Đời Sống Việt

Những bước lang thang... về miền quá khứ. (kỳ 1)

Wednesday, 04/11/2015 - 07:53:09

“Anh khỏi đố, vì khi giải đáp đố đúng, phải có thưởng. Bà xã anh đã khoe với tôi là có chụp hình chung với phu nhân TT Thiệu rồi!”

Viết để tặng a/c N G H và bạn hữu của anh trong SĐ 18 BB

Phượng Vũ

Chị H điện thoại rủ tôi tham dự bữa tiệc thân hữu của Sư đoàn 18 BB. Lần này có sự tham dự đặc biệt của phu nhân T.T. Nguyễn văn Thiệu, nên họ giới hạn khách mời. Ông xã chị là phóng viên nhiếp ảnh chiến trường ngày xưa của SĐ 18 BB nên ưu tiên có giấy mời. Rất tiếc là tôi không thể bỏ lớp dạy Việt Ngữ mỗi chiều Chúa Nhật, nhưng tôi nhận lời ngày mai đi thăm chiến hạm “USS Midway Museum” ở San Diego với một số anh chị về từ các tiểu bang xa.
Tối đó tôi nhận được email kèm theo 1 tấm hình của anh H gửi, “Đố chị biết bà xã tôi chụp hình chung với ai?”

“Anh khỏi đố, vì khi giải đáp đố đúng, phải có thưởng. Bà xã anh đã khoe với tôi là có chụp hình chung với phu nhân TT Thiệu rồi!”

Hình như khi con người ta lưu luyến với quá khứ, thì người ta cũng quý mến những con người thuộc về quá khứ của mình. Chị H kể lại bà TT Thiệu được nhiều người ái mộ đến xin chụp hình chung. Bà năm nay đã 90 tuổi nhưng trông vẫn còn đẹp phúc hậu và khỏe mạnh.

Sáng hôm sau chúng tôi đến điểm hẹn đúng giờ, thấy anh T trong ban tổ chức đứng vẫy tay mời trước cửa tiệm phở 54. Bước vào tiệm phở thấy các “chiến hữu” từ các bàn bắt tay chào nhau vồn vã niềm nở. Ai cũng muốn ngồi chung bàn, nhưng vì không đủ chỗ nên phải ngồi làm nhiều bàn. Trong thâm tâm ai cũng nghĩ anh em lâu lắm mới có cơ hội gặp nhau, nên đều muốn có dịp “mời bạn” để thể hiện tình “huynh đệ chi binh” thắm thiết, nhưng cuối cùng anh T bất ngờ cho biết anh đã trả tiền hết cho cả nhóm rồi! Hình như cái máu hào hoa "lính mà em!" vẫn còn quanh quất đâu đây dù là phong trần gió sương đã điểm bạc trên tóc các anh khá nhiều.

Xe khởi hành chạy được một lát thấy anh T chuyền xuống phía sau một bịch vừa ổi, vừa khế “cây nhà, lá vườn” lại còn cẩn thận kèm thêm 1 con dao để tiện việc cắt, gọt. Thật là chu đáo như thuở nào các anh chiến đấu gian khổ “vào sinh ra tử” lo lắng, cứu mạng nhau trong gang tấc. Do đó đôi khi tình chiến hữu còn gần gũi thân thiết hơn tình anh em ruột thịt. Hôm qua họp mặt tiệc tùng văn nghệ ồn ào nên không có những giây phút tâm tình. Hôm nay loáng thoáng nghe kể về các anh, những con người hào hùng ngày xưa, từng quên hạnh phúc riêng để "rày đây mai đó" theo đời binh nghiệp nổi trôi khắp mọi miền đất nước:

"Anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh?"

Anh C từng một thời là sĩ quan tiểu đoàn trưởng chiến đấu oanh liệt, vượt qua bao nhiêu làn tên mũi đạn. Các anh đã “vào sinh ra tử” gan dạ đương đầu với những đợt tấn công biển người khốc liệt của cộng quân để bảo vệ từng làng xã cho vùng đất tự do VNCH, rồi có những lần bị thương nặng phải về điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Nhắc tới TYV Cộng Hòa, tôi lại nhớ đến những lần đi thăm các anh thương bệnh binh do trường GL thỉnh thoảng tổ chức vào những dịp cuối năm. Thời đó các trường nữ trung học hay phát động những chiến dịch "Ủy lạo các chiến sĩ tiền tuyến" bằng cách viết thư, hay thêu khăn tặng. Dĩ nhiên là tôi chọn "viết thư" vì không tốn giờ thêu khăn (mà tôi thì lại rất vụng về trong vụ thêu thùa này). Mấy đứa bạn thấy tôi viết thư nhanh quá thì đòi cho mượn xem để copy ý, vì tụi nó ngồi “nặn óc” hoài không biết viết gì. Đâu phải thư gửi cho bồ, (mà thiệt ra "em còn bé lắm" chưa biết yêu là gì, làm sao có bồ?) nên tui cho tụi nó mượn đọc thoải mái. Xem xong tụi nó khen hay quá, "Chắc ai đọc sẽ bị "rụng tim" hết!"
"Chỉ để các anh đọc giải sầu. Đâu có ai biết ai đâu mà lo "rụng tim".
Sau đó có đứa đề nghị, "Thôi mày viết hay quá nên viết giùm tao đi, rồi chiều nay tao dẫn đi ăn bò bía".
Té ra là tui "viết văn" có "nhuận bút" từ thời xa xưa rồi. Tới lúc ghi danh tình nguyện đi thăm các anh thương bệnh binh ở TYV Cộng Hòa là “có tui đi hàng đầu”, mấy đứa khác “nhát hít” không dám đi. Xe hiệu đoàn trường Gia Long chở chúng tôi đi, những hôm đó TYV Cộng Hòa tràn ngập tà áo dài trắng của các nữ sinh GL. Chúng tôi được hướng dẫn chia nhau vào thăm và tặng quà cho các anh tại các phòng tương đối đã gần bình phục. Nhìn hình ảnh các anh bị thương, có anh bị cụt tay, cụt chân..., các anh đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước, tôi thấy lòng sao ngậm ngùi, "Ôi quê hương đã lầm than. Sao còn, còn chiến tranh?". Có những anh bi quan, chán đời quay mặt vào trong, không muốn gặp ai, nhưng cũng có nhiều anh vui vẻ tiếp chuyện, cười đùa với chúng tôi. Có anh "máu nghệ sĩ" nổi lên, còn vói tay lấy cây đàn treo trên vách, hát tặng chúng tôi bài "Người yêu của lính" - một bài hát thời thượng lúc bấy giờ. Giọng anh run run tràn đầy cảm xúc:

"Nếu em không là người у…êu của lính...
Ai sẽ nhớ em chiều rừng hành quân
Ai băng gió sương cho em đợi chờ..."

Đặc biệt tới điệp khúc, khi nhắc đến "em gái Gia Long" anh hát da diết làm tụi tôi cũng bị xúc động theo, có đứa mau nước mắt đã lấy khăn tay ra chậm chậm.

“Hỡi người em gái Gia Long ơi
Hỡi người em gái chốn xa xôi
Áo trinh thơm mùi giấy...”

Ôi những người lính VNCH rất đáng yêu, đáng cảm phục, luôn dũng cảm bảo vệ tự do cho tổ quốc. Vậy mà nghe nói sau 30/4/75 khi cộng quân chiếm được Saigon, những người lính đang đau đớn vì bị thương tật..., có khi đi còn phải có người dìu, đã bị cộng quân tàn nhẫn xua đuổi ra khỏi bịnh viện lê lết trên các hè phố, thậm chí có người vừa lết vừa cầm theo chai chuyền nước biển. Không biết bọn họ còn lương tâm con người không? Nói tới đây tôi liên tưởng tới một lời hát của P.V.Hưng, mà mỗi lần hát lên lòng tôi vẫn tràn đầy xúc động:

"Ngòi của anh đã gẫy, hãy mài trên xương tôi ,
chấm máu tôi mà viết về lương tâm con người.”

Qua những mẩu chuyện trao đổi với các anh tôi mới biết sư đoàn 18 BB đóng ở Long Khánh, có nhiệm vụ quan trọng là chặn đứng cuộc tiến quân của Cộng quân về Saigon. Và 1 trong những chiến thắng lớn cuối cùng của sư đoàn 18 thuộc quân đội VNCH là đã tiêu diệt cả sư đoàn CSBV, làm kẻ thù phải run sợ bàng hoàng, kêu la thống thiết. Đó là vụ ném bom CBU-55 (Cluster bomb units) xuống ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, trong trận Xuân Lộc, vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Khả năng sống sót sau khi một trái bom CBU bị nổ là hoàn toàn không có.

Anh H cho biết hôm sau vụ nổ CBU, chính anh là người trở lại để chụp hình ảnh làm tài liệu. Anh kể lại: "Bọn chúng chết ngổn ngang nhiều lắm với đủ các tư thế khác nhau, từ trong hầm trú ẩn ra tới ngoài công sự..." Địa điểm nổ CBU là nơi quân chủ lực BV ém quân ở 1 dốc rất sâu, như một công sự tự nhiên khá an toàn, cây cối rậm rạp. Chúng tưởng là quá an toàn và chờ ngày tiến quân về chiếm Saigon, nhưng không ngờ chúng đã chết gọn gàng nhanh chóng. Sau này Tướng Lê Minh Đảo (tư lệnh sư đoàn 18) khi được phỏng vấn đã trả lời: “Tôi không cần biết VNCH còn mấy quả bom loại này, CQ cứ tấn công thì tôi sẽ... tiêu diệt chúng”; và sau này các cấp chỉ huy CSBV đã nhiều lần đến trại tập trung để hỏi ông về quả bom này... mà họ cho là bom neutrons của Mỹ (?).

Với lòng quyết tâm chiến đấu trước một cuộc “thư hùng sinh tử” không lùi bước trước kẻ thù, nên các anh đã bật khóc khi 30/4 nghe tin “Dương văn Minh kêu gọi buông súng đầu hàng”. Các anh tiếc thương những đồng đội hào hùng đã phải hy sinh oan khiên tức tưởi, một số đã tự sát để giữ tròn khí tiết. .. Các anh luôn hãnh diện phục vụ gần cả một đời cho binh nghiệp nhưng rồi cũng tan tành, rồi cả miền Nam mất vào tay giặc. Những đồng đội từng chiến đấu, một thời "vào sinh ra tử" bỗng dưng tan tác như chỉ sau một cơn ác mộng:

"Ai thấu cho oan khiên này?
Người có lắng nghe... Tiếng ai than dài?"

Sau đó các anh và bạn bè lại bị tù đày nghiệt ngã bao nhiêu năm trong những trại lao tù của bọn Cộng sản man rợ, để rồi giờ đây ngồi ngẫm lại:

"Bạn bè của tôi,
Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc...
"Bạn bè của tôi là nhân chứng cho cả thế hệ này
Mười thằng bạn thân, mười con số trong một kiếp trần
Thằng thì đã khuất bỏ mạng rừng xanh
Thằng thì cụt mất cánh tay ..." (PVH)

Hôm nay trong lòng nhiều anh "nỗi buồn gãy súng" vẫn chưa nguôi, chỉ biết sống âm thầm với những vết thương hình như không lành được trong lòng...

"Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người..."
(còn 1 kỳ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT