Đời Sống Việt

Những bước lang thang... về miền quá khứ (kỳ 2)

Wednesday, 11/11/2015 - 08:07:45

“Tôi cũng là 1 thuyền nhân tị nạn khi mới 12 tuổi, nên rất xúc động khi biết được những tin tức về người tị nạn ở Syria”.

Viết để tặng a/c N G H và bạn hữu của anh trong SĐ 18 BB

Bài PHƯỢNG VŨ

Lang thang về miền quá khứ... mà xe đã đến cổng “USS Midway Museum”, chúng tôi đã có vé sẵn, nên tuần tự xếp hàng vào trong. Hàng không mẫu hạm USS Midway bắt đầu hoạt động từ tháng 9/1945, ngay sau khi chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ 2. USS Midway là chiếc tàu lớn nhất thế giới cho đến năm 1955, nó quả là một con tàu khổng lồ với chiều dài 1001 ft (so với tàu Titanic nổi tiếng thế giới chỉ có 880 ft), chiều cao của nó ngang với tòa nhà 20 tầng và nặng 70,000 tấn. Midway có thể chở 80 máy bay các loại, nó có 3 thang máy dùng để di chuyển các máy bay từ tầng trên (flight deck) xuống tầng dưới, mỗi thang máy trọng tải là 110,000 pounds. USS Midway đã hoạt động gần 47 năm, ngoài sự dự trù và sau này nó đã biến thành “Tàu Viện Bảo Tàng” được nhiều người thăm viếng nhất thế giới. Số khách thăm viếng đến nay đã vượt qua con số 4 triệu người.

Từ khi mở cửa vào tháng 6 /2004, người Việt Nam thường hay tổ chức tham quan USS Midway, nhất là vào dịp 30/4, các dịp lễ lớn, hay sau các cuộc họp mặt thân hữu khắp nơi...Vì đối với người Việt Nam USS Midway là con tàu gắn bó với dân Việt Nam, nó đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam và đáng ghi nhớ hơn hết là Midway đã giúp di tản khoảng 130,000 người Việt Nam khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Một cuộc di tản nhân đạo lớn chưa từng thấy. Do đó điểm đầu tiên mà chúng tôi gặp chính là những hình ảnh về cuộc di tản 30/4/75, bạn có thể xem video quay lại cảnh người Việt Nam khốn khổ ra sao khi chạy trốn cộng sản để đi tìm Tự Do. Những hình ảnh lê thê lếch thếch với khuôn mặt sợ hãi, thất thần, rồi cảnh gia đình lạc nhau mếu máo kiếm tìm trong hoang mang lo sợ trước viễn ảnh tương lai? Rồi cảnh các quân nhân trên tàu làm việc vất vả ngày đêm để cứu trợ đồng bào Việt Nam bỏ nước ra đi. Họ nhường tất cả cho người tị nạn kể cả phòng ngủ trên tàu để làm chỗ chứa những người già, em bé. Họ chăm sóc từ miếng ăn, viên thuốc, từ quần áo cho tới chăn mền để những người tị nạn xơ xác, tơi tả khi rời bỏ quê hương có được chút ấm lòng. Họ ôm ấp vào lòng đầy những yêu thương trìu mến với những em bé lạc mất cha mẹ... Quả thật người Mỹ quá nhân đạo! Họ đã bày tỏ tấm lòng đồng cảm sâu xa với những mảnh đời tị nạn phải bơ vơ bỏ xứ mà đi. Nhìn những hình ảnh này tôi chợt nhớ tới hoàn cảnh tị nạn của người Syria hiện nay, có lẽ cũng đau khổ không kém dân tị nạn Việt Nam khi xưa. Cuối tuần qua đông đảo người Việt ở Little Saigon đã làm một việc hết sức ý nghĩa và chan chứa tình người, khi tham gia đi bộ “Walk4Refugees” để gây quỹ giúp y tế, thuốc men cho người tị nạn Syria. Hàng trăm ngàn người dân Trung đông đã vượt qua bao gian khổ khó khăn bằng đường bộ, đường biển thậm chí bằng cái chết để chạy trốn chiến tranh, độc tài, độc ác tàn bạo... đi tìm tự do. Họ đã làm rung chuyển lương tâm nhân loại và đã tìm được sự cảm thông trong lòng người Việt Tự Do. Cuộc đi bộ “Walk4Refugees” này đã được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, dịch vụ, thương mại trong vùng. Một điều rất đáng ghi nhận là giới trẻ, số học sinh, sinh viên gốc Việt tham gia rất đông, chiếm tới 2/3 số người tham dự. Bác sĩ Jonathan Bảo Huỳnh, đại diện BTC khi trả lời phỏng vấn báo chí cho biết: “Tôi cũng là 1 thuyền nhân tị nạn khi mới 12 tuổi, nên rất xúc động khi biết được những tin tức về người tị nạn ở Syria”.

Ở điểm 30/4 này, bên cạnh những hình ảnh dân VN “tang thương” khi chạy tị nạn là hình ảnh những con người tị nạn đến được bến bờ Tự Do, và nay họ đã trở thành công dân Mỹ thành đạt trên mọi lãnh vực. Có người trở lại để phục vụ với tư cách là chiến sĩ hải quân Mỹ. Có bức ảnh chụp “The Nguyen Family” với đầy đủ 3, 4 thế hệ quây quần bên nhau trong ngày Tết với y phục cổ truyền Việt Nam trên quê hương thứ 2 trông thật hạnh phúc.

Khi bước vào tàu mọi người có thể tới lấy máy “audio” để có thể đeo vào tai và nghe thuyết trình đầy đủ chi tiết cho từng điểm thăm về lịch sử cũng như chức năng và quá trình hoạt động của các chiến đấu cơ của Mỹ. Khu bên cạnh dành cho những ai muốn thử sức "nhào lộn" như phi công, khi chúng ta thấy các chiến đấu cơ biểu diễn nhào lộn trên không.

Sau đó chúng tôi dùng thang máy để lên tầng trên cùng, nơi 2 bên cánh là bãi đậu các máy bay và ở giữa là đường băng để các máy bay cất cánh lên hoặc đáp xuống chiến hạm USS Midway. Nếu muốn, các bạn tha hồ chụp hình với các loại máy bay chiến đấu của Mỹ, thậm chí chụp hình chung với các chàng phi công hào hoa đẹp trai từng một thời tung hoành ngang dọc giữa trời mây non nước bao la. Và cũng chính nơi “flight deck” này đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng vào thời diễm di tản 30/4, chiến hạm đã cứu vớt hàng trăm tàu thuyền rời bỏ Việt Nam để đi ra biển, bên cạnh đó hàng bao nhiêu trực thăng chở người tị nạn cũng đổ xuống đây. Trong đó nổi bật nhất là ngày 29/4/75, một phi công Việc Nam đã liều lĩnh chở vợ và 5 đứa con trên chiến đấu cơ của mình cất cánh từ đảo Côn Sơn xin đáp xuống trong điều kiện “sân bay” đã chứa đầy phi cơ, nhưng ông kiên quyết bay vòng vòng trên đầu đợi xin ở dưới “clear” sàn để ông có thể đáp xuống... Thấy như vậy quá nguy hiểm, nhất là phi cơ chở quá tải (2 người cho 1 ghế), thuyền trưởng đã quyết định huy động tất cả lực lượng trên tàu để ra sức đẩy tất cả các trực thăng xuống biển (ước tính giá khoảng 10 triệu đô) để lấy chỗ cứu gia đình viên phi công VN. Cuối cùng trong hoàn cảnh trời đang mưa nhẹ, viên phi công VN đã xuất sắc đáp xuống chính xác an toàn giữa tiếng vỗ tay reo hò của các quân nhân trên tàu. Hành động quả cảm của viên phi công Việc Nam đã cho máy bay đáp xuống an toàn tuyệt vời, đã được thuyền trưởng chúc mừng, khen ngợi và nó cũng đã được ghi nhận là nổi tiếng nhất của lịch sử USS Midway. Sau này khi nghe thuyết trình về sự lên xuống của các máy bay trên Midway, mới thấy thật không dễ dàng chút nào như khi máy bay đáp xuống các phi đạo dưới đất. Tất cả chỉ trong tích tắc không đầy 1 phút ( nói chính xác là vỏn vẹn đúng 45 giây) từ khi bánh máy bay chạm sàn (touchdown point) cho đến khi phi công điều khiển thế nào cho máy bay móc vào được, nếu không máy bay sẽ bay đi luôn. Như vậy mới biết phi công VNCH của mình thật can đảm và tài giỏi vô cùng. Quả là xứng đáng như lời hát:

"Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
U... u... u... u... u... u...
Ôi phi công danh tiếng muôn đời"

Trước khi ra về tôi rủ chị H xuống tầng dưới. Midway có khoảng 4500 nhân viên, nên có tới 4 nhà bếp để có thể phục vụ 13,000 bữa ăn mỗi ngày, hèn gì mà khi đi xuống tầng hầm chúng tôi thấy liên tiếp nhiều quầy thức ăn với “người đứng phục vụ” y như thật. Mấy khu ăn uống đẹp như nhà hàng, có những khu tiếp tân sang trọng riêng. Điều ngạc nhiên là tôi thấy có một ngôi nhà nguyện nhỏ (Chapel) với tấm bảng có dòng chữ “Chúng tôi khuyến khích đời sống tâm linh của mỗi người, dù là bất kỳ tôn giáo nào ( Anh giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Do Thái giáo, Công Giáo, Phật giáo...) vì người có niềm tin tôn giáo sẽ có đời sống đạo đức tốt đẹp hơn, có lòng từ tâm nhiều hơn. Đúng là thế giới hữu thần khác với thế giới cộng sản vô thần, nơi mà tôn giáo luôn bị đánh phá và tìm cách diệt bỏ để chỉ tôn thờ 1 lãnh tụ mà thôi. (Tin mới nhất từ Saigon cho biết: Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đang bị chính quyền bao vây, đập phá, dù nó là cơ sở tôn giáo đã có mặt hơn 150 năm, và được xem như di tích văn hóa lịch sử lâu đời). Đi tiếp vào trong còn có bưu điện để nhân viên trên tàu có thể liên lạc thư từ với gia đình. Rồi có cả một bịnh viện với các phòng khám bệnh và cả phòng giải phẫu với cảnh các bác sĩ đang trong ca mổ cho bịnh nhân (giống y như thật), rồi tiệm thuốc tây. Tôi ngạc nhiên khi thấy có tới 3 phòng nha khoa để chữa răng... Quả đúng là một thành phố trên biển cả (City of Sea). Thử hình dung 70 năm trước, Midway bắt đầu hoạt động (9/1945), ta mới thấy hết sự văn minh tiến bộ của Hải quân Mỹ, không chỉ là sự hùng mạnh về quân sự, về vật chất mà còn là sự quan tâm chu đáo về các nhu cầu cần thiết hàng ngày của con người nhất là nhu cầu tâm linh dù là ngoài biển khơi. Một môi trường cho “tình người” và lòng nhân ái được phát triển, do đó họ sẽ không vô cảm trước nỗi đau của người khác, mà luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ. Có lẽ nhờ vậy mà Midway đã cưu mang hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam dịp 30/4, họ đã tỏ ra bao dung lo lắng, thương yêu đồng bào tôi trong cơn hoạn nạn, hơn là nhà nước CSVN hiện tại đối với dân. Hòa bình lâu rồi nhưng dưới sự cai trị của họ dân tôi vẫn sống lầm than cực khổ:

"Sống lầm than, sao lại phải lầm than?

Bom thôi rơi tiếng súng cũng im rồi
Sao dân tôi vẫn còn trong đói khổ
Cho nụ cười vẫn chưa nở trên môi"
Rời Midway lúc trời trong nắng đẹp, nhìn mọi người tấp nập ở bến cảng thong dong vui chơi trong cảnh thanh bình trong khi những bản tin mới nhất từ quê nhà cho thấy xã hội V.N. càng ngày càng băng hoại, đạo đức mỗi lúc mỗi xuống cấp, tình người càng lúc càng đi vắng. Bọn cầm quyền càng lúc càng giàu có, chơi những trò chơi lố bịch, trong khi người dân thì càng ngày càng đói khổ lầm than. Tôi băn khoăn, đau lòng thầm hỏi:
**“Còn ai thương dân tôi, đang đau khổ một trời
Đang cúi đầu im tiếng, ngậm buồn mà nghe giọt nước mắt rơi xuống đời
Còn ai thương dân tôi, sau cuộc chiến rã-rời
Sau trăm nghìn mất-mát, vết thương sao vẫn còn rỉ máu tươi chưa thôi”**(PVH)

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT