Người Việt Khắp Nơi

Nhờ nhận ra mình trong một tấm ảnh, Andy Huỳnh kể lại chuyện thuyền nhân cho con nghe

Sunday, 16/07/2017 - 10:27:43

Hai vợ chồng đều là công nhân nhà máy, nhưng họ làm việc sớm khuya để bốn người con tốt nghiệp đại học. Jessica nói, "Chúng tôi là niềm tự hào của cha. Không có điều gì làm ông vui bằng nhìn thấy chúng tôi vào đại học." Jessica khoe người em trai kế cũng vừa mới tốt nghiệp.


ÔngAndy Huỳnh sống tại Winnipeg từ ngày được chính phủ Canada nhận làm người tị nạn hơn ba thập niên trước. (Jessica Huỳnh)


WINNIPEG - Đôi khi những tấm hình mới chụp, màu sắc rực rỡ, photoshop hoàn hảo... nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Đôi khi những tấm hình cũ kỹ của cách đây vài mươi năm, sắc màu đen trắng phai nhòa, đường nét không rõ, vậy mà khiến người ta giật mình nhìn sững. Rồi tấm hình cũ kỹ đó dần dần mở cánh cửa cho kỷ niệm và cảm xúc tràn ra, đôi khi biến thành từng giọt nước mắt.   


Andy Huỳnh, bên trái, tại trại tị nạn Galang,  Nam Dương năm 1980. Nhờ tấm hình này mà giờ đây các con mới biết chuyện vượt biển tìm tự do của ông. (John McEachern)

Đó là trường hợp của ông Andy Huỳnh, 55 tuổi, một trong hàng ngàn người tị nạn được các nhà ngoại giao Canada thẩm vấn và nhận vào đất nước này vào cuối thập niên 1980.  

Cách đây không lâu, chị gái của ông Andy gởi email cho ông, trong đó đính kèm câu chuyện của đài CBC News, thuật lại chi tiết các viên chức ngoại giao Canada đã làm những gì ở khu vực Đông Nam Á, để đưa hàng chục ngàn người tị nạn Việt Nam được định cư ở Canada.

Câu chuyện bao gồm tấm hình của nhân viên di trú Canada John McEachern đang phỏng vấn một nhóm thanh thiếu niên, ở trại tị nạn Galang ở Indonesia vào năm 1980. Chàng trai trẻ tuổi nhất mặc chiếc áo thun sọc ngang, mở to mắt, nhìn thẳng vào camera với vẻ mặt vừa ngây thơ vừa tò mò.
Chàng trai đó chính là Andy Huỳnh, lúc đó mới 17 tuổi.


Ông Andy Huỳnh và hai cô con gái Shannon và Jessica (Andy Huỳnh)

Ngồi tại nhà ở thành phố Winnipeg, ở miền tây Canada, ông Andy nói với đài CBC mới đây, "Không bút mực nào tả xiết những cảm xúc lẫn lộn của tôi, khi tôi nhìn thấy chính mình trong tấm hình này. Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể nhìn thấy mình của 37 năm trước. Tôi nghĩ tấm hình đó không bao giờ tồn tại. Trong tấm hình, tôi ngồi bên cạnh người anh ruột và người anh họ. Lúc đó chúng tôi đang được một người Canada phỏng vấn. Tiếng Anh của tôi tệ quá. Tôi nhớ rõ chiếc áo thun sọc ngang này. Đó là chiếc áo thun của UNICEF." UNICEF là Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc

Tháng 6 năm 1979, Andy cùng người anh ruột là Hưng, tìm đường thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam bằng cách lên một chiếc thuyền đánh cả nhỏ xíu, chật ních, với khoảng 200 người lênh đênh trôi vào vùng biển Nam Dương. Họ nằm trong số hơn 800,000 thuyền nhân rời bỏ đất nước, trong những năm sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản - tháng Tư năm 1975.

Ông Andy nói, "Chúng tôi lênh đênh khoảng bốn hoặc năm ngày trên biển. Chúng tôi bị hải tặc rượt theo nhưng họ không bắt được chúng tôi. Chuyến đi thật sự kinh hoàng. Chúng tôi bị xếp trong khoang thuyền như cá mòi nằm trong hộp. Mỗi khi biển động, người này nôn thốc nôn tháo lên người kia. Nghĩ lại cảm còn cảm thấy khủng khiếp. Nhưng chiếc thuyền của chúng tôi được cho là may mắn đó."

Ông Andy nói đúng. Hàng ngàn thuyền nhân chết đuối khi thuyền của họ bể tan trước gió to, sóng lớn, và chìm xuống Biển Đông. Tai họa không chỉ đến từ thiên nhiên mà còn đến từ con người. Bọn hải tặc chờ chực, hễ thấy thuyền đánh cá của người tị nạn là xông tới cướp của và hãm hiếp phụ nữ.  

Cảnh sát Indonesia kéo chiếc thuyền của hai anh em Andy lên bờ, sau khi chiếc thuyền tấp vào hòn đảo Galang, nơi chính phủ Indonesia dựng trại cho người tị nạn. Họ sống tạm bợ ở đó chờ ngày phỏng vấn để được tái định cư. Cuộc sống trong trại vô cùng khắc nghiệt, và mọi người cố gắng tranh đấu để sống còn. Ông Andy nhớ lại, "Chúng tôi mua một mái nhà được lợp bằng lá dừa với giá $100 Mỹ kim. Mỗi ngày, chúng tôi phải cuốc bộ hơn một dặm đường để mang nước ngọt về uống."  

Theo cô con gái lớn của ông Andy, cô Jessica, 23 tuổi, nhờ đọc những câu chuyện này mà họ (bốn người con của ông Andy) mới hiểu được cha mẹ họ đã hy sinh cả cuộc đời để họ có được ngày hôm nay. Cô Jessica đang theo học môn công nghiệp về ngành sáng tạo tại Ryerson University ở Toronto. Cô nói hầu như cha cô không hề nói gì về những điều ông từng trải qua, trước khi được định cư ở Canada. Jessica nói nhờ có tấm hình này, cha cô mới chịu kể. Cô nói, "Tấm hình đưa cha tôi trở về quá khứ, nhờ vậy ông mới mở miệng và trải rộng cõi lòng."

Jessica nói thậm chí cô cũng thích thú khi nhìn khuôn mặt cha cách đây 37 năm. Lúc đó, ông nhìn thẳng vào ống kính. Lúc đó cũng là lúc số phận của cha cô được quyết định.

Ông McEachern chấp thuận cho Andy và anh ông được tị nạn tại Canada. Họ được lên chiếc phi cơ đầu tiên bay đi Edmonton và sau đó là Winnipeg. Hai anh em cùng sống ở Winnipeg cho tới hiện thời. Cuối cùng, các thành viên khác trong gia đình họ Huỳnh cũng được bảo lãnh qua  Canada.

Ông Andy làm một loạt các công việc ở nhà máy. Ông và vợ, cũng là một thuyền nhân Việt Nam, làm việc nhiều giờ một ngày để cung cấp cuộc sống ổn định và thoải mái cho bốn người con. Ông nói, "Tôi tiết kiệm từng xu, nhưng vẫn không đủ để mua những món đồ ngoài nhu yếu phẩm."

Giống như bọn trẻ đồng lứa tuổi, Jessica thú nhận cô lớn lên vô tư và không biết gì về những khó khăn mà cha mẹ cô từng trải qua khi còn là người tị nạn. Nhiều khi cô nhõng nhẽo không chịu ăn cơm tối, cha cô nói, "Con phải biết ơn khi cầm chén cơm trên tay. Có những ngày, cha mẹ không có gì để ăn."

Jessica cho biết, "Cha tôi không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn có cách chứng tỏ để người phỏng vấn nhận ông vào Canada. Tôi biết cha tôi rất thông minh. Có lần tôi hỏi, Nếu không bị cản trở bởi ngôn ngữ, cha thích làm gì? Ông trả lời, Làm một nhà khoa học.”

Hai vợ chồng đều là công nhân nhà máy, nhưng họ làm việc sớm khuya để bốn người con tốt nghiệp đại học. Jessica nói, "Chúng tôi là niềm tự hào của cha. Không có điều gì làm ông vui bằng nhìn thấy chúng tôi vào đại học." Jessica khoe người em trai kế cũng vừa mới tốt nghiệp.  

Ông Andy cho biết sau khi con cái lớn hết, vợ chồng ông bắt đầu trở về Việt Nam, thăm lại quê hương. Nhưng ông thú nhận không thể nhớ nổi hình ảnh của thị trấn quê nhà. Mọi thứ đều thay đổi. Jessica nói cha cô muốn tìm lại những người bạn thời thơ ấu, để trao đổi với họ những tấm ảnh đen trắng đã phai màu.  

Jessica cho biết cô sống trong thời đại kỹ thuật số, muốn biết điều gì chỉ cần vào Google là có ngay. Nhưng cách đây 37 năm, cha mẹ cô liều lĩnh từ cỏ quê hương tới một đất nước mới lạ, đó là điều cô không bao giờ tưởng tượng nổi. Nhờ có tấm hình đó mà giờ đây Jessica cảm thấy biết ơn cuộc đời hơn.
Sau khi tấm hình cậu thiếu niên Andy 17 tuổi, mặc áo thun sọc, được tiết lộ, ông Andy cởi mở hơn với các con về quá khứ của ông. Nhìn tấm hình, ông không còn cảm thấy những kỷ niệm đau đớn, mà lại thấy một điều gì đó tràn đầy hy vọng. Ông nói khi ngắm tấm hình, ông nhìn thấy cô con gái lớn Jessica.  
Cuộc đời thuyền nhân của ông Andy mang lại một tác động sâu sắc cho toàn gia đình. Jessica nói tấm hình "nhắc nhở cha tôi những điều ông đạt được, và chúng tôi thực sự tự hào về ông."

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT