Đời Sống Việt

Nhớ đêm Bolsa nổi lửa: Họp Mặt Du Ca 2013

Saturday, 29/03/2014 - 12:49:00

Năm ngoái, khi nhận được thông báo Họp Mặt Du Ca 2013, tôi khấp khởi trả lời, “Vợ chồng con sẽ đưa hai cu tí đến để nghe hát và học hát.” Năm trước đó, chúng tôi không đến dự được vì lý do sức khỏe, dù muốn dự Giỗ đầu của Du Ca Nguyễn Đức Quang. Tôi giải thích với chồng về lý do tham dự

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Olivier Glassey-Trầnguyễn

 
Năm ngoái, khi nhận được thông báo Họp Mặt Du Ca 2013, tôi khấp khởi trả lời, “Vợ chồng con sẽ đưa hai cu tí đến để nghe hát và học hát.” Năm trước đó, chúng tôi không đến dự được vì lý do sức khỏe, dù muốn dự Giỗ đầu của Du Ca Nguyễn Đức Quang. Tôi giải thích với chồng về lý do tham dự, “Đây là phong trào sinh hoạt thanh niên, với những ca khúc lành mạnh, trong sáng, đầy lý tưởng, và vui tươi. Thích hợp cho cả gia đình.” Vợ chồng tôi gặp nhau trong ca đoàn của nhà thờ tại trường đại học, nên nghe tới hát thì chồng tôi chịu liền.

Lửa Du Ca

Hòa Lan. San Diego. Quận Cam. Bắc Calif. Ngọn lửa Du Ca 2013 được thắp lên bởi bao trái tim về từ khắp nơi, nhưng đập chung một nhịp: yêu nước, yêu người, yêu phục vụ. Bất cứ ai đến với một chương trình Du Ca lần đầu chắc cũng sẽ nhận xét như chồng tôi, "Hình như ai cũng biết nhau, mọi người đối với nhau rất thân tình." Các thành viên Du Ca hít thở một tinh thần hiệp nhất – dù một năm gặp nhau một lần. Cái tình thân từ Sài Gòn bốn mươi năm trước, giờ còn tươi rói.

Tôi mường tượng bối cảnh ra đời của Du Ca. Tuy Du Ca chào đời và lớn mạnh trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của quê hương hơn nửa thế kỷ trước, nhưng tinh thần Du Ca luôn thích hợp ở mọi nơi mọi lúc, vì lý tưởng dấn thân và yêu nước luôn là những nhu yếu phẩm quan trọng nhất ở mọi thời đại cho bất cứ dân tộc nào. Vài chục năm sau, lời hiệu triệu yêu nước và giữ nước càng trở nên cấp thiết hơn khi Trung Quốc đang lăm le xâm lược hải phận Việt Nam.

Khi “Mẹ Việt Nam đau” (Triệu Con Tim của Trúc Hồ), thì ở thời nào, ở nơi nào, con dân Việt cũng cần cái hào khí và dũng khí được nuôi nấng, hun đúc trong dòng nhạc Du Ca. Nên khi cùng hát “Về Với Mẹ Cha” (Nguyễn Đức Quang), hay gọi “Triệu Con Tim” (Trúc Hồ), nhắc nhau “Đừng Quên” (Nguyễn Quyết Thắng), và cảm “Tình Hoài Hương” (Phạm Duy), vv, thì đêm càng khuya, lời hát càng say, càng vang. Tiếng hát tiếng cười làm rực cả trời đêm Bolsa.

Tôi đến bàn tiếp tân để mua sách nhạc của Du Ca Nguyễn Quyết Thắng. Cô thiếu nữ duyên dáng và hiền lành Nam Phương theo cha đi sinh hoạt Du Ca, vừa hát vừa giúp bán sách. “Ba em là người Gò Công hay sao mà đặt tên em giống Hoàng hậu Nam Phương?” tôi hỏi. “Em sinh ở Đà Nẵng, nhưng Ba em muốn đi càng xa Cộng Sản càng tốt, nghĩa là phải đi về miền Nam, nên đặt tên em là Nam Phương. Anh của em tên là Phương Nam.” Cám ơn những bậc cha mẹ Du Ca như thế – đã cho con mình một dấu ấn lịch sử trong tên gọi, như một nhắc nhở cần thiết và một tuyên ngôn vì tự do.

Dòng nhạc Du Ca là điểm hội tụ, cũng như điểm tựa, cho bao tầng lớp thanh niên trong thời chiến tại miền Nam. Sau bao thế hệ, Du Ca vẫn còn là một niềm háo hức, một nỗi mong chờ, một trời hạo khí. Thanh niên tìm đến Du Ca để cùng ‘gầy’ lửa, và nhiệt huyết chung đã ‘gây’ cho ngọn lửa Du Ca cháy bùng thêm. Nhìn quanh phòng, tôi nhận ra rất nhiều những tâm hồn dấn thân: những cô giáo Việt ngữ, những trưởng hướng đạo, những nhà truyền thông, những người gìn giữ nhạc dân tộc, những bác sĩ quán xuyến các tổ chức bất vụ lợi cho cộng đồng, những trái tim rực lửa. Mắt họ lấp lánh sáng. Môi hân hoan. Mặt toát lên sức sống. Đây là những củ gừng rất cay của dân tộc.

Nổi lửa, nối lửa

Một giờ sáng mới leo lên giường, đã mệt nhừ, chồng tôi còn hỏi níu, "Bao lâu thì Du Ca họp mặt một lần?" "Hằng năm, nhưng vẫn có nhiều chương trình Du Ca khác quanh năm. Cưng hỏi chi vậy?" "Tại anh thích sinh họat này." Du Ca – với âm nhạc là tâm điểm – đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với những người đang học tiếng Việt như chồng tôi.

Du Ca thắp lên những ngọn lửa lòng – thứ lửa không bao giờ tắt, thứ lửa cần nhất cho nhân loại. Nhạc Du Ca và tinh thần Du Ca, ngọn lửa giữ cho đời ấm áp, mạnh mẽ, công bằng, nhân ái. Tôi rất thích nhạc Du Ca, nhưng khổ nỗi không hát lúc ru con được, tuy con tôi còn nhỏ hay ngủ nên tôi phải hát ru cả ngày cả đêm. Ru con mà hát nhạc Du Ca thì hai mẹ con (và có lẽ mọi người khác trong nhà) sẽ thức trắng đêm.

Tôi mong dòng nhạc Du Ca được nối dài, nhất là ở hải ngoại. Tuy Du Ca khởi đi là một phong trào thanh niên, nhưng sau khi ‘di dân’ đi khắp nơi trên thế giới, Du Ca cần ‘regenerate’ – cần gieo đợt giống mới, để có ‘Du Ca Nhí.’ Mạ non sẽ là những bài hát thích hợp cho tuổi thiếu nhi, để các cháu có thể ê a hát Du Ca từ nhỏ. Tuy các bài hát Du Ca vẫn được sử dụng rộng rãi trong phong trào Hướng Đạo, nhưng đa số vẫn còn cho người lớn, nên cần có những bài với ca từ và làn điệu thật đơn giản. Dần dần, khi lớn hơn, các cháu có thể hát những bài Du Ca được truyền lại từ mấy chục năm nay.

Du Ca nổi lửa lên cho đời này. Du Ca nối lửa tiếp cho đời sau. Vì “Chúng ta là bước người xông pha, Chúng ta là những lớp phù sa, Chúng ta là ngọn đuốc bừng to, Chúng ta là Tự Do!!! Bạn hỡi...! Hành trang ta đem trong ta, Một khối ốc, một tấm lòng, một giấc mơ…” (“Bài Ca Tuổi Trẻ,” Phan Văn Hưng).

Luôn luôn là một giấc mơ cho Mẹ Việt Nam…

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT