Sức Khỏe

Những bệnh ngoài da của trẻ sơ sinh (2)

Saturday, 12/10/2019 - 01:26:27

Cũng nên phân biết các loại thuốc bôi ngoài da có trên thị trường Mỹ: ointment, cream, lotion hay liquid, tùy theo độ nhờn, trong đó ointmnet có độ nhờn cao nhất. Ointment và cream làm dịu da tốt hơn nhưng ointmnen tạo thành màng ngăn da tiếp xúc với không khí, cream thì khô ngay khiến không khí có thể tiếp xúc với da.

Em bé sơ sinh thường có một làn da trắng hồng mịn màng đầy những lông tơ khiến cha mẹ rộn lên niềm thương yêu khi nhìn ngắm em. Nhưng đôi khi em bé lại bị những bệnh ngoài da khiến em bớt vẻ mũm mĩm dễ thương làm cho cha mẹ rất đỗi lo âu. May thay những bệnh này thường chỉ thoáng qua và tự hết đi mà không cần chữa trị.
Lần trước đã nói tới vài bệnh. Lần này xin nói tiếp 2 “bệnh” khác

Hâm tã (diaper rash)

Hâm tã là một vấn đề ít xẩy ra cho con nít Việt Nam thời xa xưa nhưng rất thông thường ở con nít trên xứ Mỹ. Nguyên nhân có lẽ do xưa kia trẻ em Việt ít mặc tã mà mặc quần thủng đít, được “xi” đái ỉa thường xuyên, hoặc chỉ mặc tã vải không có bọc bao ni lông bên ngoài. Trong khi đó, trẻ em trên xứ Mỹ mặc tã ni lông kín mít, tuy rất tiện lợi cho cha mẹ hay người giữ trẻ nhưng lại góp phần không nhỏ vào việc gây ra chứng hâm tã.

1. Triệu chứng
Bệnh hâm tã rất dễ nhận thấy: vùng mặc tã của các em bé bị đỏ, sưng, nhiều khi trông ướt, đôi khi có những mụt nhỏ đi kèm. Em bé bị hâm tã thường khóc, khó chịu, nhất là khi được thay tã .
Bệnh hâm tã có thể được chữa tại nhà bằng những thuốc mua tự do ngoài quầy. Tuy nhiên nếu qua vài ngày mà không đỡ hay nặng thêm, hâm lan ra khỏi vùng mặc tã, kèm theo sốt, chảy nước hay mủ, mọc mụt nước. . . , cần mang em bé đi khám bệnh.

2. Nguyên nhân
- Làn da nhậy cảm của các em bé bị tiếp xúc với nước tiểu và phân lâu sẽ bị tấy                                        và viêm đỏ. Các em đi cầu nhiều sẽ dễ bị hâm hơn vì phân dễ làm tấy da hơn.
- Cho ăn thức ăn mới, nhất là thức ăn đặc, sẽ làm tính chất phân của em bé thay đổi gây ra hâm tã. Thay đổi thức ăn cũng có thể làm em bé đi cầu nhiều hơn đưa tới hâm . Nếu em bé bú sữa mẹ, thức ăn người mẹ ăn vào cũng có thể làm phân em bé bị thay đồi, gây ra hâm.
- Dùng thuốc bôi hay giấy chùi mới, tã loại mới. . . cũng gây ra hâm.
- Nhiễm vi trùng hay vi khuẩn. Vùng mặc tã rất dễ bị nhiễm trùng vì ẩm ướt và kín. Nhiễm trùng thường bắt đầu ở nếp gấp của da và lan ra ngoài, thường có những mụn đỏ quanh các nếp gấp.
- Em bé có làn da quá nhậy cảm, thí dụ như do bệnh dị ứng da eczema, sẽ rất dễ bị hâm.
- Tã hay quần áo quá chật
- Uống thuốc trụ sinh làm tất cả các vi trùng tốt hay xấu đều bị chết khiến cho vi khuẩn (nấm) có cơ hội mọc lên. Người mẹ cho con bú mà uống trụ sinh cũng có thể ảnh hưởng đến em bé.

3. Chữa bệnh
- Các lọai thuốc bôi:
Cách chữa hâm tã tốt nhất là giữ cho da em bé khô và sạch tất cả mọi lúc. Có thể dùng những thứ thuốc mua tự do không cần toa như A+D ointment, Balmex, Desitin, Hydrocortisone 0. 5 và 1%, Zinc oxide. Chất zinc oxide có trog nhiều loại kem chữa hâm tã, làm da dịu lại và bảo vệ làn da. Cũng có thể dùng kem zinc oxide bôi thường xuyên để phòng ngừa bị hâm tã.
Cũng nên phân biết các loại thuốc bôi ngoài da có trên thị trường Mỹ: ointment, cream, lotion hay liquid, tùy theo độ nhờn, trong đó ointmnet có độ nhờn cao nhất. Ointment và cream làm dịu da tốt hơn nhưng ointmnen tạo thành màng ngăn da tiếp xúc với không khí, cream thì khô ngay khiến không khí có thể tiếp xúc với da. Nên hỏi bác sĩ xem mình nên dùng loại nào.
- Phải cho da thoáng, tiếp xúc với không khí bằng cách bỏ tã ra một khoảng thời gian độ 15 phút, nửa giờ nhiều lần trong ngày. Không dùng bao bì hay tã quá chật. Dùng tã cỡ lớn trong suốt thời gian bị hâm. Tránh chùi chỗ hâm bằng giấy lau tẩm alcohol, hay rửa bằng nước và xà bông vì sẽ làm em khó chịu cũng như kéo dài bệnh ra. Trước đây chúng ta thường rắc phấn vào vùng tã để làm khô da, tránh ẩm ướt. Tuy nhiên hiện nay cách này không còn được các bác sĩ khuyên dùng nữa vì bụi phấn có thể bị em bé hít vào phổi gây hại.
- Nếu tự chữa không hết và đem em bé đi khám bệnh, bác sĩ có thể cho những kem thoa để chữa vi khuẩn (nấm) và kem chứa chất steroid nhẹ. Chỉ nên dùng kem có chất steroid theo lời dặn của bác sĩ vì những loại nặng có nhiều phản ứng phụ không tốt.

4. Phòng ngừa hâm tã
Có thể áp dụng những cách sau:
- Thay tã thường xuyên, thay ngay khi em bé ướt hay dơ tã.
- Rửa đít em bé mỗi lần thay tã với nước sạch hay khăn ướt. Không dùng giấy chùi có alcohol hay dầu thơm.
- Dùng khăn lông lau nhẹ cho khô, không cọ xát quá mạnh vì da em bé rất mỏng dễ bị tấy lên.
- Không quấn tã quá chặt khiến không khí không vào được và tã bị lằn lên da
- Bỏ tã ra vài giờ mỗi ngày, nếu có thể được, để da được khô và thoáng. Có thể đặt em bé trên một cái khăn lông lớn, không mang tã, và chơi với bé.
- Bôi một lớp mỏng vaseline hay chất zinc oxide lên vùng mặc tã sau mỗi lần thay tã.
- Sau mỗi lần thay tã nên rửa tay kỹ để tránh làm lây lan vi trùng hay vi khuẩn.

Rơm xảy

Chẳng biết tại sao người Việt mình gọi những đốm đỏ nhỏ trên da các em bé là rơm xảy. Lý do này cần đợi các nhà ngôn ngữ học tìm ra. Có điều người Việt biết là rơm xảy thường gây ra do em bị “nóng”, điều này thì người Mỹ cũng nghĩ giống vậy, chẳng thế mà tên tiếng Mỹ của rơm xảy là “heat rash”.

1. Triệu chứng
Rơm xảy hiện ra khi ống dẫn mồ hôi bị nghẽn và mồ hôi bị kẹt dưới da. Do đó không những trẻ em bị rơm xảy mà người lớn cũng có thể bị, thường là ở những nếp da gấp hay bị quần áo cọ xát. Trẻ em thì thường bị ở cổ, vai, ngực nhưng cũng có thể bị ở nách, khuỷu tay và háng.
Có 3 loại rơm xảy:
- Crystallina (mấy chữ này không biết dịch sao cho ổn, đành để nguyên chữ Mỹ): loại này nhẹ nhất, ống dẫn mồ hôi bị nghẹt phía trên, gần làn da nhất. bệnh nhân chỉ bị những mụt nhỏ xíu, mầu trong, dễ vỡ nhưng không gây ngứa ngáy khó chịu. Những mụt này tự hết đi nhưng có thể mọc lại khi trời nóng, ẩm.
- Rubra: mọc từ chỗ sâu hơn dưới da, do ống dẫn mồ hôi nghẹt chỗ sâu hơn. Người lớn bị những mụt này khi thời tiết nóng ẩm và họ phải nằm một chỗ lâu ngày. Trẻ em thường bị mụt này khi được 1 tới 3 tuần. Đây là những mụn đỏ, ngứa, ráp. Vùng bị mụt không có hay rất ít mồ hôi ra.
- Profunda: mọc sâu hơn, ít xẩy ra hơn, thường ở người lớn, ở những vùng ra nhiều mồ hôi khi vận động. Đây là những mụn nhỏ đặc mầu da người nổi trên da khiến da trông như da gà. Bệnh nhân có thể bị nghẽn không ra mồ hôi được, gây ra “heat exhaustion”, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh
Rơm xảy thường tự hết mà không cần chữa. Tuy nhiên, nếu kéo dài quá vài ngày hay nặng hơn lên hoặc có những triệu chứng nhiễm trùng như đau, sưng, đỏ, chảy nước hay mủ, hạch ở nách hay háng nổi lên, sốt, ớn lạnh. . . , nên đem em đi khám bệnh.

2. Nguyên nhân
Như trên đã nói, rơm xảy gây ra do ống dẫn mồ hôi từ tuyến mồ hôi ra da bị nghẽn khiến mồ hôi không tiết ra được mà đọng lại gây ra viêm và nổi xảy. Nguyên nhân vì sao những ống dẫn này bị nghẹt thì không biết rõ nhưng những yếu tố sau có thể đóng góp vào vấn đề:
- Ống dẫn mồ hôi chưa phát triển hết ở các em sơ sinh, chúng dễ vỡ ra làm mồ hôi bị kẹt dưới da. Chuyện này thường xẩy ra khi khí hậu nóng hay mặc quần áo quá nhiều. Các em đang bị sốt hay nằm trong lồng kính cũng có thể bị nghẹt ống dẫn mồ hôi.
- Khí hậu nóng và ẩm
- Vận động thể lý quá nhiều
- Mặc quần áo bằng vải không thấm nước khiến mồ hôi không thoát ra được
- Một vài loại thuốc có thể gây ra rơm xảy như Urecholine chữa bệnh bàng quang, Catapres chữa cao huyết áp, Accutane chữa mụn và Adriamycin chữa ung thư.
- Mặc quá ấm
- Bôi kem nhiều khiến lỗ chân lông bị bít

3. Phòng ngừa
Nên theo những cách sau để phòng ngừa bị rơm xảy:
- Vào mùa nóng nên cho em mặc quần áo mỏng, nhẹ, bằng cotton. Mùa đông cũng chỉ nên mặc vừa phải giống người lớn, không nên mặc quá nhiều làm người em bé bị nóng lên.
- Không mặc quần áo quá chật
- Ở trong chỗ mát, thoáng khí
- Tắm bằng nước mát với xà bông không có mùi thơm và không quá khô
- Tránh dùng kem và lotion khi không cần thiết


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT