Sức Khỏe

Nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori)

Friday, 27/12/2019 - 07:17:56

Nhiều người bề ngoài khỏe mạnh có thể một ngày được bác sĩ của mình thông báo là mình đang bị nhiễm trùng H. pylori khiến họ bị hoang mang, sợ hãi.

Nhiều người bề ngoài khỏe mạnh có thể một ngày được bác sĩ của mình thông báo là mình đang bị nhiễm trùng H. pylori khiến họ bị hoang mang, sợ hãi.

Vậy nhiễm trùng H. pylori là gì?
H. pylori là tên của một loại vi trùng thường gây nhiễm trùng ở bao tử. H. pylori thường xâm nhập vào dạ dày từ lúc bệnh nhân còn nhỏ tuổi. Nhiễm trùng này thường ít gây ra triệu chứng hay làm bệnh nhân bị bệnh, do đó nó ít khi được định bệnh, trừ khi bác sĩ của bạn nghi ngờ và cho bạn đi thử nghiệm.
Vậy khi nào thì bác sĩ của bạn nghi ngờ?
Tuy ít gây ra triệu chứng nhưng không phải là không có. Triệu chứng thường thấy nhất là loét bao tử và là nguyên nhân khiến bác sĩ cho bạn đi thử nghiệm

Triệu chứng bệnh nhiễm H. pylori

- Đau hoặc nóng rát ở bụng
- Đau bụng nhiều hơn khi đói
- Buồn nôn
- Không muốn ăn
- Hay ợ, đầy hơi
- Giảm cân không chủ ý

Khi các triệu chứng kéo dài khiến bạn lo lắng, bạn nên đi khám bệnh. Đi khám khẩn cấp ngay nếu bị:
- Đau bụng dữ dội hoặc kéo dài
- Khó nuốt
- Phân có máu hoặc đen
- Nôn ra máu đỏ hay đen trông giống như bã cà phê

Nguyên nhân

H. pylori gây nhiễm bệnh bằng cách nào thì chưa ai biết. Vi trùng H. pylori lây truyền từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn hoặc phân. H. pylori cũng có thể lây qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.

Ai dễ bị nhiễm trùng H. pylori

H. pylori thường nhiễm vào người trong thời thơ ấu. Nguy cơ nhiễm H. pylori có liên quan đến điều kiện sống lúc nhỏ tuổi, chẳng hạn như:
- Sống trong điều kiện đông đúc. Bạn có nguy cơ nhiễm H. pylori cao hơn nếu bạn sống trong nhà có nhiều người.
- Không có nguồn cung cấp nước sạch đáng tin cậy. Có nguồn cung cấp nước sạch, đáng tin cậy giúp giảm nguy cơ mắc H. pylori.
- Sống ở một quốc gia đang phát triển. Những người sống ở các nước đang phát triển, nơi điều kiện sống đông đúc và mất vệ sinh thường thấy, có nguy cơ nhiễm H.pylori cao hơn.
- Sống với người bị nhiễm H. pylori.

Biến chứng

- Loét bao tử. H. pylori có thể làm hư lớp lót bảo vệ dạ dày và ruột non, khiến chất acid trong dạ dày ăn vào thành dạ dày, tạo ra một vết loét mở. Khoảng 10 phần trăm những người bị H. pylori bị loét.
- Viêm niêm mạc dạ dày. Nhiễm H. pylori có thể kích ứng dạ dày, gây viêm dạ dày.
- Ung thư dạ dày. Nhiễm H. pylori là một yếu tố nguy cơ lớn cho một số loại ung thư dạ dày.

Phòng ngừa

Ở những nơi trên thế giới có nhiều trường hợp nhiễm H. pylori và các biến chứng, đôi khi các bác sĩ sẽ cho thử nghiệm những người khỏe mạnh để tìm H. pylori. Tuy nhiên, việc điều trị H. pylori khi không có triệu chứng nhiễm trùng đang gây tranh cãi giữa các bác sĩ.
Nếu bạn lo lắng về nhiễm trùng H. pylori hoặc nghĩ rằng bạn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, hãy nói chuyện với bác sĩ và thảo luận xem bạn có nên thử nghiệm H. pylori hay không.

Định bệnh

Các thử nghiệm định bệnh nhiễm H. pylori gồm có:
- Thử nghiệm máu, có thể cho thấy dấu hiệu đang nhiễm H. pylori hoặc trước đó. Tuy nhiên, thử nghiệm hơi thở và phân tốt hơn trong việc tìm ra đang nhiễm trùng H. pylori.
- Thử nghiệm hơi thở. Bệnh nhân được cho nuốt một viên thuốc hay chất lỏng có chứa các phân tử carbon đã được đánh dấu. Nếu bạn bị nhiễm H. pylori, carbon sẽ được phóng ra khi dung dịch tiêu hóa trong dạ dày. Cơ thể hấp thụ carbon và thải nó ra khi bạn thở ra. Bạn được cho thở vào một cái túi và bác sĩ sử dụng một thiết bị đặc biệt để tìm ra các phân tử carbon này.
Các thuốc chống acid được gọi là thuốc ức chế bơm proton (PPI), bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol) và kháng sinh có thể can thiệp vào độ chính xác của thử nghiệm này. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng dùng các loại thuốc đó trong một hoặc hai tuần trước khi bạn làm thử nghiệm. Thử nghiệm này có thể dùng cho người lớn và trẻ em.
- Thử nghiệm phân. Thử nghiệm này tìm các protein lạ (antigen, kháng nguyên) liên quan đến nhiễm H. pylori trong phân của bạn. Thuốc PPI và bismuth subsalicylate có thể ảnh hưởng đến kết quả của thử nghiệm này nên bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng dùng chúng trong hai tuần trước khi thử nghiệm.
- Soi dạ dày. Bạn sẽ được cho uống thuốc ngủ trước khi được làm thử nghiệm soi dạ dày được gọi là nội soi trên. Bác sĩ luồn một ống dài và mềm có gắn một máy ảnh nhỏ xíu xuống cổ họng và thực quản vào dạ dày và tá tràng. Dụng cụ này cho phép bác sĩ của bạn xem thấy bất kỳ bất thường nào trong đường tiêu hóa trên của bạn và lấy các các mẫu mô (sinh thiết).
Những mẫu này được xem xét tìm nhiễm H. pylori. Thử nghiệm này thường không được khuyên dùng chỉ để định bệnh vì nó xâm lấn hơn so với xét nghiệm hơi thở hoặc phân, nhưng nó có thể được sử dụng để định bệnh loét dạ dày do H. pylori hoặc nếu cần, để loại trừ các bệnh tiêu hóa khác.

Điều trị

Nhiễm H. pylori thường được điều trị bằng ít nhất hai loại kháng sinh khác nhau cùng một lúc, để giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển đề kháng với một loại kháng sinh. Bác sĩ cũng sẽ kê toa hoặc đề nghị một loại thuốc chống axit, để giúp niêm mạc dạ dày của bạn lành lại.
Các loại thuốc chống acid gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI). Những loại thuốc này ngăn chặn acid được sản xuất trong dạ dày. Một số ví dụ về PPI là omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid) và pantoprazole (Protonix).
- Thuốc chặn histamine (H-2). Những loại thuốc này ngăn chặn chất histamine, chất kích hoạt sản xuất acid. Một ví dụ là cimetidine (Tagamet).
- Bismuth subsalicylate. Được biết dưới tên Pepto-Bismol, thuốc này hoạt động bằng cách phủ lên vết loét và bảo vệ nó khỏi acid dạ dày.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên thử nghiệm H. pylori ít nhất bốn tuần sau khi điều trị. Nếu các xét nghiệm cho thấy việc điều trị không thành công, bạn có thể trải qua một đợt điều trị khác với sự kết hợp khác nhau của thuốc kháng sinh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT