Hoa Kỳ

Nhiếp ảnh gia kể lại chuyện đằng sau bức ảnh về đứa bé khóc ở biên giới Mỹ-Mễ

Tuesday, 19/06/2018 - 08:47:31

Nhiếp ảnh gia John Moore làm việc cho Getty Images cho biết ông chỉ có trong tích tắc để chụp một bức ảnh của bé gái, thậm chí không đủ thời gian để lấy tên của bé.


Bé gái 2 tuổi từ Honduras đang khóc trong lúc mẹ bị lính biên phòng Mỹ kiểm tra tại biên giới Mễ Tây Cơ, thuộc thị xã McAllen, Texas ngày 12 tháng Sáu, 2018. (John Moore/Getty Images)

MCALLEN, Texas – Trong mấy ngày, hình ảnh một bé gái mặc áo sơ mi màu đỏ hồng khóc òa và ngước nhìn người mẹ đang bị các các lính biên phòng khám xét gần biên giới Mỹ-Mễ tại tiểu bang Texas đã được phổ biến khắp thế giới. Đó là hình ảnh mà thế giới nói là tiêu biểu cho chính sách chống di dân của chính phủ Trump.
Bé gái và mẹ là người Honduras. Em được hai tuổi. Hai mẹ con nằm trong số nhiều gia đình bị chặn lại ở biên giới Mỹ-Mễ trong những ngày gần đây, khi họ đang tìm cách vượt biên một cách bất hợp pháp từ vùng Rio Grande Valley.

Em bé bị tách ra khỏi mẹ trong một thời gian ngắn và liền bật khóc, khi người mẹ bị nhà chức trách biên giới Hoa Kỳ khám xét.

Sau đó hai mẹ con gái bị đưa đi tới một nơi nào đó mà người mẹ có lẽ bị truy tố trước khi bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.

Nhiếp ảnh gia John Moore làm việc cho Getty Images cho biết ông chỉ có trong tích tắc để chụp một bức ảnh của bé gái, thậm chí không đủ thời gian để lấy tên của bé.

Ông nói với đài phát thanh National Public Radio về nhóm di dân mà ông đã chụp hình, “Tôi đã có thể nhìn thấy vẻ sợ hãi trên mặt họ, trong mắt họ.”

Ông nói tiếp với đài hôm thứ Hai vừa qua, “Khi các lính Tuần Tra Biên Giới ghi lại tên người ta, tôi có thể thấy một người mẹ ôm một đứa con. Và đến lúc khám xét người mẹ và đứa con gái hai tuổi trước khi chuyển mẹ con tới trung tâm thanh lọc, người lính nói người mẹ hãy để đứa con gái xuống.

“Vào lúc đó, đứa bé òa khóc, và bé bắt đầu gào khóc. Tôi đã quỳ một chân và chỉ có thể bấm vài tấm trước khi khoảnh khắc đó kết thúc. Người mẹ nhấc đứa con gái lên, và họ bị đưa lên xe van, và tất cả bị chở đi nơi khác.”
Đứa bé với những lọn tóc đen đã đặt khuôn mặt con người lên chính sách “không khoan dung” của Tổng Thống Donald Trump, mà theo đó lính biên phòng bắt giữ tất cả những người lớn nào bị bắt gặp đang tìm cách xâm nhập vào Mỹ một cách bất hợp pháp.

Gần 2,000 trẻ em đã bị tách ra khỏi cha mẹ, từ giữa tháng Tư cho tới cuối tháng Năm, theo một chính sách mới đang bị lên án từ cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.

Ông Moore nói rằng ông cũng là một người cha, và rất khó cho ông khi phải nhìn bé gái và người mẹ mà không nghĩ đến con của ông.

Ông nói với đài, “Hầu hết chúng ta ở đây đều nghe tin rằng chính phủ đã dự định tách lìa các gia đình. Riêng những di dân này thì họ thực sự không biết tin, và thật đau lòng khi chụp những tấm ảnh này, và biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Là một phóng viên nhiếp ảnh, vai trò của tôi là cứ tiếp tục làm việc, ngay cả khi gặp cảnh khổ tâm. Nhưng với cương vị một người cha - chính tôi cũng có một đứa con mới chập chững - rất khó nhìn thấy điều gì đang xảy ra trước ống kính của tôi, và nghĩ rằng mấy đứa con của tôi sẽ ra sao khi bị tách ra khỏi tôi.”
Trước khi ông có thời gian để chụp thêm nhiều tấm ảnh nữa, bé gái và mẹ đã biến mất.
Ông Moore nói rằng ông không biết chuyện gì xảy ra cho họ.

Ông nói, “Tôi rất muốn biết. Từ lúc tôi chụp mấy bức ảnh, tôi thường nghĩ về khoảnh khắc ấy. Và mỗi lần nghĩ đến thời điểm đó, tôi vẫn luôn cảm động.”

Mặc dù bị chỉ trích rất nhiều từ cả hai đảng và từ bốn đệ nhất phu nhân (Laura Bush, Hillary Clinton, Michelle Obama, và chính bà Melania vợ ông Trump), cho đến ngày thứ Ba, 19 tháng Sáu, Tổng Thống Trump vẫn bênh vực cho chính sách tách trẻ em ta khỏi cha mẹ ở biên giới. Ông đổ lỗi cho chính sách trước đây của đảng Dân Chủ và nói rằng ông sẽ không để cho nước Mỹ trở thành một “trại di cư” và bị tràn ngập bởi “di dân lậu.”
Trong những người lên án ông Trump có các chuyên viên y tế. Họ nói rằng việc trẻ em bị tách ra khỏi cha mẹ có thể gây chấn thương tâm lý cho các em suốt đời.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT