống, không phải là nơi để chạy trốn.”

 

Sau khi kết thúc chiều nhạc, trong buổi trò chuyện dành cho các phóng viên của những báo đài truyền thông Việt Ngữ, trả lời cho câu hỏi “Đời đã cho cô những gì?”, ca sĩ Khánh Ly cho biết, “Cuộc đời cho tôi được nhiều người yêu thương như vậy, tôi cố gắng làm thế nào để xứng đáng với tình yêu của anh chị.”

 

Nói về cảm nghĩ sau chuyến lưu diễn về Việt Nam vừa rồi, ca sĩ Khánh Ly nói, “Tôi mang ơn tất cả những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã yêu thương tôi 60 năm qua. Là ca sĩ, hát ở đâu cũng là hát, khán giả nào cũng là khán giả của mình. Mọi người yêu mình, đến chia sẻ với mình, đó là hạnh phúc.”

 

Với câu hỏi có phải chuyến lưu diễn về Việt Nam đã ảnh hưởng sức khỏe của cô không, trong phần đầu chương trình giọng ca Khánh Ly chưa được thăng hoa lắm, nhưng càng về cuối buổi diễn thì cô hát nồng đượm hơn, Khánh Ly trả lời, “Ở cái tuổi 70 mấy như tôi, người nào cũng có lúc này lúc kia. Nhưng mà Chúa thương cho tôi vẫn hát được, bà con vẫn thương đến nghe tôi hát.”

 


Ca sĩ Khánh Ly song ca cùng Quang Thành (Băng Huyền/ Viễn Đông) 

 

Nghe Khánh Ly hát như tìm lại một phần ký ức, hoài niệm 

 

Giọng ca Khánh Ly nay đã có tuổi, hơi thở ngắn hơn nên hát không còn tuyệt vời như thưở còn sung sức, nhưng tình cảm của phần đông khán giả dành cho Khánh Ly khi đến nghe bà hát vẫn không vì thế mà vơi đi.

 

Khán giả Xuân Ngô chia sẻ, “Tôi cảm thấy xúc động khi xem chương trình này, xúc động vì ca sĩ Khánh Ly là một người đầy tâm huyết với âm nhạc. Dù đôi khi lực bất tòng tâm, cô đã 78 tuổi rồi nhưng vẫn cố gắng gửi đến khán giả lời ca nhiệt huyết của cô qua các ca khúc. Tôi rất nể phục. Nhất là trong buổi diễn, rạp hư máy lạnh, trên sân khấu đèn chiếu vào rất nóng, trông cô rất mệt, tôi chỉ sợ cô quỵ ngay lúc trình diễn. May mắn là cô không sao. Điều đó tôi thấy được tâm huyết của người ca sĩ yêu nghề đến cỡ nào, không nghĩ gì đến tuổi tác hết. Tôi rất kính phục cô.”

 

Là người đã sống qua hai thế kỷ, Khánh Ly từng ví von rằng bà “là một người đã trở thành kỷ niệm, đã trở thành quá khứ, đã trở thành cái gì xa lắc xa lơ rồi.” Nhưng những điều xưa cũ ấy vẫn không hề làm khán giả xưa, khán giả nay nhàm chán. Vẫn chưa bao giờ nhạt màu trong trái tim của nhiều khán giả già có, trẻ có. Sức quyến rũ của tiếng hát không cần kỹ thuật, hát tự nhiên như kể câu chuyện, hát như rút ruột, rút gan, như bao nhiêu lận đận, bẽ bàng của tuổi thơ và tuổi trẻ của cuộc đời chìm nổi đều dồn hết vào tiếng hát.

 


Ca sĩ Khánh Ly song ca cùng Jimmy Nhựt bài Bà Mẹ Ô Lý. (Băng Huyền/ Viễn Đông) 

 

Tiếng hát ấy đã in sâu vào nỗi nhớ của khán giả thuộc thế hệ hôm qua, những người sống trong chiến tranh, loạn lạc, đau thương, đã xem tiếng hát và những ca khúc mà Khánh Ly hát như một phần cuộc sống, là kỷ niệm của một thời, của sinh tử tàn khốc trong chiến tranh, của tương phùng, biệt ly, của khát vọng hòa bình...

 

Còn với những người trẻ, ký ức về chiến tranh Việt Nam trong mỗi người chính là những lời kể của mẹ cha, qua sách vở, truyền hình, và các nguồn thông tin khác nhau. Đó chỉ là âm hưởng của ký ức. Và tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm của Khánh Ly giúp những người trẻ hôm nay hiểu hơn về một thời đã qua.

 


Bích Liên hát Lệ Đá Xanh (Băng Huyền/ Viễn Đông) 

 

Mở đầu của  “60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế,” Khánh Ly đã gửi đến khán giả những đoản khúc Minor, Major, Coda của Trịnh Công Sơn với phần đệm guitar Nguyễn Hoàng Hà, Bùi Quang, gợi nhớ một thời “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly hát cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Quán Văn thập niên 1960. Bà đã chọn “Một Buổi Sáng Mùa Xuân” hát cùng phần bè với các tiếng hát Thúy Hằng, Phương Hà, Vành Khuyên, Nguyễn Hoàng Hà. “Xin Cho Tôi” song ca cùng Quang Thành. “Lời Mẹ Ru” và “Giọt Mưa Trên Lá” hát với ban hợp ca Cát Trắng. “Hãy Yệu Nhau Đi” song ca cùng Tuấn Ngọc. Bà Mẹ Ô Lý song ca với Jimmy Nhựt. Và cuối cùng là các ca khúc của các nhạc sĩ Anh Bằng (Khúc Thụy Du), Trầm Tử Thiêng (Kinh Khổ), Ngô Thụy Miên (Dấu Tình Sầu), Từ Công (Tuổi Xa Người). Hát cùng ban hợp ca Cát Trắng ca khúc Trần Dạ Từ (Với Ai Tôi Hát) và Trịnh Công Sơn (Xin Cho Tôi).



Ca sĩ Chế Linh hát Đưa Em Vào Hạ (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Ngoài giọng ca của Khánh Ly, chiều nhạc “60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế” còn có tiếng hát của các ca sĩ Chế Linh hát “Đưa Em Vào Hạ” của Trầm Tử Thiêng, “Thành Phố Buồn” của Lam Phương. Tuấn Ngọc ca “Tiễn Em,” thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy, “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn. Quang Thành hát “Ca Dao Mẹ” của Trịnh Công Sơn. Giọng ca trẻ- kiêm MC của chương trình Jimmy Nhựt hát “Ngày Trở Về” của Phạm Duy. Bích Liên hát “Lệ Đá Xanh” và “Mắt Biếc” của Cung Tiến, dìu nâng tiếng hát của Bích Liên là tiếng dương cầm của nhạc sĩ Đỗ Bằng Lăng và tiếng kèn trompet của James Sherry. Bài “Vết Lăn Trầm” (Trịnh Công Sơn) do ban nhạc Sỹ Dự hòa tấu. 

 


Tuấn Ngọc song ca cùng Khánh Ly ‘Hãy Yêu Nhau Đi’ (Băng Huyền/ Viễn Đông) 

 

Từ tiếng hát của Khánh Ly, của các ca sĩ khách mời, với phần hát bè của ban hợp ca Cát Trắng, ban nhạc do NS Sỹ Dự hòa âm và chơi piano cùng các NS Quốc Vũ (Keyboard), Quang Bùi (Guitar), Nam Nguyễn (Guitar), Phụng Nguyễn (Drum), Brandon Wilkins (Saxophone), Aaron Chung (Contrabass), chiều nhạc còn có nhạc sĩ khách mời dương cầm thủ Ngô Diễm Uyên, thiết kế sân khấu Ann Phong và Hùng Lê, giới thiệu các tiết mục và điều hợp chương trình do hai MC Y Sa và Jimmy Nhựt đảm nhận. Tất cả đã đưa khán giả vào những cung bậc khác nhau của những ca khúc viết cho tình yêu, thân phận, con người Việt Nam. Đến với chiều nhạc, khán giả có thể tạm buông mọi suy tư, mở rộng trái tim và chìm vào cõi nhạc. Các ca sĩ và ban nhạc đã gắn kết khán giả và nghệ sĩ lại gần nhau hơn trong sự thân tình. Để những ký ức đẹp được cùng nhau chia sẻ, những cảm xúc được thăng hoa, để tâm hồn lắng đọng theo từng nốt nhạc qua những ca khúc quyến rũ, khi khoan thai dìu dặt, lúc khắc khoải, thổn thức, tràn đầy yêu thương. Những nhạc phẩm đó vốn đã đi sâu vào lòng những người yêu nhạc, từng là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. 

 

Tiết mục đặc biệt của ‘60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế’ 

 

Và có lẽ tiết mục tạo nên dấu ấn sâu đậm trong lòng của nhiều khán giả nhất trong chiều nhạc “60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế” chính là ba vũ khúc ballet của Thắng Đào Dance Company do Thắng Đào thực hiện phần biên đạo trên nền nhạc là tiếng hát của Khánh Ly hát ba ca khúc của Trịnh Công Sơn “Cho Một Người Nằm Xuống.” “Ru Ta Ngậm Ngùi” và “Người Con Gái Việt Nam Da Vàng.” Lời ca của Khánh Ly đã đưa người nghe trở về một thời quá khứ chưa xa lắm, về giữa lòng đô thị miền Nam những năm 1960-1970, với tiếng đại bác đêm đêm vọng về, với những hoang mang, tuyệt vọng, những khát khao, hy vọng của cả một dân tộc.

 


Vũ khúc ballet Hát Cho Người Nằm Xuống do các vũ công Thắng Đào Dance Company thể hiện. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Sáu vũ công gồm ba nữ, là đại diện cho hình tượng người phụ nữ mong manh, yếu đuối, người mẹ Việt Nam, phải chịu đựng những hậu quả của chiến tranh, khóc những cái chết của con cái họ. Những bước chân mềm mại, những cánh tay uyển chuyển theo dòng nhạc êm đềm của các nữ vũ công, biểu trưng cho người mẹ trong tạo hình của biên đạo Thắng Đào đã diễn tả được hình ảnh chờ đợi một cách thụ động sự chấm dứt chiến tranh, sự buồn bã, đau đớn vì thân thể bị cắt chia, thịt xương tan nát, đàn con thơ đêm đêm giật mình vì tiếng bom, tiếng đạn.

 

Ba vũ công nam, biểu tượng cho những người trai, những đứa con Việt Nam với ngôn ngữ múa khi mạnh mẽ, lúc buông lơi, khi dồn dập. Đã thể hiện được những ý niệm của sự bó chặt lại, bóp nghẹt tinh thần thể chất con người, trong sự căng thẳng tột độ đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, với nỗi buồn mênh mang, khi phiêu diêu như mây khói, khi cuồn cuộn như nước nguồn.

 

Nó như nhịp đạn pháo, nhịp chân chạy loạn, gợi lên hình ảnh về cuộc chiến tranh, làm bao thanh niên sinh ra sau thời chiến có thể tưởng tượng khung cảnh chiến tranh một thời. Hình ảnh người yêu chết trận, trong “Cho Một Người Nằm Xuống,” hình ảnh chết chóc được gợi lên để lên án chiến tranh, ca ngợi và bảo vệ tình yêu.

 


Sáu vũ công và biên đạo Thắng Đào chào khán giả trong tràng pháo tay giòn giã. (Băng Huyền/ Viễn Đông) 

 

Chia sẻ cảm nhận sau buổi diễn, khán giả Tạ Hoàng Chương nói, “Khi đến xem show nhạc của cô Khánh Ly, tôi không có kỳ vọng sẽ được nghe cô hát hay như thời cô còn trẻ. Bởi vì sanh lão bệnh tử mà, nay cô đã cao niên rồi. Nhưng tôi vẫn trân trọng đến nghe, tôi xem cô như một phần của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Cô là một trong những người thuộc nền âm nhạc miền Nam trước 1975. Khi xem chương trình, điều tôi rất mừng là người trẻ gốc Việt tại Mỹ đã tiếp nối, như anh Thắng Đào đã dựa theo tiếng hát của cô làm nên vũ khúc ballet, và hay hơn nữa bài múa “Người Con Gái Việt Nam Da Vàng” toàn là người da trắng múa, nhưng múa rất hay, âm nhạc và bài múa hòa quyện. Họ đã chuyên chở bài nhạc đến trí tim tôi rất dễ dàng, để thấy rằng nghệ thuật đỉnh cao không phân biệt màu da, tôn giáo, chính trị… Tôi cảm thấy những người vũ công đó như những thiên sứ, đang hàn gắn vết thương chiến tranh. Tôi xem những vũ khúc đó tôi xúc động lắm. Nhất là giọng hát cô Khánh Ly hát những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn khi cô còn trẻ, nghe thật khắc khoải. Vì tiếng hát của Khánh Ly là tiếng hát của thời cuộc, trong thời cuộc đó sanh ra tiếng hát như vậy. Bây giờ giai đoạn lịch sử đó qua rồi, không hy vọng gì nghe Khánh Ly hát như cách nay mấy chục năm trước.”

 

Anh Chương cho biết anh là hậu duệ của người lính VNCH, ba anh là sĩ quan truyền tin cấp bậc cuối cùng của ông là trung úy. Nhưng anh lại rất thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, “Tôi đã nhiều lần xúc động mỗi khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của cô Khánh Ly. Đặc biệt là bài “Chiều Đi Trên Đồi Cao,” “Hát Trên Những Xác Người.” Tôi đã thấy người ta bồng bế nhau chạy loạn trong chiến tranh Việt Nam. Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi đã từng theo má tôi chạy loạn từ Lâm Đồng chạy xuống Phan Rang chạy về Sai Gòn qua ngã Lagi Vũng Tàu. Tôi đã từng sống qua thời đoạn đó rồi, nên nghe những bài nhạc đó thấy thấm lắm. Những năm 1980 khi Việt Nam chưa bang giao với Mỹ, tôi có dịp nghe lại băng Sơn Ca 7 của cô Khánh Ly, không chỉ mình tôi đâu mà người thân của tôi, và những người giống gia đình tôi đều nghe và thích. Vì âm nhạc Trịnh Công Sơn gần gũi đề tài về thân phận của kiếp người, của cả một dân tộc, nó lay động và còn có những bài tình ca, đôi khi triết lý về đời sống làm cho những người thân và chính tôi đều rất thích.”

 


Khánh Ly cùng các tiếng hát và khán giả hòa giọng ca khúc Còn Có Bao Ngày của Trịnh Công Sơn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Duyên Tạ, 17 tuổi, là học sinh lớp 12 của trường Fountain Valley high school, khán giả trẻ nhất của chương trình, được vợ chồng anh Chương Tạ đưa đi nghe nhạc. Anh chị muốn con đi xem để cảm nhận được âm nhạc Việt. Khi xem tới vũ khúc ballet, em đã quay lại hết để bỏ lên Instagram của em. Trước giờ Duyên Tạ chỉ nghe nhạc Âu Mỹ thôi, đây là lần đầu em đi nghe nhạc Việt. Dù tiếng Việt không thông thạo như những em trưởng thành tại Việt Nam, nhưng Duyên Tạ đang học và hiểu tiếng Việt rất khá.

 

Duyên Tạ cho biết, “Con đi xem chương trình này, con rất thích. Con nghe những bài nhạc đặc biệt là những bài múa ballet của Thắng Đào, giúp con hiểu thêm về quê hương Việt Nam, về văn hóa và âm nhạc Việt. Con rất tự hào mình là người Việt.”

 

Kết thúc chiều nhạc “60 Năm Khánh Ly- Đời Cho Ta Thế” tiếng hát Khánh Ly cùng hòa giọng với Ban hợp ca Cát Trắng, MC Y Sa, Jimmy Nhựt và các khán giả cùng hát vang ca khúc “Còn Có Bao Ngày” (Trịnh Công Sơn). Khán giả ra về đã mang theo dư âm của lời ca, tiếng nhạc và những hoài niệm đẹp về một chiều nhạc thính phòng gợi nhắc lại quá khứ, hiện tại, tương lai như quyện vào nhau thật thấm thía và sâu lắng.

 


Ca sĩ Khánh Ly và các ca nhạc sĩ chào tạm biệt khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT