Đời Sống Việt

Những cảm xúc khi tham dự: Hành Trình Quê Mẹ (kỳ 2)

Wednesday, 25/11/2015 - 09:52:01

Cảm xúc này của tác giả khiến tôi nhớ lại những ngày tháng khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ (Michigan), nhìn quanh lúc nào tôi cũng thấy thấp thoáng hình bóng quê nhà. Nỗi nhớ nhà như lúc nào cũng vây quanh, một lần được đi chơi Chicago, chỉ cần thấy “đầu đen” là tôi đã thấy bồi hồi, còn được nhìn thấy chữ Việt đâu đó, ẩn hiện trên các bảng hiệu là tôi đã thấy lòng xúc động, mừng rỡ khôn cùng

Bài PHƯỢNG VŨ



 Nhóm ca trẻ “Sóng Xanh” với bài Bức Họa Đồng Quê của Văn Phụn

(tiếp theo)
Mở đầu cho phần II là sự trở lại của ban Hợp Xướng Ngàn Khơi để trình bày ca khúc: “Nhớ Người Thương Binh”. Bài hát này bày tỏ sự biết ơn đến những người đã hy sinh một phần thân thể cho tổ quốc khi xông pha ngoài chiến trường:

“Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương binh."
Trên màn hình xuất hiện những hình ảnh các chương trình cứu trợ Thương Phế Binh VNCH được tổ chức hằng năm ở CA. Hằng chục năm nay, số thu khá lớn (có năm lên tới cả triệu) từ sự đóng góp tự nguyện của đồng bào, cũng đã giúp đỡ được rất nhiều cho các anh thương binh VNCH. Nó thể hiện một nếp sống tình nghĩa “có trước có sau” của người dân VNCH hoàn toàn trái ngược với chính sách “vắt chanh bỏ vỏ” của Cộng Sản:
“Người xa gửi đến quà xa
Ngồi đây tưởng đến lệ rơi
Hỡi người xa, xa vời
Đẹp lòng tôi lắm ai ơi...”
Sau phần trích đoạn "Kinh Cầu cho Việt Nam", ban hợp xướng Ngàn khơi tiếp tục với tổ khúc "Bầy Chim Bỏ Xứ" nghe sao da diết thê lương với hình ảnh "Bầy chim buồn bã rủ nhau trốn quê hương". Với một câu hỏi đau lòng mà ai cũng đã biết câu trả lời:
"Vì đâu bỏ xứ
Để lê kiếp tha phương?”

Phạm Duy đã hoàn thành Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ sau mười lăm năm thai nghén, sáng tác và tu chỉnh; đây là một trường ca đặc sắc về nhiều mặt nghệ thuật và tư tưởng. Nhà văn Đặng Tiến khi nói về đặc trưng của một loài chim ( tiêu biểu cho người dân Việt Nam) đã viết: Màu xanh của sông biển, rừng núi, ruộng đồng giăng lả giăng la; là thế giới mông mênh của cánh chim. Nhưng chim đã tự giới hạn mình vào bãi cát nhỏ bé. Bãi cát thì có gì cho chim bươi chải? Thế mà chim vẫn ăn quanh, vẫn không bay xa theo tầm mời gọi của trời cao đất rộng. Con chim nhẫn nại, chịu đựng thủy chung với bãi cát khốn khó, là hình ảnh con người Việt Nam, thời này qua thời khác." Điều này cho thấy tâm tình gắn bó với mảnh đất quê hương nghèo khó của người dân Việt Nam tha thiết biết chừng nào. Mà tha thiết chừng nào thì lại đau lòng chừng ấy khi phải lìa bỏ "cội nguồn" mà đi. Phạm duy đã lột tả được nỗi niềm đau đáu đó của người lưu vong:

“Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong.”
Nếu một buổi chiều cô đơn nào đó nhìn cánh chim xa mà trông vời cố quốc, bạn hãy thử nhớ đến một câu ca dao nghe đơn sơ, nhưng sao thấy "tội" đến nao lòng:
“Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi.”

Và niềm thương nhớ “người xưa, chốn cũ” khôn nguôi của người bỏ nước ra đi đã được ca sĩ Quang Tuấn lột tả qua bài “Đêm Nhớ Về Saigon” của Trầm Tử Thiêng, mà theo lời MC giới thiệu thì bài này và bài “10 Năm Yêu Em” cũng đều nói về một mối tình của tác giả với người ở lại Saigon. Đó cũng là lý do giải thích tại sao TTT vẫn “độc thân” cho tới ngày nhắm mắt lìa đời. Quả là một mối tình chung thủy hiếm hoi và đáng quý, nhất là đối với 1 nhạc sĩ tài hoa

“Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn,
Thấy mình vừa trở lại quê hương,
Đã gặp người một trời yêu thương,
Cho lòng thêm chút ấm...”

Không phải chỉ có người thương, mà còn bạn bè, còn bao nhiêu kỷ niệm phải bỏ lại sau lưng:

“Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau,
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau,”

Có lẽ rất nhiều người đã tìm thấy mình qua tâm trạng đau lòng của TTT khi phải rời bỏ quê hương dấu yêu! Nhưng người ta nói đôi khi được đau khổ vì "người một trời yêu thương" cũng là một hạnh phúc mà người ta hay gọi là "Thú Đau Thương". Một nhà thơ Pháp cũng đã từng nói "Thà đau khổ vì người mình yêu, còn hơn là không có người yêu để đau khổ". Các bạn nghĩ sao?
Để thay đổi không khí cho bớt u sầu, Nhóm Sóng Xanh đã làm sân khấu tưng bừng rộn ràng hơn qua ca khúc "Bức Họa Đồng Quê" của Văn Phụng:

“Trời xanh xanh bao la mây trắng trắng trắng xóa
Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng.”

Tôi yêu thích những bài hát của Văn Phụng từ lúc còn nhỏ, nó song hành với tuổi thơ tôi qua những nhịp điệu vui tươi hồn nhiên mà lại rất lôi cuốn như: Ô Mê Ly, Ta Vui Ca Vang, và đặc biệt bài Ghé Bến Sài Gòn..., vì nó làm tăng thêm niềm tự hào về nơi chốn tôi đã được sinh ra và lớn lên: Sài Gòn.

Nhóm Sóng Xanh gồm 6 em ( 2 nam, 4 nữ) thuộc thế hệ thứ 2 trưởng thành ở Mỹ. Các em đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ, có công việc làm tốt, nhưng vẫn muốn gắn bó đời mình với âm nhạc Việt Nam. Tôi nhận ra trong đó có 2 em là học sinh Việt Ngữ (HB) của tôi cách đây gần 20 năm, tôi vui mừng khi thấy các em vẫn còn yêu và gắn bó với ngôn ngữ Việt và âm nhạc Việt. Đó là 1 tín hiệu đáng mừng vì thế hệ trẻ có khả năng kế thừa. Các em hát kèm theo những động tác nhẹ nhàng tạo cho bài hát thêm linh động. Với những bài hát này tôi thích nghe hợp ca, vì hát hợp ca có bè với những âm vực khác nhau, nó hòa hợp quấn quýt làm nên một giai điệu mới đầy sinh động. Đặc biệt các em mặc y phục thôn quê, các em gái trong chiếc áo bà ba duyên dáng gợi hình ảnh các cô thôn nữ miền Nam xinh xắn giúp người xem thấy lại không khí thanh bình vui tươi năm nào:
“Chàng trai vui câu ca thôn nữ cất tiếng hát

Em bé nô đùa rỡn luôn miệng tươi cười.”
Nhưng tất cả những hình ảnh êm đềm đó gần như biến mất sau tháng 4/75 và thay vào đó là hình ảnh người người trốn chạy cộng sản để đi tìm Tự Do. Họ chấp nhận:
“Trời mong manh ôi đời lênh đênh.
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ...”
Ca sĩ Phạm Hà đã quá xuất sắc khi truyền được cảm xúc tới người nghe qua bài “Lời Kinh Đêm” của Việt Dzũng. Tôi không phải là "thuyền nhân" mà vẫn thấy lòng rưng rưng với hình ảnh:
“Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục.
Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn.
Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen.”

MC Hoàng Dũng khi giới thiệu về bài hát đã cho biết trong chuyến tìm về các trại tị nạn nhân dịp 40 năm đã tìm thấy những ngôi mộ tập thể vài trăm người. Nhưng có lẽ họ còn may mắn hơn:

”Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mộ xanh...”

"Nấm mộ xanh" mà cũng là điều mộng ước sao? Thật quá đau lòng cho dân Việt tôi khi phải trốn chạy đi tìm Tự Do. Cái giá phải trả thật là quá lớn, chung quanh tôi có người đã lấy khăn thấm lệ, có lẽ họ đang nhớ lại ký ức buồn khi vượt biển. Tôi thấy lòng nao nao thương cho dân tôi, thương cho nước tôi, từ lòng thương đó tôi nhớ lại lịch sử nước tôi không chỉ có những trang đau buồn mà còn có những trang lịch sử tự hào chất ngất. Trên sân khấu nhóm ca của Ngàn Khơi đang hùng dũng cất cao tiếng hát như khơi dậy ý chí kiêu hùng lưu truyền từ xa xưa của tiền nhân Việt Nam

“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
Của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.”

Chung quanh tôi đã có những tiếng hát theo, những nhịp chân đã bắt đầu vì lời bài hát như đã ngấm vào tim từ những ngày còn thơ cắp sách đến trường, mấy ai mà không thuộc, không nhớ?

Bạch Đằng Giang là một trong nhiều sáng tác hùng ca của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ông sinh tại Cần Thơ, là nhạc sĩ "đại cổ thụ" của phong trào nhạc hùng ca, sử ca phục vụ giới thanh niên, sinh viên và học sinh. Các sáng tác của ông có giá trị nghệ thuật cao và nói lên được hoài bão, ước mơ của thanh thiếu niên Việt Nam như các bài: Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Lên Đàng, Tiếng Gọi Thanh Niên... Đặc biệt bài Tiếng Gọi Thanh Niên sau này đã trở thành Quốc Ca VNCH. Phần lớn nhạc phẩm của ông sống mãi trong nền âm nhạc Việt Nam và có lẽ trong tâm hồn những người dân Việt yêu nước không ít thì nhiều đều có ghi dấu ấn những bài hùng ca của ông. Xin trân trọng biết ơn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã cho chúng ta có những bài hùng ca để đời ghi dấu ấn những trang lịch sử oanh liệt của cha ông ta đã đánh thắng vẻ vang giặc Tàu xâm lược phương Bắc. Nhờ những bài hát ấy mà bao thế hệ Việt Nam sau này vẫn còn nhớ và tự hào về những chiến công hiển hách của tổ tiên. Ông đã chứng minh lịch sử Việt Nam thời nào cũng có anh hùng hào kiệt nổi lên cứu nước.

Trên sân khấu cả dàn nhạc và nhóm ca Ngàn Khơi đang hào hùng hát lời kết bài "Bạch Đằng Giang" như một lời nhắn nhủ chung đến toàn thể con dân Việt dù ở bất cứ nơi đâu:

“Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng..., để cho nòi giống soi chung.”
Sau đó không khí như lắng đọng lại với giọng ca mượt mà của Mộng Thủy như ru lòng người vào với "Quê Hương Thu Nhỏ" của Nguyễn Đình Toàn, nghe sao mà da diết:
“Từ khi ta bước đi mới hay mình đã mất
Trông ra nơi nào cũng thấy quê hương lượn quanh”

Cảm xúc này của tác giả khiến tôi nhớ lại những ngày tháng khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ (Michigan), nhìn quanh lúc nào tôi cũng thấy thấp thoáng hình bóng quê nhà. Nỗi nhớ nhà như lúc nào cũng vây quanh, một lần được đi chơi Chicago, chỉ cần thấy “đầu đen” là tôi đã thấy bồi hồi, còn được nhìn thấy chữ Việt đâu đó, ẩn hiện trên các bảng hiệu là tôi đã thấy lòng xúc động, mừng rỡ khôn cùng

"Quê Hương Thu Nhỏ" là một bài hát với ca từ đẹp, sâu lắng, như ru lòng người trở về cố hương để cho lòng mình đắm chìm với những ước mơ "làm sao khi tóc ta thay màu, lòng ta vẫn tìm lại được ra bao hình bóng đã phai mờ" rồi lòng bâng khuâng cảm thấy:

“Một cơn gió lướt qua cũng nghe lòng tha thiết
Tưởng một mùi hương nơi vườn cũ bay theo mình"

Tôi biết đây là một show ca nhạc kén chọn khán giả, vì không có những “ngôi sao” sáng chói , với những y phục “hấp dẫn, khêu gợi” xốn xang mắt người xem. Những nghệ sĩ trình diễn ở đây đa số mặc áo dài Việt Nam truyền thống hay những áo bà ba mộc mạc, chân quê nhưng thấm đẫm tình tự quê nhà. MC Y Sa suốt 4 giờ trình diễn vẫn chỉ một chiếc áo dài designed theo lối mới trông rất bắt mắt, nhưng vẫn duyên dáng ưa nhìn với những lời giới thiệu đơn sơ nhưng sâu sắc. Ở đây không có những màn múa “bốc lửa” khiến người xem phải bật dậy gào rú, nhưng là những hùng sử Quê Hương khiến người nghe cảm thấy máu cuồn cuộn chảy trong tim để thấy lòng tự hào dân tộc dâng cao, rồi lòng rưng rưng “Sao thương quá Việt Nam ơi!”.
Chương trình được kết thúc với sự trở lại của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi qua 2 bài hát “Việt Nam Việt Nam” của Phạm Duy và “ Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang, dưới sự điều khiển của Nữ Nhạc Trưởng Nguyễn Bội Cơ. Nếu nói về chương trình nhạc "Hành Trình Quê Mẹ" mà không nói qua về nữ nhạc trưởng chính này, quả là một điều thiếu sót. Chị đã đam mê âm nhạc và học piano từ năm 8 tuổi và là người VN duy nhất theo học tại Juilliard, trường nhạc danh tiếng ở New York. Chị là một trong hai thạc sĩ ngành chỉ huy tốt nghiệp khóa 2000- 2003 của trường âm nhạc Curtis (Philadelphia). Nữ nhạc trưởng thường hiếm thấy hơn nam nhạc trưởng, nhưng theo chị thì "Người nữ nhạc trưởng có điểm mạnh là linh hoạt, mềm dẻo hơn nam nhạc trưởng. Vì phụ nữ thường tinh tế và nhạy cảm hơn, có những điều người ta không nói vẫn có thể cảm nhận được.”

Cả khán phòng như cùng hát theo một bài hát quá quen thuộc của người Việt Nam. Nó gợi lên trong lòng người nghe những cảm nghĩ yêu thương và tự hào về quê hương Việt Nam:

Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời

Bài hát lúc đầu nằm trong phần kết thúc của trường ca Mẹ Việt Nam, nhưng thường được hát thành một bài riêng. Vì giai điệu hùng tráng, lời ca chứa đựng lòng yêu nước nên có người cho rằng nó có tính cách của một bài quốc ca. Nó đã từng một thời được đề nghị làm quốc ca Việt Nam Cộng Hòa thay cho bài Tiếng Gọi Thanh Niên. Tiếp theo sau là bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo nghễ" nổi tiếng trong phong trào Du Ca Việt Nam do Du Ca Trưởng Nguyễn Đức Quang sáng tác:

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Như những lần tập hát Du Ca, mỗi lần bài hát này được cất lên là lòng tôi đều cảm thấy một niềm kiêu hãnh đang dâng ngập tràn trong trái tim: “ Từng ngày qua Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi” Ngày nay bài hát này không chỉ được hát ở hải ngoại, mà qua you tube được phổ biến ghi nhận lại những cảnh xô xát giữa đồng bào, sinh viên và công an trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Saigon, Hà nội, lời bài hát đã được vang lên như một thách thức vượt qua nỗi sợ hãi để đứng lên đấu tranh cho quê hương:

"Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng".
Chúng tôi ra về mà trong lòng như vẫn còn vang vọng hào khí của lời hát:
“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam.”

Cám ơn Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đã cho chúng tôi một buổi chiều để những người còn có lòng với Quê Hương có dịp ngồi lại với nhau, cùng nhau thưởng thức những bài hùng sử ca đầy hào hùng dân tộc, cũng như nghe những ca khúc khác về tình yêu và quê hương để thấy lòng mình thắm đẫm tình yêu đất nước dân tộc. Người ta nói nghệ thuật cao quý là nghệ thuật đi tới được con tim người thưởng thức. Chiều nhạc Ngàn Khơi hôm nay đã đạt được điều đó

Ngoài ra nhờ chiều nhạc này mà chúng tôi có dịp nhớ lại những kỷ niệm đẹp của một thời xa xưa.., được sống lại dĩ vãng của tuổi thanh xuân nơi quê nhà. Trời Cali mấy hôm nay bỗng nhiên trở gió lạnh, tôi kéo cao cổ áo khoác để che làn gió lướt mà tưởng đâu đây một mùa hương cũ từ quê nhà bay theo mình.
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT